Ngày đăng: 09/10/2016
Nguồn gốc trò chơi dân gian Vật cù.
Vật Cù là một trò chơi dân gian gắn với vùng đất Thanh Chương khá lâu đời, theo các cụ cao niên địa phương cho biết nguồn gốc của trò chơi dân gian, vật cù đã tồn tại cách ngày nay hơn 5 thế kỷ, gắn với truyền thuyết Phan Đà, một vị tướng thời nhà Lê được thờ chính trong đền Bạch Mã, xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An – một trong bốn ngôi đền lớn và có kiến trúc đẹp bậc nhất xứ Nghệ: “ Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”.
Truyền thuyết kể lại: Năm Giáp Thìn (1424) sau khi Bình định vương Lê Lợi tiến quân vào vùng đất Nghệ An và đã đến vùng Đa Lôi, Tổng Bích Triều, huyện Thổ Du thuộc huyện Thanh Chương ngày nay để tuyển mộ binh lính chuẩn bị đánh đuổi quân Minh xâm lược. Hưởng ứng lời kêu gọi của Lê Lợi, Phan Đà đã xin gia nhập vào nghĩa quân của Lê Lợi và được vua Lê Lợi giao cho việc cai quản vùng đất Thổ Du và tuyển mộ dân đinh, trai tráng khỏe mạnh, nhanh nhẹn của địa phương để sung quân đánh giặc. Với trí thông minh của mình ông đã nghĩ ra một hình thức tuyển binh tương đối đơn giản, song lại khá hiệu quả là tổ chức thi vật cù... để tuyển mộ binh lính. Từ đó đến nay, vật cù đã trở thành một sinh hoạt văn hoá mang đậm nét dân gian, được mọi người dân huyện Thanh Chương ưa thích và trở thành nét đẹp văn hóa tinh thần, không thể thiếu của những làng quê vùng Thanh Chương, Đô Lương, Nam Đàn trong những dịp đầu xuân năm mới và lễ hội làng, nhưng sôi nổi và náo nhiệt hơn cả là ở xã Võ Liệt, nơi được xem như là nơi xuất xứ của trò chơi thượng võ này.
Vật cù một trò chơi dân gian hấp dẫn.
Ngày xưa Hội vật cù Thanh Chương được tổ chức vào dịp Tết nguyên đán thu hút mọi làng, mọi xã tham gia khắp nơi trong huyện tham gia. Hiện nay, trò chơi dân gian vật cù chỉ còn được thực hiện trong dịp lễ hội đền Bạch Mã vào các ngày 12-13 và 14 tháng 02 âm lịch hàng năm. Đây là một trò chơi dân gian gắn liền với tính chất của hội lễ truyền thống ảnh hưởng tích cực đến đời sống, sinh hoạt của người dân địa phương.
Vật cù là một trò chơi khá đơn giản, không tốn kém, song lại hết sức hấp dẫn. Để chuẩn bị cho hội vật cù, trước đó ít ngày, ban tổ chức chuẩn bị một quả cù được làm từ gốc chuối, đặc biệt thích hợp là gốc chuối hột loại lớn, đào lên lấy củ. Dùng dao sắc đẽo củ chuối thành hình tròn có đường kính cữ 30cm, trọng lượng 5-7kg là có quả cù đảm bảo yêu cầu. Quả cù phải sạch nhựa và có độ dẽo cần thiết, bởi nó thường xuyên bị giành giật, quăng ném mạnh dễ vỡ trong khi chơi. Vì vậy, quả cù sau khi lược đẽo xong, được luộc qua nước sôi, vớt ra phơi nắng khá kỹ. Lúc này quả cù có màu sẫm và rất dẽo, không bị nứt vỡ khi chơi.
Sân chơi cù thường là những sân cát bên bờ sông hay trong làng, chiều dài độ 50m, ngang độ 25m. Có ba hình thức chơi cù: cù gôn, cù đẩy và củ nước. Cả ba lối chơi này đều có chung hình thức tính điểm và bố trí giống nhau, đối với trò vật cù ở đền Bạch Mã thường tổ chức vậ cù gôn tức là ở hai đầu sân của mỗi bên đào một hố sâu rộng 50 x 50cm, phía trên cắm 1 lá cờ hội. Mỗi trận diễn ra khoảng 15 phút, mỗi đội có 7 người tham gia tranh cù, vật cù để làm sao đưa được quả cù vào đích của phe đối phương. Để phân biệt người của hai đội, ban tổ chức qui định màu sắc thông qua dải khăn màu vàng và đỏ quấn ngang hông. Tuy từ xưa không có một điều luật cụ thể, nhưng trong hội vật cù không hề có lối chơi thô bạo, ác ý. Rất quyết liệt nhưng cũng rất trong sáng. Kết thúc cuộc chơi, đội nào có số lần đưa cù vào đích của đối phương nhiều hơn là đội thắng. Giải thưởng chỉ mang tính tượng trưng, danh dự. Ở hội cù trong lễ hội đền Bạch Mã, du khách thập phương xem và cổ vũ rất đông, hò reo, đánh trống chiêng cuồng nhiệt cổ vũ cho đội nhà và tán thưởng những đường chạy cù ngoạn mục...
Một số hình ảnh Vật cù |
Cần có phương án bảo tồn, phát huy giá trị.
Vật cù là một trò chơi dân gian khá hấp dẫn và độc đáo, duy nhất chỉ còn duy trì trong lễ hội đền Bạch Mã, xã Võ Liệt huyện Thanh Chương. Hiện nay, mặc dù trò chơi này đã được chính quyền và nhân dân địa phương bảo tồn và phát huy bằng việc duy trì trong hoạt động lễ hội đền Bạch Mã, song chỉ dừng lại ở tính chất địa phương. Vì vậy, việc mai một trò chơi dân gian độc đáo này trong tương lai là là điều không thể tránh khỏi. Để bảo tồn trò chơi vật cù – một trò chơi dân gian đặc trưng, có nguồn gốc lâu đời gắn với vùng đất Thanh Chương nói riêng và tỉnh Nghệ An nói chung, thiết nghĩ chính quyền địa phương và các ban ngành liên quan cần có phương bảo tồn phát huy giá trị, quảng bá, tuyên truyền cũng như đề xuất lập Hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục phi vật thể quốc gia để bảo vệ, phát huy giá trị, trước mắt và lâu dài.
Mạnh Hà (Sở VH,TT&DL)