Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh với phong trào "Ba đảm đang"

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm và khẳng định vai trò quan trọng của phụ nữ Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc. Những năm tháng tại đầu nguồn Pác Bó, trong diễn ca "Lịch sử nước ta", Người đã khẳng định:

Trần Thu Hà
Phòng TTGD
 
"Phụ nữ ta chẳng tầm thường - Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời"(1). Người từng căn dặn: "Hai Bà Trưng để lại cho phụ nữ Việt Nam một truyền thống vẻ vang là dũng cảm kháng chiến...”(2) thì: Phụ nữ Việt Nam ta cũng phải xứng đáng là con cháu Hai Bà. Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, đưa nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ của thực dân, phong kiến, trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cùng với sự đổi đời của toàn thể dân tộc, phụ nữ Việt Nam – tầng lớp bị đày đọa khổ cực nhất trong hoàn cảnh nước mất nhà tan, đã hăng hái đứng lên làm chủ vận mệnh của mình. Ngay trong cuộc Tuyển cử phổ thông đầu phiếu ngày 6-1-1946, Hồ Chí Minh vui sướng nhận ra rằng "Phụ nữ là tầng lớp đi bỏ phiếu hăng hái nhất". Sau khi đã trở thành Chủ tịch nước, Người vẫn luôn giành tình cảm sâu sắc cho những người phụ nữ. Năm 1952, nhân dịp kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ, Người đã gửi thư ngợi khen: "Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ"(3). 

Đáp lại những tình cảm to lớn, sự quan tâm sâu sắc đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phụ nữ Việt Nam đã ra sức lao động, chiến đấu góp phần quan trọng vào cuộc kháng chiến Pháp và chống Mỹ cứu nước của dân tộc. Đặc biệt, từ năm 1964 khi đế quốc Mỹ điên cuồng mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc XHCN đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lúc này, chống Mỹ cứu nước là nhiệm vụ thiêng liêng nhất của mọi người Việt Nam yêu nước. Tất cả chúng ta hãy đoàn kết nhất trí, triệu người như một, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”(4), nhân dân cả nước đã ra quân với khí thế cách mạng to lớn; lớp lớp thanh niên tình nguyện lên đường ra mặt trận với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, hàng chục vạn phụ nữ tình nguyện đảm nhiệm “việc nước, việc nhà” để chồng, con yên tâm ra trận. Tháng 3- 1965 (nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Ngày toàn quốc chống Mỹ: 3/1950 -3/1965) Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam kêu gọi phụ nữ toàn quốc khắc sâu lòng căm thù đế quốc Mỹ, biến căm thù thành quyết tâm đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, Trung ương Hội đã phát động phong trào “Ba đảm nhiệm” trong phụ nữ toàn miền Bắc với nội dung:
1.  Phụ nữ đảm nhiệm sản xuất và công tác thay thế cho chồng con đi chiến đấu.

2. Phụ nữ đảm nhiệm việc gia đình cho chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội.

3. Phụ nữ đảm nhiệm phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu; phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.

Quan tâm tới phong trào thi đua yêu nước của các tầng lớp nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất chú ý tới phong trào của chị em phụ nữ, Người đã chỉ thị sửa từ “Ba đảm nhiệm” thành “Ba đảm đang”. Tuy chỉ thay đổi một chữ nhưng đã phản ánh được đúng bản chất của người phụ nữ Việt Nam trong gian khó. Từ “Ba đảm nhiệm” đến “Ba đảm đang”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên dấu ấn đặc biệt cho phong trào phụ nữ. Và Người luôn theo dõi sát sao phong trào của chị em. Ngay từ những ngày đầu khi phong trào mới ra đời, trong “Lời kêu gọi nhân ngày 20-7” năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi: “Chị em phụ nữ hãy thực hiện thật tốt “Ba đảm đang” góp phần đắc lực đánh thắng giặc Mỹ xâm lược…” (5).

Do đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ cách mạng, phong trào đã nhanh chóng phát triển thành cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động được sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ nông thôn tới thành thị, từ miền ngược đến miền xuôi, trên mọi lĩnh vực hoạt động; biến tiềm năng cách mạng của phụ nữ thành hiện thực sinh động, thành nguồn sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Ngay sau khi phát  động, từ tháng 3 đến tháng 6-1965, toàn miền Bắc đã có 1,7 triệu phụ nữ đăng ký thực hiện “Ba đảm đang”.

Để kịp thời động viên phong trào, chiều ngày 2- 12-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến thăm Đại hội những phụ nữ xuất sắc trong phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ Hà Nội. Phát biểu tại Đại hội, Người nói: “Dân tộc Việt Nam là dân tộc anh hùng, thanh niên Việt Nam là thanh niên anh hùng, phụ nữ Việt Nam là phụ nữ anh hùng. Hai nghìn năm trước đây, ta có các nữ anh hùng Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Trong cách mạng giải phóng dân tộc, trong kháng chiến chống giặc Pháp trước kia và trong kháng chiến chống giặc Mỹ ngày nay, ta cũng có nhiều anh hùng là phụ nữ. Trên thế giới chưa có nơi nào phụ nữ làm Phó Tổng tư lệnh như ở miền Nam nước ta. Thi đua với phụ nữ miền Nam là đẩy mạnh sản xuất, thực hành tích kiệm, không sợ gian khổ, không sợ hy sinh. Khó khăn đến mấy chúng ta cũng vượt qua được và nhất định chúng ta đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược”(6).

Hướng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trên mặt trận lao động sản xuất, công tác, hàng chục triệu phụ nữ đã không quản ngày đêm và bom đạn của kẻ thù, vừa hăng hái thi đua lao động sản xuất, công tác, vừa sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Trong sản xuất nông nghiệp, với tinh thần “Ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí” các nữ nông dân “tay cày, tay súng” đã sôi nổi thi đua đảm đang thay nam giới làm chủ ruộng đồng, tham gia quản lý hợp tác xã, nhiều chị là chủ nhiệm giỏi. Trong phong trào đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ nông dân mới, dám nghĩ, dám làm, góp phần cải tạo và xây dựng nông thôn mới mà tiêu biểu là 11 nữ anh hùng lao động trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ lợi như Nguyễn Thị Song (Hà Bắc), Nguyễn Thị Chén (Hà Tây), Phạm Thị Vách (Hải Hưng)…

Trong các công trường, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ... với khẩu hiệu thi đua “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, với quyết tâm “tim có thể ngừng đập, máy không thể ngừng chạy”, hàng chục vạn nữ công nhân “tay búa, tay súng” đã sôi nổi tham gia phong trào thi đua “luyện tay nghề, thi thợ giỏi” nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, ra sức phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật; nhiều chị liên tục hoàn thành vượt mức kế hoạch nhiều năm liền...

Luôn dõi theo phong trào thi đua “Ba đảm đang” của phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kịp thời động viên, gửi thư khen, tặng huy hiệu, tổ chức gặp gỡ các mẹ, các chị, các nữ dân quân, du kích bắn rơi máy bay Mỹ. Nhiều phụ nữ có thành tích trong phong trào đã được Bác gửi tặng huy hiệu của Người. Lịch sử mãi mãi khắc ghi những chiến công vẻ vang, những hành động anh hùng quả cảm, những tấm gương chiến đấu hy sinh anh dũng của những người bà, người mẹ trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước. Đó là, bà Đào Thị Phấn, 74 tuổi, người dân tộc Tày, xã Tam Trung, Cao Bằng có tám con đi bộ đội, một người đã hy sinh. Ở nhà, bà vẫn hăng hái tham gia công tác đoàn thể và động viên con em giúp đỡ chính quyền và bộ đội địa phương. Hay bà mẹ anh hùng Nguyễn Thị Suốt. Mặc dù lúc đó, Mẹ đã 60 tuổi, mái tóc bạc phơ nhưng khi giặc Mỹ ném bom hủy diệt Đồng Hới, hủy diệt Bảo Ninh, Mẹ vẫn hiên ngang chở bộ đội, cán bộ vượt sông Nhật Lệ an toàn, kịp thời trong làn mưa bom, bão đạn của giặc Mỹ. Với thành tích đó, Mẹ đã được Quốc hội tuyên dương anh hùng vào ngày 1-1-1967. Tới dự Đại hội anh hùng và chiến sĩ thi đua chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang hai bó hoa đi xuống hội trường tặng bà Nguyễn Thị Suốt, và bà Đào Thị Phấn (7) Trong lần gặp gỡ này, Bác đã thân mật hỏi chuyện Mẹ Suốt. Bác hỏi thăm Mẹ về hoàn cảnh gia đình. Khi biết cụ ông lúc đấy đã 70 tuổi, vẫn cùng xã viên hợp tác xã ra khơi, bám biển đánh cá, Bác Hồ rất cảm động và nói:“Bà là anh hùng, cụ nhà cùng thi đua với vợ anh hùng, cả dân tộc ta đều phấn đấu trở thành anh hùng…”(8). Bác chúc Mẹ Suốt giữ gìn sức khỏe và gương mẫu với con cháu, làng xóm để có cuộc sống xứng đáng nhiều người noi theo.

Trong lịch sử Việt Nam cũng chưa có thời kỳ nào lực lượng phụ nữ lại có cả các bà, các chị, cả phụ nữ có con nhỏ tham gia phong trào chiến đấu, phục vụ chiến đấu đông đảo như cuộc kháng chiến này. Ý thức được nghĩa vụ chống Mỹ cứu nước, ở hậu phương, chị em đều đảm đang việc gia đình, thay thế chồng con sản xuất và trực tiếp chiến đấu. Ban ngày các chị tay cày, tay súng, tối về lo việc nhà, dạy dỗ con thơ. Nhiều tấm gương của chị em đã được cả nước biết đến như trung đội nữ dân quân xã Hoa lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá), tiểu đội nữ dân quân xã Kỳ Phương (huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh), đại đội nữ pháo binh xã Ngư Thuỷ (huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình). Bác đã kịp thời viết thư khen ngợi và động viên tinh thần chiến đấu của chị em. Trong đó, đội nữ pháo binh Ngư Thủy chỉ là những cô gái 15, 17 tuổi nhưng với tinh thần chiến đấu ngoan cường, anh dũng, họ đã vác những khẩu pháo 85 ly rất nặng và bắn rơi nhiều máy bay, tàu chiến của địch, lập không ít chiến công. Để động viên và khích lệ tinh thần chiến đấu của các nữ pháo thủ, ngày 28-4-1969, chị Trần Thị Thản- Chính trị viên Đại đội đã được ra Hà Nội báo công cùng đoàn đại biểu quân khu IV. Đoàn đại biểu đã được Bác gặp và tiếp đón thân mật. Các chị em trong đoàn đều được Người gửi tặng một bó hoa. Người khen ngợi các chiến công và thành tích vẻ vang của quân và dân Quân khu IV và căn dặn:“Các đơn vị, địa phương, các chiến sĩ phải luôn luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, đoàn kết, ra sứcchiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần xứng đáng cùng quân và dân cả nước đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược.” (9)

Tại lễ kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, ngày 10 – 10 – 1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ miền Bắc là phong trào yêu nước nồng nàn và rộng khắp, lôi cuốn đông đảo phụ nữ hai miền thi đua sản xuất, phục vụ chiến đấu và trực tiếp chiến đấu, góp phần to lớn vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của toàn dân…” (10). Trong phong trào “Ba đảm đang” đã có 42 nữ anh hùng, 9 đơn vị nữ anh hùng được tôn vinh; 1.718 chị em được thưởng huy hiệu Bác Hồ, trên 5.000 chị em là chiến sỹ thi đua toàn quốc, gần 4 triệu hội viên đạt danh hiệu phụ nữ “Ba đảm đang”. Những thành tích đó của Phụ nữ Việt Nam ta thật xứng đáng với 12 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã khen tặng cũng nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam ngày 20-10-1966: "Phụ nữ Việt Nam dũng cảm đảm đang chống Mỹ cứu nước”.

50 năm đã đi qua, phong trào “Ba đảm đang” của phụ nữ đã được ghi nhận là một mốc son trong lịch sử phong trào phụ nữ Việt Nam - một phong trào đã có tác dụng vận động to lớn trong một giai đoạn lịch sử dân tộc. Phong trào đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình nhưng những giá trị tinh thần và hiệu quả to lớn của cuộc vận động này giữ nguyên giá trị và trở thành truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Truyền thống đảm đang đã và đang được các thế hệ phụ nữ trân trọng, phát huy và nâng lên tầm cao mới.
Hiện nay, đất nước ta đang tiến hành xây dựng công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước. Người phụ nữ ngày càng có vị thế, và vai trò quan trọng trong xã hội, là động lực thúc đẩy sự phát triển chung của xã hội. Điều này, đòi hỏi phụ nữ Việt Nam hôm nay vừa phải tiếp tục kế tục và phát huy truyền thống của các thế hệ phụ nữ: “Ba đảm đang”, “đội quân tóc dài”… ngày trước, vừa trau dồi kiến thức trở thành người phụ nữ hiện đại yêu nước, có tri thức, có sức khỏe,  năng động, sáng tạo, tự tin, ngày càng chứng tỏ được vị thế, vai trò quan trọng của mình trong gia đình và xã hội. Để xứng đáng với lời khen tặng của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
 
Chú thích:
1.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 3, tr.222.
2.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 12, tr.148.
3.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 6, tr.432.
4.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 6, tr.432.
5.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 11, tr.471.
6.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 11, tr.621.
7.Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009, t.10, tr3.
8.Hồ Ngọc Diệp (2011). Bác Hồ với Mẹ Suốt và câu chuyện về bức ảnh lịch sử, Thông tin Khoa học- Công Nghệ Quảng Bình, 6, 76-77
9.Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia, H.2009, t.10, tr346.
10.Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, tập 12, tr.149.
 
Nguồn:ditichhochiminhphuchutich.gov.vn