Ngày đăng: 28/11/2018
Cách đây tròn 70 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc mở đầu cho phong trào thi đua yêu nước của cả dân tộc, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Không chỉ có vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn để lại nhiều bài viết, lời dạy về tầm quan trọng và sự cần thiết khách quan của thi đua trong quá trình lao động sản xuất của con người, trong xây dựng kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Qua đó ta đều thấy toát lên tư tưởng: Làm việc gì cũng cần phải có thi đua, thi đua gắn liền với mỗi con người, gắn liền với công việc hàng ngày.
I. Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mang lại nền độc lập cho Việt Nam, tuy nhiên Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà mới ra đời phải đứng trước tình thế như "ngàn cân treo sợi tóc" với nguy cơ trực tiếp từ ba thứ giặc “giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm”. Để động viên mọi lực lượng tham gia công cuộc kháng chiến, kiến quốc, ngày 27/3/1948, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng đã ra Chỉ thị phát động phong trào thi đua ái quốc. Chỉ thị nêu rõ: “mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”(1). Tiếp theo, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (đăng báo Cứu quốc số 968 ngày 24/6/1948), chính thức phát động Phong trào thi đua ái quốc đến mọi người dân. Trong lời kêu gọi, Người nhấn mạnh: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau:
Làm cho mau,
Làm cho tốt,
Làm cho nhiều.
Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên mặt trận: Quân sự, Kinh tế, Chính trị, Văn hoá”(2).
Kể từ khi phong trào thi đua ái quốc được phát động, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của phong trào. Sau hơn một năm ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, Người nhận thấy còn nhiều nơi nhân dân, mà trước hết là cán bộ, chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của phong trào, lầm tưởng rằng thi đua ái quốc là một việc làm khác với những công việc hàng ngày. Điều đó dẫn đến việc phát động và tổ chức thi đua không thiết thực, kém hiệu quả: “Nơi thì làm quá sức. Nơi thì mạnh ai nấy làm, không có kế hoạch. Nơi thì kế hoạch không thiết thực, làm được ít lâu rồi nguội dần”(3).
Thi đua theo nghĩa thông thường là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong học tập, sản xuất, công tác và chiến đấu. Thực tế, thi đua không phải là một khái niệm trừu tượng, mà có thể nhận biết qua những việc làm cố gắng, sáng tạo hàng ngày của con người, tức là qua lao động sản xuất, bảo vệ sản xuất và là mục đích cuối cùng của lao động sản xuất. Chính vì vậy, tháng 8/1949, trong Lời kêu gọi thi đua chuẩn bị tổng phản công, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua”. Ở đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói tới một vấn đề rất cơ bản thuộc về cơ sở, gốc rễ của thi đua. Nói đến công việc hàng ngày, tức là nói đến hoạt động lao động sản xuất của con người. Nhờ có hoạt động này mà con người và xã hội loài người tồn tại và phát triển. Và hoạt động này chính là nền tảng để cho mọi cuộc thi đua được nảy sinh và diễn ra liên tục, thiết thực, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước.
Đúng như phong cách diễn đạt rất ngắn gọn, cụ thể, dễ hiểu của Người để cán bộ và nhân dân có thể hiểu được, làm được và làm ngay cho kịp thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích ngay sau đó: “Từ trước đến giờ ta vẫn ăn, vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, mặc, ở cho sạch sẽ, cho hợp vệ sinh, cho khỏi đau ốm. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm cho đất ruộng tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy”(4). Nêu lên công việc hàng ngày là nền tảng của thi đua, có thể nói đó là một sự khám phá tài tình, một sự am hiểu thực tiễn sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hoạt động thi đua của con người trong cuộc sống. Đã là bản chất của con người, ai cũng muốn vươn lên để tự hoàn thiện mình. Sự vươn lên của mỗi người mang lại lợi ích cho mình và cho xã hội. Ai cũng đua nhau để vươn lên thì xã hội mới phát triển. Việc tổ chức cho mọi người, mọi tổ chức, tập thể đua nhau vươn lên theo một mục đích, theo tổ chức trong một thời gian, có người về đích trước, về đích sau, có nhận xét, đánh giá, đó chính là thi đua.
Tuy nhiên, trong cuộc sống, trong công việc hàng ngày, những việc tốt, xấu, đúng, sai, tiến bộ, thoái bộ luôn đan xen nhau. Do đó, con người cũng cần phải thi đua phấn đấu chống lại mọi thói hư tật xấu, đấu tranh trong mỗi con người, và cả xã hội đều phải làm như vậy để cho mỗi con người, cả xã hội phát triển, hoàn thiện, hoàn mỹ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Bằng cách thi đua, chúng ta sẽ tẩy sạch mọi khuyết điểm, phát triển mọi ưu điểm, vượt qua mọi khó khăn"(5). Với cách làm đó, “Thi đua thì cải tạo con người... càng hăng hái thi đua thì người chiến sĩ càng phải ra sức tìm tòi, học hỏi, cầu tiến bộ. Do sáng kiến và kinh nghiệm trong thi đua mà lao động chân tay nâng cao trình độ kỹ thuật của mình. Do thi đua mà lao động trí óc gần gũi, giúp đỡ, cộng tác và học hỏi những người lao động chân tay, và trở nên những người trí thức hoàn toàn. Thế là phong trào thi đua đã làm cho công nông binh trí thức hoá, và trí thức thì lao động hoá”(6).
Thi đua cũng đồng thời mang ý nghĩa đạo đức vì thi đua sẽ xuất hiện các anh hùng, các chiến sĩ thi đua "là những người mới, những người luôn luôn cố gắng thực hành cần kiệm liêm chính, là những người tôi trung của nhân dân, con hiếu của Tổ quốc"(7). Trong mọi việc, cán bộ, đảng viên "phải cố gắng hơn mọi người để làm kiểu mẫu cho mọi người "(8), có thể hy sinh lợi ích riêng cho lợi ích chung, thì trong thi đua cũng vậy: "Các cán bộ phải thi đua thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính, tẩy sạch khuyết điểm, phát triển ưu điểm"(9). Như thế, từ vấn đề thi đua, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại đề cập đến đạo đức của cán bộ, đảng viên. Cần, Kiệm, Liêm, Chính - đó là đạo lý của con người trong thi đua ái quốc, đồng thời là chuẩn mực để xem xét, bình chọn đánh giá các danh hiệu của con người trong thi đua ái quốc, nếu thiếu một trong bốn gốc đó thì không thành người, và như thế sẽ không có thi đua ái quốc. Do vậy, thi đua xét về góc độ con người, còn mang tính nhân vǎn sâu sắc.
Và cũng với ý nghĩa tốt đẹp của thi đua là "cải tạo con người", thông qua công việc hàng ngày, mỗi cá nhân nói riêng và mỗi tập thể nói chung đều phải thể hiện năng lực của mình nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ với trình độ năng lực còn hạn chế, giữa cách làm cũ với cách làm mới, giữa định mức cũ với định mức mới, giữa việc vận dụng những thành tựu của khoa học kỹ thuật với kinh nghiệm đã có để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: "Trí khôn, sáng kiến, học hỏi, tiến bộ và tinh thần hy sinh của người ta không có hạn, nó cứ tiến mãi. Cho nên mức thi đua cũng không có hạn, nó cũng tiến lên mãi"(10). Thi đua thực sự là một chất xúc tác, một sự kích thích, huy động mọi khả năng của từng cá nhân và toàn xã hội vào thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời thực hiện phong trào thi đua còn góp phần chống mọi biểu hiện của bệnh cá nhân chủ nghĩa, cục bộ địa phương, chạy theo thành tích...
Phấn đấu vươn lên, thi đua tạo ra cái mới tốt đẹp hơn cái đã có, đồng thời thi đua chống lại cái sai, cái xấu không phải chỉ là công việc làm trong chốc lát, mấy chục, mấy trǎm ngày rồi dừng lại, mà phải kiên trì, bền bỉ phấn đấu thi đua "hàng ngày", thường xuyên, liên tục. Khi có ý kiến cho rằng, thi đua chỉ nảy nở trong một lúc, một thời gian nhất định rồi mất đi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giải thích, uốn nắn: "Tưởng lầm rằng thi đua chỉ nhất thời. Thật ra thi đua phải trường kỳ. Ta phải thi đua để kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công". "Thi đua phải lâu dài và rộng khắp". Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng hai chữ "hàng ngày" chỉ để dễ hiểu, dễ hình dung về nội dung của thi đua, mà thực sự nó có ý nghĩa hết sức sâu sắc và mang tính tích cực cao. Thi đua không phải chỉ tiến hành, tổ chức đối với những việc lớn như sản xuất, chiến đấu, mà cả trong những công việc đơn giản, bình thường hàng ngày cũng cần phải thi đua. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở chúng ta không nên coi thường những việc nhỏ. Tuy hiệu quả của mỗi việc đem lại có thể nhỏ, nhưng nhiều công việc nhỏ hàng ngày và nhiều người đều thi đua hàng ngày, thì hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Đây cũng là đòn bẩy, đột phá làm cho các mặt tích cực được chú ý phát hiện, nhân lên những việc làm tốt, những cách làm hay. Qua đó, các nội dung công việc trọng tâm, trọng yếu sẽ được hoàn thành tốt hơn.
Công việc hàng ngày đều cần phải thi đua, nếu được tổ chức, phát động thành phong trào, có tổng kết, rút kinh nghiệm thì tác dụng và hiệu quả đem lại sẽ rất lớn. Đó cũng chính là lý do tháng 6/1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo việc xuất bản sách Người tốt, việc tốt để mỗi người đều có thể học tập và làm theo. Theo Bác, người tốt, việc tốt ở đâu cũng có, ngành giới nào, địa phương nào, lứa tuổi nào cũng có. Những việc làm của họ, dù nhỏ, nhưng giống như những giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng thành suối, thành sông và hợp thành biển cả... có một ý nghĩa lớn lao, thể hiện tinh thần trách nhiệm cũng như lòng nhân ái "thương người như thể thương thân", "mình vì mọi người" của nhân dân ta. Những việc làm đó cần được khen thưởng đúng mức để động viên, khuyến khích mọi người hăng hái làm những việc ích nước lợi nhà.
II. Theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thi đua, khen thưởng là động lực phát triển đất nước, là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới và phải được tiến hành thường xuyên, liên tục hàng ngày. Thấm nhuần tư tưởng này, 70 năm qua, có nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, góp phần tạo động lực to lớn, làm nên những thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ các phong trào thi đua buổi đầu kháng chiến kiến quốc như: “Tuần lễ vàng”, phong trào “Bình dân học vụ”, vận động “Đời sống mới”, Quỹ Độc lập, Quỹ đảm phụ Quốc phòng, v.v.. đến phong trào thi đua xây dựng đời sống mới, phong trào thi đua trong sản xuất nông nghiệp như: “Thi đua tiết kiệm, tránh xa xỉ, phí phạm, để dành lương thực cho bộ đội hoặc cho những lúc túng thiếu” (01/3/1950), thi đua với tinh thần “ruộng đất là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ, hậu phương thi đua với tiền phương”(02/1951), “thi đua đóng thuế nông nghiệp” (3/1953)... đã góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ. Tại Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất, khai mạc ngày 30/4/1952 và kết thúc ngày 06/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc, với sự tham dự của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng 158 đại biểu chiến sĩ thi đua trong các lĩnh vực công, nông, binh và trí thức, đã bầu ra được 3 Anh hùng Lao động là Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Hoàng Hanh, 4 Anh hùng Quân đội là Cù Chính Lan (truy tặng), La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên và Nguyễn Quốc Trị. Đó là những anh hùng đầu tiên tiêu biểu cho phong trào thi đua yêu nước của quân và dân ta.
Trong những năm cả nước thi đua chống Mỹ và xây dựng CNXH, phong trào thi đua của phụ nữ ở miền Bắc với các nội dung: “Cần kiệm xây dựng Tổ quốc, cần kiệm xây dựng gia đình” (8/3/1960), “Vững tay cày, chắc tay súng”(1961), “Năm tốt”(30/4/1964), “Ba đảm nhiệm” (18/3/1965) về sau đổi thành “Ba đảm đang” đã diễn ra rất sôi nổi và bền bỉ. Phong trào thanh niên “ba sẵn sàng” (2/1965) của thanh niên hưởng ứng Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng; phong trào thanh niên “xung phong tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965) ở miền Bắc và phong trào “Năm xung phong” của tuổi trẻ cả nước trong những năm 1961-1965, phong trào thiếu nhi “làm nghìn việc tốt” (1963). Phong trào thi đua trong ngành công nghiệp của giai cấp công nhân, với các mục tiêu: thi đua sản xuất “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” (30/5/1957), thực hiện cuộc vận động: 3 xây 3 chống: Nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý tài chính, cải tiến kỹ thguật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu (27/7/1963). Trong các xí nghiệp, nhà máy, phong trào thi đua đạt: Năng xuất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều (3/4/1964) sau gọi thành thi đua 3 cao điểm (12/02/1965), v.v.. cũng diễn ra sâu rộng và liên tục. Phong trào thi đua trong ngành thủ công nghiệp đã xuất hiện hợp tác xã Thành Công, Thanh Hoá đạt thành tích: Tinh thần tự lực cánh sinh; Cần kiệm xây dựng hợp tác xã (12/1961). Cùng với công nhân, nông dân miền Bắc với phong trào thi đua đạt: Năng suất cao, hoa màu nhiều, chăn nuôi giỏi, cây công nghiệp tăng (3/4/1964), phong trào thi đua làm thuỷ lợi trong hai năm 1964-1965, phong trào thi đua trồng cây, gây rừng, v.v.. Phong trào thi đua trong Quân đội, như cờ Ba nhất: Đạt thành tích nhiều nhất; Đều nhất; Giỏi nhất và phong trào thi đua thuộc ngành hậu cần: Tiến nhanh vượt mức kế hoạch, vươn lên hàng đầu, v.v.. đã phát huy được truyền thống và bản chất tốt đẹp của quân đội ta. Trong ngành giáo dục, phong trào thi đua Hai tốt: Dạy tốt, Học tốt trong các nhà trường theo gương điển hình Bắc Lý, Nam Hà (1961) cũng được nhân rộng. Hoà cùng phong trào Thi đua yêu nước, giới trí thức cũng có phong trào thi đua 3 quyết tâm: Quyết tâm phục vụ sản xuất và chiến đấu; Quyết tâm đẩy mạnh cách mạng khoa học kỹ thuật, cách mạng văn hoá tư tưởng; Quyết tâm xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức XHCN (6/1/1966). Hướng về miền Nam, phong trào thi đua: Mỗi người làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt (28/3/1964) của đồng bào và chiến sĩ miền Bắc, đã góp phần tăng cường sức mạnh, củng cố quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ. Từ hậu phương miền Bắc XHCN, theo lời kêu gọi thi đua vì miền Nam “Thành đồng Tổ quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khẩu hiệu thi đua: Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người đã được thực hiện. Tinh thần thi đua yêu nước trong lao động sản xuất, trong học tập và đặc biệt là trên trận tuyến đánh quân thù của quân dân cả nước trong những năm xây dựng miền Bắc XHCN và chống Mỹ cứu nước, với biết bao anh hùng, chiến sĩ thi đua, bao dũng sĩ diệt Mỹ, bao tổ đội lao động XHCN, v.v.. được tuyên dương tại các Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, trong đó phải kể đến các kỳ Đại hội lần thứ II (năm 1958), lần thứ III (năm 1962), lần thứ IV (năm 1967) đã vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự: Đại hội lần thứ II có hơn 450 đại biểu tham dự, trong đó có 236 chiến sĩ thi đua lao động chân tay và trí óc, 127 chiến sĩ thi đua nông nghiệp, 71 chiến sĩ thi đua của quân đội nhân dân. Đại hội lần thứ III tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động XHCN. Đại hội lần thứ IV tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa. Có thể nói, thi đua yêu nước thực sự trở thành động lực tinh thần của toàn xã hội, góp phần to lớn vào thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Trong thời kỳ đổi mới, để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhân dân cả nước ra sức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước: “Vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc”; cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”... Các ngành, các giới, cách lĩnh vực trong xã hội triển khai nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động, tiêu biểu như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” (công nhân); “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; “Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới”; “Nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng - an ninh” (nông dân); “Trung thành, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu” (cán bộ, công chức); “Thi đua dạy tốt, học tốt” (giáo dục); “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” (phụ nữ); “Cựu chiến binh gương mẫu” (Cựu chiến binh); “Xung kích, tình nguyện phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”; “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp”; “Sinh viên tình nguyện” (thanh niên); “Thi đua quyết thắng” (quân đội); “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy”... Các phong trào có vai trò quan trọng để cả dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, tăng cường hội nhập quốc tế.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và mở rộng hội nhập kinh tế quốc tế để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từng bước thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh”, để phấn đấu đến năm 2020 “nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; chính trị - xã hội ổn định, dân chủ, kỷ cương, đồng thuận; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế tiếp tục được nâng lên; tạo tiền đề vững chắc để phát triển cao hơn trong giai đoạn sau” (Nghị quyết Đại hội XII của Đảng). Phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam thể hiện đa dạng và phong phú. Trong đó, quan trọng nhất là việc thi đua đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong phát triển kinh tế và trong xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong sạch vững mạnh. Đồng thời với thi đua phát triển kinh tế đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cao nhất, bảo đảm tốc độ tăng trưởng hàng năm cao và bền vững.
Thi đua là giá trị tinh thần, giá trị tư tưởng. Trong thi đua, không chỉ có nội dung “ganh đua” mà còn có nội dung “thúc đẩy” nhau cùng vươn lên vì mình, vì tập thể, vì dân tộc và Tổ quốc. Cho nên, trong nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày nay, cho dù có cạnh tranh, thậm chí cạnh tranh gay gắt, quyết liệt hơn nhưng vẫn cần đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước để kết hợp một cách chặt chẽ hai loại động lực tinh thần và vật chất tạo nên sức mạnh nội sinh của phong trào quần chúng vươn tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh và có tác dụng xây dựng con người, khơi dậy và nhân lên mặt tích cực trong mỗi con người, mỗi đơn vị và trong cộng đồng xã hội.
Công cuộc đổi mới do Đảng ta đề xướng và lãnh đạo “là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”(11), thực chất là cuộc thi đua yêu nước vĩ đại của dân tộc ta, mà mục tiêu thi đua là thực hiện Công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng và văn minh, đưa lại lợi ích cho chính mình, lợi ích cho gia đình mình, và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc. Chúng ta tin tưởng rằng: với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân ta: Đất nước ta càng hùng mạnh; Dân tộc ta càng phồn vinh; Nhân dân ta càng hạnh phúc, vì chúng ta có thi đua ái quốc theo tư tưởng Hồ Chí Minh: “Tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân... Phải thật sự đoàn kết... Phải kịp thời kiện toàn tổ chức và chỉnh đốn lề lối làm việc... phải ra sức trau dồi: Đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, một lòng một dạ phục vụ nhân dân... Trong các cơ quan, phải thực hành dân chủ, thường xuyên phê bình nghiêm chỉnh và thật thà tự phê bình để giúp nhau tiến bộ" (12). Đó là nội dung của Thi đua ái quốc trong cuộc hành trình của thế kỷ XXI mà Đảng ta, Nhà nước ta, mọi giới đồng bào, mọi ngành, mọi người đều cố gắng thi đua thực hiện.
Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ Tịch