Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng vì nước vì dân trong Di chúc Hồ Chí Minh

Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao quý nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Mỗi chúng ta đều thấm thía, xúc động khi đọc những lời đầy trăn trở trong bản Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”(1). Đó là thông điệp, là ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.

Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao quý nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Mỗi chúng ta đều thấm thía, xúc động khi đọc những lời đầy trăn trở trong bản Di chúc: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”(1). Đó là thông điệp, là ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.
Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh trong đó cả tinh hoa tư tưởng, tâm hồn, đạo đức “vô cùng cao đẹp và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” của một con người “suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”. Bản Di chúc đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo từ ngày 10 đến 15-5-1965. Đây là một tác phẩm được Người viết lâu nhất, trong 4 năm từ 1965 đến 1969. Trong mỗi năm đó, dù bộn bề công việc đến mấy Người cũng dành một khoảng thời gian vào dịp sinh nhật, từ ngày 10 đến ngày 19/5, để suy ngẫm, trăn trở, sửa chữa và bổ sung, khi thì đánh máy, lúc thì viết tay. Điều đó cho thấy Bác cẩn trọng, cân nhắc thế nào đối với từng câu, từng chữ, từng ý, từng việc, để cô đọng nhất những trăn trở, những điều cần dặn lại với tất cả tâm huyết, trí tuệ, tình thương yêu trong suốt cả cuộc đời Người với Tổ quốc, với nhân dân.
Nhìn tổng thể tinh thần của Di chúc là lời căn dặn: Đảng phải phục vụ nhân dân. Trước khi đi vào cõi vĩnh hằng, điều mà Người quan tâm “trước hết” và “trước tiên” là về Đảng. Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đau đáu nỗi niềm trăn trở làm sao sau khi chiến tranh kết thúc phải xây dựng Đảng, củng cố Đảng, để Đảng ta là một Đảng cầm quyền thật trong sạch, vững mạnh, xứng đáng “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Và trên thực tế, Người đã làm tất cả để thực hiện mục tiêu nhân văn, cao cả đó. Suốt cuộc đời, Người chăm lo giáo dục cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức “là công bộc thật sự của dân”, thực hành cần kiệm liêm chính, chống chủ nghĩa cá nhân, chống các bệnh quan liêu, nhũng nhiễu nhân dân để đảm bảo một Chính phủ liêm khiết, thực sự vì dân: “Việc cần làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”(2). Trước hết nói về Đảng, nhưng trên hết là nhân dân, trong bản Di chúc của mình, Bác đã 17 lần nhắc đến chữ “nhân dân” và những chữ “nhân dân” Bác đều gạch dưới. Người luôn đặt nhân dân ở vị trí trung tâm, mọi suy nghĩ và hành động của Người cuối cùng đều hướng đến lợi ích của nhân dân. Chính vì vậy, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: “Ðảng ta là Ðảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”. Nguồn gốc sức mạnh của Đảng Cộng sản là mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân và được thể hiện trước tiên đó là Đảng phải chăm lo đầy đủ và sâu sắc đến đời sống, lợi ích của nhân dân. Đây là mục đích thiêng liêng, là lý tưởng cao quý của Đảng: “Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dù khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý”. Theo Người để làm được điều đó, “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” và đặc biệt mỗi cán bộ, đảng viên phải “thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”, lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Bình sinh cho đến trọn đời, Bác chẳng nghĩ gì cho bản thân mình, tất cả với khát vọng “Đảng cần phải có kế hoạch để phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân” (3).
Ở bất kỳ đâu, bất cứ lúc nào, Hồ Chí Minh cũng không có ham muốn nào khác ngoài lợi ích của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Trong Di chúc, Hồ Chí Minh coi con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Dành tất cả tình thương yêu cho dân tộc Việt Nam, Người dồn hết tâm lực, trí tuệ chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân sau khi chiến tranh kết thúc, hướng đến mọi đối tượng, không bỏ sót một ai. Bác thông cảm và thương yêu vô bờ bến “nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, bị chế độ phong kiến thực dân áp bức, bóc lột, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh”(4). Người ca ngợi: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng”(5). Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình cho cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, không chỉ tìm mọi cách cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, mà một điều cực kỳ quan trọng là mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ dần dần có thể “tự lực cánh sinh” để góp sức mình cho công cuộc xây dựng lại đất nước. Đối với các liệt sĩ, cần phải xây dựng vườn hoa, bia tưởng niệm để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với gia đình thương binh, liệt sĩ thì phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét. Đánh giá cao phụ nữ đảm đang góp phần xứng đáng trong chiến đấu và sản xuất, Hồ Chí Minh yêu cầu Đảng và Chính phủ phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc, kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự của phụ nữ. Với bà con nông dân, những người vất vả một nắng hai sương, Hồ Chí Minh đã khen ngợi sự đóng góp của họ cho thắng lợi của nước nhà: “Trong bao năm chống thực dân Pháp, tiếp đến chống đế quốc Mỹ, đồng bào ta, nhất là đồng bào nông dân đã luôn hết sức trung thành với Đảng và Chính phủ ta, ra sức góp của góp người, vui lòng chịu đựng mọi khó khăn gian khổ”. Người đề xuất: “Nay ta đã hoàn toàn thắng lợi, tôi có ý đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp để cho đồng bào hỉ hả, mát dạ, mát lòng, thêm nhiều phấn khởi, đẩy mạnh sản xuất”. Còn đối với những con người từng lầm lỗi, lạc đường, hoặc là nạn nhân của chế độ cũ (như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu..), Hồ Chí Minh tâm niệm, dù là ai, họ cũng mang dòng máu Việt, cũng có nguồn cội, nên lấy lòng nhân, khoan dung độ lượng, hướng về lẽ phải chân chính mong mỏi “cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Đặc biệt Di chúc đưa ra kế hoạch xây dựng và chuẩn bị lực lượng cho việc kiến thiết đất nước sau chiến tranh: Đó là các chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong, đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đảng và Chính phủ phải tạo điều kiện cho họ học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc; đó là đoàn viên và thanh niên mà Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên. Cùng với việc đề nghị Đảng, Chính phủ phải có kế hoạch xây dựng lại thành phố, làng mạc, khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế, sửa đổi chế độ giáo dục, chăm lo bảo vệ môi sinh, môi trường...
Nước nhà chưa được thống nhất, Bắc, Nam còn bị chia cắt, đồng bào còn chịu cảnh khói lửa chiến tranh luôn là nỗi canh cánh trong lòng Bác: “Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon ngủ không yên”. Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn day dứt với một suy nghĩ: Người chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Vì thế, Hồ Chí Minh từ chối mọi danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế dành riêng cho Người. Khi được Quốc hội quyết định trao tặng Huân chương Sao vàng Người cũng dành những lời tâm huyết nói về miền Nam. Cả tấm Huân chương vinh danh, Người cũng mong muốn chờ đến ngày miền Nam giải phóng, chờ đến ngày đất nước thống nhất mới nhận. Đến năm 1967 Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác huân chương Lênin- huân chương cao quý nhất của nhà nước Liên Xô nhưng Người cũng đã từ chối và hẹn ngày Bắc- Nam sum họp. Hồ Chí Minh bao giờ cũng muốn niềm vui riêng của mình hòa trong niềm vui chung của toàn dân tộc. Nhưng đến ngày đó Bác đã đi xa và cho đến lúc ra đi trên ngực áo của Bác vẫn không một tấm huân chương. Suốt đời tận tụy vì sự nghiệp cách mạng nên Người coi nước Việt Nam là gia đình Người, Người vui với niềm vui của mỗi người và đau với nỗi đau của mỗi người, của dân tộc. Trọn vẹn cuộc đời Người là dành cho dân, cho nước. Trong những ngày cuối cùng của cuộc đời, nằm trên giường bệnh, dù phải chống chọi với nỗi đau bệnh tật, song mỗi khi tỉnh lại, câu hỏi đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn là những câu hỏi về tình hình chiến sự ở miền Nam. Trước lúc đi xa, với những dòng thiết tha thương nhớ về miền Nam, bản Di chúc khẳng định sức mạnh niềm tin vào một ngày mai thống nhất, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam, Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà... Cuộc chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp hai miền Nam, Bắc để chúc mừng đồng bào, cán bộ chiến sỹ...”(6). Khát vọng, niềm tin tất thắng và ý chí giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà Người dặn lại trong bản Di chúc lịch sử trở thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn cổ vũ đồng bào và chiến sỹ cả nước trong hành trình chiến đấu và chiến thắng.
Lúc sống thì thanh bạch và giản dị, lúc sắp đi xa không màng danh vọng, không ham bia đá, tượng đồng, chỉ nghĩ đến cái lợi cho dân hơn là lưu danh mình nơi hậu thế, Hồ Chí Minh dặn dò rất cặn kẽ về việc tổ chức tang lễ giản đơn, tiết kiệm, không nên phô trương, hình thức làm sao đừng gây phiền hà, tốn kém cho nhân dân: “Sau khi tôi qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”(7). Thi hài thì nên đốt đi để “đối với người sống tốt về mặt vệ sinh, lại không tốn đất”. Dẫu sắp không còn trên đời này nữa, Người vẫn luôn quên mình chỉ nghĩ đến nhân dân, vẫn nhắc nhở đến việc trồng cây để “lâu ngày, cây nhiều thành rừng sẽ tốt cho phong cảnh và lợi cho nông nghiệp”. “Trên mộ nên xây một cái nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ để những người đến thăm có chỗ nghỉ ngơi”. Mặc dù là những lời dặn “về việc riêng” nhưng Di chúc của Bác vẫn là sự quan tâm, lo lắng đến đồng bào. Ham muốn tột bậc của Người là: “nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành…”(8). Trong cuộc sống hàng ngày, Người cũng luôn nghĩ về đồng bào mình, dân tộc mình. Vì vậy, Người khước từ ở tòa nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ Toàn quyền thời đó, sau đó làm nhà sàn nho nhỏ chỉ có phòng nghỉ, phòng làm việc, mỗi phòng chỉ hơn 10 m2. Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ: mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, như dân. Khi mùa hè đến, mồ hôi thấm áo, Người gom góp số tiền nhuận bút viết báo trong nhiều năm, mua nước ngọt cho những chiến sỹ phòng không trên trận địa nóng bỏng. Khi đi công tác nước ngoài được biết có loại cây lá xanh quanh năm không rụng lá, Bác nghĩ tới người lao công đêm đêm vất vả quét lá nên Bác tìm cách đưa về nước trồng trong Khu Phủ Chủ tịch, ngay sát bờ ao cá, để với ý định cho ngành Lâm nghiệp nhân ra trồng ở các đô thị để bớt đi nỗi nặng nhọc cho người công nhân quét đường; Đưa về những cây cọ dầu trồng ở khu vườn Phủ Chủ tịch với ý định cho ngành Nông nghiệp nhân rộng ra lấy quả ép dầu tăng thêm chất béo cho bữa ăn của mọi người, mọi nhà. 24 năm làm Chủ tịch nước, Bác thường xuyên về các địa phương làm việc nhưng hầu như không bao giờ báo trước. Đi cơ sở, về với dân, Người vẫn mang theo cặp lồng đựng cơm để tránh cho nhân dân sự đón tiếp phiền hà tốn kém.
Toàn bộ Di chúc là lời dặn lại của một lãnh tụ hầu như không có lúc nào nghĩ đến bản thân mình, suốt đời nặng lòng vì dân vì nước. Khi thấy tuổi tác càng cao, sức khỏe càng kém không đoán biết có thể phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân được bao lâu nữa, Bác “để sẵn mấy lời…” cho Đảng, cho Dân, cho Nước. Hai mươi năm sau Tuyên ngôn Độc lập, năm 1965, tại ngôi Nhà sàn giản dị Người đặt bút viết những dòng chữ đầu tiên để lại cho đồng bào, đồng chí với tất cả sự khiêm nhường, không gọi là Di chúc như chúng ta thường gọi. Trong “mấy lời để lại”, Người đã viết: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa…”. Trong dòng chữ, lời văn này của Người kết đọng một nỗi niềm, chỉ thiết tha được phục vụ nhân dân, được dâng hiến, được quên mình, không có chút gì cho ham muốn, hưởng thụ riêng của cá nhân như lẽ thường tình ở đời, trong mỗi người chúng ta. Một con người mà “dù phải từ biệt thế giới này” vẫn không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.
50 năm đã trôi qua, những điều trăn trở của Bác trong bản Di chúc đã trở thành hiện thực. Non sông thu về một mối, Bắc Nam ca khúc khải hoàn, đất nước ta ngày nay đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Đặc biệt là sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng, lãnh đạo, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu kinh tế - xã hội to lớn, toàn diện. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng, kinh tế tăng trưởng nhanh, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, vai trò của mặt trận và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Vị thế của dân tộc trên trường quốc tế được nâng cao. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trên thế giới như “điều mong muốn cuối cùng” của Người: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Bản Di chúc bất hủ vẫn sáng ngời tính thời sự. Thông điệp của Hồ Chí Minh vẹn nguyên giá trị, bởi, không chỉ chứa đựng tư tưởng, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh, tinh thần lạc quan của một lãnh tụ cả cuộc đời vì nước, vì dân, không dính líu gì với vòng danh lợi, mà còn hướng tới tương lai, soi đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta vượt qua thử thách, làm nên những thắng lợi huy hoàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch