Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Thanh niên xung phong - nguồn lực sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng..

Lịch sử dân tộc Việt Nam sẽ mãi khắc ghi hình ảnh người thanh niên Nguyễn Tất Thành khi rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước; dấn thân vào tận sào huyệt của chủ nghĩa thực dân để tìm một hướng đi đúng đắn nhất, một cách đi thích hợp và bảo đảm nhất cho dân tộc mình trên con đường đấu tranh để tự giải phóng.

TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương

Cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, vô cùng gian khó nhưng rất đỗi vinh quang của Người là một tấm gương sáng cho hoài bão, ý chí nghị lực và cả sức mạnh của tuổi trẻ trong cuộc đấu tranh cách mạng và thúc đẩy phát triển xã hội, như lời thơ của Người gửi tặng đơn vị thanh niên xung phong làm đường phục vụ chiến dịch Biên giới năm 1950: “Không có việc gì khó/Chỉ sợ lòng không bền/Đào núi và lấp biển/Quyết chí ắt làm nên”1. Ra đời giữa những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, bài thơ đã nhanh chóng trở thành khẩu hiệu hành động không chỉ của thanh niên xung phong mà đã được truyền bá rộng rãi, thành phương châm tu thân, lập nghiệp của tuổi trẻ Việt Nam các thế hệ trong hành trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

TS. Văn Thị Thanh Mai
Ban Tuyên giáo Trung ương

1.    Tư tưởng Hồ Chí Minh về thanh niên xung phong Thanh niên xung phong Việt Nam là biểu tượng sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam. Lịch sử ra đời của thanh niên xung phong Việt Nam gắn liền với cuộc đấu tranh và giải phóng dân tộc. Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn tiến công chiến lược. Tháng 9/1950, Trung ương Ðảng quyết định mở chiến dịch Biên giới, giải phóng 3 tỉnh Cao - Bắc - Lạng. Nhiệm vụ đó đòi hỏi phải huy động một lực lượng lớn nhân công mở đường, tải lương, phục vụ bộ đội chiến đấu… Lực lượng này rất cần những thanh niên trẻ, khỏe, có tinh thần hăng hái xung phong, chịu đựng hy sinh, được tổ chức chặt chẽ và có tinh thần sẵn sàng hoàn thành mọi nhiệm vụ. Từ lòng yêu thương, sự tin tưởng đối với thanh niên Việt Nam nói chung, với tầm nhìn chiến lược về vai trò của lực lượng thanh niên xung phong nói riêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập đội Thanh niên xung phong tập trung, giao cho Trung ương Đoàn thanh niên cứu quốc phụ trách. Ngày 15/7/1950, theo Chỉ thị của Người, “Ðội thanh niên xung phong công tác Trung ương” được thành lập gồm 225 đội viên do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Ban Chấp hành Ðoàn thanh niên cứu quốc làm đội trưởng. Vinh dự lớn cho thanh niên xung phong Việt Nam - một sáng tạo mang đặc trưng của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh lịch sử, của cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện là luôn được Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức tin cậy, chăm sóc, dìu dắt và từng bước trưởng thành.

Về vai trò của thanh niên xung phong, Người nhấn mạnh: “Kháng chiến càng tiến tới, công việc ngày càng nhiều, chúng ta cần củng cố và phát triển Đội thanh niên xung phong để đảm bảo thêm công việc kháng chiến và đào tạo cán bộ sau này”2 và yêu cầu “Thanh niên phải xung phong làm gương mẫu trong công tác, trong học hỏi, trong tiến bộ, trong đạo đức cách mạng. Thanh niên phải thành một lực lượng to lớn và vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc”3.

Về nhiệm vụ của thanh niên xung phong, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nhiệm vụ của
Đội thanh niên xung phong là xung phong mọi việc bất kỳ việc khó dễ, và phục vụ cho đến kháng chiến thành công”4 và hướng tới mục đích “Đội cốt giáo dục cho thanh niên tinh thần quyết tâm xung phong trong mọi việc. Rèn luyện thành những thanh niên gương mẫu, những chiến sĩ thi đua, để trở nên những cán bộ tốt sau này cho Đảng và Chính phủ”5.

Khẳng định Đội Thanh niên xung phong là “Những trường học lớn và tốt”, “vừa huấn luyện vừa thử thách cán bộ”, vì “Nếu ai không chịu nổi thử thách, trước sự kiểm tra nghiêm khắc mà công bằng của quần chúng, thì người ấy chỉ có thể tự trách mình”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến sĩ và cán bộ được rèn luyện những tính tốt như: quyết tâm, gan dạ, kiên quyết, không sợ khó, không sợ khổ. Được bồi dưỡng tính tổ chức, tính kỷ luật. Do quần chúng thẳng thắn phê bình mà cán bộ tẩy rửa được những tính xấu như: quan liêu, mệnh lệnh, tham ô, lãng phí,v.v.. Ở những trường ấy, miệng nói tay làm, lý luận gắn liền với thực hành. Nó làm cho cán bộ tư tưởng thêm thông, lập trường thêm vững, lề lối làm việc thêm dân chủ ”6…

Trên cương vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước, dù bộn bề công việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn dành sự quan tâm, viết thư thăm hỏi, đến dự các hội nghị, đại hội, theo dõi các phong trào của thanh niên xung phong, nhằm khuyến khích, đề cao những thành tích, những công việc mà thanh niên xung phong đã đạt được; đồng thời cũng nhẹ nhàng phê bình, chỉ ra những thiếu sót còn tồn tại, để mỗi người có thể tự mình khắc phục. Trong bài viết Đội Thanh niên xung phong Thủ đô, ngày 16/5/1955, Người đã nhấn mạnh:
“Người ta thường cho rằng những thanh niên ở các thành thị, nhất là ở Hà Nội, chỉ ham trau chuốt, thích chơi bời, ít hoạt động. Có một số ít thanh niên như thế thật. Nhưng khi được tổ chức, giáo dục và lãnh đạo, thì thanh niên rất hăng hái hoạt động”7; đã “hăng hái tham gia đấu tranh giữ gìn nhà máy và cơ quan”, “đã cố gắng giúp sức trong việc khôi phục kinh tế, văn hóa,v.v..”, “họ còn giúp đồng bào địa phương gánh nước tưới ruộng, làm vệ sinh và những công việc khác” và “đã đưa lại vinh dự cho thanh niên Thủ đô”.

Những tình cảm và chỉ dẫn của Người trong Thư khen thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, ngày 26/9/1966; lời phát biểu tại Đại hội thi đua các đội thanh niên xung chống Mỹ, cứu nước toàn miền Bắc, ngày 12/1/1967; Thư gửi Đội Thanh niên xung phong số 333, ngày 27/1/1969

- Bức thư cuối cùng của Người gửi thanh niên xung phong... đều thấm nhuần yêu cầu: Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lực lượng thanh niên xung phong cũng phải “nêu cao ý chí chiến đấu, tinh thần cảnh giác cách mạng”; “luôn luôn đoàn kết, ra sức học tập chính trị, kỹ thuật, văn hoá để ngày càng tiến bộ”8; “đem hết nhiệt tình, tài năng của tuổi trẻ cống hiến thật nhiều cho sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước” và mong mỏi “các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ, cứu nước, để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”9... để xứng đáng là thanh niên anh hùng của một dân tộc văn hiến.

Những lời dạy bảo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thật sâu sắc, chân tình nhưng thẳng thắn và cụ thể, đã giúp cho hàng vạn cán bộ, đội viên các thế hệ thanh niên xung phong có một nghị lực phi thường, một bản lĩnh kiên cường, một niềm tin vững chắc, một sự rèn luyện đạo đức thường xuyên, liên tục; làm nên chủ nghĩa anh hùng cách mạng cả trong kháng chiến cứu nước, giải phóng dân tộc, trong rèn luyện học tập vươn tới đỉnh cao của sự tiến bộ, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước
2. Phát huy truyền thống thanh niên xung phong - Nguồn lực sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp, từ đội ngũ 225 cán bộ, đội viên của đơn vị tiền thân là Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương, lực lượng thanh niên xung phong đã không ngừng phát triển. Trong những năm tháng gian lao mà anh dũng ấy, trên hai vạn cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã hoạt động ngày đêm, sát cánh, chia lửa cùng các đơn vị lực lượng vũ trang, giao thông vận tải, dân công, đồng bào các dân tộc Việt Bắc và Tây Bắc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ quan trọng: Phục vụ chiến đấu, mở đường, đảm bảo giao thông, rà phá bom mìn, vận chuyển và chăm sóc thương bệnh binh, mai táng liệt sĩ,v.v.. ở các chiến dịch lớn như: Biên giới, Tây Bắc, Trung Du, Hòa Bình, Bình Trị Thiên, Liên khu V,… đặc biệt là tại mặt trận Điện Biên Phủ. Lòng yêu nước, tinh thần dũng cảm, sự hy sinh cao cả của những thanh niên xung phong kiên cường bám trụ giữa mưa bom, bão đạn của quân thù để bảo vệ các trọng điểm giao thông “Dù bom đạn xương tan, thịt nát/Không sờn lòng, không tiếc tuổi xuân”10 đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Từ truyền thống thanh niên xung phong lớp cha anh thời kỳ chống thực dân Pháp, sang thời kỳ chống đế quốc Mỹ, khi cuộc kháng chiến chuyển sang giai đoạn gay go ác liệt, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại giao cho Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam tổ chức và chỉ đạo lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung. Ngày 21/6/1965, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71/TTg-CN thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tập trung để phục vụ công tác đảm bảo giao thông vận tải và quy định rõ các nguyên tắc tổ chức, nhiệm vụ, chế độ chính sách, trách nhiệm các cấp, các ngành đối với thanh niên xung phong. Ở miền Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam cũng giao cho Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam thành lập Lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, vừa phục vụ công tác giao thông vận tải ở miền Bắc, vừa phục vụ chiến đấu ở miền Nam. Từ phong trào “Ba sẵn sàng” và “Năm xung phong” của Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam, đã có trên 25 vạn nam nữ thanh niên tình nguyện tham gia Lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước, bổ sung nguồn lực cho lực lượng thanh niên xung phong cả nước.

Với tinh thần và ý chí “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tiếp bước cha anh, lên đường với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”; với quyết tâm “Tiếng hát át tiếng bom”, “Tim có thể ngừng đập nhưng mạch máu giao thông phục vụ chiến trường không bao giờ ngừng chảy” và nghị lực “Chân đồng vai sắt” để gùi cõng vũ khí, đạn dược nặng gấp đôi cơ thể, vượt qua mọi đèo dốc, thác ghềnh kịp giờ nổ súng vào đầu quân giặc… tuổi trẻ hai miền Nam - Bắc đã luôn hăng hái đi đầu, có mặt ở những nơi khó khăn, gian khổ nhất, lao động quên mình nơi khói lửa của chiến tranh và trong công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tế, xây dựng và bảo vệ miền Bắc XHCN.

Thanh niên xung phong đã lao động sáng tạo, quên mình mở đường chiến lược xuyên qua núi rừng Trường Sơn hiểm trở, dưới làn mưa bom bão đạn của địch, cùng lực lượng của ngành giao thông và bộ đội công binh làm nên những con đường chiến lược nối liền mạch máu giao thông giữa hậu phương lớn và tiền tuyến lớn. Những dấu ấn trên đường Hồ Chí Minh huyền thoại như: Đường 20 Quyết Thắng, Ngã ba Đồng Lộc, phà Sông Gianh, Truông Bồn, cầu Hàm Rồng, Bầu Bàng, cua chữ A, phà Xuân Sơn; căn cứ Nước Oa, đường 1C (Nam Bộ)… luôn khắc ghi những chiến công và gương hy sinh của cán bộ, đội viên thanh niên xung phong đã không tiếc tuổi xuân, hiến dâng cho độc lập, tự do của dân tộc. Nhiều đoạn đường bị băm nát, cắt khúc, cầu phà bị sập, cây rừng cháy rụi, cuộc sống vô cùng vất vả, thiếu thốn đã không chỉ lưu truyền mãi những câu chuyện kể về lực lượng thanh niên xung phong chiến đấu ngoan cường với tinh thần “địch phá ta sửa ta đi”, “địch cứ phá, ta cứ đi”, đường lại thông, xe pháo lại nối đuôi nhau hướng ra tiền tuyến chi viện cho chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, mà còn góp phần đào tạo, rèn luyện hàng vạn cán bộ, chiến sĩ thanh niên xung phong trưởng thành ngay trong từng trận chiến đấu.

Thanh niên xung phong cùng tuổi trẻ cả nước thi đua tình nguyện hoàn thành vượt mức kế hoạch trong lao động sản xuất, công tác và học tập, xây dựng hàng trăm công trình kinh tế xã hội như: Công trình đường sắt Hà Nội - Lao Cai, Hà Nội - Vinh, công trình đường giao thông 426 Tây Bắc, Khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Mỏ thiếc Tĩnh Túc Cao Bằng, Nhà máy cơ khí Hà Nội... Lực lượng thanh niên xung phong đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần làm nên một hậu phương lớn miền Bắc XHCN vững chắc, đảm bảo sức người, sức của phục vụ cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Những mốc son, những trang sử vàng, những câu chuyện kể về tấm gương của thanh niên xung phong ở khắp mọi miền đất nước chính là biểu tượng rực rỡ của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam. Lực lượng ấy đã phát huy nhiệt huyết, tinh thần yêu nước, sức mạnh dời non lấp biển của tuổi trẻ, xung kích đi đầu, phục vụ sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc, góp sức làm nên những kỳ tích của dân tộc Việt Nam trong công cuộc giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Họ thật xứng đáng với vai trò “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già, đồng thời là người phụ trách dìu dắt thế hệ thanh niên tương lai.

- tức là các cháu nhi đồng... là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”11 như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã tin tưởng.

Xúc động biết bao khi trong bản Di chúc lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã dành sự quan tâm hết sức cụ thể đối với thanh niên xung phong trong mối quan tâm lớn lao của Người về sự phát triển của đất nước và đời sống của nhân dân sau chiến tranh: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”12. Trong bản thảo tháng 5/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh vạch ra kế hoạch sau chiến tranh đối với những người đã đóng góp phần xương máu cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc: “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong...), Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Sự trăn trở, quan tâm chăm sóc của Người không chỉ thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, có ý nghĩa đền đáp công lao của thanh niên xung phong trong kháng chiến, mà còn thể hiện tầm nhìn của một vị lãnh tụ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Giúp, tạo điều kiện để thanh niên xung phong có công ăn việc làm, được học hành để bổ sung những gì họ thiếu, để họ góp sức xây dựng đất nước, vì “Những chiến sĩ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang nhân dân và thanh niên xung phong đều đã được rèn luyện trong chiến đấu và đều tỏ ra dũng cảm. Đảng và Chính phủ cần chọn một số ưu tú nhất, cho các cháu ấy đi học thêm các ngành, các nghề, để đào tạo thành những cán bộ và công nhân có kỹ thuật giỏi, tư tưởng tốt, lập trường cách mạng vững chắc. Đó là đội quân chủ lực trong công cuộc xây dựng thắng lợi chủ nghĩa xã hội ở nước ta”13.

Những lời dặn lại của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ khẳng định sự đóng góp của thanh niên xung phong trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, mà hơn thế nữa, đó như một định hướng quan trọng trong công tác cán bộ của Đảng: Lựa chọn đào tạo cán bộ qua sự rèn luyện và cống hiến trong các tổ chức cách mạng? Có thể nói đó là lực lượng của tuổi trẻ, trường học lớn của tuổi trẻ; có lẽ vì thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm tới việc tổ chức các lực lượng này, động viên, khuyến khích nó và trông cậy vào nó như một nguồn bổ sung nguồn lực dồi dào, sáng tạo lực lượng cán bộ cho cách mạng. Đây cũng chính là sự phát triển nhất quán trong chiến lược xây dựng lực lượng thanh niên xung phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ ngày đầu thành lập.

Ngày 30/6/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 382/TTg lấy ngày 15/7 hàng năm làm Ngày truyền thống của lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam. Phát huy truyền thống anh hùng của lực lượng thanh niên xung phong trong kháng chiến; phát huy giá trị lịch sử “những địa chỉ đỏ” của thanh niên xung phong ở khắp mọi miền Tổ quốc; noi theo những tấm gương sáng của những cán bộ, đội viên thanh niên xung phong; đồng thời coi đây là một trong những môi trường góp phần đào tạo, rèn luyện các thế hệ cán bộ, thanh niên xung phong có bản lĩnh và phẩm chất “vừa hồng vừa chuyên” kế tục sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã và đang vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn thanh niên xung phong - một trong những phương thức đoàn kết, tập hợp thanh niên, xây dựng, củng cố tổ chức Đoàn, Hội và đào tạo nguồn nhân lực trẻ trong điều kiện mới, với nội dung và hình thức thích hợp. Qua đó, thu hút hàng triệu lượt nam nữ thanh niên tham gia vào các tổng đội, công ty thanh niên xung phong, tham gia các công trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng đặc biệt khó khăn, những nơi cần đến lòng nhiệt huyết và sức trẻ của thanh niên. Xứng đáng với dòng chữ trong bức trướng “Thanh niên xung phong - Chiến đấu dũng cảm - Lao động sáng tạo - Lập công xuất sắc” do Ban Chấp hành trung ương Đảng tặng; thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về trường học lớn thanh niên xung phong; tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp chống nghèo nàn, lạc hậu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, lực lượng thanh niên xung phong đã luôn nỗ lực, phát huy sức mạnh vô song, với những hoài bão và bản lĩnh của tuổi trẻ, đi đầu trong việc ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Họ đã tham gia các chương trình, dự án: Phủ xanh đất trống, đồi trọc, nước sạch cho nông thôn, sử dụng mặt nước, bãi bồi ven biển, đem ánh sáng văn hóa của Đảng đến với đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa; dạy nghề, giới thiệu việc làm, thực hiện an sinh xã hội; tiếp tục tiếp tục xây dựng những làng thanh niên lập nghiệp dọc biên giới và đường Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng những khu dân cư trù phú ở những nơi đặc biệt khó khăn… Họ đã khẳng định và phát huy tính năng động, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc tham gia giải quyết các nhiệm vụ cấp bách, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững chủ quyền ở các vùng biên giới, hải đảo, khu vực đặc biệt khó khăn, địa bàn có vị trí chiến lược; sáng tạo trong xây dựng các mô hình hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và hội nhập của đất nước.
 
Cùng với lực lượng thanh niên xung phong, các cựu thanh niên xung phong dù tuổi cao, sức yếu và nhiều đồng chí là thương binh, bệnh binh, nhưng vẫn ngời sáng tấm gương đạo đức của người cán bộ cách mạng, họ đã nêu cao tinh thần “thời trẻ dũng cảm xung phong về già cuộc sống gương mẫu” để luôn là người ông người bà, người cha người mẹ mẫu mực, người đảng viên ưu tú, người công dân tích cực, gương mẫu chấp hành mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, tích cực tham gia mọi công tác xã hội, lực lượng thanh niên xung phong - một nguồn lực sáng tạo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn luôn thực hiện theo lời Người dạy. Đặc biệt, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, các cấp hội thanh niên xung phong đã chủ động xây dựng, bồi dưỡng các nhân tố điển hình, phát hiện, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, gương người tốt, việc tốt bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng. Thường xuyên nhân rộng những tấm gương điển hình tiêu biểu của cán bộ, đảng viên thanh niên xung phong về đạo đức, lối sống, về nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm, với tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, lực lượn g thanh niên xung phong đã góp phần từng bước xây dựng nền tảng tinh thần xã hội thấm đẫm cốt cách con người Việt Nam “có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”14 trong hành trình xây dựng và phát triển đất nước “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”./.


Chú thích:
1.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia- Sự thật, xuất bản lần thứ 3, H, 2011, t.6, tr.440
2.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.331
3.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.7, tr.67
4.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.331
5.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.332
6.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.8, tr.462-463
7.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.9, tr.478
8.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.540
9.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.164
10.    Trích thơ Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của Tố Hữu
11.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.13, tr.298
12.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.612
13.    Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.616-617
14.    Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết 33-NQ/TW về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”, khóa XI, ngày 9/6/2014
 
Nguồn:ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/