Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh với Quân đội nhân dân Việt Nam

“Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”. (HỒ CHÍ MINH - 22/12/1964)

Chủ tịch Hồ Chí Minh - Lãnh tụ thiên tài của Đảng, của dân tộc Việt Nam.  Người đã trực tiếp tổ chức sáng lập, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam. Người cũng luôn quan tâm chăm lo xây dựng quân đội trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.

 
Ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của một quân đội cách mạng. Từ năm 1925 đến năm 1927, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc mở các lớp đào tạo cán bộ cho cách mạng Việt Nam. Kết thúc khóa học, Người trực tiếp lựa chọn các học viên tiêu biểu tiếp tục đi học ở trường Quân sự Hoàng Phố (Trung Quốc) nhằm chuẩn bị mội mặt để thành lập lực lượng vũ trang tập trung.
Ngày 28/1/1941, Sau 30 năm bôn ba nước ngoài, Chủ tịch Hồ Chí Minh về nước lãnh đạo phong trào cách mạng. Sau khi phân tích tình hình, ngày 22/12/1944 Chủ tịch Hồ Chí Minh ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân gồm 34 cán bộ chiến sỹ do đồng chí Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy. Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ra đời có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc. Đây là đợn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng. Là tiền thân của Quân đội nhân dân việt Nam. Đánh dấu sự ra đời của một tổ chức quân sự mới của dân tộc ta. Một quân đội do dân, vì dân, luôn gắn bó máu thịt với dân, luôn được dân tin yêu đùm bọc.
Ngay trong những ngày đầu mới thành lập, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã mưu trí, dũng cảm chiến đấu, lập nên chiến công Phai Khắt, Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Chiến công nối tiếp chiến công, Quân đội ta đã cùng với toàn dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa, đưa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đến thắng lợi, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước Công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, Quân đội đã làm nòng cốt cùng toàn dân và các lực lượng vũ trang chiến đấu và giành thắng lợi vang dội trong các chiến dịch Việt Bắc (năm 1947), Biên Giới (năm 1950) và cuộc quyết chiến chiến lược Đông Xuân (năm 1953 - 1954) với đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, từ Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” (năm 1972) đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử; quân và dân ta đã làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975; góp phần hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó là những kỳ tích hào hùng của thời đại Hồ Chí Minh.
Trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, cùng toàn dân bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
 Không những đào tạo, rèn luyện, bồi dưỡng cho cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh còn luôn quan tâm, chăm lo đến những nhu cầu chính đáng để mỗi người lính có thể yên tâm, phấn khởi hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tình yêu Bác giành cho toàn thể cán bộ, chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Namtình cảm cha con, bác cháu, đồng chí, đồng đội.
Trong các chiến dịch lớn, Bác luôn giành thời gian đi thăm hỏi, động viên các đơn vị bộ đội. Sau thắng - bại của mỗi trận đánh Người kịp thời biểu dương, khen thưởng các cá nhân, đơn vị lập công xuất sắc và phê bình những việc chưa tốt của cán bộ, chiến sỹ.
Tháng 1/1947 nghe tin con trai bác sỹ Vũ Đình Tụng đã anh dũng hy sinh trong chiến đấu, Bác gửi thư chia buồn, trong thư Bác viết: "Ngài biết rằng Tôi không có gia đình, cũng không có con cái, nước Việt Nam là gia đình của tôi, thanh niên Việt Nam là con cháu của Tôi, mất một thanh niên thì hình như Tôi mất một khúc ruột...".
 Năm 1954 trên chiến khu Việt Bắc, một đêm mưa phùn gió rét, Bác đang đánh máy chữ trên nhà Sàn bỗng nghe tiếng ngã bên ngoài, đó là anh chiến sỹ đứng gác sơ ý bị sa chân xuống hố tránh máy bay. Bác vội chạy xuống không kịp khoác áo bông, chân chỉ đi một chiếc guốc, Bác kéo anh chiến sỹ lên rồi nắn chân cho anh và nói: "Chú ngã thế đau lắm. Chú cứ ngồi xuống đây bóp chân cho đỡ đau". Đến khi anh chiến sỹ đứng dậy đi được Bác mới quay vào nhà.

  Mùa hè 1967, thời tiết rất nóng. Bác nói với đồng chí thư ký lên xem bộ đội phòng không trực chiến trên nóc hội trường Ba Đình có đủ nước uống không. Được biết các chiến sỹ không có nước uống, Bác bảo đồng chí thư ký lấy sổ tiết kiệm của Bác xem còn khoảng 25.000 đồng (lúc bấy giờ tương đương 60 lạng vàng), Người nói: Tặng ngay số tiền đó để Bộ Tư lệnh phòng không mua nước cho anh em chiến sỹ đang trực chiến.
Tháng 5/1969, sức khỏe Bác lúc đó yếu lắm, nhưng Người vẫn đến thăm Hội nghị cao cấp toàn quân họp tại đình hội đồng ở cuối đường xoài. Bác dặn anh em bố trí sao để các đồng chí bộ đội không biết Bác yếu, vì nếu biết sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng toàn quân. Nên khi mọi người hướng ra cửa chính đón Bác thì Người bí mật đi cửa sau. Buổi gặp gỡ diễn ra rất vui vẻ, phấn khởi. Cuối cùng Bác căn dặn: "phải cố gắng học tập và luôn luôn gương mẫu về đạo đức cách mạng". Khi chia tay mọi người muốn tiễn Bác ra nhưng như thế thì lộ bí mật, thế là Bác hô khẩu lệnh: "Tất cả đứng dậy!", rồi "đằng sau quay!". Trong lúc mọi người nghe lệnh, anh em lại nhanh chóng dìu Bác ra xe về nhà Sàn. Đây cũng là lần gặp gỡ cuối cùng của Bác Hồ với các chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Nam.
Cuối cùng, trong Di chúc, Người viết: “Tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng”. Thật xúc động biết bao trước khi từ giã cõi trần, trong số những thành phần xã hội được Bác Hồ nhắc đến và “để lại muôn vàn tình thân yêu” có cán bộ, chiến sĩ quân đội. Bác không quên dặn dò Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và nhất là công ăn việc làm của bộ đội phục viên, chuyển ngành khi cuộc kháng chiến của ta hoàn toàn thắng lợi.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa hơn 50 năm, nhưng những tư tưởng, câu chuyện cảm động, những huấn thị của Người đối với Nhân dân Việt Nam nói chung, Quân đội nhân dân nói riêng vẫn mang tính thời sự, còn nguyên vẹn giá trị và là bài học quý báu đối với Quân đội nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc. Học tập và làm theo lời Bác, phát huy truyền thống dân tộc, cán bộ, chiến sĩ toàn quân nguyện đoàn kết một lòng, nỗ lực phấn đấu, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm tròn chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất và làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang; góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
                                                                                                                                                                                                                                                      Vũ Duy - P.PHGT