Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 28/06/2025

“Gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn. Hạt nhân của xã hội là gia đình.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam – không chỉ là một nhà cách mạng vĩ đại mà còn là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống giản dị và nhân văn. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng vì độc lập, tự do của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, Bác luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến gia đình – cái nôi hình thành nhân cách con người và là tế bào của xã hội.

Với Bác Hồ, gia đình không chỉ là mái nhà riêng tư của mỗi con người, mà còn là cái nôi nuôi dưỡng đạo lý, là “trường học đầu tiên” hình thành nhân cách, lối sống và tình cảm. Chính trong vòng tay yêu thương của cha mẹ, trong những lời dạy giản dị mỗi ngày, con người mới được giáo dục về lòng nhân ái, tinh thần trách nhiệm, về cách sống tử tế và biết yêu Tổ quốc, yêu đồng bào. Bác khẳng định: “Quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn nữa.”. Câu nói giản dị mà giàu tính triết lý ấy đã thể hiện tầm nhìn sâu rộng và nhân văn của Bác Hồ về mối quan hệ mật thiết giữa gia đình và xã hội. Theo Bác, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, là nền móng đầu tiên để hình thành nên một cộng đồng phát triển và một quốc gia vững mạnh. Chỉ khi trong từng mái ấm nhỏ, con người biết yêu thương, chia sẻ, nhường nhịn và sống có trách nhiệm, thì xã hội mới có thể hình thành những con người tử tế, nhân hậu, đóng góp tích cực cho đất nước. Ngược lại, một xã hội tiến bộ, công bằng và văn minh cũng sẽ tạo điều kiện để các gia đình được sống trong môi trường an toàn, hạnh phúc và phát triển toàn diện.

Không chỉ thể hiện trong lời dạy hay tư tưởng lý luận, tình cảm của Bác Hồ dành cho gia đình còn thấm đẫm trong chính cuộc đời riêng đầy gian lao của Người. Suốt những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, đặt bước chân qua bao vùng đất xa xôi, Bác vẫn luôn canh cánh trong lòng nỗi nhớ quê hương, gia đình – nơi chôn nhau cắt rốn, nơi lưu giữ những ký ức tuổi thơ bình dị. Và rồi, vào năm 1957, khi Bác trở về thăm quê hương Kim Liên sau bao năm xa cách, hình ảnh Người lặng lẽ lau giọt nước mắt xúc động bên ngôi nhà tranh đơn sơ đã làm lay động hàng triệu trái tim Việt Nam. Đó không chỉ là giọt nước mắt của một người con xa quê, mà còn là biểu tượng thiêng liêng cho tình thân ruột thịt, cho tấm lòng luôn hướng về cội nguồn của một con người cả đời sống vì dân, vì nước.

Tóm lại, Hồ Chí Minh đã có một quan niệm sâu sắc về gia đình, coi gia đình là một yếu tố then chốt trong quá trình xây dựng và phát triến đất nước. Người đã chỉ ra vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình, cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng một gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội.

Bác Hồ đến thăm gia đình đồng bào các dân tộc ở Việt Bắc

Thấm nhuần những lời dạy của Bác Hồ về tầm quan trọng của gia đình và giáo dục gia đình, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg, chọn ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam, nhằm đề cao trách nhiệm lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em, phát huy vai trò của gia đình và giáo dục gia đình, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ngày Gia đình Việt Nam là mốc quan trọng để những con người đất Việt hướng về cội nguồn, về những người thân yêu, qua đó nuôi dưỡng những tình cảm đẹp, những giá trị văn hoá cao quý của dân tộc. Cho dù có đi đâu, làm gì, gia đình vẫn là nơi để nhớ, để yêu thương và để quay về.


    Trong xã hội hiện đại, khi tốc độ phát triển kinh tế, công nghệ, đô thị hóa và hội nhập quốc tế ngày càng nhanh, mỗi gia đình đang phải đối mặt với không ít thách thức: từ khoảng cách thế hệ, áp lực cơm áo gạo tiền đến sự biến đổi các giá trị truyền thống. Trước bối cảnh đó, việc phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình không chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, mà cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể và thiết thực. Đó là biết giữ gìn nếp sống văn hóa, giáo dục con cái bằng tình yêu thương và trách nhiệm; là sống nhân ái, trung thực, tôn trọng lẫn nhau giữa các thành viên trong gia đình. Chính từ những hành vi giản dị ấy, mỗi gia đình sẽ trở thành nền tảng vững chắc để xây dựng một xã hội tốt đẹp và nhân văn hơn.

Bên cạnh nỗ lực từ mỗi gia đình, các tổ chức xã hội và Nhà nước cũng cần đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để gia đình trở thành môi trường sống tốt đẹp. Việc đảm bảo quyền tiếp cận công bằng về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, cùng với việc tôn vinh, lan tỏa những mô hình gia đình tiêu biểu sẽ góp phần củng cố các giá trị đạo đức, văn hóa trong cộng đồng. Đó chính là cách thiết thực và hiệu quả nhất để hiện thực hóa tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình trong thời đại mới, góp phần xây dựng một xã hội văn minh, nhân ái và phát triển bền vững.

                        *****************************

Tư tưởng của Bác Hồ về gia đình không chỉ là những lời chỉ dẫn mang tính lý luận, mà còn là kim chỉ nam cho mỗi người Việt Nam trong hành trình xây dựng hạnh phúc, dựng xây tổ ấm và vun đắp một xã hội văn minh. Học theo Bác, mỗi chúng ta cần giữ gìn, phát huy những giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam – yêu thương, chia sẻ, trách nhiệm và hiếu nghĩa.