Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 01/01/1970

   Từ thuở nằm nôi, tâm hồn người xứ Nghệ đã được tắm chất thi ca trong những lời ru của bà, của mẹ. Lớn lên cùng những bài hát đồng dao rồi những điệu Ví, câu Giặm gắn với cuộc sống mưu sinh và tình yêu quê hương, đôi lứa. Mộc mạc mà ý nhị; dung dị mà mượt mà; lạc quan mà da diết, sôi nổi mà sâu lắng... Nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh đã sáng tạo, gìn giữ và phát huy giá trị độc đáo, quý báu của Dân ca Ví, Giặm bằng nhiều phong trào, hình thức sinh hoạt và giao lưu phong phú; đóng góp tích cực cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Dân tộc và để những giá trị kết tinh từ tâm hồn Việt Nam trở thành một phần quý báu trong kho tàng di sản văn hóa nhân loại.

   Dân ca Ví, Giặm là hai lối hát dân ca không có nhạc đệm, không chỉ phản ánh cuộc sống đa sắc màu, những cung bậc tình cảm của người dân mà đã trở thành một phần thiêng liêng của cốt cách người xứ Nghệ. Trải qua nhiều trăm năm lịch sử, dân ca Ví, Giặm đã đồng hành, trở thành chất keo gắn kết người xứ Nghệ trong tiến trình lịch sử, ở mọi miền quê; là dòng sữa ngọt ngào nuôi dưỡng tinh thần, tâm hồn của các thế hệ người dân nơi đây; góp phần hun đúc nên những tâm hồn, những nhân cách lớn như Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Phan Bội Châu, Hồ Chí Minh…

   Với những giá trị đặc sắc riêng có, dân ca Ví, Giặm, ngày 27 tháng 11 năm 2014, tiếng búa của Chủ tịch hội đồng thẩm định, Ủy ban Liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản Văn hóa phi vật thể của UNESCO vang lên ở Paris – Pháp, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Nghệ An – Hà Tĩnh vở òa trong niềm vui, niềm hân hoan. Đây cũng là sự ghi nhận của UNESCO dành cho dân ca Ví, Giặm; là niềm vinh dự, tự hào không chỉ của nhân dân hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà là của nhân dân cả nước. Từ đây, dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã thực sự trở thành một phần của di sản văn hóa nhân loại.

Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đảng bộ, tổ chức lễ vinh danh và đón nhận Bằng của UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

   Để đón niềm Vinh dự đó, tối 31/1/2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Thành phố Vinh - Nghệ An), Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh long trọng tổ chức lễ vinh danh và đón nhận Bằng của UNESCO công nhận dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ vinh danh được tổ chức trang trọng, ấm tình tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ và trước hàng chục nghìn người dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Với chủ đề “Về miền ví, giặm”, những tiết mục dân ca đặc sắc với sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ hàng đầu cùng các câu lạc bộ, nghệ nhân dân gian ở hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh nhằm mang đến cho khán giả những hiểu biết phần nào về những giá trị độc đáo của loại hình di sản này.

   Kể từ khi Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chính quyền và nhân dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã chung sức chung lòng không ngừng nỗ lực với nhiều giải pháp tích cực để bảo vệ, nâng cao nhận thức, hướng tới sự đa dạng, phổ biến thực hành Dân ca cho các tầng lớp nhân dân thể hiện được nguyện vọng cũng như cam kết của chính quyền và cộng đồng trong việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa Dân ca ví, giặm. Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ vinh dự và tự hào là công trình mang đạm dấu ấn 10 năm trong hành trình lan toả và phát huy giá trị của Dân ca Ví giặm với nhiều chương trình, nhiều hoạt động đặc sắc. Mỗi chương trình, mỗi kỳ Festival đã để lại những dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong lòng công chúng và du khách gần xa.

Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016

   Tháng 10 năm 2016, tại Quảng trường Hồ Chí Minh - Nghệ An đã diễn ra Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Các CLB đã xây dựng chương trình có kết cấu, bố cục chặt chẽ, đảm bảo về thời lượng, chủ đề, hình thức thể hiện có nhiều sáng tạo. Những trò diễn xướng dân ca, ví giặm được các CLB sử dụng đa dạng về không gian sông nước, đồng ruộng, làng quê, ngành nghề ở khắp các địa phương, làm sống lại đời sống và không gian diễn xướng đặc sắc.

   Liên hoan dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2016 diễn ra thành công tốt đẹp, để lại ấn tượng sâu sắc trong mọi tầng lớp nhân dân và anh, chị em nghệ nhân, diễn viên. Thông qua chương trình, không chỉ khẳng định giá trị trường tồn của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh mà còn tạo ra sân khấu lớn cho nghệ thuật quần chúng được đua tài, khoe sắc. Bên cạnh đó còn thể hiện trách nhiệm của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đặc biệt là đông đảo nghệ nhân, diễn viên trong việc tuyên truyền, quảng bá và tôn vinh di sản dân ca Ví, Giặm sau khi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

   Tối ngày 28/7/2023, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh, đã diễn ra Lễ khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Đây là lần đầu tiên Festival được tổ chức kể từ khi Dân ca Ví, Giặm được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Festival Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023, với chủ đề "Ví Giặm - Tinh hoa tỏa sáng". Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một sự kiện văn hóa đặc sắc của xứ nghệ, tạo dấu ấn, phát huy, biến tiềm năng văn hóa thành động lực phát triển kinh tế xã hội.

   Thông qua Festival tỉnh Nghệ An mong muốn được sự kiện này tại hoạt động văn hóa du lịch quy mô lớn, hướng tới xây dựng sản phẩm thương hiệu văn hóa và du lịch Nghệ An trên nền tảng các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, tạo cơ hội để kết nối di sản văn hóa với các địa phương trong cả nước, tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó và hợp tác cùng phát triển... Chương trình còn là là đêm hội của âm thanh và ánh sáng, của công nghệ hiện đại kết hợp dân ca ví dặm Nghệ Tĩnh, thể hiện sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ nhân, nghệ sĩ trên nền tảng cốt lõi là các giá trị di sản văn hóa dân tộc, tạo nên một làn gió mới, cách tiếp cận và biểu đạt mới.

Lễ khai mạc Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh năm 2023

   Trong công tác bảo tồn, phát huy di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh bên cạnh bảo tồn các làn điệu, lời hát cổ thì không gian diễn xướng được xác định là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng, góp phần gắn kết bảo lưu và phát huy giá trị các làn điệu. Có thể nói, không gian diễn xướng là xương sống của dân ca Ví, Giặm. Bởi, đó chính là môi trường để dân ca Ví, Giặm được phát triển và hồi sinh.

       Nhận định rõ tầm quan trọng của không gian diễn xướng Dân dân ca Ví, Giặm. Năm 2021, được sự quan tâm của UBND tỉnh và sự chỉ đạo trực tiếp của Sở VHTT Nghệ An, BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ phối hợp với Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tổ chức triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động không gian diễn xướng trên sân khấu thực cảnh, trong môi trường diễn xướng độc đáo vừa hiện đại nhưng thấm đượm tình quê. Những hình ảnh của làng quê xứ Nghệ như cây đa, bến nước, sân đình, khung cửu, xe tơ … được tái hiện trong không gian thực cảnh đậm tình vả sâu lắng tại Quảng trường Hồ Chí Minh vào các tối thứ 6, thứ 7 hàng tuần.

   Sau 3 năm đi vào hoạt động (từ năm 2021-2024),chương trình đã tạo được sự lan tỏa, hiệu quả, tích cực. Với 42 đêm diễn, mỗi đêm diễn có khoảng 35-40 nghệ sỹ nghệ sĩ, 35-40 nghệ nhân, 03-05 thầy gà, thầy bày, 2-3 CLB Dân ca Ví, Giặm tham gia, thu hút được 300-500 người dân mỗi buổi diễn (tổng giai đoạn 1 phục vụ được hơn 20.000 người dân); Không gian Ví Giặm thực sự đã trở thành một món ăn tinh thần của người dân thành phố Vinh vào mỗi dịp cuối tuần, góp phần bảo tồn, gìn giữ giá trị Dân ca Ví, Giặm của xứ Nghệ. Trong không gian ấy, khán giả được hòa mình vào câu hát dân ca, cùng suy ngẫm, đối đáp như những nam thanh, nữ tú Phường Vải, Phường Cấy, Phường Nón, Phường chài ngày nào...Người dân có thể tham gia trải nghiệm, được sống trong không gian diễn xướng, trực tiếp ứng tác, hát dân ca tại chỗ để rồi lưu luyến, bịn rịn... kết thúc mà nỏ muốn về, rồi lại hẹn vào dịp cuối tuần...vẫn sân khấu ấy...đến để nghe, để hiểu, để thưởng thức...và cùng đắm mình với câu hát quê hương – làm cho câu Dân ca Ví, Giặm quê nhà vang mãi, vang xa.

Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại

  Đặc biệt, vào tối ngày 23/11/2024 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Nghệ An và UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức  Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh. Chương trình bao gồm màn khai từ “Huyền thoại đất Hồng Lam,” phần lễ vinh danh các nghệ sĩ, nghệ nhân tiêu biểu đã có đóng góp cho việc bảo tồn và phát triển dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Tiếp đó là chương trình nghệ thuật “Ví, giặm - Hồn quê tỏa sáng,” với ba phần: “Hồn quê,” “Ví, giặm nuôi những anh tài,” và “Hội tụ và tỏa sáng”. Chương trình sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng trong dòng nhạc dân gian và hiện đại, các đoàn nghệ thuật từ các tỉnh, thành phố khác có di sản văn hóa phi vật thể được Unesco công nhận, các câu lạc bộ dân ca ví, giặm từ các huyện trong tỉnh, cũng như các thành viên CLB UNESCO tại Hà Nội. Điểm mới nhất là trong chương trình, các nghệ sỹ  sẽ thể nghiệm dân ca nguyên gốc lời cổ, nghề cổ “Làng Nồi” trên nền âm nhạc đương đại, Xẩm trên nền Rap, Hiphop trong “Ví, giặm hồn quê tỏa sáng” để hướng tới lớp trẻ có thể tiếp cận dễ hơn, không những là lớp trẻ của xứ Nghệ mà còn kỳ vọng trên cả toàn thế giới.

   Đây là một sự kiện không chỉ đánh dấu dịp kỷ niệm quan trọng, mà còn là cầu nối đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đến gần hơn với cộng đồng trong nước và quốc tế. Qua đó, Nghệ An và Hà Tĩnh mong muốn thúc đẩy du lịch văn hóa, tạo động lực thu hút nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời khẳng định vị thế và hình ảnh của di sản Việt Nam trên trường quốc tế.

   Cùng với Festival, tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, chính trị của tỉnh và của cả nước như: Chương trình mừng Đảng mừng xuân – Hào khí Sông Lam, Lễ hội Làng Sen; Quê hương mùa sen nở; Bài ca chiến thắng… Trong các chương trình đó, những lời ca điệu Ví quê nhà lại được ngân vang thấm đẫm hồn quê. Các chương đó đã thu hút hàng vạn người dân, du khách tham dự, để lại ấn tượng sâu sắc về một Nghệ An – Hà Tĩnh đậm đà bản sắc văn hiến cũng như đầy tiềm năng phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội; là điểm hẹn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước; là điểm đến của khách du lịch.

   Có thể thấy, các hoạt động bảo tồn và phát huy di sản Dân ca Ví, Giặm diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã minh chứng của Đảng bộ và Nhân dân Nghệ An khẳng định với UNESCO luôn giữ đúng cam kết bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của Dân ca Ví, Giặm. Chắc chắn, sau mỗi chương trình, mảnh đất Nghệ An – Địa linh nhân kiệt sẽ càng thêm “giàu có” với những bản sắc văn hóa truyền thống, đang tiếp tục vươn mình, phấn đấu xây dựng tỉnh Nghệ An phát triển nhanh, bền vững theo hướng văn minh, hiện đại./.

TS. Nguyễn Thị Lan Hương – TB BQL Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ