Ngày đăng: 07/11/2018
Kế thừa, phát huy truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc ta, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại đoàn kết dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chiến lược, quyết định sự thành công của cách mạng. Cách mạng muốn thành công phải có lực lượng đủ mạnh để chiến thắng kẻ thù và xây dựng xã hội mới. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương đoàn kết rộng rãi, chặt chẽ và lâu dài toàn dân tộc thành một khối. Đoàn kết dân tộc kết hợp với đoàn kết quốc tế sẽ tạo ra sức mạnh to lớn để chiến thắng mọi kẻ thù.
Bác Hồ và Bác Tôn gặp gỡ một số đại biểu tại Đại hội thống nhất Việt Minh - Liên Việt
tháng 3-1951
Sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, ngày 18-11-1930, Hội Phản đế Đồng minh, hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận dân tộc thống nhất ở Việt Nam ra đời theo tư tưởng Hồ Chí Minh, do Đảng Cộng sản Đông Dương khởi xướng và lãnh đạo. Tiếp nối sau đó, cùng với sự phát triển về chất của phong trào yêu nước và cách mạng của nhân dân ta là sự thành lập của Hội Phản đế liên minh (3-1935), Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế (6-1936), Mặt trận dân chủ thống nhất (3-1938), Mặt trận thống nhất phản đế Đông Dương (11-1939), Mặt trận dân tộc thống nhất phản đế (cuối năm 1940). Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các tổ chức mặt trận này đều có chung một mục tiêu là đánh đuổi đế quốc, giành độc lập dân tộc. Sự thay đổi về tên gọi, quy mô ngày càng mở rộng của các tổ chức mặt trận nối tiếp nhau, một mặt phản ánh sự phát triển nhanh chóng của phong trào cách mạng Việt Nam, mặt khác, phản ánh những hạn chế, thiếu sót của các hình thức mặt trận trước đó. Nếu đầu những năm 1930, Hội phản đế đồng minh chỉ tập hợp được đông đảo nông dân tham gia thì các mặt trận chống đế quốc thời kỳ 1936-1939 lại thiếu một bề sâu cần thiết, thiếu sự tham gia của nhiều đảng phái .
Để khắc phục những mặt hạn chế của các hình thức mặt trận trên đây, phải có một mặt trận thống nhất toàn dân tộc, tập hợp rộng rãi mọi thành phần dân tộc, mọi đảng phái, huy động triệt để mọi lực lượng, phát huy tối đa sức mạnh toàn dân tộc. Từ những bài học về mặt trận thống nhất ở Quốc tế cộng sản và từ thực tế hoạt động của các mặt trận thống nhất Đông Dương, vào giữa năm 1940, Hồ Chí Minh đã đưa ra dự định với các đồng chí cùng hoạt động tại Quế Lâm (Trung Quốc) sự cần thiết phải thành lập một Mặt trận dân tộc thống nhất cho riêng Việt Nam.
Ngày 19-5-1941, Việt Nam độc lập đồng minh (Mặt trận Việt Minh) ra đời. Lần đầu tiên, một mặt trận thống nhất dân tộc mang tên Việt Nam được thành lập, có sức mạnh hiệu triệu, đánh thức tinh thần dân tộc của toàn dân nhằm đánh Pháp, đuổi Nhật. Chương trình cứu nước của Việt Minh có 10 điểm, gồm những điểm chung cho toàn thể dân tộc và những điểm đấu tranh cho quyền lợi của công nhân, nông dân và cho mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng tựu chung lại, 10 điểm ấy cốt thực hiện hai điều mà toàn thể đồng bào Việt Nam đang mong muốn:
1. Làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập;
2. Làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng sung sướng tự do, như lời bài ca tuyên truyền của Việt Minh đã chỉ rõ: “Có mười chính sách bày ra/ Một là ích quốc hai là lợi dân”.
Đặt mục tiêu giải phóng dân tộc lên trên hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi các tầng lớp nhân dân tham gia vào những tổ chức do Việt Minh lãnh đạo: “Nông dân phải vào "Nông dân Cứu quốc hội". Thanh niên phải vào "Thanh niên Cứu quốc hội". Phụ nữ vào "Phụ nữ Cứu quốc hội". Trẻ con vào "Nhi đồng Cứu quốc hội". Công nhân vào "Công nhân Cứu quốc hội". Binh lính vào "Binh lính Cứu quốc hội". Các bậc phú hào văn sĩ vào "Việt Nam Cứu quốc hội" để “Đồng tâm hợp lực. Muôn người một lòng. Nhân cơ hội này mà khôi phục lại Tổ quốc, mà làm cho Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Thông qua Việt Minh các cấp, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận động, tổ chức và lãnh đạo lực lượng toàn dân thực hiện nhiệm vụ trung tâm là chuẩn bị và tiến lên khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ những tổ chức thí điểm Việt Minh đầu tiên ở Hà Quảng (Cao Bằng), Việt Minh đã phát triển dần ra toàn quốc. Ý thức dân tộc được khơi dậy mạnh mẽ trong các tầng lớp thanh niên, học sinh, trí thức. Hội Văn hoá cứu quốc, Đảng Dân chủ Việt Nam ra đời và tham gia Mặt trận Việt Minh đã làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất thêm rộng rãi, thu hút được nhiều nhà văn hoá, văn nghệ, trí thức và tư sản dân tộc yêu nước vào sự nghiệp đấu tranh chống Nhật-Pháp.
Tháng 8-1945, cuộc tổng khởi nghĩa đã diễn ra và thắng lợi trên cả nước. Cuộc khởi nghĩa đó đã mang tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc. Sức mạnh dân tộc của Việt Nam được phát huy mạnh mẽ và triệt để trên cơ sở tư tưởng độc lập, tự do và chiến lược đại đoàn kết dân tộc Hồ Chí Minh được tập hợp trong Mặt trận Việt Minh do chính Người sáng lập và lãnh đạo. Không chỉ có sĩ, nông, công, thương, binh, mà cả vua quan triều Nguyễn cũng ngả theo cách mạng. Nhờ đó kẻ xâm lược mất đi chỗ dựa ban đầu. Kẻ thù trong nước bị tê liệt. Còn những người có tâm huyết với nước với dân thì được thu phục và tận tụy đến cùng với cách mạng. Kết quả là chỉ với hơn 5 nghìn đảng viên và hơn 20 triệu đồng bào đã kết thành một khối, dân tộc ta đã làm một cuộc cách mạng long trời, lở đất, lật nhào chế độ phong kiến hàng nghìn năm, bẻ gẫy xiềng xích nô lệ ngót 100 năm của chủ nghĩa thực dân, giành lại độc lập dân tộc, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà - nhà nước công nông đầu tiên ở khu vực.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để tập hợp được tối đa sức mạnh của các thành phần dân tộc, giai cấp, tôn giáo, đảng phái, ngày 10-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 23 cử nhiều quan chức của chính quyền cũ tham gia chính quyền mới, tạo điều kiện cho họ đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc. Cũng trong Sắc lệnh này, Cựu hoàng Bảo Đại, người vừa mới tuyên bố thoái vị, giao nộp ấn kiếm của nhà vua cho Chính phủ lâm thời, được cử làm cố vấn Chính phủ với cái tên của người công dân: Vĩnh Thuỵ. Đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác kể: “Bác dặn tôi: Nhớ đừng để ông Vĩnh Thụy thiếu thốn. Chúng mình quen chịu khổ, thiếu không sao, chứ ông ấy thiếu thì khổ lắm đấy... Lôi kéo được ông ta về phía mình là tốt lắm. Để bọn khác lợi dụng ông ta là lắm chuyện phiền. Ông ta hiện giờ rất có ích cho cách mạng...”. Ông Hoàng Minh Giám, nguyên là Đổng lý Văn phòng Bộ Nội vụ sau Cách mạng tháng 8/1945; Thứ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 03/1946, trợ thủ đắc lực của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các hoạt động ngoại giao thực hiện sách lược "hòa để tiến" với Pháp thời kỳ 1946-1947, cũng kể lại: Cách mạng tháng Tám 1945 mới thành công, chính quyền nhân dân chưa vững chắc và còn gặp nhiều khó khăn. Sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập và ra mắt Chính phủ lâm thời ít lâu, Bác Hồ đã chủ động gặp Ngô Đình Diệm ra ẩn náu ở Hà Nội, bàn chuyện hợp tác giành độc lập cho nước nhà. Nhưng họ Ngô vốn nuôi đầu óc chống cộng kịch liệt, đã từ chối. Có thể nói Bác Hồ là một con người có lòng vì nước vì dân, mạnh dạn khai thác những khả năng nhỏ nhất để tháo gỡ tình hình phức tạp, mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc. Bác khoan dung không hề định kiến quá khứ, tìm đến từng con người cụ thể, với ai cũng thử thuyết phục và dám dùng, kể cả lớp quan lại cũ, tất cả nhằm đạt mục đích cuối cùng là làm sao có lợi cho sự nghiệp chung .
Trong mối bang giao với Chính phủ Pháp, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà luôn mong muốn giữ gìn quan hệ hoà bình và thân thiện. Song chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới. Thực dân Pháp núp bóng quân đồng minh dưới chiêu bài tước vũ khí của quân Nhật, đã đưa quân trở lại Việt Nam mưu đồ đặt lại ách thống trị một lần nữa. Toàn dân tộc ta lại bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Tháng 3-1951, trong lúc cuộc kháng chiến đã đi vào giai đoạn quyết liệt, thực hiện khẩu hiệu "Tất cả cho tiền tuyến", yêu cầu tập hợp các hình thức tổ chức Mặt trận để đoàn kết động viên toàn dân ta tập trung sức người, sức của đẩy mạnh kháng chiến trở nên cấp bách, Đại hội Liên Việt -Việt Minh thống nhất đã diễn ra. Tại Đại hội này, có đại biểu đủ các tầng lớp, các tôn giáo, các dân tộc, già có, trẻ có, nam có, nữ có, thể hiện khối đại đoàn kết toàn dân đã phát triển chẳng khác nào “rừng cây đại đoàn kết đã nở hoa kết quả và gốc rễ nó đang ăn sâu lan rộng khắp toàn dân, và nó có 1 cái tương lai “trường xuân bất lão” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát biểu tại Đại hội.
Đoàn kết trong Mặt trận Liên Việt, nhân dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy như “một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ XX”, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên toàn thế giới và mở đường cho một phong trào giải phóng dân tộc quy mô lớn trên nhiều châu lục. Điện Biên Phủ dẫn tới việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến sự ở Đông Dương và một Tuyên bố chung công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Đất nước tạm chia làm hai miền để đi đến một cuộc tổng tuyển cử. Miền Bắc hoàn toàn giải phóng và chọn con đường phát triển đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công cũng như nhiều bức thư gửi đồng bào cả nước và nhiều bài nói, bài viết từ sau giai đoạn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta là đấu tranh để thống nhất Tổ quốc và vai trò quan trọng của khối đoàn kết dân tộc trên cả hai miền đất nước: “Cán bộ và đảng viên ta phải hiểu: Mặt trận mạnh thì kháng chiến càng mạnh. Mặt trận hoạt động sôi nổi thì công việc kháng chiến càng thuận lợi”.
Để mở rộng khối đoàn kết dân tộc, đoàn kết cả những người thực sự yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, không phân biệt thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, tầng lớp nào và quá khứ họ đã hợp tác với bên nào nhằm tập trung mũi nhọn đấu tranh của nhân dân ta chống Mỹ - Diệm để thực hiện thống nhất Tổ quốc, Đại hội Mặt trận Liên Việt toàn quốc họp từ ngày 5-9 đến ngày 10-9-1955 tại Hà Nội quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tiếp tục sự nghiệp đoàn kết toàn dân của Mặt trận Liên Việt. Quan hệ giữa các tổ chức trong Mặt trận dựa trên nguyên tắc thương lượng dân chủ đi đến thống nhất hành động, thân ái, hợp tác, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, tôn trọng tính chất độc lập của mỗi tổ chức. Chủ tịch Hồ Chí Minh được Đại hội bầu làm Chủ tịch danh dự của Mặt trận. Phát biểu tại Đại hội, Người nói: “Ngày nay, hoà bình đã lập lại nhưng chưa củng cố, nước ta tạm chia làm hai miền và đồng bào miền Nam đang sống trong cảnh lửa nóng nước sâu. Mặt trận dân tộc thống nhất cần mở rộng hơn nữa, củng cố hơn nữa, đoàn kết tất cả những người thật sự yêu Tổ quốc, yêu hoà bình, không phân biệt họ thuộc đảng phái nào, tôn giáo nào, từng lớp nào và quá khứ họ đã hợp tác với phe nào”.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã phát huy tác dụng to lớn của mình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như trong sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Mặt trận đã động viên đồng bào và chiến sĩ nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng đánh thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và hết lòng, hết sức đáp ứng các yêu cầu của cuộc đấu tranh yêu nước của đồng bào miền Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, thương nghiệp nhỏ và giúp đỡ các nhà tư sản dân tộc thông suốt chính sách làm cho cuộc cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh tiến hành thuận lợi, đạt kết quả. Mặt trận đã tích cực góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, ra sức động viên nhân dân tham gia bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển sản xuất, xây dựng kinh tế, thực hiện nếp sống mới, xây dựng con người mới.
Củng cố hoà bình thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước là nhiệm vụ chung của toàn Đảng, toàn dân ta song nhiệm vụ của hai miền Bắc và Nam khác nhau nên nhiệm vụ, tính chất, thành phần Mặt trận ở mỗi miền cũng khác nhau. Vì vậy, BCHTW Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định cần có mặt trận riêng cho miền Nam. Mặt trận dân tộc thống nhất ở miền Nam phải rất rộng rãi, phải đoàn kết tất cả các dân tộc đa số và thiểu số, các đảng phái, các tôn giáo và các cá nhân yêu nước, đoàn kết với ngoại kiều, đặc biệt là Hoa kiều, không phân biệt chủng tộc, tôn giáo, chính kiến, điều cốt yếu là chống Mỹ - Diệm, tán thành tự do dân chủ, cải thiện dân sinh và hoà bình thống nhất Việt Nam, phải tranh thủ đoàn kết mọi người có thể đoàn kết được, phải trung lập mọi người có thể trung lập được, kể cả những người có ít nhiều khuynh hướng chống Mỹ - Diệm trong chính quyền miền Nam. Mặt trận miền Nam tuy là riêng cho miền Nam, không nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng phải cùng thực hiện mục tiêu chung với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là nhằm xây dựng một nước Việt Nam hoà bình thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh do Đảng lãnh đạo. Đây là một bước phát triển sinh động mới về tư tưởng và tổ chức xây dựng khối đoàn kết dân tộc trong chiến lược đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam.
Từ chủ trương trên, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch. Mặt trận đã giương cao ngọn cờ cứu nước ngời sáng với chương trình hành động 10 điểm mà nội dung cơ bản là đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chế độ độc tài Ngô Đình Diệm, xây dựng một miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc. Với đường lối đúng đắn này, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tập hợp dưới ngọn cờ đại nghĩa của mình các tầng lớp nhân dân, các tổ chức và mọi người Việt Nam yêu nước, để cùng nhau chống Mỹ cứu nước.
Một thắng lợi quan trọng của chính sách đại đoàn kết dân tộc và chủ trương tranh thủ khuynh hướng hòa bình trung lập mà Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam kiên trì thực hiện là sự ra đời của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam vào ngày 20-4-1968 do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Kết tụ từ các phong trào đấu tranh yêu nước của các giới sinh viên, học sinh, trí thức, đồng bào tôn giáo, công thương gia, nhân sĩ dân chủ tại các thành thị miền Nam, Liên minh bằng công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức đấu tranh ở trong nước và nước ngoài đã góp phần động viên, thúc đẩy phong trào chống Mỹ và tay sai, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nói về ý nghĩa ra đời của Liên minh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Sự ra đời và những hoạt động tích cực của Liên minh các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam là một thắng lợi rực rỡ của lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân đoàn kết chống Mỹ, cứu nước”.
Phấn đấu cho một mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ và xây dựng miền Bắc thực hiện thống nhất nước nhà, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam và Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hoà bình Việt Nam đã luôn luôn hợp tác chặt chẽ, hỗ trợ nhau tạo nên một sức mạnh không gì lay chuyển nổi của khối đại đoàn kết dân tộc, và đã đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của toàn dân đến thắng lợi hoàn toàn, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất nước nhà (tháng 4-1975). Một lần nữa chính sách đại đoàn kết dân tộc của Đảng, của Bác Hồ, của nhân dân ta đã thể hiện sức mạnh vô địch của nó.
Sau khi cả nước đã được độc lập, sự thống nhất và toàn vẹn của một quốc gia đòi hỏi hợp nhất 3 tổ chức mặt trận. Nhằm đáp ứng yêu cầu của giai đoạn cách mạng mới, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp từ ngày 31-1 đến ngày 4-2-1977 đã thống nhất ba tổ chức Mặt trận ở hai miền Nam Bắc nước ta thành một tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống nhất ý chí của tất cả các tổ chức của các giai tầng trong xã hội, các cá nhân tiêu biểu của các dân tộc, tôn giáo, tầng lớp, các vị lãnh đạo tiêu biểu cho ý chí đoàn kết của dân tộc, luôn phấn đấu xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc vững mạnh thực hiện lời dạy của Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ của toàn dân tộc: "Mục đích phấn đấu của Mặt trận Dân tộc thống nhất là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh".
Nói về vai trò của Mặt trận trong việc phát huy sức mạnh toàn dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh:“Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công”. Đây là sự khái quát cô đọng nhất của một tư tưởng lớn, một kinh nghiệm quý báu của Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo toàn dân giành và giữ độc lập cho dân tộc. Hơn 80 năm đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã rút ra cho mình một bài học lớn: Đó là khi nào Mặt trận nắm vững tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết và phát huy được sức mạnh của toàn dân tộc thì dù có khó khăn đến mấy cách mạng cũng vượt qua. Cùng với cả nước vững bước trong thế kỷ XXI, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục thực hiện tư tưởng, đường lối đại đoàn kết dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh để phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc, đẩy mạnh CNH, HĐH, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tai Phủ Chủ tịch