Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Chuyên đề : Truyền thống quê hương, gia đình nhân tố hình thành nhân cách, tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh

  1.    1Truyền thống gia đình
Cách đây tròn 132 năm (19.5.1890 – 19.05.2022), tại Làng Làng Chùa xã Chung Cự, nay là làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã cất tiếng khóc chào đời, Người đã làm “rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta và non sông đất nước ta”, Người chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất. Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, Người sinh ra trong một gia đình rất coi trọng đạo đức truyền thống, học vấn và phương pháp giáo dục con cái.
 Thân phụ là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vị quan lại thanh liêm, chính trực. Thân mẫu là Hoàng Thị Loan, người phụ nữ con nhà gia giáo, hội đủ tứ đức công, dung, ngôn, hạnh. Bởi vậy, ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã nhận được sự quan tâm, dưỡng dục rất nề nếp từ phụ mẫu. Tuy thời gian Bác sống ở quê hương không nhiều nhưng là quãng thời gian hạnh phúc nhất.
 Có thể nói gia đình chính là nhân tố đầu tiên hình thành nhân cách cao thượng, tình yêu quê hương đất nước của Bác sau này.
1.1. Người có ảnh hưởng đầu tiên là Cụ Hoàng Xuân Đường. (Ông ngoại của Bác)
Dòng họ Hoàng Xuân là một dòng họ quyền quý qua các triều đại, có nhiều người được phong tước Hầu và Quận công Dòng họ Hoàng Xuân có phát tích ở làng Hoàng Vân, tổng An Lạc, huyện ĐôngYên, phủ Khoái Châu (nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên).Ông ngoại Bác, Cụ Hoàng Xuân Đường – một thầy giáo đức độ và giàu lòng nhân ái. Người đã cưu mang giúp đỡ, nuôi dưỡng và dạy dỗ thân sinh Bác (Nguyễn Sinh Sắc).Cụ đã dày công dạy chữ, kèm cặp và còn gửi Nguyễn Sinh Sắc đi học ở thầy Nguyễn Thức Tự ở Nghi Lộc, Nghệ An – Một thầy đồ nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh lúc bấy giờ.Sau này mến đức, cảm tài của học trò nghèo, vượt qua lễ giáo phong kiến ngày xưa là “môn đăng hộ đối”, cụ đã gả con gái Hoàng Thị Loan cho Nguyễn Sinh Sắc.Dẫu chỉ được sống cùng với ông ngoại 3 năm, nhưng trong những năm tháng đầu đời quan trọng ấy, qua những câu chuyện giản dị, những lời khuyên mộc mạc, những câu hò ví dặm... mà ông ngoại đã đọc, đã hát cho bé Cung nghe, tuy chưa hiểu hết một cách trọn vẹn, song cũng đã có tác động rất lớn đối với việc hình thành nhân cách của cậu bé.
1.2. Bà Hoàng Thị Loan- Thân mẫu CTHCM
 
 
 
        Bà Hoàng Thị Loan. Sinh trong một gia đình nho học, ít nhiều được học chữ thánh hiền, lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và những làn điệu dân ca trữ tình, bà đã sớm có sự phong phú về vốn sống, vốn văn học dân gian. Bà đã giáo dục các con ngay từ thửa nằm nôi qua những lời ru bằng làn điệu dân ca Ví Giặm xứ nghệ… Qua đó đã nhen nhóm tình yêu quê hương đất nước đối với Nguyễn Sinh Cung.  Đêm đêm, bên bên chiếc võng bà vừa dệt vải kiếm kế sinh nhai, vừa hát ru con rằng:
À ơi, con ơi mẹ dặn câu này
Chăm lo đèn sách cho tày áo cơm
Làm người đói sạch rách thơm
Công danh phủi nhẹ, nước non phải đền
Trong cuộc sống gia đình, những lúc thăng trầm. Bà đều sống giản dị, tiết kiệm nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bà đã nêu lên một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho con học tập. Ở đâu, bà cũng thể hiện đức tính cần cù chịu thương, chịu khó, tần tào nuôi chồng nuôi con. Bằng tấm lòng trách nhiệm và sự mẫn cảm của người mẹ, Bà đã giáo dục, dạy dỗ uốn nắn cho con những bài học đầu tiên về cách sống, về đạo lý làm người. Bà là người định hướng nhân cách , tỏa sáng tâm hồn, bồi đắp lòng bác ái, tình nghĩa đồng bào cho cậu bé Nguyễn Sinh Cung,
ngay từ tuổi thơ ấu, tấm gương của người mẹ đã đi vào tâm khảm, tạo nên bản lĩnh tự lực cánh sinh trong mọi lúc mọi nơi của Người sau này… Chính trái tim nhân hậu, sự cần cù, chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả ở bà đã có tầm ảnh hưởng lớn đến đạo đức, phong cách của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Để hôm nay khi chúng ta nhìn lại hành trình ra đi tìm đường cứu nước năm 1911 của anh Văn Ba (Nguyễn Tât Thành) ta thấy đó là một sự hi sinh bởi Anh cũng là con một ông Phó bảng, được học hành có vốn chữ Hán và chữ Pháp để có một việc làm và cuộc sống giàu sang. Những tháng năm trên hành trình đi tìm đường cứu nước, nếu không có sự chịu thương chịu khó và trái tim nghĩa lớn thì làm sao không khỏi dao động thậm chí bỏ cuộc trước lời nói của Bùi Quang Chiêu: “Những người như con sao lại làm nghề khó nhọc này, hãy tìm một nghề khác danh giá hơn” hay vua bếp Élcopphie “Hãy bỏ ý nghĩ cách mạng ấy của anh đi, tôi sẽ dạy cho anh làm bánh và anh sẽ được nhiều tiền.
 Phải chăng sự hy sinh cao cả, tấm lòng, trái tim nhân hậu của mẹ chính là mạch nguồn trong trẻo đã nuôi dưỡng người con ái quốc Hồ Chí Minh, sống mãi, trường tồn cho hôm nay.
1.3. Ông Nguyễn Sinh Sắc- Thân phụ CTHCM
 
Thân sinh của Bác, ông Nguyễn Sinh không chỉ là nhà Nho uyên bác mà còn là vị quan thanh liêm, chính trực. Với nhân cách cao thượng, cụ sống giản dị, thanh bạch, yêu nước, thương dân, căm ghét bọn thực dân tay sai. Dù là sống ở quê nhà hay là ở kinh đô Huế, cụ luôn dạy con với phương châm :
“Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng”
(Đừng lấy phong cách nhà quan làm phong cách nhà mình). 
Vì vậy khi đậu Phó bảng về Làng Sen sinh sống hay những năm tháng làm quan ở Huế, ông vẫn luôn giữ nếp sống dân giã, đạm bạc. Có thể thấy rằng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc là một nhân cách lớn. Từ nhân cách đó đã toả ra những luồng ảnh hưởng và tác động nào? Nguyễn Tất Thành có thể và đã tiếp nhận được những gì từ tấm gương của người cha kính yêu để hình thành nên nhân cách và chí hướng cách mạng của mình? Trước hết, đó là tấm gương ý chí kiên cường, quyết tâm vượt qua mọi gian khổ, khó khăn để đạt cho được mục tiêu. Người ta đã nói đến ý chí của người Nghệ Tĩnh. Nguyễn Sinh Sắc là một điển hình của ý chí đó.  Ông nêu cao tấm gương hiếu học, khổ học. Y chí vươn lên đỉnh cao của kiến thức, nghị lực phi thường, quyết tâm sắt đá của ông để đạt được mục tiêu đã trở thành tấm gương sáng cho con cái noi theo. Sau này ý chí cứu dân, cứu nước sôi sục, thường trực, thiết tha, không nhụt chí, không nản lòng của Nguyễn Ái Quốc chính là sự kế tục ý chí của thân phụ mình, có điều ở cường độ mãnh liệt hơn, với mục tiêu cao cả hơn. Thứ 2, đó là tấm gương ý chí gắn liền với tấm gương lao động. Nguyễn Sinh Sắc từ khi nhỏ đã chăn trâu, cắt cỏ, nấu ăn... Lúc về làm rể cụ Đường không phải ngồi không mà học, mà vừa làm vừa học. Đỗ Phó Bảng rồi ông vẫn cuốc đất làm vườn cùng với con cái.  Đó là chỗ khác giữa Nguyễn Sinh Sắc với số lớn nhà nho đương thời. Phan Bội Châu không biết làm lao động chân tay. Phan Chu Trinh, Nguyễn Thượng Hiền đều xuất thân gia đình khá giả.
Nếu không có tấm gương và sự giáo dục đó của thân phụ mình, Nguyễn Tất Thành không thể khẳng khái, giơ hai bàn tay ra nói với bạn: “Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi”.
2 Truyền thống quê hương
CT Hồ Chí Minh sinh ra và lớn lên ở xã Chung Cự, nay là xã Kim Liên, Huyện Nam Đàn. Đây là một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng
. Vùng quê này, trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thường xuyên đương đầu với muôn vàn thử thách, tàn phá do giặc giã, thiên tai, trong khổ đau vẫn gan góc, trong mất mát vẫn kiên cường, trong đói nghèo vẫn “đói sạch, rách thơm”; là “đất phên dậu”, “đất Cối Kê”, “thành đồng ao nóng của nước”.Tôi xin được nói nói thêm về xã Chung Cự: Xã Kim Liên trước năm 1945 vốn có tên là xã Chung Cự (chuông lớn). Nổi lên giữa xã là ngọn núi Chung như 1 cái chuông khổng lồ nằm úp nghiêng. Đây là ngọn núi nơi thủa thiêu thời cậu bé Nguyễn Sinh Cung cùng bạn bè kéo co, thả diều, đánh trận giả. La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp đã từng vịnh ngọn núi Chung như sau:
Chung Sơn tam đỉnh hình Vương tự
Kế thế anh hùng vượng tử tôn
Tạm dịch là: Núi Chung có 3 đỉnh tạo thành hình chữ Vương, đất này đời đời nở rộ anh hào.
Nhìn trong lịch sử dân tộc, những tên tuổi lớn như Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Nguyễn Huệ – Quang Trung, Phan Bội Châu, Nguyễn Trường Tộ…hoặc sinh ra hoặc khởi nghiệp và thành danh ở nơi này.
Khi Bác cất tiếng khóc chào đời, khói lửa của phong trào Cần Vương, bên kia sông Lam dấy lên cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn. Ở ngay trước nhà là giếng Cốc, nơi bọn thực dân Pháp ra lệnh tát nước để tìm vũ khí của “Chung nghĩa binh” khi chúng đàn áp được cuộc khởi nghĩa của Vương Thúc Mậu (1886).Hình ảnh người anh hùng của quê hương, người bạn của ông ngoại hy sinh ngay tại làng để bảo toàn khí tiết đã từng gây xúc động mạnh trong lòng cậu bé Nguyễn Tất Thành. Khi chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân quê mình, Người thấm thía về thân phận khổ đau của đồng bào. Đó là thuế khoá nặng nề, dân bị bắt đi lính, đi làm phu, làm đường từ Cửa Rào đi Xiêng Khoảng (Lào). Những cuộc ra đi ấy hầu hết không có ngày về, nhân dân lầm than, ai oán. Thời gian học tập ở Trường tiểu học Pháp - Việt giúp Nguyễn Tất Thành mở rộng tầm nhìn và thêm nhận thức mới: Cảnh đói khổ lầm than của dân nghèo tương phản với cuộc sống xa hoa của quan lại; Cảnh tang thương của những cuộc biểu tình bị khủng bố… Những sự việc này in sâu vào ký ức Người không nguôi. Nguyễn Tất Thành luôn đặt câu hỏi phải làm gì để giúp đỡ họ, để cứu dân khỏi vòng nô lệ?
Có thể nói, gia đình là mạch nguồn hình thành nhân cách thì quê hương chính là động lực khởi đầu thôi thúc Người ra đi tìm đường cứu nước.
. Nguyễn Tất Thành đã kế thừa và hấp thụ những giá trị tinh tuý nhất của vùng đất Nghệ An địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước, hiếu học, sản sinh nhiều bậc hiền tài.
 Sự ảnh hưởng của các sỹ phu yêu nước thuộc hệ ông cha của Nguyễn Tất Thành.
Tháng 5/1901, cậu Nguyễn Tất Thành được ông Nguyễn Sinh Sắc đưa trở về làng Sen sinh sống, được lắng nghe những cuộc đàm đạo văn chương, thế sự của thân phụ Bác với các vị túc nho như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Đặng Thái Thân đã nhen lên trong tâm khảm Bác và anh chị lòng yêu nước nồng nàn, chí căm thù lũ giặc sâu sắc. Tìm hiểu về nhà chí sỹ nhiệt thành Phan Bội Châu, có thể nói đã ảnh hưởng đáng kể đối với gia đình của cậu Nguyễn Tất Thành. Ông Sắc – thân sinh của Bác rất tâm đắc với cụ Phan về tấm lòng yêu nước, thương dân. Chị Thanh và Anh Khiêm về sau đã có những hoạt động theo gương của cụ Phan.Còn bản thân cậu Nguyễn Tất Thành đã được nghe nhiều chuyện, thuộc nhiều thơ ca chứa chan lòng yêu nước của cụ. Có 2 câu thơ Cụ Phan Bội Châu thường ngâm lúc uống rượu: (Tạm dịch) “Mỗi bữa không quên ghi sử sách
 Lập thân hèn nhất ấy văn chương”, Ý muốn khuyên các sĩ phu và lớp trẻ từ bỏ con đường thi cử lỗi thời để lo việc cứu nước.Câu thơ đã tác động nhiều đến Nguyễn Tất Thành và góp phần định hướng cho người thiếu niên sớm có hoài bão lớn, mãi sau này Người vẫn nhớ.Sau khi đỗ Phó bảng, lấy lý do là vợ mới mất, từ chối làm quan, ông Sắc ở lại quê nhà.  Ngoài việc dạy học, ông Sắc còn đi giao du rất nhiều nơi trong tỉnh và ngoại tỉnh. Những lần đi đó, ông vẫn thường cho cậu Nguyễn Tất Thành đi cùng.Vậy tại sao ông Sắc lại cho đi giao du nhiều như vậy? Lúc đó, chưa hẳn cậu Tất Thành đã hiểu tường tận nhưng đây chính là những bài học bổ ích, quan trọng, mắt thấy tai nghe, những cuộc trải nghiệm, những hành trang … góp phần hình thành tư tưởng yêu nước, chí hướng cách mạng của Nguyễn Tất Thành sau này. Như vậy, cái nôi quê hương giàu truyền thống bất khuất với những bản sắc riêng của xứ Nghệ đã tạo cho Nguyễn Tất Thành có lòng yêu nước thương dân, chí căm thù giặc,
kích thích cao độ ý chí của Tất Thành, giúp cậu có thêm nhận thức mới, tình cảm mới, nghị lực mới, tầm nhìn mới.
Những người thầy và nhà trường thời niên thiếu
Người thầy đầu tiên của Nguyễn Sinh Cung, đồng thời cũng là người cha Nguyễn Sinh Sắc, một tấm gương sáng về ý chí vượt khó vươn lên trong học vấn và người thầy mẫu mực trong dạy chữ và dạy người. Những bài học mà cha dạy là những bài học thực tế, những trải nghiệm quý giá góp phần định hình con đường đi của cậu Nguyễn Tất Thành sau này. Lúc lên 10 tuôi Người  được thầy Vương Thúc Quý truyền dạy tư tưởng yêu nước thương dân, chí làm trai phải lập nghiệp với muôn dân.Khi được học với cụ Hoàng Phan Quỳnh, Nguyễn Tất Thành thấy trên tường lớp học có hàng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” đã mạnh dạn hỏi: “Thưa thầy, lễ quan trọng như thế nào mà phải học trước khi học văn?”. Thầy Quỳnh giảng nghĩa rằng: “Học văn là để bổ sung kiến thức, nhưng muốn nên thân người thì phải học lễ...”.
Những giáo lý đó, kết hợp với sự giáo dục hàng ngày của thân mẫu đã thấm dần vào cậu Nguyễn Tất Thành, rồi được hoàn thiện dần theo tuổi đời và môi trường mới của xã hội.
Người còn được nhận thức về thời cuộc lúc bấy giờ qua các cuộc bàn luận giữa cụ Sắc và các sĩ phu yêu nước nhà hay những lần theo cha đến các huyện.
Cậu Nguyễn Tất Thành luôn khắc sâu hình ảnh cụ Sắc cùng các sĩ phu lao tâm, khổ tứ bàn luận, mong giải đáp câu hỏi lớn: Tại sao các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ... trên quê hương Nghệ - Tĩnh, kể cả các cuộc khởi nghĩa ở đất Bắc như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Hoa Thám,... rất sôi nổi và quyết liệt, nhưng kết cục đều không thể thắng lợi? Nỗi suy tư về vận mệnh đất nước, sự nung nấu trong tâm can các cụ, cũng là sự trăn trở đối với Nguyễn Tất Thành.  Nội dung những cuộc đàm đạo đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình phát triển tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước của Nguyễn Tất Thành, góp phần quan trọng để Người lựa chọn con đường sẽ đi sau này. Năm 1905, cụ Sắc cho hai người con trai của mình - là Nguyễn Sinh Khiêm và Nguyễn Sinh Cung xuống Vinh học Trường tiểu học Pháp - Việt ở Vinh.Có thể nói, việc cho con theo học trường Pháp –Việt của ông Nguyễn Sinh Sắc là một tính toán có chủ ý trong việc giáo dục, đường hướng hành động cho con trai của mình. Muốn đánh Pháp thì phải hiểu Pháp, muốn hiểu Pháp thì phải biết chữ Pháp. Chính vì được học ở ngôi trường Pháp - Việt nên Nguyễn Tất Thành đã sớm được gặp các thầy giáo yêu nước, sớm được tiếp xúc với các sách báo tiến bộ của cách mạng Pháp,cũng chính tại ngôi trường này, Nguyễn Tất Thành lần đầu tiên biết đến khẩu hiệu: Tự do - Bình đẳng - Bác ái.
Được tiếp cận với đỉnh cao của văn hóa nhân loại, tri thức của Nguyễn Tất Thành càng dồi dào phong phú. Anh nảy sinh hoài bão muốn đến tận nơi đã khởi xướng 3 chữ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm ra bản chất vốn có của nó.Bởi vậy, Anh từ chối con đường Đông Du sang Nhật do cụ Phan Bội Châu kêu gọi. Như vậy, sự chăm sóc từ những yêu thương của mẹ từ những bước đi chập chững đầu đời. Từ lời dạy bảo của cha: “nước mất không lo đi tìm, tìm cha phỏng có ích gì.Từ mong muốn độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân đã gợi mở, thôi thúc người con ưu tú của quê hương Nghệ an – Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm con đường cứu nước cứu dân mới cho dân tộc Việt Nam.Đối với mỗi người dân Việt Nam thì cuộc đời và con người của Bác mãi ngân lên như những vần thơ, khúc hát.“Ôi lòng Bác vậy cứ thương taThương cuộc đời chung thương cỏ hoaChỉ biết quên mình cho hết thảy, Như dòng sông chảy nặng phù sa” . Bác chúng ta đã sống - một cuộc sống quên mình và dành cho con cháu chúng ta một tình yêu bao la. Giờ đây Bác đã đi xa nhưng trong triệu trái tim người Việt Nam “ Bác vẫn còn đây bên chúng ta”.
      Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho các thế hệ mai sau một gia tài đồ sộ, một di sản hết sức quý báu. Đó là: Tư tưởng Hồ Chí Minh; Thời đại Hồ Chí Minh và Tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Những Tư tưởng của Người được toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã và sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập và phát triển. 
 




 
 
Phòng Phát huy giá trị