Skip to main content
ĐẨY MẠNH HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH

Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về Văn hóa

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là anh hùng giải phóng dân tộc mà còn là danh nhân văn hóa kiệt xuất. Với tầm nhìn sâu rộng và toàn diện, từ rất sớm Người đã quan tâm tới sự nghiệp phát triển văn hóa và khẳng định đó là những biểu hiện sinh động cho bộ mặt của đất nước, trình độ văn minh của một quốc gia: “ Văn hóa soi đường quốc dân đi”

           
            Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa về văn hóa: “… Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Như vậy, Văn hóa bao gồm toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo ra; văn hóa là động lực giúp con người sinh tồn; văn hóa là mục đích cuộc sống của loài người; xây dựng văn hóa dân tộc phải toàn diện, đặt xây dựng “tinh thần độc lập tự cường” lên hàng đầu.
            Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Từ đây, Văn hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định là đời sống tinh thần của xã hội, thuộc về kiến trúc thượng tầng. Văn hóa có mối quan hệ mật thiết với kinh tế, chính trị, xã hội và chịu sự chi phối của kinh tế và chính trị nhưng văn hóa lại tác động to lớn đến kinh tế và chính trị. Xây dựng kinh tế để tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển văn hóa; Văn hóa phải phục vụ nhiệm vụ chính trị, thúc đẩy xây dựng và phát triển kinh tế.
          Trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ, Theo Hồ Chí Minh, nền văn hóa mới là nền văn hóa dân chủ mới, đồng thời là nền văn hóa kháng chiến. Nền văn hóa đó có ba tính chất: Dân tộc - khoa học - đại chúng. Tính dân tộc là cái tinh túy bên trong và rất đặc trưng của nền văn hóa dân tộc. Văn hóa Việt Nam là nền văn hóa có gốc rễ, cội nguồn từ truyền thống văn hoá dân tộc, thể hiện tâm hồn, cốt cách, bản sắc của con người Việt Nam. Tính khoa học của nền văn hóa phải thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại: hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Muốn vậy, tính khoa học phải thể hiện trên nhiều mặt: cơ sở hạ tầng, nền tảng kinh tế phải khoa học, hiện đại; phải có chiến lược phát triển văn hóa, xây dựng lý luận văn hóa mang tầm thời đại, phù hợp với trình độ khoa học và trình độ văn minh mà nhân loại đã đạt được. Tính đại chúng của nền văn hóa là phục vụ nhân dân, phù hợp với nguyện vọng nhân dân, đậm đà tính nhân văn. Người cho rằng: “Cái văn hoá mới này cần phải có tính khoa học, tính đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hoá của tư tưởng hiện đại. Nay nước ta đã được độc lập, tinh thần được giải phóng, cần phải có một nền văn hoá hợp với khoa học và hợp với cả nguyện vọng của nhân dân”
Bác Hồ với Đoàn Ca múa nhân dân. Ảnh tư liệu
           Những tư tưởng, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa trở thành động lực tinh thần của toàn dân tộc, sợi chỉ đỏ cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa Việt Nam trong 77 năm hình thành và phát triển đã luôn hoàn thành sứ mệnh của đội quân xung kích trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, văn hóa là vũ khí, là đường dây tinh thần kết nối hậu phương với tiền tuyến, góp phần đậm thêm hình ảnh của dân tộc đại nghĩa, anh hùng và đậm nét văn hoa như người lính Việt “vai mang gươm tay mềm mại bút hoa”, với sức mạnh “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” tới hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc. Bước vào thời kỳ mới, tiếp nối tinh thần "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi" toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nỗ lực phát huy sáng tạo, bồi đắp nội lực, xây dựng và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, trở thành vũ khí sắc bén của Đảng “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, Anh chị em nghệ sỹ là chiến sỹ trên mặt trận ấy, chung sức xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh.Văn hóa được coi là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, trong đó con người được nhìn nhận là trung tâm trong chiến lược phát triển bền vững.
Văn hóa Việt Nam là nền Văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc Dân tộc.
             Học tập và làm theo lời Bác, hòa cùng dòng chảy của văn hóa dân tộc, Nghệ An là vùng đất vừa mang hồn cốt chung của dân tộc Việt Nam, vừa mang sắc thái riêng. Phát huy truyền thống của ngành trong 77 năm thành lập và trên chặng đường phát triển, ngành Văn hóa Nghệ An đã phát huy cao độ vai trò của mình trên mặt trận văn hóa tư tưởng, đóng góp tích cực cho sự phát triển đi lên của tỉnh, của đất nước. Các chiến sỹ văn hóa Nghệ An đã và đang tiếp tục ra sức phấn đấu, nổ lực, đoàn kết, sáng tạo để phụng sự hết mình cho sự nghiệp “Xây dựng văn hóa, con người Nghệ An đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển bền vững của đất nước”. Ghi nhận những kết quả, những cống hiến xuất sắc, ngành Văn hóa Nghệ An đã vinh dự và tự hào được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ VH,TT&DL), Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1988), Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 1996), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1999), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2010), Cờ Thi đua luân lưu của Chính phủ 7 năm liên tục (1997 - 2003), Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (2015, 2020); Hàng trăm tập thể, cá nhân trong ngành được tặng thưởng Huân chương Lao động, cờ thi đua, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ VH,TT&DL và của UBND tỉnh.
                                           
Lễ ra mắt các Câu lạc bộ Dân ca Ví, Giặm ngành Văn hóa Thể thao tỉnh nghệ An 
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược sắc bén, mở ra những định hướng quan trọng nhằm chấn hưng nền văn hóa - văn nghệ nước nhà. Văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực và sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Từ đó, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, xây dựng nước Việt Nam ngày càng giàu đẹp văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu như sinh thời Bác mong muốn.

                                                                                                                                        
Vũ Duy - Phòng Phát huy giá trị