Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Phát huy truyền thống Xô Viết anh hùng

         Phong trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao Xô Viết - Nghệ Tĩnh có ý nghĩa lịch sử quan trọng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp ở nước ta. Từ phong trào này, lần đầu tiên công nhân và nông dân liên minh với nhau trong cuộc đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.  Mặc dù chỉ tồn tại với hình thức sơ khai, nhưng Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại những dấu ấn tốt đẹp về một nhà nước công – nông, đáp ứng khát vọng độc lập, tự do cháy bỏng của nhân dân ta, đồng thời để lại nhiều bài học quý cho cách mạng Việt Nam. Đánh giá về ý nghĩa lịch sử to lớn của cao trào cách mạng 1930 - 1931, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Tuy đế quốc Pháp đã dập tắt phong trào đó trong một biển máu nhưng Xô Viết - Nghệ Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào tuy thất bại, nhưng nó rèn lực lượng cho cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi sau này”.

        Đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của Nhân dân bùng lên mạnh mẽ trên khắp cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Nghệ An, nhân Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa Bến Thủy cùng hàng nghìn nông dân các vùng lân cận Vinh - Bến Thủy đã rầm rộ biểu tình thị uy, phất cao cờ đỏ búa liềm, giương cao khẩu hiệu đòi tăng lương, bớt giờ làm, giảm sưu thuế, chống khủng bố chính trị. Đây là lần đầu tiên công nhân và nông dân sát cánh bên nhau trong đấu tranh chống kẻ thù, mở đầu cho cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh. Trên đà phát triển mạnh mẽ đó, ngày 1/8/1930 đã nổ ra cuộc Tổng bãi công của toàn thể công nhân khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy, nhân dân Can Lộc, Hà Tĩnh đã kéo lên huyện đường đấu tranh; ngày 30/8, nông dân Nam Đàn khoảng 3.000 người phá huyện đường, thả tù chính trị. Ngày 1/9, khoảng 20.000 nông dân Thanh Chương đã kéo lên đốt huyện đường, thả tù chính trị, trừng trị bọn phản động gian ác, đánh dấu một thời kỳ mới - thời kỳ đấu tranh quyết liệt “đòi dân chủ và độc lập dân tộc”. Tiếp đó, khắp các địa phương của Nghệ An và Hà Tĩnh đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh của nông dân dưới hình thức biểu tình có vũ trang tự vệ.

Tranh vẽ Cao trào Xô - Viết Nghệ Tĩnh

         Tháng 9/1930, phong trào công - nông phát triển tới đỉnh cao; quần chúng đã vũ trang tự vệ, biểu tình thị uy có vũ trang, tiến công vào cơ quan chính quyền của địch ở địa phương. Đặc biệt, ngày 12/9/1930, hơn 8.000 nông dân Hưng Nguyên đã kéo đến huyện lỵ đòi yêu sách, hô vang các khẩu hiệu chống đế quốc thực dân, phong kiến. Thực dân Pháp đã man rợ, dùng máy bay ném bom vào đoàn biểu tình làm hàng trăm người chết và bị thương. Không chùn bước trước bom đạn của kẻ thù, phong trào đấu tranh của nhân dân Nghệ - Tĩnh ngày càng dâng cao, lan rộng ra ở nhiều địa phương, phát triển thành cuộc đấu tranh vũ trang, làm cho hệ thống chính quyền của đế quốc, phong kiến bị tê liệt, tan rã ở nhiều nơi. Trước tình hình chính quyền địch tan rã, các chi bộ đảng và nông hội đỏ đã chủ động thiết lập, đứng ra điều hành, quản lý mọi mặt đời sống chính trị, xã hội ở nông thôn và làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết, thi hành nhiều chính sách tiến bộ, chính đáng cho Nhân dân. Cao trào cách mạng 1930 - 1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh chỉ tồn tại trong thời gian ngắn và tạm thời lắng xuống vào cuối năm 1931. Mặc dù vậy, hình ảnh của lá cờ đỏ búa liềm cùng với một chính quyền kiểu mới thực sự do nhân dân làm chủ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí quần chúng, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khát vọng độc lập tự do, nung nấu ý chí quyết tâm làm cách mạng đến cùng của nhân dân ta. Xô viết Nghệ Tĩnh đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng có tác dụng sâu xa vào tiến trình phát triển của lịch sử cách mạng Việt Nam. Đó là bài học về kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, bất khuất, quật cường của dân tộc, quyết không chịu làm nô lệ; về đảm bảo vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng.

Tượng đài Xô - Viết Nghệ Tĩnh

        Phát huy truyền thống cách mạng và khí phách Xô Viết anh hùng, trong các cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã làm trọn nhiệm vụ hậu phương, cung ứng đến mức cao nhất sức người, sức của cho tiền tuyến, tham gia đánh thắng chiến tranh phá hoại, hoàn thành nghĩa vụ quốc tế cao cả, lập nhiều thành tích xuất sắc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Bước vào công cuộc đổi mới, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng; lựa chọn những nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm; xác định rõ những khâu đột phá; ban hành nhiều chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng lao động sáng tạo trong nhân dân, tranh thủ nguồn lực từ bên ngoài, đưa kinh tế - xã hội của Tỉnh phát triển vượt bậc và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, bài học về huy động  sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, vượt qua thử thách,.. trong phong trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh đã được vận dụng trong cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” hiện nay.

         Xô Viết Nghệ - Tĩnh mãi mãi là niềm tự hào và kiêu hãnh, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho Đảng bộ và nhân dân Nghệ An vững bước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới và hội nhập, xây dựng quê hương Xô Viết anh hùng trở thành tỉnh khá của cả nước./.

                                                                                                             

                                                                                                                  Phòng Nghiệp vụ