Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Một vài nét cơ bản trong văn hóa chính trị Hồ Chí Minh

Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một nét nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm tổng hòa các giá trị về tư tưởng, hành vi chính trị mang tính chân, thiện, mĩ mà Hồ Chí Minh sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một nét nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm tổng hòa các giá trị về tư tưởng, hành vi chính trị mang tính chân, thiện, mĩ mà Hồ Chí Minh sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Từ khóa: Hồ Chí Minh, văn hóa chính trị, lãnh đạo, quản lý
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ vĩ đại, nhà tư tưởng, nhà lý luận thiên tài của cách mạng Việt Nam, Người đã nêu một tấm gương sáng trong việc kế thừa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, tiếp thu và vận dụng chủ nghĩa Mác - Lênin trên tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo. Hệ thống tư tưởng của Người bao trùm lên rất nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa chính trị Hồ Chí Minh.
 
Văn hóa chính trị Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam và góp phần làm phong phú thêm các giá trị văn hóa chính trị của nhân loại. Đây chính là phương diện nổi bật của văn hóa Hồ Chí Minh, bao gồm tổng hòa các giá trị về tư tưởng, hành vi chính trị mang tính chân, thiện, mĩ mà Hồ Chí Minh sáng tạo trong suốt quá trình đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp và giải phóng con người. Trước thực trạng đất nước bị áp bức bóc lột, nhân dân đói khổ lầm than, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành chí hướng và nung nấu tư tưởng tìm một con đường để cứu nước, giải phóng dân tộc và giúp đồng bào thoát khỏi cảnh nô lệ. Để thực hiện hoài bão cao cả đó, Người đã không quản ngại khó khăn gian khổ ra đi tìm đường cứu nước với hành trang là lòng yêu nước thương dân sâu sắc, thấu hiểu được sức mạnh của ý chí độc lập tự cường của dân tộc. Ngày 05/06/1911 Người xuống chiếc tàu buôn Pháp, không một sự trợ giúp nào, bằng chính hai bàn tay trắng và sức lao động rẻ mạt đã dũng cảm vượt qua mọi khó khăn thử thách quyết tâm tìm con đường cứu nước. Việc chọn hướng đi trong hành trình tìm đường cứu nước là sự đột phá mới trong tư duy chính trị thể hiện bản lĩnh độc lập, sáng tạo và mở đường cho dân tộc Việt Nam phát triển thoát khỏi bế tắc.
 
Với Hồ Chí Minh, chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam là sợi chỉ đỏ xuyên suốt, là động lực chi phối toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Hồ Chí Minh đánh giá cao lòng nồng nàn yêu nước của con người Việt Nam, với tình cảm, sức mạnh, đoàn kết với nhau tạo thành một làn sóng mạnh mẽ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đó là nguồn lực không bao giờ cạn, trở thành một truyền thống quý báu, của dân tộc. Người khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”(2). Mọi hoạt động cách mạng của Người luôn thể hiện tình yêu quê hương đất nước gắn liền với thương dân, vì dân. Không chỉ thấu hiểu, cảm thông với nỗi khổ đau của đồng bào mình mà trong hành trình tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh còn nhận thấy, giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới cũng là những người cùng khổ, cần phải đoàn kết chặt chẽ với nhau để trở thành đồng minh chống lại kẻ thù chung là thực dân và đế quốc. Sau khi bị thực dân Pháp xâm lược, Việt Nam được chia thành các vùng riêng biệt với mục đích triệt tiêu tinh thần cách mạng của nhân dân. Các phong trào giải phóng dân tộc liên tiếp nổ ra mạnh mẽ nhưng đều bị thất bại là do gặp bế tắc về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Hồ Chí Minh có nói: “Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”. Điều này cho thấy Người đã sớm có ý thức tìm hiểu, khám phá tình hình thế giới để tìm ra con đường mới cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc. Bắt đầu cuộc hành trình tìm đường giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm, Hồ Chí Minh đã tới nhiều nước, làm nhiều nghề để sống và hoạt động cách mạng. Qua hoạt động thực tiễn trong phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thế giới, Người đã gặp và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy ở học thuyết Mác - Lênin con đường giành độc lập cho dân tộc và tự do cho đồng bào. Người xúc động nói: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(3) Hồ Chí Minh xem chủ nghĩa Mác - Lênin như một kim chỉ nam cho sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc và luôn nhấn mạnh rằng cần phải vận dụng sáng tạo “cẩm nang thần kỳ”. Chính nhờ thắng lợi của cách mạng Nga và luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa mà Người đã tìm thấy ánh sáng cho con đường giải phóng dân tộc mình trong sự nghiệp giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Người nhận rõ rằng: “Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái thật mà thôi: tình hữu ái vô sản”(4). Đây là bước ngoặ̣t trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người, từ chủ nghĩa yêu nước đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời cũng mở ra bước chuyển cho bao thế hệ người Việt Nam, từ người yêu nước trở thành người cộng sản. Khi mới tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản mới giải phóng được dân tộc, cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới”(5). Như vậy con đường cách mạng vô sản ở các nước thuộc địa phải đi từ giải phóng dân tộc đến giải phóng giai cấp và giải phóng con người, việc nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa dân tộc và giai cấp trong cách mạng giải phóng dân tộc của Hồ Chí Minh là vấn đề lý luận hết sức quan trọng thể hiện sự sáng tạo của cách mạng giải phóng dân tộc.
 
Văn hóa lãnh đạo quản lý là nguồn lực nội sinh to lớn vô tận của Đảng, chìa khóa cho năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tạo dấu ấn khai sáng sự phát triển bền vững của đất nước. Đối với mỗi con người chúng ta, lòng nhân ái là một phẩm chất không thể thiếu được. Đối với người lãnh đạo, yếu tố này lại càng có ý nghĩa cao cả. Thương yêu con người là mục đích, là lý tưởng của Hồ Chí Minh và đó cũng là điểm nổi bật trong văn hóa lãnh đạo, quản lý, thể hiện rõ nét qua các hành vi, hành động cụ thể của Người. Hồ Chí Minh quý trọng nhân cách con người, đối với Người, từ Chủ tịch nước tới người lao động bình thường, nếu hoàn thành tốt nhiệm vụ, đều được coi trọng, đều vẻ vang như nhau. Có thể nói đây chính là một điểm nổi bật trong phong cách lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù rằng việc đánh giá con người nói chung, đánh giá và sử dụng cán bộ nói riêng, là cả một khoa học và nghệ thuật mà không phải người lãnh đạo nào cũng làm tốt được.
 
Là một người có trí tuệ uyên bác nhưng trong lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ nhân dân, luôn tin rằng họ là người hiểu biết nhất vấn đề của chính họ và điểm mấu chốt là cán bộ lãnh đạo phải làm sao để khơi dậy nguồn lực trí tuệ đó. Nhận thấy sức mạnh to lớn của nhân dân chỉ phát huy khi được tập hợp đoàn kết và được lãnh đạo bởi một tổ chức chính trị đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là rất to lớn, là vô cùng vô tận. Nhưng lực lượng ấy cần có Đảng lãnh đạo mới chắc chắn thắng lợi”(7), giai cấp mà không có Đảng lãnh đạo thì không làm cách mạng được. Trong bản Di chúc của Người công bố năm 1969, Đảng cầm quyền là Đảng tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp cách mạng trong điều kiện Đảng đã lãnh đạo quần chúng nhân dân giành được quyền lực nhà nước và Đảng trực tiếp lãnh đạo bộ máy nhà nước đó để tiếp tục hoàn thành sự nghiệp độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
 
Về văn hóa lãnh đạo, quản lý của Nhà nước, Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Đã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì lợi cho dân, thì phải làm cho kỳ được. Việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh”(8). Theo Hồ Chí Minh muốn có sức dân, lòng dân thì phải có ý thức tôn trọng nhân dân, hết lòng hết sức phụng sự nhân dân, đặc biệt chú ý không xâm phạm đến lợi ích, quyền lợi hợp pháp, không xúc phạm nhân dân, Người nói: “Ta đừng có làm gì trái ý dân. Dân muốn gì ta phải làm nấy”(9).
 
Từ chỗ đánh giá cao vai trò của dân, Người nhấn mạnh trách nhiệm của Đảng, nhà nước trong việc phát huy quyền làm chủ của dân, làm cho họ có năng lực làm chủ, dám nói, dám làm. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ”(10), nhân dân được hưởng mọi quyền dân chủ, nhà nước phải có trách nhiệm bảo đảm quyền làm chủ của dân, để cho nhân dân thực thi quyền làm chủ của mình. Hồ Chí Minh luôn chủ trương xây dựng mối quan hệ bền chặt giữa đội ngũ cán bộ với nhân dân, không được lãng phí của công, phải sẵn sàng phục vụ nhân dân, sẵn sàng hy sinh quyền lợi cá nhân mình cho Tổ quốc, lấy phục vụ quyền lợi chính đáng của nhân dân làm mục tiêu cho hoạt động của mình, đặc biệt phải chống bệnh tham ô, lãng phí, quan liêu, phải luôn gần dân, hiểu dân và vì dân.
 
Trước lúc đi xa về với thế giới người hiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại bản Di chúc thiêng liêng, mỗi dòng chữ tràn đầy một tình yêu thương rộng lớn, thể hiện tâm nguyện sâu sắc về bản thân của Người: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phụng vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”(6). Trọn cuộc đời, Người đã nêu một tấm gương sáng ngời về một người suốt đời vì dân vì nước, luôn lấy việc phục vụ dân làm mục đích của mình. Người đã đưa đất nước bước sang một kỷ nguyên mới, hòa cùng dòng chảy của thời đại trong quá trình phát triển. Với những công lao to lớn, Người được thế giới vinh danh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam.
 
Nhận rõ giá trị lý luận to lớn của văn hóa chính trị Hồ Chí Minh, ngay từ Đại hội II (2/1951), Đảng Lao động Việt Nam (tên gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ) đã đặt vấn đề phải học tập và phát huy tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời coi đây là nhân tố đầu tiên bảo đảm cho thắng lợi của cách mạng. Đại hội nêu rõ: “Đường lối chính trị, nền nếp làm việc và đạo đức cách mạng của Đảng ta hiện nay là đường lối, tác phong và đạo đức Hồ Chủ tịch… Toàn Đảng hãy ra sức học tập đường lối chính trị, tác phong và đạo đức cách mạng của Hồ Chủ tịch; sự học tập ấy là điều kiện tiên quyết làm cho Đảng mạnh và làm cho cách mạng đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”(11). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII (6/1991) đã đánh dấu mốc quan trọng trong nhận thức của Đảng về tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng khẳng định, “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động”(12). Trong các kỳ Đại hội sau đó, Đảng luôn khẳng định công lao vĩ đại của Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam và khẳng định tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là những nhân tố không thể thiếu trong tư tưởng và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII (1/2016) của Đảng nhấn mạnh: “Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam”(13).
 
Trong những năm đầu của thế kỷ XXI, Đảng chủ trương học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn hệ thống chính trị. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII nhận định: “Việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đạt kết quả bước đầu quan trọng”(14). Tuy nhiên, việc này “chưa đều, chưa đi vào chiều sâu ở nhiều ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị; một số nơi thực hiện còn mang tính hình thức”. Vì vậy, Đại hội quyết định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, ‘tự chuyển hóa” trong nội bộ”(15). Đó cũng chính là tinh thần của Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII.
 
Như vậy, hơn nửa thế kỷ qua đã cho thấy văn hóa chính trị Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển mới của tư tưởng, lý luận chính trị ở Việt Nam, trở thành một bộ phận quan trọng trong nền tảng tư tưởng của Đảng và là yếu tố đảm bảo cho mọi thắng lợi của cách mạng mà nhân dân Việt Nam đã giành được. Điều đó cho thấy, nghiên cứu văn hóa chính trị Hồ Chí Minh là một việc làm cần thiết để có thể xây dựng văn hóa chính trị Hồ Chí Minh cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam hiện nay là vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong việc đẩy mạnh cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch