Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Hành trang Nguyễn Ái Quốc khi ra đi tìm đường cứu nước

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tư duy độc lập, sáng tạo, trí tuệ thiên tài, Nguyễn Ái Quốc là Người tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc đúng đắn nhất.

Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh là Lãnh tụ thiên tài của Cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Người đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Với tư duy độc lập, sáng tạo, trí tuệ thiên tài, Nguyễn Ái Quốc là Người tìm ra con đường cứu nước giải phóng dân tộc đúng đắn nhất.

Từ lúc còn trẻ tuổi, Người đã trăn trở về vận mệnh nước nhà bị tước đoạt các quyền dân tộc, về thân phận người dân thành nô lệ, bị thực dân dày xéo. Năm 1911, Bằng một lòng yêu nước nồng nàn, ý chí nghị lực phi thường và tầm nhìn vượt thời đại, Người đã ra đi tìm kiếm con đường cứu nước, cứu dân ở độ tuổi đôi mươi. Thuở bấy giờ, Người lặn lội sang phương Tây mang bên người những hành trang thật giản dị nhưng hết sức đặc biệt. Để rồi 8 năm sau (1911 - 1919), Người đã tìm thấy và lựa chọn cho dân tộc Việt Nam con đường cứu nước đúng đắn, khoa học, hợp thời đại - con đường cách mạng vô sản.

Thế kỷ XX của dân tộc đã đi qua oanh liệt, trường kỳ kháng chiến, đã thắng lợi vẻ vang, sự nghiệp đổi mới đang trên đà phát triển nhưng ngày 5/6/1911 thế kỷ trước khắc vào trang sử dân tộc mãi không phai mờ.

Cách đây vừa tròn 110 năm, một ngày hè nóng bức, bi ai của dân tộc, từ bến Nha Rồng xuất hiện một người thanh nên bước từng bước chân đầy cương nghị, vững vàng lên chiếc tàu thủy Amiral La Touche De Trevile. Lúc đó, không mấy người biết đến Anh là ai? đi làm việc gì? Họ thắc mắc khi thấy hành trang Anh mang theo hết sức đơn giản với một người phụ bếp. Mãi sau này, khi Tổ quốc bừng sáng trên bước đường giải phóng ách nô lệ, người dân mới quan tâm và nhắc mãi đến Anh - người thanh niên yêu nước, tài ba Nguyễn Tất Thành.

Đến hôm nay, trả lời được câu hỏi khi Nguyễn Tất thành ra đi tìm đường cứu nước đã mang theo những hành trang gì đang còn là một dấu hỏi lớn. Nhân dịp kỷ niệm “110 năm Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước”, tác giả xin tập trung làm rõ về Hành trang của Nguyễn Ái Quốc khi ra đi tìm đường cứu nước với hy vọng có thể góp thêm những thông tin giá trị, hữu ích về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người.

                                                          Tàu Đô đốc Latouche-Tréville

1.Truyền thống gia đình, quê hương

Nguyễn Ái Quốc lúc nhỏ tên là Nguyễn Sinh Cung, sinh năm Canh Dần 1890 tại Làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Người sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống gia phong, yêu nước, thương dân. Thân phụ là Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vị quan lại thanh liêm, chính trực. Thân mẫu là Hoàng Thị Loan, người phụ nữ con nhà gia giáo họ Hoàng nên hội đủ tứ đức công, dung, ngôn, hạnh. Bởi vậy, ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Sinh Cung đã nhận được sự quan tâm, dưỡng dục rất nề nếp từ phụ mẫu.

Cha mẹ thân sinh và chị gái, anh trai của Bác Hồ.. Ảnh tư liệu   

   Cụ Nguyễn Sinh Sắc không chỉ là nhà Nho uyên bác mà còn là vị quan đảm đương quyền cao chức trọng của triều đình Huế. Ông có đủ năng lực và uy tín đảm đương vị trí giám khảo, giám sát kỳ thi Hương của triều đình, làm quan đến chức Tri huyện của tỉnh Quảng Bình. Bản thân cụ Sắc là một trí thức yêu nước tiến bộ nên cụ thấu hiểu cảnh khốn khổ, tủi nhục của người dân nô lệ, sự tha hóa chốn quan trường. Cụ sớm lấy kinh nghiệm thực tiễn mà căn dặn Nguyễn Sinh Cung rằng: “quan trường thị nô lệ trung chi nô lệ”, nghĩa là: quan trường là nô lệ trong những người nô lệ, lại càng nô lệ hơn. Với lời dạy khắc cốt ghi tâm của thân phụ, lớn lên Nguyễn Sinh Cung từ chối con đường khoa cử, làm quan mà mang theo hoài bão làm cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân.

Năm 1901, Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng, sau đó đưa các con chuyển về quê nội ở làng Kim Liên sống. Khi làm lễ vào làng cho hai con trai với tên mới là Nguyễn Tất Đạt ( Sinh khiêm) và Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung) .

Đối với các con, cụ Sắc chú trọng rèn luyện ý thức yêu lao động, ham học hỏi và đức tính kiên trì, nhẫn nại. Để răn dạy con cái sống theo nếp nhà thanh bạch, gần dân của mình, cụ Sắc viết lên xà nhà câu: “Vật dĩ quan gia, vi ngô phong dạng” (nghĩa là: đừng lấy phong cách nhà quan, làm phong cách nhà mình). Những lời dạy đó của thân phụ đã thấm đậm vào tư tưởng của Nguyễn Tất Thành từ nhỏ, trở thành nếp sống hằng ngày, đồng hành suốt các nẻo đường hoạt động cứu nước. Sau này, được nâng lên mẫu mực, trở thành đạo đức Hồ Chí Minh.

         Mẹ của Người là bà Hoàng Thị Loan. Sinh trong một gia đình nho học, ít nhiều được học chữ thánh hiền, lớn lên ở một vùng quê giàu truyền thống yêu nước và những làn điệu dân ca trữ tình, bà đã sớm có sự phong phú về vốn sống, vốn văn học dân gian. Bà đã giáo dục các con ngay từ thửa nằm nôi qua những lời ru bằng làn điệu dân ca Ví Giặm xứ nghệ… Qua đó đã nhen nhóm tình yêu quê hương đất nước đối với Nguyễn Sinh Cung.

Trong cuộc sống gia đình, những lúc thăng trầm. Bà đều sống gian gị, tiết kiệm nhưng luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Bà đã nêu lên một tấm gương sáng về nhân cách đạo đức cho con học tập. Ở đâu, bà cũng thể hiện đức tính cần cù chịu thương, chịu khó, tần tào nuôi chồng nuôi con; một lối sống trong sáng, có nghĩa, có tình, được mọi người yêu mến và hết sức kính trọng. Bằng tấm lòng trách nhiệm và sự mẫn cảm của người mẹ, Bà đã giáo dục, dạy dỗ uốn nắn cho con những bài học đầu tiên và cách sống, về đạo lý làm người. Tuổi thơ của Nguyễn Sinh Cung như tờ giấy trắng mà bà đã viết lên những dòng chứ đầu tiên, định hướng nhân cách , tỏa sáng tâm hồn, bồi đắp lòng bác ái, tình nghĩa đồng bào, ngay từ tuổi thơ ấu, tấm gương của người mẹ đã đi vào tâm khảm, tạo nên bản lĩnh tự lực cánh sinh trong mọi lúc mọi nơi của Người sau này…

Được sự dạy bảo từ người cha và tình yêu thương ân cần từ người mẹ, Nguyễn Sinh Cung ngay từ nhỏ đã đi dần vào khuôn phép con nhà Nho mẫu mực. Đó là sự chuẩn mực trong lối sống, giàu lòng nhân ái, ham học.

Nhà ông Nguyễn Sinh Sắc ở làng Kim Liên lúc này trở thành nơi hội tụ của những người có tâm hồn văn hóa và tư tưởng yêu nước trong vùng như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Trần Văn Lương, Nguyễn Quý Song, Đặng Nguyên Cẩn… qua những buổi bình thơ văn, đàm đạo thời cuộc giữa các cụ, Nguyễn Tất Thành được học hỏi thêm nhiều điều.

Trước lúc ra đi tìm đường cứu nước, người bạn của Người đã hỏi, lấy tiền đâu để đi? Nguyễn Tất Thành đã giơ hai bàn tay và nói: “Đây, tiền đây. - Chúng ta sẽ làm việc. Chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống, để đi”1. Hành động này của Người là minh chứng cho sự giáo dục tiến bộ của phụ mẫu, đó là ý chí tự lực, sẵn sàng lao động để sống, để thực hiện khát vọng cứu dân, cứu nước. Đây là hành trang quan trọng mà Người luôn mang theo khi rời bến cảng nhà Rồng và những năm tháng hoạt động cách mạng sau này. Nguyễn Tất Thành đã tự lao động, làm nhiều nghề khác nhau để, học tập, nghiên cứu thực tiễn khắp năm châu bốn biển để tím kiếm con đường giải phóng dân tộc. Như vậy, Nguyễn Tất Thành thời niên thiếu đã sớm nắm được những giá trị cốt lõi của giáo dục và văn hóa truyền thống. Lòng yêu nước, thương dân, thấu hiểu nỗi khổ nhục của đồng bào mất nước sống cuộc đời nô lệ sớm được hình thành ở Người. Đồng thời, những tư tưởng tích cực của Nho giáo như: lấy nhân dân làm gốc, làm trai phải tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, lập chí người quân tử… là những hành trang đầu tiên và căn bản nhất để sau này Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Sau này, Người nhắc lại lời của Mạnh tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” để nhấn mạnh rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân… Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích nhân dân”2

2. Nền tảng giáo dục

Lúc lên 10 tuôi Người  được thầy Vương Thúc Quý truyền dạy tư tưởng yêu nước thương dân, chí làm trai phải lập nghiệp với muôn dân. Được học về đạo lý của Khổng Tử từ các bậc sư, phụ.

Khi Nguyễn Tất Thành đến nhà Vương Thúc Độ thấy trên xà nhà viết câu: “Thao tâm cần khổ, hảo ái nhân quân”. Nguyễn Tất Thành hỏi Vương Thúc Độ, được thầy giảng giải rằng: Thao tâm là kiên trì về tâm trí, cần khổ là siêng năng, chịu khổ trong cuộc sống, hảo ái nhân quần là có lòng tốt yêu thương nhân dân. Ở đời, con người có làm được như vậy thì mới mong lập được sự nghiệp lớn. Thầy Độ ghi yêu cầu này để nhắc nhở mình, nhắn nhủ người hằng ngày phải kiên trì trong học tập, nhẫn nại trong cuộc sống để gặt hái được kết quả tốt đẹp hơn.

Hàng chữ Hán đơn giản, được chủ nhà giải thích dễ hiểu đã gợi ý cho Nguyễn Tất Thành sớm có ý thức biết kiên trì suy nghĩ trong học tập và siêng năng, chịu khổ trong cuộc sống, thì sẽ trở thành con người hữu ích cho xã hội.

Khi được học với cụ Hoàng Phan Quỳnh, Nguyễn Tất Thành thấy trên tường lớp học có hàng chữ: “Tiên học lễ, hậu học văn” đã mạnh dạn hỏi: “Thưa thầy, lễ quan trọng như thế nào mà phải học trước khi học văn?”. Thầy Quỳnh giảng nghĩa rằng: “Học văn là để bổ sung kiến thức, nhưng muốn kiềm chế được dục vọng tầm thường của bản thân mình thì phải học lễ. Ai muốn nên thân người, thì phải có lễ để rèn luyện bản thân, kiềm chế được dục vọng tầm thường, để vươn lên trong cuộc sống. Nếu ai đó có được chút nhân đức là do họ có lễ nghĩa vậy”. Được thầy ân cần truyền dạy đạo lý, Nguyễn Tất Thành bắt đầu nhận thức được trước tiên phải học lễ, tức là học cách làm người.

Những giáo lý đó, kết hợp với sự thân giáo hàng ngày của thân mẫu đã thấm dần vào ký ức thời niên thiếu của Người, rồi được hoàn thiện dần theo tuổi đời và môi trường mới của xã hội.

Người còn được nhận thức về thời cuộc lúc bấy giờ qua các cuộc bàn luận về thời cuộc giữa cụ Sắc và các sĩ phu yêu nước thường tới nhà thầy nhà hay những lần theo cha đến các huyện. Nguyễn Tất Thành luôn khắc sâu hình ảnh cụ Sắc cùng các sĩ phu lao tâm, khổ tứ bàn luận, mong giải đáp câu hỏi lớn: Tại sao các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhạ... trên quê hương Nghệ - Tĩnh, kể cả các cuộc khởi nghĩa ở đất Bắc như Nguyễn Thiện Thuật, Nguyễn Quang Bích, Hoàng Hoa Thám,... rất sôi nổi và oanh liệt, nhưng kết cục đều không thắng lợi được?

Nỗi suy tư về vận mệnh đất nước, sự nung nấu trong tâm can các cụ, cũng là sự trăn trở đối với Nguyễn Tất Thành. Nội dung nhưng cuộc đàm đạo đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới quá trình phát triển tư tưởng yêu nước và chí hướng cứu nước của Nguyễn Tất Thành, góp phần quan trọng để Người lựa chọn con đường sẽ đi sau này.

Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Mỹ Anna Lui Stơ rông, Người đã nói: “Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi lúc này thường hỏi nhau rằng: Ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nói là Nhật, người khác nói là Anh, có người khác nữa nói là Mỹ. Tôi thì thấy phải đi ra nước ngoài để xem cho rõ”2. Nhưng đi về phương Đông hay sang phương Tây thì lúc này chưa thấy Nguyễn Tất Thành nói cụ thể.

Cuối năm 1905, Nguyễn Tất Thành theo học Trường tiểu học Pháp - Việt ở Vinh. Tại ngôi trường này, lần đầu tiên người thiếu niên Nguyễn Tất Thành được tiếp xúc với khẩu hiệu của cuộc đại cách mạng Pháp 1789: “Liberté, Égalité, Frateite” (Tự do - Bình Đẳng - Bác ái). Lý tưởng cao đẹp của Đại cách mạng Pháp (1789) được trưng bày trang trọng nơi trường học, nhưng thái độ người Pháp đối với học sinh, nhất là thực trạng xã hội bấy giờ Nguyễn Tất Thành thấy hoàn toàn trái ngược hẳn. Anh nảy sinh hoài bão muốn đến tận nơi đã khởi xướng 3 chữ: “Tự do - Bình đẳng - Bác ái” để tìm ra bản chất vốn có của nó. Bởi vậy, Anh từ chối con đường Đông Du sang Nhật do cụ Phan Bội Châu kêu gọi.

Tháng 5/1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế lần thứ hai. Đây là sự dịch chuyển từ văn hóa làng ra văn hóa kinh đô có ý nghĩa hết sức đặc biệt đối với Người. Huế lúc bấy giờ là thủ phủ của Nam triều và Chính phủ bảo hộ ở Trung kỳ. Huế đầu thế kỷ XX đã và đang được tắm mình trong làn sóng “Tân thư, Tân văn” và hội tụ nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, thức thời. Người được trực tiếp trải nghiệm với nền giáo dục Pháp nói riêng và nền văn minh Pháp nói chung.

Tại đây, Nguyễn Tất Thành được học Trường Tiểu học Pháp - Việt Đông Ba. Đến vùng đất mới này, Người vừa tiếp thu giáo dục Nho học truyền thống, vừa bước đầu tiếp cận văn hóa, giáo dục mới thông qua học tiếng Pháp và tiếp xúc với những người ngoại quốc. Được học thầy giáo tân học Lê Văn Miến, thầy thường giành thời gian nói chuyện với học trò về nền dân chủ và văn minh phương Tây. Nhờ ảnh hưởng từ thầy Miến – “tấm gương sáng về chí khí, cốt cách người trí thức nước Nam. Dù ở bên Tây, ăn cơm Tây, nói tiếng Tây nhưng ở không thấy thầy đã bị trừ đi một phần nào cốt cách của dân tộc”3mà hoài bão sang Phương Tây của Nguyễn Tất Thành ngày càng lớn lên, thúc giục Người sớm thực hiện khát vọng ra đi tìm đường cứu nước.

Như vậy, Nguyễn Tất Thành thời niên thiếu đã nhanh chóng nắm được những giá trị cốt lõi của giáo dục và văn hóa truyền thống. Lòng yêu nước, thương dân, thấu hiểu nỗi khỏ nhục của đồng bào sớm được hình thành ở Người. Đồng thời, những tư tưởng tích cực của Nho giáo như: lấy nhân dân làm gốc, làm trai phải tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, lập chí người quân tử… là những hành trang đầu tiên và căn bản nhất để sau này Nguyễn Tất Thành quyết chí ra đi tìm đường cứu nước.

Trong tư duy của Người phát sinh lúc này rất độc đáo, đó là muốn đi sang phương Tây để khảo sát, nghiên cứu, học tập văn minh của nhân loại, rồi trở về Việt Nam để giúp đồng bào giả phóng dân tộc. Có thể nói rằng ở Việt Nam, trước Nguyễn Tất Thành chưa có ai có được tư duy này. Đây cũng là một hành trang quan trọng để Người quyết định Tây du năm 1911.

Năm 1923, Trả lời phỏng vấn của nhà báo Liên Xô Oxip Mandenxtam, Người nói: “Khi tôi độ 13 tuổi, lần đầu tiên được nghe 3 chữ: Tự do - Bình đẳng - Bác ái... và từ thuở ấy, tôi rất muốn làm quen với văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn sau những từ ấy”4. Như vậy, hoài bão sang tận nước Pháp ở phương Tây xa xôi của Nguyễn Tất Thành đã chớm nở, manh nha trên quê hương Nghệ An.

Sau này, Người nhắc lại lời của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” để nhấn mạnh rằng: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân... Trong xã hội không gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”5.

 

3. Bối cảnh quê hương, đất nước

Trước lúc Tây du, truyền thống và bối cảnh quê hương Nghệ Tĩnh là hành trang quan trọng để người mang theo. Nghệ Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống anh dũng, bất khuất xuyên suốt sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc. Đây cũng là nơi nuôi dưỡng nhiều anh hùng có công dẹp loạn, đánh đuổi ngoại xâm như Mai Thúc Loan, Lý Nhật Quang, Nguyễn Biểu, Đặng Dung, Nguyễn Xí, Phan Đà, Nguyễn Cảnh Hoan… sản sinh nhiều lãnh tụ chống Pháp như Trần Tấn, Đặng Như Mai, Phan Đình Phùng, Nguyễn Xuân Ôn…

  Năm năm đầu đời, Người sống ở quê hương, lớn với truyền thống tự hào là hiếu học, yêu lao động, tình nghĩa, anh dũng đánh giặc, bất khuất trước kẻ thù. Khi chứng kiến cảnh lầm than của nhân dân quê mình, Người thấm thía về thân phận khổ đau của đồng bào. Đó là thuế khoá nặng nề, dân bị bắt đi lính, đi làm phu, làm đường từ Cửa Rào đi Xiêng Khoảng (Lào). Những cuộc ra đi ấy hầu hết không có ngày về, nhân dân lầm than, ai oán.

Thời gian học tập ở Trường tiểu học Pháp - Việt giúp Nguyễn Tất Thành mở rộng tầm nhìn và thêm nhận thức mới: Cảnh đói khổ của dân nghèo tương phản với cuộc sống xa hoa của quan lại; Cảnh tang thương những bị khủng bố… Những chuyển biến nơi đây giúp Người rút ra bài học quan trọng trước khi trường chinh vào phía Nam để đi nước ngoài tìm đường cứu nước; cứu nòi.

Ở Huế, Người còn chứng kiến quan lại, binh lính Pháp ngang ngược và tàn bạo, nhất là đối với nhân dân. Các quan người Việt đe dọa, hạch sách người dân nhưng khúm núm, rụt rè trước người Pháp. Các tầng lớp nhân dân lao động lầm than, tủi cực, ai oán. Rồi cả những đứa trẻ mồ côi, nghèo khổ lang thang trên đường phố… từ Huế vào Quy Nhơn, vào Phan Thiết rồi vào Sài Gòn, ở đâu Người cũng thấy nhân dân lao động bị đọa đày, khổ nhục. Những sự việc này in sâu vào ký ức Người không nguôi. Nguyễn Tất Thành luôn đặt câu hỏi phải làm gì để giúp đỡ họ, để cứu dân khỏi vòng nô lệ?

Điều quan trọng mà Người thấy được là kẻ miệng nói tự do, bình đẳng, lại chính là kẻ đè nén, bóc lột, đàn áp dân ta đủ điều. Điều này làm cho tư tưởng yêu nước và chí căm thù giặc của Nguyễn Tất Thành phát triển cao độ. Tháng 5/1908, Người đã trực tiếp tham gia cuộc biểu tình chống thuế của đồng bào Thừa Thiên - Huế. Được trải nghiệm, học tập, hoạt động cứu nước ở kinh thành Huế giúp hoài bão đi phương Tây của Nguyễn ngày càng hoàn thiện hơn.

Trong tác phẩm: “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch”, Trần Dân Tiên viết: “Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn là người thiếu niên 15 tuổi. Người thiếu niên ấy đã sớm hiểu biết và rất đau xót trước cảnh thống khổ của đồng bào. Lúc bấy giờ anh đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào. Anh đã tham gia công tác bí mật nhận công việc liên lạc”6.

Những yếu tố này dần làm chín muồi trong tư tưởng Người khát vọng mãnh liệt phải đi tìm con đường cứu nước. Đó cũng là ý nguyện của cả dân tộc, nhưng nên đi lúc nào? đi bằng cách nào? Đây cũng là những câu hỏi lớn trong tư tưởng người thiếu niên Nguyễn Tất Thành.

4. Nhận thức của Nguyễn Ái Quốc trước khi ra đi tìm đường cứu nước

Được sự giáo dục đặc biệt từ gia đình, tiếp thu tinh hoa văn hóa Đông - Tây; chứng kiến sự khổ nhục của người dân mất nước sống trong thân phận nô lệ giúp Người hình thành nhân cách, bản lĩnh, phát triển nhận thức. Đó là quá trình tích lũy về lượng để biến đổi về chất.

- Thứ nhất: Bằng thực tiễn cuộc sống, Nguyễn Tất Thành thấy rõ sự phản động của chế độ Nam triều.

Trải qua tuổi thơ ở quê nhà, Nguyễn Sinh Cung có hai quãng thời gian ở Huế khoảng 9 năm. Đây có thể coi vùng đất tiếp tục góp phần nuôi dưỡng, phát triển chí hướng cứu nước của Người. Về điều này, cố thủ tướng Phạm Văn Đồng khẳng định: Thời gian ở Huế là thời gian Nguyễn Tất thành lớn lên và bắt đầu đi học, những năm tháng đó là thời gian rất quan trọng đối với sự hình thành nên con người Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Nếu lần đầu vào Huế “với tuổi ấu thơ, đứng về tâm sinh lý mà xét, gần như sự nối tiếp tháng ngày tại Nam Đàn”7 đã gửi đến Nguyễn Sinh Cung nhiều điều mới lạ so với quê hương Nghệ An, thì thời kỳ thứ hai, quan trọng hơn bởi Nguyễn Sinh Cung đã là Nguyễn Tất Thành- vào đúng tuổi thiếu niên sang tuổi thanh niên, đồng thời thêm vốn văn hóa Hán học lẫn Tây học giúp cho đầu óc những cơ sở đối chiếu, suy nghĩ. Lần sau kế thừa lần trước về mặt ghi nhận nhưng chính lần sau mới đủ điều kiện để Nguyễn Tất Thành hoạt động gọi là tư duy, dù còn trẻ”8.

Vào Huế lần hai, Nguyễn Tất Thành lao động, học tập, tham gia các hoạt động yêu nước. Người nhận thức sâu sắc hơn về nỗi khổ mất nước, sự hủ bại của bọn phong kiến cam tâm chịu làm tay sai cho thực dân. Đặc biệt, mùa hè năm 1908, Người trực tiếp tham gia phong trào chống thuế của nhân dân Trung Kỳ, tham gia biểu tình ở Huế. Cuộc biểu tình ôn hòa, nhưng bị bọn thực dân phong kiến dìm trong biển máu. Những người lãnh đạo phong trào bị xử bắn, người bị tù đày, điều này khắc sâu vào tư tưởng Nguyễn Tất Thành.

- Thứ hai: Nguyễn Tất thành nhận thức được sự lỗi thời về con đường cứu nước theo lập trường phong kiến.

Đầu thế kỷ XX, sau khi hoàn thành xong công cuộc xâm lược, bình định bán đảo Đông Dương, Người Pháp đẩy mạnh khai thác thuộc địa, sử dụng chiêu bài thâm độc “khai hóa văn minh”. Điều này đẩy hết thảy các tầng lớp nhân lao động vào ách cai trị tàn bạo của Pháp kết hợp sự tiếp tay của phong kiến phản động Nam triều.

Yêu cầu khách quan của lịch sử dân tộc và nguyện vọng của toàn dân là vùng lên lật đổ thực dân, phong kiến giành độc lập dân tộc, tự do của nhân dân. Trước yêu cầu lịch sử, phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam tiếp tục diễn ra với nhiều xu hướng khác nhau. Đầu tiên là phong trào theo lập trường phong kiến, nổi bật là các cuộc khởi nghĩa hưởng ứng chiếu Cần Vương. Với kết cục thất bại, phương hướng cứu nước bằng hệ tư tưởng phong kiến đã chấm dứt vai trò của nó trên vũ đài chính trị lúc bấy giờ.

Những thất bại xương máu này đồng thời tạo ra bài học kinh nghiệm quý báu thấm dần vào tư tưởng các nhà ái quốc, đặc biệt là Nguyễn Tất Thành. Người thường theo cha đến các di tích lịch sử, được lắng nghe những chiến công của các anh hùng dân tộc… Rồi cả những lần cùng Cha đàm luận thời cuộc với các sĩ phu, những nhà yêu nước hồi đó góp phần giúp Người khẳng định rằng: Muốn cứu nước thì không thể tiếp tục đi theo hệ tư tưởng phong kiến. Người đề cao cuộc khởi nghĩa Yên Thế của Hoàng Hoa Thám nhưng “còn mang nặng cốt cách phong kiến”.

- Thứ ba: Người rút ra được những kinh nghiệm từ thất bại của phong trào cứu nước theo ý thức hệ tư sản.

Người biết đến tư tưởng dân chủ tư sản khi học ở trường Tiểu học Pháp Việt thị xã Vinh. Rồi tích cực tìm hiểu rõ hơn về cuộc cách mạng tư sản Pháp thông qua việc tìm độc những tác phẩm của Voltaire, Montesquieu, rousseau... Nguyễn Tất Thành thấy ở đó toát lên tinh thần phê phán chế độ chuyên chế, lòng thiết tha tự do, khao khát đời sống bình đẳng bác ái. Người biết thêm tư tưởng, giá trị dân chủ tư sản qua thực tế cuộc sống, giúp Người có điều kiện thấy rõ bản chất thực dân của người Pháp ẩn dấu đằng sau cái gọi là “khai hóa thuộc địa”, “khai hóa văn minh”.

Kết hợp với những lỗi thời, thất bại trong phong trào đấu tranh của giai cấp tư sản, tấng lớp trí thức, tiểu tư sản Việt Nam đầu thế kỷ XX, đặc biệt là phong trào của Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu khởi xướng giúp Nguyễn Tất Thành rút ra được những bài học kinh nghiệm.

Phan Bội Châu sang Nhật tìm con đường cứu nước với hy vọng dựa vào  “người anh cả da vàng” Nguyễn Tất Thành khâm phụ tài năng, hoài bão của cụ Phan, là “Bậc anh hùng vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập, được hai mươi triệu con người trong vòng nô lệ tôn sùng” 9. Nhưng Người nhận thấy tư tưởng dựa vào Nhật của cụ giống hành động “đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau” vì Nhật lúc này tuy “đồng văn, đồng chủng, đồng châu” nhưng không “đồng bệnh tương lân”.

Phan Châu Trinh hướng theo xu hướng cải cách dân chủ tư sản nhằm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”nhưng tư tưởng lại dựa vào Pháp. Nguyễn Tất Thành thấy hoạt động của cụ góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân, nhưng về phương pháp “cụ Phan Châu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương.. điều đó là sai lầm, chẳng khác gì đến xin giặc rủ lòng thương”.

 Những con đường trên đây tuy xu hướng có khác nhau nhưng thực chất đều là theo chủ nghĩa dân chủ tư sản. Tư tưởng này, đối với Việt Nam còn mới mẻ, tiến bộ nhưng trên trường quốc tế, nó đang sa lầy vào sự lỗi thời và phản động.

Nguyễn Tất Thành ngưỡng mộ các cụ Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… nhưng Người không đồng tình với con đường cứu nước của họ. Bằng thực tiễn thất bại từ các phong trào cũng như sự nhạy bén trong tư duy chính trị bản thân, Nguyễn Tất Thành đã có một quyết định đúng đắn, vượt thời đại là sang phương Tây để nghiên cứu thực tiễn với mục tiêu tối thượng là tìm được con đường cứu nước mới, cách mạng, khoa học nhất.

- Thứ tư: Nguyễn Tất Thành gửi gắm niềm tin chắc thắng ở nhân dân.

Bằng những năm tháng trải nghiệm thực tiễn ở quê hương Nghệ An, các tỉnh Trung Kỳ, rồi sau này dạy học ở Phan Thiết, Nguyễn Tất Thành thương cảm trước nỗi thống khổ của nhân dân, đồng thời, Người còn nhận thấy sự bất khuất, yêu nước từ sâu thẳm tâm can họ. Từ việc tìm hiểu, nghiên cứu các phong trào yêu nước, các chí sĩ yêu nước của dân tộc cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, Người tin chắc về tinh thần không cam tâm cam chịu cúi đầu làm nô lệ suốt đời của nhân dân. Họ sẵn sàng vùng dậy đấu tranh khi được sự dẫn dắt chân chính, khi thấy niềm tin, thấy ánh sáng chiến thắng phía trước. Bằng chính niềm tin vào sức mạnh của nhân dân khi có ánh sang chân lý, Người khẳng định rằng: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực. Người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến”.

       Năm 1911, trải qua thời gian hơn 20 năm sống và học tập, tiếp thu được thực tiễn của đất nước, từ việc được giáo dục nên văn hóa phương Đông truyền thống của dân tộc đến được tiếp xúc với văn hóa phương Tây với trào lưu tư tưởng mới đã nuôi dưỡng hoài bão cứu nước cứu dân và đưa đến quyết định lịch sử vạch dòng thời đại đầy táo bạo của Nguyễn Tất Thành: rời Việt Nam, sang phương Tây học hỏi và xem xem tìm con đường cứu nước phù hợp cho dân tộc mình. Và Người muốn khám phá đằng sau những từ hoa mỹ “Tư do- Bình đẳng- Bác ái” mà người Pháp thường rêu rao là gì?

       Ngày 5/6/1911 Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước với hành trang hết sức giản dị: Một nhân cách cao thượng, lòng yêu nước nồng nàn, ý chí phi thường, nhãn quan chính trị sắc bén, tầm nhìn vượt thời đại và niềm tin tất thắng ở nhân dân. Đây là sự kiện lịch sử lớn lao, mở đầu cho hành trình tìm kiếm và thực hiện con đường giải phóng dân tộc mới. Và sau này Người đã tìm kiếm, lựa chọn con đường cứu nước khoa học nhất, phù hợp nhất và cách mạng nhất với thời đại - con đường cách mạng vô sản, con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

Chú thích:

  1.  Trần Dân tiến, “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chí Minh” NXB Tuổi trẻ, NXB chính trị quốc gia, Hà Nội 2005 tr 15
    Trích bài: Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà báo Mỹ Anna Luixtrong, Báo Nhân Dân, số ra ngày 18/5/1965; Đỗ Hoàng Linh, Nguyễn Văn Dương, Chuyện kể về thời niên thiếu của Bác Hồ, Nxb Văn hóa Thông tin, H. 2008, Tr. 133
    Nguyễn Thị Vân, Lê Văn Miến - Cuộc đời và sự nghiệp giáo dục, Luận văn thạc sĩ khoa học Lịch sử, Trường Đại học Vinh, 2007, Tr. 55 - 57.
    Trích bài: Đến thăm một chiến sĩ cộng sản Quốc tế- Nguyễn Ái Quốc, Oxip Mandenxtam, Tạp chí Tin lửa nhỏ, số 39, 23/12/1923; Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 1, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, Tr. 477
    Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2000, Tr. 276
    Trần Dân Tiên, Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Văn học, H. 1969, Tr. 10.
    Trần Văn Giàu (Chủ biên), Vàng trong lửa - Chủ tịch Hồ Chí Minh với miền Nam tổ quốc, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2009, Tr. 63 - 64
    Trần Văn Giàu, Sđd, Tr. 63 – 64
    Hồ chí Minh Toàn tập, tập 2, Nxb Sự Thật, H. 1981, Tr. 1

     

                                                                               ThS:  Bùi Ngọc Nguyên

                                                                   BQL Quảng trường Hồ Chí Minh

                                                                                  và Tượng đài Bác Hồ