Ngày đăng: 13/07/2018
Với chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán của Hiệp định Geneva, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cái tên ghép Việt Nam - Hồ Chí Minh trở nên thân quen, được biết đến rộng rãi và quý trọng trên khắp thế giới...
Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng ban Thường vụ TƯ Đảng quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ 1954
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, ngày 8/5/1954, Hội nghị Geneva bắt đầu thảo luận vấn đề lập lại hòa bình ở Đông Dương. Phái đoàn Chính phủ ta do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Văn Đồng làm Trưởng đoàn, bước vào bàn Hội nghị với tư thế của một dân tộc chiến thắng.
Khẳng định lập trường hòa bình
Ngay từ tháng 11/1953, trả lời phỏng vấn của báo Expressen (Thụy Điển) về tình hình chiến tranh Đông Dương và cuộc thảo luận Quốc hội Pháp muốn dàn xếp hòa bình với Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói rõ lập trường của Chính phủ ta: “Nếu Chính phủ Pháp đã rút được bài học trong cuộc chiến tranh mấy năm nay, muốn đi đến đình chiến ở Việt Nam bằng cách thương lượng và giải quyết vấn đề Việt Nam theo lối hòa bình thì nhân dân và Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa sẵn sàng tiếp ý muốn đó... Cơ sở của đình chiến ở Việt Nam là Chính phủ Pháp thật thà tôn trọng nền độc lập thật sự của nước Việt Nam”.
Trả lời Thông tấn xã Việt Nam ngày 6/7/1954 về diễn biến của Hội nghị Geneva, Bác khẳng định: “Với những vấn đề được thảo luận, Hội nghị đã mở đường cho việc lập lại hoà bình ở Đông Dương. Trên cơ sở đó, nếu đối phương cũng thành thật muốn đàm phán như chúng ta mà cũng cố gắng để lập lại hoà bình ở Đông Dương, thì hoà bình Đông Dương có thể thực hiện. Theo đúng lập trường của ta từ trước đến nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ tiếp tục cố gắng đấu tranh cho hoà bình, độc lập, thống nhất, dân chủ của Tổ quốc...”.
Sau 75 ngày đấu tranh ngoại giao kiên quyết và mềm dẻo, ngày 20/7/1954, Hiệp định Geneva về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Các nước tham gia Hội nghị cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Văn bản của Hội nghị có đoạn ghi: Thừa nhận rằng mục đích căn bản của Hiệp định về Việt Nam là giải quyết vấn đề quân sự để đình chiến và giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời. Việc thống nhất hai miền Nam - Bắc Việt Nam sẽ được thực hiện thông qua tổng tuyển cử toàn quốc vào tháng 7/1956.
“Không thể chia cắt Việt Nam”
Hai ngày sau khi Hội nghị Geneva được ký kết, ngày 22/7, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra lời kêu gọi: “Hội nghị Geneva đã kết thúc. Ngoại giao ta đã thắng to… Tôi kính cẩn nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc và gửi lời an ủi anh em thương binh bệnh binh…”.
Lời kêu gọi cam kết sẽ thực hiện những điều khoản của Hiệp định nhưng cũng nhấn mạnh “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định được giải phóng. Đồng bào miền Nam kháng chiến trước hết, giác ngộ rất cao. Tôi tin rằng đồng bào sẽ đặt lợi ích của cả nước trên lợi ích địa phương, lợi ích lâu dài trên lợi ích trước mắt…”.
Tinh thần ấy vẫn tiếp tục được Người khẳng định trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài sau này. Ngày 13/7/1956, trả lời các câu hỏi của phóng viên Hãng AP (Mỹ) về cuộc tổng tuyển cử toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định đanh thép: “Nhân dân cả nước Việt Nam sẽ đấu tranh mạnh hơn để cho có tổng tuyển cử tự do trong khắp cả nước. Đó là nguyện vọng tha thiết của toàn dân Việt Nam đã được Hiệp định Geneva1954 thừa nhận… Đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam là một khối, cần được thống nhất. Không thể chia cắt Việt Nam làm hai nước riêng biệt, cũng như không thể chia cắt Hoa Kỳ thành hai nước riêng biệt…”
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa I (tháng 12/1956), Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động khi nói đến miền Nam
Ngày 23/7/1961, Bác tham dự cuộc mít tinh của 25 vạn nhân dân Thủ đô Hà Nội tại Quảng trường Ba Đình, nhân kỷ niệm 7 năm ký kết Hiệp định Geneva lập lại hoà bình ở Đông Dương. Phát biểu tại đây, Bác căn dặn: “Đoàn kết là sức mạnh, đồng bào cả nước đoàn kết, chúng ta đoàn kết với nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, với nhân dân châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, nhất định chúng ta sẽ thắng đế quốc Mỹ và bọn tay sai”. Sau đó, Bác bắt nhịp để mọi người hát bài ca “Kết đoàn”.
Ngày 20/7/1965, trong Lời kêu gọi nhân kỷ niệm 11 năm ký kết Hiệp định Geneva, Bác viết: “Dù phải chiến đấu 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa, chúng ta cũng kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”.
Bài học “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”
Theo nhà ngoại giao lão thành Võ Văn Sung, chiến thắng của Hiệp định Geneva và Hiệp định Paris sau này là bài học về trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh. Phân tích về bài học “dĩ bất biến, ứng vạn biến” được vận dụng trong Hiệp định Geneva, ông Sung cho rằng: “Trong Hiệp định Geneva, cái "bất biến" là Việt Nam độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt đến Hiệp định Paris sau này. Còn "vạn biến" là trong lúc chưa thực hiện được mục tiêu đầy đủ, có thể nghĩ ra hàng vạn cách, kể cả để một nửa nước tạm thời chưa được giải phóng, rồi từng bước, từng bước tiến tới đạt được mục tiêu bất biến. Đó là một phương pháp ngoại giao, trong trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.”
“Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu, nhưng không thấy có nước nào vừa đánh - vừa đàm như ở nước ta. Kết hợp quân sự - ngoại giao, lấy quả đấm quân sự đi đôi với đàm phán ngoại giao, vận động chính trường quốc tế, động viên nhân dân bạn bè trên thế giới, tất sẽ dẫn đến thắng lợi. Đó là nghệ thuật ngoại giao của Bác Hồ. Thành quả lịch sử trong cuộc đấu tranh lâu dài của nhân dân ta là một trận Điện Biên Phủ trên mặt đất đưa đến Hiệp định Geneva tại bàn đàm phán và một trận Điện Biên Phủ trên không đưa đến Hiệp định Paris. Tôi gọi đó là sự trùng hợp kỳ tác lịch sử, có một không hai trên thế giới, là thể hiện chói lọi của trường phái ngoại giao Hồ Chí Minh.”, ông Sung nhận định.
Với chiến thắng Điện Biên Phủ và thắng lợi trên bàn đàm phán của Hiệp định Geneva, tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cái tên ghép Việt Nam - Hồ Chí Minh trở nên thân quen, được biết đến rộng rãi và quý trọng trên khắp thế giới. Đúng như lời Giáo sư Mighen Đêtêphanô của Cuba đánh giá: “Với vũ khí của mình, Hồ Chí Minh đã là tác giả của thắng lợi đó... Và tên tuổi của Người đã được ghi vào những trang sử vẻ vang nhất”.
Nguồn: Báo Điện tử