Ngày đăng: 11/12/2022
Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, cứu dân, ngày 28/1/1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo Cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Với tầm nhìn xa trông rộng, nắm bắt được tình hình thế giới, đánh giá đúng thời cơ cách mạng, Người cùng Trung ương Đảng đã xây dựng lực lượng và lãnh đạo quân, dân cả nước tiến hành thắng lợi Cách mạng tháng Tám, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra trang sử vẻ vang chói lọi nhất cho dân tộc Việt Nam.
Tháng 8/1945, phát xít Đức đầu hàng đồng minh, ở Đông Dương quân Nhật hoảng loạn, phong trào cách mạng cả nước sôi sục, những điều kiện cho Tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”. Với tư duy chiến lược, nhãn quan chính trị nhạy bén và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã nắm chắc thời cơ cách mạng, kịp thời đề ra chủ trương, kế hoạch Tổng khởi nghĩa, kêu gọi sự đoàn kết nhất trí của toàn dân tộc để giành độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ngày 13/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào quyết định phát động Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước trước khi quân Đồng Minh vào Đông Dương. Ngay đêm hôm đó, Uỷ ban Chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã hạ lệnh khởi nghĩa và phát đi “Quân lệnh số 1” kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền: "phải hành động cho nhanh, với một tinh thần vô cùng quả cảm, vô cùng thận trọng! .... Cuộc thắng lợi hoàn toàn nhất định sẽ về ta".
Ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) tiến hành họp và phát động Tổng khởi nghĩa vũ trang, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh, trong đó điểm đầu tiên là phải “giành chính quyền, xây dựng một nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập”; Đại hội quyết định Quốc Kỳ nền đỏ, sao vàng; chọn bài Tiến quân ca làm Quốc ca và và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong lịch sử Cách mạng Việt Nam, phát động khởi nghĩa giành chính quyền một cách nhanh nhất, khẩn trương nhất, để cả đất nước Việt Nam đứng lên tự làm chủ vận mệnh của mình và đất nước mình. Thành công của Đại hội cho thấy sự sáng tạo độc đáo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập dân tộc bằng hình thức tổ chức Quốc dân Đại hội để thông qua quyết sách chuyển xoay vận nước bằng Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Theo đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư kêu gọi Tổng khởi nghĩa: "Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến; toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên".
Không khí Cách mạng tháng 8 khắp cả nước cách đây 77 năm (ảnh tư liệu)
Sáng ngày 19/8/1945, theo lời kêu gọi của Việt Minh, cả Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng xuống đường tiến thẳng về trung tâm Nhà hát thành phố để dự mít tinh. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến Quân Ca, đại biểu Ủy ban quân sự Cách mạng đọc lời hiệu triệu của Việt Minh. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai, trại lính bảo an và các cơ sở của Chính phủ bù nhìn.
Từ Hà Nội, làn sóng Cách mạng toả đi khắp nơi, cả nước vùng dậy đấu tranh giành chính quyền và liên tiếp giành thắng lợi. Cách mạng tháng Tám là sự kiện vĩ đại trong lịch sự dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của Cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là thắng lợi của tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối Cách mạng đúng đắn của Đảng ta: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, phát huy sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, nhân dân ta đã đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân Pháp, Nhật; lật đổ chế độ quân chủ chuyên chế, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám đã giành thắng lợi hoàn toàn; Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, trước hàng chục vạn nhân dân, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Người nhấn mạnh: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một trong những thắng lợi nổi bật nhất, vĩ đại nhất của Cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX. Mùa thu năm ấy, cả dân tộc từ Bắc chí Nam muôn người như một, dùng giáo mác và gậy tầm vông vùng lên chống lại thực dân, phong kiến, giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công ngoạn mục không phải là sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài, kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn, đầy sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mùa thu Tháng Tám năm 1945 đã đi vào lịch sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam như một mốc son chói lọi, mở ra một trang sử mới, trang sử hào hùng nhất suốt chiều dài lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước.
Trong những ngày mùa Thu lịch sử này, kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám, mỗi người dân đất Việt lại nhớ về Bác Hồ với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn đối với công lao trời biển của Người. Nhớ về Bác, chúng ta càng tự hào về những năm tháng hào hùng của mùa Thu năm 1945. Tinh thần Cách mạng Tháng Tám sẽ mãi mãi tỏa sáng, là nguồn sức mạnh to lớn của thời đại mới, là động lực quan trọng cho sự nghiệp đổi mới, phát huy ý chí tự lực, tự cường, khơi dậy “khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”./.
Vũ Duy - Phòng Phát huy giá Trị