Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số luận điểm về xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa

Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất Hồ Chí Minh còn là một nhà tư tưởng lỗi lạc trong các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, quân sự, xã hội trong đó có những quan điểm về xây dựng một nền kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa (XHCN) để hướng tới một mục đích duy nhất là vì đời sống ấm no hạnh phúc của nhân dân, như Người đã từng nói:

Đỗ Hoàng Linh
Phó Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
 
“Dân dĩ thực vi thiên”, vì vậy: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi nào dân được ăn no, mặc đủ”(1). Vốn xuất thân từ gia đình nho học nên tinh thần đạo lý phương Đông đã ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ của Nguyễn Tất Thành/Hồ Chí Minh từ khi còn cắp sách đến trường. Đó là lòng thương người, lấy dân làm gốc, có thực mới vực được đạo, không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng. Nhưng trong hoàn cảnh đất nước lầm than, dân tộc bị nô lệ, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc/Hồ Chí Minh đã lên tiếng trước công luận quốc tế, tố cáo tội ác thực dân và những thủ đoạn ăn cướp, bóc lột tàn bạo đối với nhân dân Việt Nam, trong đó sự bóc lột về kinh tế được thể hiện bằng chế độ sưu thuế nặng nề hà khắc và lao động khổ sai, thảm cảnh phu dịch. Nguyễn Ái Quốc đã đến đất nước Lênin lần đầu tiên tháng 6/1923 và trong thời gian ở trên đất nước cách mạng tháng Mười, Người đã được kiểm chứng tính thực tiễn đúng đắn của chính sách kinh tế mới của Lênin (NEP) và cùng với những chuyến khảo sát thực tế các địa phương xôviết, Người đã cơ bản hình dung ra những luận điểm chính về con đường xây dựng CNXH ở Việt Nam. Khi thành lập Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên ở Quảng Châu năm 1925, trong điều lệ của Hội, Nguyễn Ái Quốc đã đưa vào “áp dụng những nguyên tắc tân kinh tế chính sách đã thúc đẩy sự phát triển các cơ quan sản xuất trong nước, bãi bỏ tư bản tư nhân và sự giao lưu những tài sản quốc gia”(2). Sau khi cách mạng tháng Tám thành công và nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, nhân dân được làm chủ vận mệnh của Tổ quốc và dân tộc nhưng cùng với đó là muôn vàn gian khó với một nền kinh tế kiệt quệ, tài chính quốc gia là con số không, công nhân thất nghiệp, nông dân không có ruộng cày… Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi nhân dân cùng đồng lòng và kiên quyết cứu đói, sẻ cơm nhường áo, không bỏ hoang một tấc đất nào, nhà nông là anh hùng. Trong cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp, Hồ Chí Minh đã bắt đầu đưa ra những chỉ đạo về xây dựng một nền kinh tế tự chủ, tự cung tự cấp phục vụ kháng chiến, Người đề ra chủ trương thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm đồng thời chống nạn tham ô, lãng phí, quan liêu.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghiên cứu chính sách kinh tế mới (NEP) của Lênin và vận dụng có lựa chọn, sáng tạo vào hoàn cảnh kinh tế thực tiễn của nước ta trong các vùng tự do và an toàn khu, Người đã chỉ ra các thành phần kinh tế cùng tồn tại, đó là: “Kinh tế địa chủ phong kiến bóc lột địa tô; Kinh tế quốc doanh có tính chất XHCN; Kinh tế hợp tác xã tiêu thụ và cung cấp mang tính chất nửa XHCN; Kinh tế cá nhân của nông dân và thợ thủ công; Kinh tế tư bản tư nhân tuy bóc lột nhưng cũng góp phần vào phát triển nền kinh tế; Kinh tế tư bản quốc gia tự do Nhà nước hùn vốn với tư nhân để làm kinh tế nhưng do Nhà nước lãnh đạo”(3). Sau khi miền Bắc được giải phóng, bắt đầu bước vào thời kỳ quá độ lên CNXH thì những luận điểm kinh tế của Người đã được hình thành một cách có hệ thống và phù hợp với tiến trình lịch sử cách mạng Việt Nam. Người vẫn chủ trương Nhà nước ta công nhận sự tồn tại của bốn hình thức sở hữu chính: Kinh tế quốc doanh là nền tảng vật chất của CNXH; Kinh tế hợp tác xã được tổ chức theo nguyên tắc tự nguyện; Kinh tế công tư hợp doanh thực chất chính là kinh tế tư bản nhà nước; Kinh tế của những người lao động riêng lẻ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”(4). Tất cả vì sản xuất, tất cả vì đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân cho nên không có cách nào khác là phải tăng gia sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế theo con đường XHCN. Theo Hồ Chí Minh, đặc điểm, điều kiện thực tế của nước ta là từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH, không phải qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, nên phải căn cứ vào đó đặt ra những bước đi và giải pháp phù hợp đối với nền kinh tế Việt Nam. Tại Hội nghị Bộ Chính trị bàn về phát triển kinh tế ngày 10/12/1954, Người đã nói: “Mấy năm kháng chiến ta chỉ có nông thôn, bây giờ mới có thành thị. Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi đến thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, sau mới đến công nghiệp nặng”. Như vậy, có thể thấy, quan điểm xây dựng kinh tế bước đầu của Người là ưu tiên phát triển nông nghiệp và lấy nông nghiệp làm cơ sở để phát triển công nghiệp và kinh tế nói chung vì: “Nếu không phát triển nông nghiệp thì không có cơ sở để phát triển công nghiệp, vì nông nghiệp cung cấp nguyên liệu, lương thực cho công nghiệp và tiêu thụ hàng hóa do công nghiệp làm ra”(5). Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn là một nhà chính trị có nhãn quan cách mạng và nhân văn sâu sắc nên Người hiểu rằng nhiệm vụ của phát triển kinh tế chính là một cách củng cố cho chính quyền nhân dân càng vững mạnh. Bởi vậy, kết quả của một nền kinh tế phải được thể hiện qua chính sách xã hội tiến bộ và phân phối công bằng XHCN, đó là: “Chính phủ phải thi hành một nền chính trị liêm khiết như cải thiện đời sống của nhân dân, phát triển kinh tế văn hóa… Có như thế dân chúng mới đoàn kết xung quanh Chính phủ, mới vì quyền lợi thiết thân của mình mà hy sinh giết giặc”(6). Khi miền Bắc bước vào thời kỳ quá độ đi lên CNXH, Người kêu gọi: tất cả phục vụ sản xuất, cần kiệm xây dựng nước nhà, chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí, quan liêu.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn nội dung, hình thức và hướng đi của công - nông nghiệp hiện đại. Người khẳng định: “Nông nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ lương thực cho nhân dân, cung cấp đủ nguyên liệu (như bông, mía, chè…) cho nhà máy, cung cấp đủ nông sản (như lạc, đỗ, đay…) để xuất khẩu… Công nghiệp phải phát triển mạnh để cung cấp đủ hàng tiêu dùng cần thiết cho nhân dân, trước hết là cho nông dân, cung cấp máy bơm, phân hóa học, thuốc trừ sâu… để đẩy mạnh nông nghiệp và cung cấp dần dân máy cầy, máy bừa cho các hợp tác xã nông nghiệp. Công nghiệp phát triển thì nông nghiệp mới phát triển. Cho nên công nghiệp và nông nghiệp phải giúp đỡ lẫn nhau và cùng nhau phát triển, như hai chân đi khỏe và đi đều thì tiến bước sẽ nhanh và nhanh chóng đi đến mục đích”(7). Chủ tịch Hồ Chí Minh còn đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của một nền nông nghiệp toàn diện. Đó là nông nghiệp bao gồm đủ các ngành trồng trọt, chăn nuôi, đánh cá, làm muối, trồng rừng và các ngành nghề khác ở địa phương. Phải ưu tiên phát triển cây lương thực, hoa màu củng các cây nông nghiệp lạc, vừng, mía, chè vừa để phục vụ tiêu dung, vừa để xuất khẩu. Phải chú ý chăn nuôi trâu, bò, ngựa, dê, ong vừa để lấy sữa, lấy thịt, lấy đường mật. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh đến tầm quan trọng của một nền công nghiệp đồng đều. Đó là công nghiệp nặng để làm chỗ dựa để mở mang các ngành công nghiệp khác và cung cấp máy móc cho nông nghiệp. Công nghiệp nhẹ quan hệ khăng khít với đời sống hàng ngày của nhân dân. Công nghiệp địa phương nào thì sử dụng ngay vốn, nguyên liệu, vật liệu, nhân công của địa phương đó. Người cũng kêu gọi ổn định và phát triển các hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là các ngành nghề thủ công truyền thống đặc trưng tinh xảo hay chế tác…
 
Trong thời gian khôi phục và xây dựng kinh tế, miền Bắc đã được nhận sự giúp đỡ to lớn của các nước XHCN về cơ sở vật chất và chuyên gia lành nghề, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn kiên định hướng đi của nền kinh tế là: “Phải có khả năng cung cấp hàng tiêu dùng và trang bị tư liệu sản xuất cho nền kinh tế quốc dân”(8). Người luôn nhắc nhở cán bộ và nhân dân rằng: “Các nước bạn giúp ta cũng như thêm vốn cho ta. Ta phải khéo dùng cái vốn ấy để bồi bổ lực lượng của ta, phát triển khả năng của ta. Song nhân dân và cán bộ ta tuyệt đối chớ vì bạn ta giúp nhiều mà đâm ra ỷ lại. Trái lại chúng ta phải học tập tinh thần tự lực, tự cường, tinh thần hăng hái thi đua sản xuất và tiết kiệm của nhân dân các nước bạn”(9).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cao vai trò làm chủ của nhân dân, gương mẫu của cán bộ đảng viên trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc và đối với việc xây dựng kinh tế, vì muốn “xây dựng CNXH trước hết cần có những con người XHCN”. Người luôn giáo dục lý tưởng yêu nước XHCN, đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc cho cán bộ, nhân dân từ những công việc thiết thực của đời sống. Trong lần về thăm khu công nghiệp Việt Trì, Người đã nói: “Đây là khu công nghiệp đầu tiên của nước ta. Xưa các vua Hùng đã chọn nơi này đóng đô dựng nước. Nay ta xây trên đất Tổ một khu công nghiệp to lớn, cơ sở của CNXH. Từ đây ta sẽ bắt đầu công cuộc xây dựng cơ sở to lớn của cả nước. Vinh dự này thuộc về các cô, các chú đang xây dựng đất Tổ”(10). Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở tất cả nhân dân lao động phải ra sức phát huy quyền làm chủ và ý thức làm chủ tập thể trong lao động, sản xuất và phân phối. Người còn đề ra phương pháp tạo động lực cho nền kinh tế phát triển, đó là khuyến khích lợi ích cá nhân, kích thích lợi ích vật chất như thưởng, phạt phân minh trong kinh tế. Người cho rằng: “Làm khoán là ích chung và lại lợi riêng. Đối với công nhân, phải cương quyết thưởng năng suất, nếu không thì những công nhân hăng hái hao mòn dần đi”. Đặc biệt là làm kinh tế phải kết hợp hài hòa các lợi ích: “Mua bán phải theo giá cả thích đáng. Giá cả phải đảm bảo cho nhà nước, hợp tác xã và xã viên cùng có lợi để xây dựng nước nhà”(11). Đối với phân phối thì Người chỉ rõ: “Làm tốt, làm nhiều, hưởng nhiều, làm xấu, làm ít, hưởng ít, có khi phải bồi thường lại cho nhà nước. Chính phủ không phát lương cho người ăn không”(12). Ngày 16/9/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm tỉnh Hưng Yên và gặp gỡ với ban quản trị và xã viên hợp tác xã Nghĩa Dân, Người căn dặn: “Không nên chia phần tốt cho vợ, con mình còn phần xấu thì chia cho xã viên. Phải thật minh bạch tất cả các khoản chi, khoản thu trong hợp tác xã vì tiền và thóc là do xã viên làm ra, các khoản thu chi xã viên đều phải biết, ban quản trị không được tư túi, tiêu xài không báo cáo”. Và tất nhiên làm kinh tế phải có kết quả, phải biết hạch toán: “Quản lý một nước cũng như quản lý một doanh nghiệp: phải có lãi, cái gì ra, cái gì vào, việc gì phải làm ngay, việc gì chớ, hoãn hay bỏ, món gì đáng tiêu, người nào đáng dùng, tất cả mọi thức đều phải tính toán cẩn thận”(13).
 
Trên đây là những vấn đề cơ bản trong tư tưởng về phát triển nền kinh tế ở nước ta, được Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trong thời kỳ đầu công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng, quan điểm đúng đắn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nền kinh tế nhiều thành phần, không chỉ được vận dụng sáng tạo và trở thành hiện thực sinh động trong công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc trước đây, mà còn tiếp tục được vận dung sáng tạo trong công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay. Tuy nhiên, quá trình vận dụng tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế vào thực tiễn cách mạng nước ta trong từng thời điểm lịch sử cụ thể (1970, 1980), còn biểu hiện thiếu sáng tạo, thiếu chính xác, nôn nóng muốn có ngay chủ nghĩa xã hội, dẫn tới khuynh hướng muốn xóa bỏ ngay lập tức thành phần kinh tế tư nhân, chỉ quan tâm phát triển kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể. Từ đó, làm triệt tiêu động lực phát triển, không phát huy được khả năng đóng góp của kinh tế tư nhân với sự phát triển và xây dựng đất nước. Nhận rõ được những khuyết điểm, hạn chế về nhận thức trong quá trình vận dụng tư tưởng của Người về phát triển kinh tế nhiều thành phần. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986), Đảng ta đề ra và thực hiện đường lối đổi mới, trước hết là đổi mới về tư duy kinh tế. Trên cơ sở đó, kinh tế nhiều thành phần được khôi phục; cơ chế thị trường được thừa nhận và thay thế cơ chế tập trung - quan liêu - bao cấp trong quản lý kinh tế; người nông dân được trao quyền tự chủ trong sản xuất nông nghiệp, doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp lại, Luật đầu tư nước ngoài được thông qua; tất cả các giải pháp để thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội được triển khai một cách đồng bộ. Từ đó đã thực sự khơi dậy mọi tiềm năng, tạo nên những thay đổi mang tính cách mạng trong đời sống kinh tế - xã hội trong cả nước. Tại Đại hội VII của Đảng năm 1991 đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2010. Một mô hình mới về xây dựng chủ nghĩa xã hội chính thức được xác định, công cuộc đổi mới đã đưa nhân dân bước vào thời kỳ mới: Thời kỳ đi lên chủ nghĩa xã hội bằng kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của Nhà nước. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển kinh tế nhiều thành phần tiếp tục được vận dụng sáng tạo, thể hiện rõ trong chủ trương của Đảng: thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách kinh tế nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Đến các kỳ đại hội gần đây, Đảng ta tiếp tục khẳng định và thực hiện nhất quán chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, nhằm huy động sức mạnh và khả năng đóng góp của các thành phần kinh tế xã hội ở thời kỳ quá độ. Chỉ trên cơ sở vận dụng sáng tạo tư tưởng đúng đắn của Người, mới có thể huy động được sức mạnh của toàn dân tộc vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, từng bước đưa nước ta tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Những luận điểm về kinh tế thời kỳ quá độ lên CNXH của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trình bày một cách đơn giản, thiết thực, dễ hiểu và đặc biệt phù hợp với hoàn cảnh một nước nông nghiệp lạc hậu quá độ lên CNXH nên nó vừa có ý nghĩa thiết thực, vừa là bài học giá trị trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Ngày nay, đất nước ta đã đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì chính sách mới và định hướng kinh tế càng phải linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả và toàn diện hơn. Chúng ta không thể tìm thấy những cẩm nang này trong tư tưởng kinh tế Hồ Chí Minh nhưng chúng ta hoàn toàn có thể dựa vào những luận điểm kinh tế này của Người để phát triển sáng tạo hơn, phù hợp hơn với điều kiện lịch sử và kinh tế Việt Nam trong thế kỷ XXI./
 
Chú thích:
  1. Hồ Chí Minh toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia 2000. Tập IV, tr 152.
  2. Các tổ chức tiền thân của Đảng - Ban nghiên cứu lịch sử Đảng TW, 1977, tr 83
  3. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập VII, tr 221
  4. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập VII, tr 572
  5. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập X, tr 180
  6. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập IV, tr 227
  7. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập X, tr 545
  8. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập X, tr 433
  9. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập VIII, tr 30
  10. Bác Hồ với công nhân. Nxb Văn hóa thông tin 2011, tr 130
  11. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập X, tr 414
  12. Hồ Chí Minh toàn tập. Sđ d. Tập VIII, tr 338
  13. Biên bản họp Hội đồng Chính phủ ngày 1/1/1953
Nguồn:ditichhochiminhphuchutich.gov.vn