Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ: Địa chỉ thiêng trong lòng dân

Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2003. Cũng trong năm này, Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được thành lập. 15 năm qua, tập thể cán bộ, viên chức Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng này.

Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ: Địa chỉ thiêng trong lòng dân

Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khánh thành đưa vào sử dụng năm 2003. Cũng trong năm này, Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được thành lập. 15 năm qua, tập thể cán bộ, viên chức Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã không ngừng nỗ lực, cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng này.

Có mặt ngay từ ngày đầu thành lập đơn vị, ông Hồ Công Nghĩa - Phó Trưởng ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ cho biết, ban đầu, chỉ với 12 con người nhưng phải đảm đương một khối lượng công việc khá lớn. Đó là: Trực tiếp tổ chức và phục vụ các hoạt động chính trị, văn hóa, xã hội, khai thác phát huy giá trị của một công trình văn hóa có ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng; Đón tiếp, phục vụ nhân dân trong tỉnh, khách trong và ngoài nước tham quan; Chăm sóc, bảo vệ, trùng tu, duy tu bảo đảm cho công trình lâu bền; Tổ chức các hoạt động dịch vụ,… Công việc nhiều, người làm thì ít lại chưa thạo việc vì toàn bộ được điều chuyển từ các đơn vị của ngành về đây. Xác định rõ tầm quan trọng của công trình có ý nghĩa chính trị - văn hóa mang tầm cỡ quốc gia nên tập thể cán bộ, viên chức và người lao động nơi đây đã nỗ lực hết mình, không quản ngày đêm để bảo vệ, gìn giữ và phát huy giá trị công trình. Công việc mới mẻ, vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị bạn. Ví như lên Khu Di tích Kim Liên học kinh nghiệm thuyết minh, hướng dẫn khách tham quan, làm lễ báo công. Hay ra tận Quảng trường Ba Đình (Hà Nội) học kinh nghiệm quản lý cây xanh, thảm hoa, thảm cỏ, cây cảnh. Rồi tham gia giao lưu, hội thảo với các đơn vị bảo tàng, khu di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cả nước để nâng cao hoạt động nghiệp vụ,… Dần dần, mọi hoạt động đi vào quy củ, nề nếp. Đội ngũ cán bộ, viên chức hiện nay cũng đã tăng gần gấp đôi để đảm bảo yêu cầu nhiệm vụ. Trong đó, đội ngũ thuyết minh viên được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ mang tính chuyên sâu, chuyên nghiệp cả về phẩm chất đạo đức, trình độ kiến thức, phong cách làm việc, giao tiếp để tuyên truyền, giới thiệu ngày càng đầy đủ về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức phong cách Hồ Chí Minh cho khách tham quan.

Mọi hoạt động diễn ra ở Quảng trường đều mang tính phục vụ, “làm dâu trăm họ” ở công trình mang tên Bác nên mọi việc được thực hiện hết sức nghiêm cẩn, chỉn chu. Từ công tác tuyên truyền cổ động trực quan với pano, áp phích, cờ vui, cờ phướn, thảm hoa, logo chữ,…tạo điểm nhấn đến các tin, bài tuyên truyền, các bài hát phát trên hệ thống loa phóng thanh phải khơi dậy được tình cảm, niềm tự hào về Bác Hồ, về quê hương, đất nước trong lòng mỗi người dân khi đến với nơi này. Càng cẩn thận, chu đáo hơn trong đón tiếp và phục vụ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh và các đoàn khách quốc tế, đồng bào trong và ngoài nước, du khách các nước tới dâng hoa tưởng niệm trước Tượng đài Bác Hồ, trồng cây lưu niệm; Hướng dẫn khách tham quan, học tập, nghiên cứu,.... Và tròn 15 năm qua, bình quân mỗi năm, Quảng trường đã đón tiếp hàng triệu lượt khách tham quan, vui chơi giải trí; Tổ chức dâng hoa, báo công, sinh hoạt chính trị cho hàng trăm đoàn khách trong và ngoài nước mà không hề để xảy ra sai sót nào.

Bên cạnh đó, hàng năm, Ban Quản lý Quảng trường còn tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều động văn hóa, nghệ thuật phục vụ nhân dân và du khách tham quan, như: Chương trình nghệ thuật đón chào năm mới, Đêm hội Giao thừa; Tổng kết Lễ hội Làng Sen; Chương trình nghệ thuật chào mừng các ngày lễ và kỷ niệm lớn của đất nước; Chiếu phim; Trưng bày, triển lãm tranh, ảnh về Bác Hồ… Các hoạt động này thường diễn ra ban đêm và nhiều sự kiện thu hút hàng vạn người xem nhưng an ninh trật tự, an toàn phòng chữa chữa cháy, an toàn con người, tài sản,… luôn được đảm bảo.

Do tính chất công việc, các hoạt động ở Quảng trường diễn ra bất kể lúc nào, các sự kiện chính trị, văn hóa lớn thường diễn ra vào ban đêm nên làm ở đây không có khái niệm theo giờ hành chính. Làm ngoài giờ, làm thêm giờ là chuyện thường xuyên. “Sau mỗi sự kiện, thu dọn xong, mọi người về nhà thường đã 2 giờ sang, nhiều khi làm xuyên đêm. Nhiều cán bộ, viên chức ở đây chưa bao giờ được đón Giao thừa cùng với gia đình ở nhà mà phải phục vụ Đêm hội Giao thừa tại đây. Vậy nhưng, ai cũng vui vẻ và cố gắng để cùng tập thể đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao ” - chị Thái Thị Mai Trang, Trưởng phòng tuyên truyền chia sẻ.

Đặc biệt, năm 2016, Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh đã tìm hiểu, nghiên cứu xây dựng phương án kỹ thuật bảo dưỡng Tượng đài Bác Hồ và công trình tẩy mốc và chống thấm Tượng đài Bác Hồ đã hoàn thành, đảm bảo về kỹ thuật, mỹ thuật, vượt tiến độ về thời gian. Rồi công trình Đài phun nước được duy tu mới đây với kinh phí trên 2 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, đơn vị thực hiện duy tu bảo dưỡng, sửa chữa nhỏ thường xuyên các hạng mục công trình, thiết bị hư hỏng đảm bảo mỹ quan và bền vững cho công trình, như: ốp gạch tường các phòng dưới chân Tượng đài Bác, bảo dưỡng cột điện cao áp, sơn sửa hàng rào xích sắt, sửa chữa cục công suất ánh sáng,… Đảm bảo cơ bản tốt các thiết bị kỹ thuật, nguồn điện, loa máy, âm thanh, ánh sáng phục vụ công tác chuyên môn và các hoạt động văn hóa diễn ra tại Quảng trường. Các thảm hoa, thảm cỏ, cây xanh được chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên, đảm bảo đúng quy trình kỹ thuật, thảm hoa luôn nở đẹp trong các dịp lễ. Các hoạt động dịch vụ được thực hiện theo đúng các quy định của nhà nước. Hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu, hiện nay, đơn vị đang nỗ lực khai thác các nguồn thu tự đảm bảo một phần chi thường xuyên theo Quyết định Số 4649/QĐ-UBND ngày 09/10/2017 của UBND tỉnh và chuẩn bị cho lộ trình tự chủ của một đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TƯ ngày 25/10/2017 Hội nghị BCH TƯ Đảng lần thứ VI khóa XII.

Có thể nói, sau 15 năm đi vào hoạt động, tập thể cán bộ, viên chức Ban quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Để đến bây giờ, công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã trở thành một địa chỉ thiêng liêng, điểm hội tụ hấp dẫn của du khách muôn phương, địa điểm lý tưởng để mọi tầng lớp nhân dân về quây quần bên Người tham quan, vui chơi, tổ chức lễ hội. Những dòng người hàng ngày, hàng đêm vẫn nhộn nhịp về bên Bác, về với Quảng trường Hồ Chí Minh. Và như vậy, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã và đang phát huy tác dụng to lớn trong công tác bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, làm cho tư tưởng của Người thấm sâu, lan rộng trong mọi tầng lớp nhân dân và bạn bè quốc tế.

                                                                                                               Nguồn tin: Tạp chí Văn hóa Nghệ An