Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

70 năm “Lời kêu gọi thi đua ái quốc”

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948) và 49 năm (1969) ngày Người mãi mãi đi xa, nhưng vẫn còn đó lời kêu gọi của lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc.

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948) và 49 năm (1969) ngày Người mãi mãi đi xa, nhưng vẫn còn đó lời kêu gọi của lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc.

Mùa xuân năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, tình hình đất nước đang rất khó khăn, nhằm kêu gọi, động viên toàn thể dân tộc phát huy mọi khả năng, cống hiến to lớn cho cách mạng, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Để triển khai Chỉ thị này, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

70 năm đã trôi qua, nhưng lời kêu gọi đó vẫn đầy tính hiện thực, luôn luôn thúc giục tinh thần thi đua của mỗi người dân Việt Nam yêu nước đã được viết với văn phong của một cây bút bậc thầy.

Không chỉ là người sáng lập ra nền báo chí Cách mạng Việt Nam, với cương vị một nhà báo, Hồ Chủ tịch là một ký giả xuất sắc bởi cách nói có hình ảnh, câu văn giản dị và luôn ngắn gọn.

Khi bàn về dân chủ, người đúc kết: “Dân chủ là để làm sao cho dân được mở miệng ra”. Câu nói này đã được minh chứng bằng cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên (1946) để từ đó, người dân thoát khỏi kiếp “thần dân”, trở thành “công dân”, thực sự được bày tỏ (mở miệng) thể hiện chính kiến của mình thông qua lá phiếu bầu lên Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Nói về trẻ em, Hồ Chủ tịch dùng hình ảnh gần gũi với sự so sánh giản dị: “Trẻ em như búp trên cành – Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”.

Về mối quan hệ giữa hợp tác xã với mỗi người dân, Hồ Chủ tịch nói: “Hợp tác là nhà, xã viên là chủ”…

Trong hàng ngàn bài báo của Người, hầu hết trong số đó là những bài ngắn hoặc rất ngắn. Có những bài chỉ trên 100 từ và bài dài nhất có lẽ cũng không quá 2000 từ. Đây chính là tài năng của người cầm bút bởi những bài viết được chắt lọc và cô đặc, điều thường thấy ở những “cây đại thụ” báo chí, văn chương.

Trở lại với Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Hồ Chủ tịch, chỉ với vẻn vẹn 441 từ, Hồ Chủ tịch đã dấy lên một phong trào lớn kéo dài đến tận ngày nay và chắc chắn, sẽ còn lâu hơn nữa.

Vẫn cách viết ngắn gọn, rành mạch, xúc tích, ngôn ngữ giản dị, mở đầu Lời kêu gọi, Hồ Chủ tịch viết: “Mục đích thi đua ái quốc là gì? Và Người trả lời: “Diệt giặc đói khổ, diệt giặc dốt nát, diệt giặc ngoại xâm”. Đây cũng chính là nội dung Sắc lệnh số 01 Hồ Chủ tịch ký năm 1946 với tư cách Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Như vậy là chỉ với vẻn vẹn 12 từ, Hồ Chủ tịch đã nêu lên nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn Dân cũng như mục đích của phong trào đồng thời còn chỉ rất rõ thứ tự ưu tiên, đó là diệt giặc đói trước (để cứu mạng sống của dân), diệt giặc dốt (không có tri thức thì không thể chống được ngoại xâm, nhất là Thực dân Pháp. Sau này Người còn viết “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”) và mục đích sau đó là diệt giặc ngoại xâm.

Về tinh thần, Hồ Chủ tịch nêu cụ thể, dựa vào “Lực lượng của dân, tinh thần của dân” để đem lại “Hạnh phúc cho dân”.

Chỉ với 8 từ cho phương pháp, 4 từ cho mục đích đã đủ cho thấy Hồ Chủ tịch tin vào lực lượng của dân, hiểu tinh thần yêu nước của nhân dân và yêu thương đồng bào như thế nào.

Về đối tượng và yêu cầu, Người viết: “Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua”.

Tất cả những việc làm trên để đạt mục đích cuối cùng là: “Toàn dân đủ ăn đủ mặc. Toàn dân sẽ biết đọc biết viết. Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm”.

Tiến tới: “Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn. Thế là chúng ta thực hiện: Dân tộc độc lập. Dân quyền tự do. Dân sinh hạnh phúc”…

70 năm đã trôi qua kể từ ngày Hồ Chủ tịch viết Lời kêu gọi thi đua ái quốc (1948) và 49 năm (1969) ngày Người mãi mãi đi xa, nhưng vẫn còn đó lời kêu gọi của lòng yêu nước và tinh thần thi đua ái quốc. Vẫn còn đó văn phong ngắn gọn, ngôn ngữ giản dị, xúc tích của bậc thầy báo chí Cách mạng Việt Nam – Chủ tịch Hồ Chí Minh.

                                                                                                                   Nguồn tin: Báo Dân Trí