Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 02/05/2024

Cách đây 70 năm, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, Bác Hồ kính yêu đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sự kiện lịch sử ấy đã trở thành dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị lỗi lạc, "Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam", mà còn là nhà quân sự thiên tài. Cả cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn liền với cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ, tự do và chủ nghĩa xã hội. Mỗi bước phát triển, mỗi một thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, của cuộc kháng chiến chống Pháp, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ nói riêng, ghi đậm những dấu ấn đặc biệt của Bác kính yêu.

Chiến thắng Điện Biên Phủ “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”
 
I.“Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh”
        Sau chiến dịch Biên giới (cuối năm 1950), Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam chiến thắng trong nhiều chiến dịch, giành và giữ thế chủ động trên chiến trường miền Bắc. Quân Pháp ngày càng khốn đốn và bị động. Để cứu vãn tình thế, tháng 5/1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp cử tướng Henrri Navarre Tổng Tham mưu trưởng lục quân khối Bắc Đại Tây Dương làm Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương.

      Ngày 7/5/1953, Tướng Henrri Navarre (khi ấy là Tham mưu trưởng lục quân Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương - NATO) được Chính phủ Pháp cử sang làm Tổng Chỉ huy Quân đội Pháp ở Đông Dương. Lúc này, sau 8 năm xâm lược Việt Nam, Pháp đã thiệt hại 390.000 quân và vùng chiếm đóng của chúng ngày càng bị thu hẹp. Do đó, đầu tháng 7/1953, Navarre vạch ra kế hoạch quân sự toàn diện, có hệ thống, trong đó, chia kế hoạch tác chiến thành hai bước: Bước thứ nhất, trong Thu Đông 1953 và Xuân 1954, giữ vững thế phòng ngự chiến lược ở 18 độ vĩ tuyến bắc trở ra; tiến công bình định miền Nam, miền trung Đông Dương; xóa bỏ vùng tự do Liên khu V. Bước thứ hai, nếu đạt được bước một sẽ chuyển sang tiến công chiến lược miền Bắc, giành thắng lợi quân sự to lớn, buộc ta phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho chúng.
      Thực hiện Kế hoạch Navarre, quân Pháp đã mở rộng càn quét các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, Bình - Trị - Thiên, Nam Bộ và tập trung quân cơ động chiến lược ở Bắc Bộ chuẩn bị cho cuộc tiến công lớn vào Việt Bắc, Thủ đô Kháng chiến của ta để giành thắng lợi quyết định để nhanh chóng kết thúc chiến tranh theo hướng có lợi, tình thế phòng ngự bị động sẽ “chuyển bại thành thắng” trong vòng 18 tháng. Tướng Navarre và Bộ Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp tập trung lực lượng cơ động gồm 44 tiểu đoàn ở đồng bằng Bắc Bộ, mở cuộc càn quét dữ dội ở vùng địch chiếm đóng; tiến công ra Ninh Bình, uy hiếp Thanh Hóa, Phú Thọ; nhảy dù xuống Lạng Sơn. Đồng thời, chúng cho thổ phỉ quấy rối Tây Bắc; đưa quân nhảy dù đánh chiếm Điện Biên Phủ, nhằm lấy lại Nà Sản, củng cố Lai Châu, mở rộng phạm vi chiếm đóng ở Tây Bắc.
      Cuối tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì buổi họp của  Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953 -1954. Sau khi nghe Đại tướng Võ Nguyên Giáp trình bày phương án tác chiến của Bộ Tổng Tham mưu, ý định của Tổng Quân ủy, Bộ Chính trị xác định chủ trương tác chiến là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở cuộc tiến công vào những hướng quan trọng về chiến lược mà lực lượng của địch tương đối yếu, đồng thời buộc chúng phải bị động, phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Phương châm chiến lược là: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt. Thực hiện ý định trên, bộ đội chủ lực ta bắt đầu tiến quân lên Tây Bắc, một bộ phận tiến sang Trung Lào phối hợp chiến đấu với lực lượng vũ trang cách mạng Lào... Đối với kế hoạch Navarre, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định: “Địch tập trung quân cơ động để tạo sức mạnh... Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn”.
      Tháng 11/1953, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và Tổng Quân ủy, Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho quân ta tiến lên Tây Bắc. Cùng với hướng chính là Tây Bắc, quân ta cũng tiến đánh Trung Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào. Do đó, quân Pháp buộc phải bị động phân tán lực lượng để giữ Tây Bắc (ngày 20/11/1953, quân Pháp nhảy dù xuống Điện Biên Phủ), Thượng Lào, Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên và đồng bằng Bắc Bộ.
       Được sự giúp đỡ của Mỹ, Pháp đã tiến hành xây dựng nhanh chóng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. “Canh bạc Điện Biên Phủ” đã tiêu tốn hơn 40% quân số viễn chinh của Pháp ở Đông Dương. Các tướng lĩnh Mỹ và Pháp đều cho rằng, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là “pháo đài bất khả chiến bại”.

 

Trận pháo kích vào cứ điểm Him Lam, mở đầu Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu/TTXVN
 
      Đặc biệt, Pháp mở cuộc hành quân Caxto đánh chiếm Điện Biên Phủ, từng bước biến nơi đây thành một tập đoàn cứ điểm; quân Pháp đưa đến Điện Biên Phủ nhiều binh, hỏa lực và các phương tiện, vũ khí mới, gồm 17 tiểu đoàn bộ binh, ba tiểu đoàn pháo binh, ngoài ra còn có các đơn vị công binh, cơ giới, không quân, vận tải... hầu hết là những đơn vị tinh nhuệ nhất trong quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương.Tổng số binh lực ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ lúc cao nhất hơn 16.000 tên, bố trí thành 49 cứ điểm, được tổ chức liên hoàn... Ngoài ra, quân Pháp còn xây dựng hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm ở Điện Biên Phủ để đáp ứng nhu cầu tiếp tế, chi viện bằng đường không. Với quân đông, hỏa lực mạnh, hệ thống công sự vật cản được xây dựng vững chắc, hoàn chỉnh, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ thật sự là “một cứ điểm mạnh nhất từ trước tới nay chưa bao giờ có ở Đông Dương” và được mệnh danh là “pháo đài khổng lồ không thể công phá”. Chúng cho rằng, nếu quân ta mở cuộc tiến công vào Điện Biên Phủ là đi vào con đường tự sát, sự thất bại chắc chắn không thể nào tránh khỏi...
 

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị tổ chức cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh để nghe Tổng Quân ủy báo cáo và duyệt lần cuối kế hoạch tác chiến Đông-Xuân 1953-1954, đồng thời quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. Ảnh: Tư liệu TTXVN.
 
      Để giành thắng lợi mang tính quyết chiến chiến lược, quân ta cần tiêu diệt được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm lung lay đến tận gốc rễ hy vọng tiếp tục chiến tranh của thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ. Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà cả đối với quốc tế. Vì vậy, toàn quân, toàn dân, toàn Đảng phải tập trung hoàn thành cho kỳ được”. Tổng quân số điều động tham gia chiến đấu tại Điện Biên Phủ lên đến 55.000 chiến sĩ, bao gồm 3 đại đoàn bộ binh (308, 312, 316), Trung đoàn bộ binh 57 (Đại đoàn 304), Đại đoàn công binh - pháo binh 351. Đảng, Chính phủ ta cũng đã huy động được 260.000 dân công, bằng 12 triệu ngày công để phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tổng khối lượng cung cấp cho Chiến dịch Điện Biên Phủ là 30.759 tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, vũ khí, y tế... Trong giai đoạn chuẩn bị Chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã huy động lực lượng thanh niên xung phong, dân công cùng với bộ đội làm được 89 km đường mới, sửa chữa, nâng cấp 500 km đường.
Ngày 1/1/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự họp Bộ Chính trị, chỉ định cơ quan lãnh đạo, chỉ huy chiến dịch, triển khai kế hoạch điều động lực lượng lên Tây Bắc. Khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Người nói: “Tổng Tư lệnh ra Mặt trận, tướng quân tại ngoại. Trao cho chú quyền quyết định. Có vấn đề gì khó khăn, bàn thống nhất trong Đảng ủy, thống nhất với cố vấn thì cứ quyết định rồi báo cáo sau. Trận này quan trọng, phải đánh cho thắng! Chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh”. Ý kiến quan trọng đó của Bác Hồ là căn cứ, là cơ sở, là tư tưởng chỉ đạo để Đại tướng xử lý trong quá trình thực tế chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ.

 

Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” và chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh tại lễ diễu hành mừng Chiến thắng tại Điện Biên Phủ giữa tiếng reo hò vang dậy của bộ đội, dân công và nhân dân các dân tộc Điện Biên. Ảnh: Tư liệu TTXVN
 
      Đại tướng có kể lại cho phóng viên Báo Quân đội nhân dân rằng: Chính vì sự tin tưởng cao độ của vị lãnh tụ tối cao với mình mà mình đã có một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời làm tướng của mình. Khi một số đồng chí trong Bộ Chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ đề nghị nên đánh nhanh, giải quyết nhanh, mình đã lấy lời căn dặn của Bác làm kim chỉ nam cho hành động của mình, do đó mình đã quyết định chuyển từ phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh” thành “đánh chắc, thắng chắc” (Trích bài “Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn của Báo Quân đội nhân dân kỷ niệm 10 năm chiến thắng Điện Biên Phủ”, Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 7/5/1964).
Nắm vững ý định chiến lược “chắc thắng mới đánh, không chắc thắng, không đánh” của Hồ Chủ tịch, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy, Bộ tổng Tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh chắc tiến chắc”, chỉ đạo một số đơn vị huấn luyện cách đánh tập đoàn cứ điểm, chỉ huy quân và dân ta đánh bại nỗ lực cao nhất về quân sự của thực dân Pháp trong chiến tranh Đông Dương, giành thắng lợi hoàn toàn cho chiến dịch Điện Biên Phủ - trận quyết chiến chiến lược trong thời đại Hồ Chí Minh, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ chín năm của nhân dân ta chống thực dân Pháp xâm lược
Như vậy, tư tưởng “đánh chắc thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là hoàn toàn dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Bác không những đề ra nguyên tắc tác chiến Chiến dịch phù hợp, mà còn chỉ đạo, động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm thực hiện để đưa đến thành công cuối cùng. Ngày nay, trên thế giới, khu vực và trong nước có nhiều diễn biến, phức tạp, khó lường; việc quán triệt, vận dụng tư tưởng trên của Bác vào nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc là rất cần thiết; chúng ta cần có niềm tin, đồng thời cần thận trọng, chắc chắn trong giải quyết tất cả mọi vấn đề của đất nước.
II. Huy hiệu“Chiến sĩ Điện Biên Phủ”
       Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bác Hồ luôn đặc biệt chăm lo tinh thần, tiếp thêm sức mạnh cho cán bộ, chiến sĩ ở mặt trận. Có thể nói, Bác Hồ không những đã cùng với Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Điện Biên Phủ, mà Người còn theo dõi sát sao diễn biến của chiến dịch, thường xuyên thăm hỏi, động viên, săn sóc và cổ vũ, động viên kịp thời các chiến sĩ Điện Biên - những người anh hùng đang ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” chiến đấu vì độc lập tự do của nước nhà. Tình cảm đặc biệt của Người đã tiếp thêm sức mạnh cho các chiến sĩ Điện Biên quyết chí xông pha giành thắng lợi vẻ vang. Đúng như Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã nói tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-2004): “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã gắn liền với vai trò và tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại ”.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thưởng huy hiệu cho các chiến sĩ lập nhiều chiến công trong Chiến dịch Điện Biên Phủ

      Ngay khi chiến dịch sắp bắt đầu, để kịp thời động viên, cổ vũ và tiếp thêm sức mạnh cho quân ta vượt qua khó khăn và đánh thắng quân địch ở Điện Biên Phủ ngay từ trận mở đầu, ngày 11/3/1954, nghĩa là trước khi quân ta nổ súng tiến công trung tâm đề kháng Him Lam 2 ngày, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho các chiến sỹ Mặt trận Điện Biên Phủ. Người căn dặn: “Các chú sắp ra mặt trận. Nhiệm vụ các chú lần này rất to lớn, khó khăn nhưng rất vinh quang... Bác tin chắc rằng các chú sẽ phát huy thắng lợi vừa qua, quyết tâm vượt mọi khó khăn gian khổ để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang sắp tới.” Và Bác quyết định cho mỗi Đại đoàn một lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” để làm cờ thưởng luân lưu.
      Ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu. Ngay sau khi quân ta tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam và đập tan đợt phản kích của địch hòng chiếm lại Him Lam, ngày 15/3/1954, Bác Hồ lại gửi điện khen ngợi, cổ vũ và căn dặn toàn thể cán bộ và chiến sỹ ở Mặt trận Điện Biên Phủ: “Bác và Trung ương Đảng được báo cáo về hai trận thắng đầu tiên của quân đội ta ở Điện Biên Phủ. Bác và Trung ương Đảng có lời khen các đồng chí. Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng. Địch sẽ ra sức đối phó, ta phải cố gắng, chiến đấu dẻo dai, bền bỉ, chớ chủ quan, khinh địch, giành toàn thắng cho chiến dịch này.”. Như vậy, Người đã theo sát tình hình Điện Biên Phủ từng ngày, từng giờ, kịp thời đem tới cho cán bộ, chiến sĩ một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch.
       Đúng 17h30 chiều ngày 7/5/1954, các chiến sĩ ta đã đánh chiếm Sở Chỉ huy của địch, bắt sống Thiếu tướng Đờ-cát-tờ-ri (Chỉ huy trưởng) và toàn bộ Bộ Chỉ huy của địch ở tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Chiến dịch Điện Biên Phủ đã hoàn toàn thắng lợi. Lá cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng cho quân đội ta tung bay hiên ngang trên nóc hầm sở chỉ huy của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới. Được tin thắng lợi, Bác Hồ quyết định tặng Huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” cho tất cả các đồng chí bộ đội tham gia chiến dịch.
      Hết sức phấn khởi trước thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta, ngày 8/5/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi bộ đội, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào Tây Bắc - những người trực tiếp làm nên chiến thắng vĩ đại này.Trong thư, Bác viết: “Quân ta đã giải phóng Điện Biên Phủ. Bác và Chính phủ thân ái gửi lời khen ngợi cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương đã làm tròn nhiệm vụ một cách vẻ vang. Thắng lợi tuy lớn, nhưng mới là bắt đầu. Chúng ta không nên vì thắng mà kiêu, không nên chủ quan khinh địch. Chúng ta kiên quyết kháng chiến để tranh lại độc lập, thống nhất, dân chủ hòa bình. Bất kỳ đấu tranh về quân sự hay ngoại giao cũng đều phải đấu tranh trường kỳ gian khổ mới đi đến thắng lợi hoàn toàn, Bác và Chính phủ sẽ khen thưởng những cán bộ, chiến sỹ, dân công, thanh niên xung phong và đồng bào địa phương có công trạng đặc biệt.”
      Theo dõi tình hình mặt trận Điện Biên Phủ, nắm tin tức từng ngày, từng giờ, Bác đã đem tới cho cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận một sức mạnh lớn lao và niềm tin vào thắng lợi, niềm tin bắt nguồn từ chính Người và lòng tin vào những cán bộ chiến sỹ ngoài mặt trận... Từ niềm tin đó, bằng sự lãnh đạo tài tình, đầy thao lược và sáng tạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân Việt Nam đã làm nên kỳ tích lịch sử trong Đông Xuân 1953 - 1954, mà đỉnh cao là Chiến dịch Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định vào kế hoạch xâm lược của thực dân Pháp, góp phần quan trọng đưa Hội nghị Genève về Đông Dương đến thành công, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược.
III. Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu
      Nói về tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954), tại Hội nghị Chính trị đặc biệt (3/1964), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ và anh dũng của nhân dân cả nước ta, chống thực dân Pháp xâm lược và sự can thiệp của đế quốc Mỹ. Đó là thắng lợi vĩ đại của nhân dân ta, mà cũng là thắng lợi chung của tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ càng làm sáng ngời chân lý của chủ nghĩa Marx-Lenin trong thời đại ngày nay: chiến tranh xâm lược của bọn đế quốc nhất định thất bại, cách mạng giải phóng của các dân tộc nhất định thành công”.
      Chiến thắng vĩ đại ở Điện Biên Phủ không những ghi vào lịch sử dân tộc Việt Nam như một mốc son rực sáng nhất trong thế kỷ XX, mà ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại này không hề phai mờ, trái lại, những bài học lịch sử vẫn còn nguyên giá trị trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này được thể hiện rõ trong những nhận định, đánh giá khách quan, toàn diện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khẳng định lại những tư tưởng ấy của Người, khi đánh giá về ý nghĩa, tầm vóc của Chiến thắng Điện Biên Phủ, Đảng ta nhận định: “Chiến thắng Điện Biên Phủ đã ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa của thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một mốc son chói lọi, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân”.
      Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu(7/5/1954), ông William Foster, Chủ tịch Đảng Cộng sản Mỹ đã viết trên Công nhân nhật báo ra ngày 10/5/1954 như sau: “Quân đội Hồ Chí Minh phá tan được tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là một sự kiện có ý nghĩa rất lớn. Thất bại này không những chỉ là thất bại thảm hại của riêng thực dân Pháp, một kẻ đã cố liều mạng để âm mưu xâm chiếm đất nước Đông Dương giàu đẹp mà trước hết là thất bại lớn lao của kế hoạch chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ,… Thắng lợi ở Điện Biên Phủ là một sự cổ vũ vô cùng to lớn cho các lực lượng đang đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa,… Giải phóng Điện Biên Phủ là thắng lợi trọng yếu trong sự nghiệp đấu tranh cho tự do và hòa bình thế giới”.
Tạp chí Time (Mỹ) số ra ngày 22/11/1954 thì đã đăng trên trang bìa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh và dành 5 trang nói về thân thế và sự nghiệp của Người cùng với việc Việt Nam chiến thắng Pháp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tạp chí này nhấn mạnh, với thắng lợi này, uy tín của Người đã “vươn tới đỉnh cao mới tại châu Á”.
      Tháng 9/1969, Ban Chấp hành Trung ương Đảng châu Phi đấu tranh cho nền độc lập Sénégal đã bày tỏ: “Chúng tôi sẽ không quên rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam anh hùng giáng cho chủ nghĩa thực dân Pháp một thất bại quyết định, do đó đã thúc đẩy và tạo điều kiện dễ dàng cho việc thức tỉnh ý thức dân tộc và ý thức giành độc lập chính trị của nước chúng tôi”.
Năm 1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất và khuyến nghị các nước thành viên tổ chức kỷ niệm Người trên toàn thế giới vào năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Người. Tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1990, Tiến sĩ M.Ahmed - Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương đã nhấn mạnh thêm: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”.
                              
      Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ, anh dũng của quân, dân ta và là một trong những mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc Việt Nam. Tầm vóc, ý nghĩa của chiến thắng Điện Biên Phủ đã gắn liền với vai trò và tên tuổi Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, đúng như Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói: “Chiến thắng Điện Biên Phủ là công đầu thuộc Chủ tịch Hồ Chí Minh - Hồ Chí Minh là một nhà chiến lược thiên tài, là người cha thân yêu của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam”./.

 
ThS Nguyễn Thị Lan Hương
Trưởng ban BQL Quảng trường Hồ Chí Minh
                                                          và Tượng đài Bác Hồ