Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Bồi dưỡng đạo đức cách mạng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Lời di huấn về đạo đức cách mạng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, tấm gương và phong cách của Người. Những giá trị đó, đã trở nên gần gũi với đời sống tinh thần của xã hội, luôn giữ vai trò định hướng xây dựng phẩm chất, nhân cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nội dung sau:

Lời di huấn về đạo đức cách mạng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị tư tưởng, tấm gương và phong cách của Người. Những giá trị đó, đã trở nên gần gũi với đời sống tinh thần của xã hội, luôn giữ vai trò định hướng xây dựng phẩm chất, nhân cách đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Bởi vậy, bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện tốt những nội dung sau:
 
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc lời di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên “phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng”1. Đây là sự tổng kết kinh nghiệm gần 60 năm hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giai cấp, xã hội và con người. Sinh thời, Người luôn chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho toàn Đảng, toàn dân, nhất là đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên. Là người đặt nền móng vững chắc cho sự ra đời, phát triển của nền đạo đức mới, đạo đức cách mạng Việt Nam, Người khái quát vai trò của đạo đức cách mạng đối với người cách mạng: “Cũng như sông thì có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không có căn bản, tự mình đã hủ hóa, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?”2; “Mọi việc thành hay là bại, chủ chốt là do cán bộ có thấm nhuần đạo đức cách mạng, hay là không”3. Vì vậy, trong Di chúc, Người căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên, phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng. “Thật sự” nghĩa là phải nắm vững nội dung thực chất của đạo đức cách mạng, là “Quyết tâm suốt đời đấu tranh cho Đảng, cho cách mạng. Đó là điều chủ chốt nhất. Ra sức làm việc cho Đảng, giữ vững kỷ luật của Đảng, thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng. Đặt lợi ích của Đảng và của nhân dân lao động lên trên, lên trước lợi ích riêng của cá nhân mình. Hết lòng hết sức phục vụ nhân dân. Vì Đảng, vì dân mà đấu tranh quên mình, gương mẫu trong mọi việc”4. Đó chính là tiêu chuẩn số một của người cách mạng. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc rằng, đạo đức nói chung và đạo đức cách mạng nói riêng đặc trưng bằng hệ thống các quy tắc, chuẩn mực được dùng để điều chỉnh các quan hệ ứng xử giữa con người với con người (cá nhân với cá nhân, cộng đồng, xã hội) và giữa con người với tự nhiên, trên cơ sở ưu tiên lợi ích chung của cộng đồng, xã hội và người khác. Đạo đức cách mạng gắn với hoạt động tự giác của mỗi người, trong ba lĩnh vực cơ bản: Với người, với việc, với tự mình. Thấm nhuần đạo đức cách mạng là phải biến nhận thức thành lẽ sống, niềm tin, động lực tinh thần thúc đẩy hoạt động tự giác của mỗi cán bộ, đảng viên. Trên cơ sở nhận thức đúng, mỗi cán bộ, đảng viên tự giác điều chỉnh thái độ, hành vi cho phù hợp với yêu cầu đạo đức cách mạng; luôn phấn đấu, rèn luyện, gương mẫu, đi đầu cả trong lời nói và việc làm, nhận thức và hành động, tạo tấm gương sáng cho mọi người noi theo.
Thứ hai, mỗi cán bộ, đảng viên phải “thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư”. Trong Di chúc, Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư, không sa vào chủ nghĩa cá nhân, không xâm hại tới lợi ích của tập thể, của nhân dân. Cần, kiệm, liêm, chính là phẩm chất nền tảng của đạo đức cách mạng, mà trước hết là của mỗi cán bộ, đảng viên. Bởi vì, người cán bộ, đảng viên vừa thực hiện vừa tuyên truyền, giáo dục quần chúng cùng thực hiện trở thành nếp sống tốt đẹp của xã hội. Người căn dặn cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”5; cần “làm đúng cần, kiệm, liêm, chính để cho dân tin, dân phục, dân yêu”6.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, đời tư trong sáng, nếp sống giản dị. Đúng như Người đã nói: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”7.
 Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải “tận trung với nước, tận hiếu với dân”, Người đã sớm cảnh báo nguy cơ suy thoái về phẩm chất tư tưởng, đạo đức, lối sống của một số cán bộ và đảng viên trong Đảng, bộ máy nhà nước trong điều kiện mới khi Đảng ta trở thành một đảng cầm quyền. Quan liêu, tham nhũng vốn là căn bệnh trầm kha của chế độ xã hội cũ di chứng lại sẽ còn gây hại trong chế độ xã hội mới, nhất là với cán bộ, đảng viên có chức, có quyền. Người đã chỉ rõ: “Có những người trong lúc đấu tranh thì hăng hái, trung thành, không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, nghĩa là có công với cách mạng. Song đến khi có ít nhiều quyền hạn trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, phạm vào tham ô, lãng phí, quan liêu, không tự giác, mà biến thành người có tội với cách mạng”8. Quán triệt lời căn dặn của Bác, để khắc phục những thói hư tật xấu ấy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi, nâng cao đạo đức cách mạng, với một yêu cầu “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Bởi, sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên có tác động mạnh mẽ tới quần chúng nhân dân trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi những giá trị đạo đức truyền thống, như: Tinh thần đoàn kết, chủ nghĩa tập thể, tinh thần mình vì mọi người, trọng danh dự, tình đồng chí, đồng đội, “đồng cam cộng khổ”, sẵn sàng nhường thuận lợi cho bạn, nhận khó khăn về mình, từng được bao thế hệ cán bộ, đảng viên trân trọng giữ gìn. Tích cực đấu tranh với những biểu hiện chạy theo lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, coi vật chất, lợi ích cá nhân, cục bộ nặng hơn danh dự nhân cách con người. Chú trọng xây dựng tình đoàn kết thương yêu, sống chân thành, cởi mở, gắn bó, tôn trọng, tận tình giúp đỡ nhau lúc thường cũng như khi khó khăn, cùng tiến bộ trưởng thành.
Thứ ba, mỗi cán bộ, đảng viên “phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”. Theo Hồ Chí Minh: “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”9. Muốn vậy, mỗi tổ chức và đảng viên của Đảng phải vững mạnh, gương mẫu để làm tròn vai trò “là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” như lời di huấn của Người. Phải xây dựng Đảng vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh”, mỗi đảng viên có đầy đủ cả đức và tài, trong đó đức phải là “gốc”. Mỗi cán bộ, đảng viên cần quán triệt tinh thần: Trọng lợi ích của Đảng hơn hết; ngoài lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc, thì Đảng không có lợi ích gì khác; “vô luận lúc nào, vô luận việc gì, đảng viên và cán bộ phải đặt lợi ích của Đảng ra trước, lợi ích của cá nhân lại sau. Đó là nguyên tắc cao nhất của Đảng. Đó là “tính Đảng”10. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên coi trọng nhiệm vụ xây dựng Đảng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, nâng cao đạo đức cách mạng, đó là xây dựng cái “gốc” vững chắc của Đảng. Đảng viên, cán bộ cũng là người, ai cũng có tính tốt và tính xấu; song đã hiểu biết, đã tình nguyện vào Đảng, là một người cách mạng, vì dân, vì nước, thì phải cố gắng phát triển những tính tốt và sửa bỏ những tính xấu. Vì tính xấu của một người thường chỉ có hại cho người đó; còn tính xấu của một đảng viên, một cán bộ, sẽ có hại đến Đảng, hại đến nhân dân.
Thực hành đạo đức cách mạng không tách rời với kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Bởi vì, chủ nghĩa cá nhân là một thứ vi trùng rất độc, do nó mà sinh ra các thứ bệnh rất nguy hiểm, như: Bệnh tham lam, bệnh lười biếng, bệnh kiêu ngạo, bệnh hiếu danh, thiếu kỷ luật, óc hẹp hòi, óc địa phương, v.v. Theo Hồ Chí Minh: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm... Chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch hung ác của chủ nghĩa xã hội. Người cách mạng phải tiêu diệt nó”11. Vì vậy, phải đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân; vũ khí sắc bén nhất là phê bình và tự phê bình để giúp nhau cùng phát huy ưu điểm, khắc phục sai lầm, khuyết điểm để tiến bộ mãi.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả lời di huấn về đạo đức cách mạng của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên cần tự giác, tích cực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị (khóa XII) gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; luôn rèn đức, luyện tài, hoàn thiện nhân cách góp phần xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức. Đồng thời, phát hiện và đấu tranh với những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, để “tự soi, tự sửa mình”. Trong thực hiện, cần lựa chọn các nội dung và hình thức phong phú, phù hợp làm cho cán bộ, đảng viên nhận thức sâu sắc về giá trị, chuẩn mực đạo đức cách mạng, tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức để lấy đó làm cơ sở tự tu dưỡng, rèn luyện hoàn thiện bản thân, tạo động lực tinh thần thôi thúc họ hoàn thiện nhân cách, vươn lên hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, xây dựng phong trào tự giác thi đua học tập, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh sâu rộng trong toàn xã hội. Đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ trì các cấp cần thực hiện tốt Quy định 08-QĐi/TW về  trách nhiệm nêu gương, tích cực, tự giác phấn đấu, rèn luyện theo các tiêu chí đã xác định về mục tiêu, lý tưởng và đạo đức. Phải thật sự gắn mình với đơn vị, sâu sát, gần gũi quần chúng, cấp dưới; công tâm trong xử lý các công việc; “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư” trong mọi hoạt động. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉnh việc xây dựng nếp sống có kỷ luật, thượng tôn pháp luật; nâng cao nhận thức về pháp luật nhà nước, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; xây dựng ý thức làm chủ tập thể, lối sống xã hội chủ nghĩa, phong cách công nghiệp; phê phán và xử lý nghiêm những cá nhân và tổ chức có thái độ, hành vi vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước.
Cuộc đời và nhân cách đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh là biểu hiện sinh động nhất về tinh thần cách mạng triệt để, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, tận tụy phục vụ Đảng, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Việc học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh để giữ gìn và phát huy phẩm chất đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân của cán bộ, đảng viên là vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay. Đó là động lực và sức mạnh to lớn giúp cán bộ, đảng viên vượt qua thử thách, cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân để phấn đấu cho lợi ích của Đảng, của nhân dân, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh.
Nguồn: Theo Tạp chí Quốc phòng toàn dân