Ngày đăng: 20/06/2025
Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam. Người không chỉ là nhà cách mạng vĩ đại, nhà văn hóa kiệt xuất mà còn là một nhà báo lỗi lạc, người sáng lập và là người thầy đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Người đã coi báo chí là vũ khí sắc bén, là công cụ quan trọng để tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, đấu tranh chống áp bức, bất công, và khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí đấu tranh giành độc lập, tự do cho dân tộc.
Hồ Chí Minh - Người khai sinh và đặt nền móng cho báo chí Cách mạng Việt Nam
Ngay từ những năm tháng bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận ra vai trò đặc biệt to lớn của báo chí – không chỉ là công cụ truyền tải thông tin, mà còn là một vũ khí sắc bén trong cuộc đấu tranh tư tưởng, cổ vũ cách mạng và tổ chức lực lượng quần chúng.
Với niềm tin sắt đá vào con đường cách mạng, Bác đã sử dụng ngòi bút như một thanh gươm, từng bước vạch trần tội ác của chủ nghĩa thực dân, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc và thắp lên khát vọng độc lập, tự do cho nhân dân Việt Nam. Những bài viết đanh thép, giàu tính chiến đấu và nhân văn của Người được đăng tải trên các tờ báo quốc tế như Le Paria (Người cùng khổ) – cơ quan ngôn luận của những dân tộc bị áp bức – đã tạo tiếng vang lớn, không chỉ trong phong trào cộng sản quốc tế, mà còn lay động hàng triệu trái tim đang bị giam cầm dưới xiềng xích thuộc địa.
Bác Hồ đọc Báo Nhân Dân tại chiến khu Việt Bắc
Ngày 21/6/1925, Nguyễn Ái Quốc đã sáng lập Báo Thanh Niên – đánh dấu mốc son khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam. Báo Thanh Niên giữ vai trò lịch sử đặc biệt quan trọng, mở đầu cho việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng theo quan điểm Mác - Lênin, viết bằng quốc ngữ Việt Nam, được phổ biến rộng khắp cả nước, trong người dân Việt Nam, nhất là trong tầng lớp thanh niên, công nhân, nông dân…
Bác còn trực tiếp sáng lập nhiều tờ báo cách mạng mang đậm dấu ấn lịch sử như Việt Nam Độc Lập, Cờ Giải Phóng… Mỗi trang báo, mỗi con chữ mà Bác viết ra đều là một viên đạn lý luận, một ngọn lửa niềm tin, góp phần đánh thức ý thức dân tộc, cổ vũ tinh thần cách mạng và xây dựng lực lượng tiên phong cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Hồ Chí Minh - Người làm báo mẫu mực, giản dị mà sắc sảo
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người sáng lập nền báo chí cách mạng Việt Nam, mà còn là một nhà báo lỗi lạc, có bút lực phi thường và tư duy báo chí sắc sảo, đi trước thời đại. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Bác sử dụng trên 170 bút danh để viết trên 2.000 bài báo bằng nhiều thứ tiếng khác nhau, nhiều thể loại khác nhau (chính luận, tiểu phẩm, truyện, ký và thơ...) đề cập đến toàn bộ các vấn đề rộng lớn của cách mạng, của đời sống xã hội.
Bác Hồ tham dự Đại hội lần thứ III những người viết báo Việt Nam (8.9.1962)
Bút pháp của Người giản dị mà sâu sắc, không hoa mỹ cầu kỳ nhưng đầy sức thuyết phục. Mỗi bài viết là một lát cắt chân thực về thời cuộc, là một lời hiệu triệu lay động lòng người. Dù viết cho người dân lao động, thanh niên trí thức, hay cán bộ cách mạng, Bác đều chọn cách diễn đạt gần gũi, dễ hiểu nhưng không hề đơn giản. Điều đó cho thấy Người không chỉ tinh thông ngôn ngữ, mà còn vô cùng am hiểu tâm lý người đọc.
Những tác phẩm để đời của Người như Đường Kách mệnh, Bản án chế độ thực dân Pháp, Nhật ký trong tù… không chỉ là văn kiện cách mạng có giá trị lịch sử to lớn, mà còn là mẫu mực báo chí mang đậm tính tư tưởng, tính chiến đấu và tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, Bác cũng là cây bút chủ lực trên các tờ báo như Cứu Quốc, Nhân Dân, Sự Thật… – nơi mỗi bài viết của Người đều trở thành định hướng dư luận, khơi dậy tinh thần đoàn kết, yêu nước, xây dựng xã hội mới.
Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ phóng viên các cơ quan báo chí tại Thủ đô Hà Nội tháng 5-1968
Đặc biệt, Bác luôn yêu cầu người viết báo phải có trách nhiệm với từng con chữ. Người căn dặn: “Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu?” Câu hỏi tưởng chừng giản đơn, nhưng lại chứa đựng cả triết lý báo chí cách mạng. Đó chính là nguyên lý nghề nghiệp bất biến đối với người làm báo: viết để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân; viết để giác ngộ, thuyết phục, truyền cảm hứng hành động; viết để mang lại ánh sáng, chứ không gieo rắc bóng tối.
Cho đến hôm nay, giữa thời đại bùng nổ thông tin và công nghệ truyền thông phát triển chóng mặt, tư tưởng báo chí Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị thời sự và định hướng. Những người làm báo chân chính vẫn đang nỗ lực gìn giữ và phát huy phong cách báo chí mẫu mực của Bác: giản dị, chân thực, vì dân – vì nước – vì sự tiến bộ xã hội.
Tiếp lửa di sản Hồ Chí Minh – Những ngòi bút viết nên giá trị trường tồn
Lịch sử đã sang trang, đất nước bước vào kỷ nguyên mới nhưng ngọn lửa văn hóa Hồ Chí Minh vẫn cháy sáng trong từng trang báo, từng câu chữ của những “kỹ sư tâm hồn”. Phát huy di sản tư tưởng, đạo đức và văn hóa Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ nhà báo, nhà văn, nhà nghiên cứu văn hóa đã và đang dấn thân, sáng tạo, làm nên một “cầu nối” tinh thần giữa quá khứ – hiện tại – tương lai, lan tỏa những giá trị nhân văn sâu sắc trong đời sống văn hóa – xã hội Việt Nam.
Tiêu biểu có thể kể đến những tên tuổi lớn, những ngòi bút đặc biệt đã để lại dấu ấn không thể phai mờ như:
Đồng chí Vũ Kỳ – Thư ký riêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt hơn 20 năm – với tác phẩm nổi tiếng Bác Hồ với chúng tôi. Đây được xem là một trong những tài liệu ký – báo chí quý giá nhất về cuộc đời, nhân cách và phong cách sống của Người, đầy xúc động và chân thực.
Nhà văn – nhà báo Sơn Tùng với tiểu thuyết Búp sen xanh
Nhà văn – nhà báo Sơn Tùng với tiểu thuyết Búp sen xanh – không chỉ dựng lại tuổi thơ của Bác Hồ bằng văn chương mà còn mở ra một lối đi mới trong việc đưa hình tượng Hồ Chí Minh đến gần hơn với bạn đọc nhỏ tuổi qua văn học nghệ thuật.
Nhà báo Hồng Chương với tác phẩm Hồ Chí Minh – Một con người, một dân tộc, một thời đại, đã khắc họa vị lãnh tụ như biểu tượng hội tụ hồn cốt dân tộc và tinh thần thời đại.
Nhà báo Hà Đăng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân – với tác phẩm chính luận Hồ Chí Minh – Hình ảnh của dân tộc, là sự kết tinh sâu sắc giữa lý luận sắc sảo và cảm xúc chân thành.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ – nguyên Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam – cũng góp phần quan trọng trong việc chuyển tải hình tượng Bác Hồ thông qua các tác phẩm văn học – sân khấu độc đáo như: Người đi tìm hình của nước, Sáng trong như ngọc một con người, và bộ tiểu thuyết 5 tập Nước non vạn dặm… Những sáng tạo ấy không chỉ là nghệ thuật, mà còn là một “kênh báo chí – văn hóa” đặc sắc, truyền tải tư tưởng Hồ Chí Minh bằng hình thức nghệ thuật dân tộc đầy chất thơ và chiều sâu triết lý.
Bài viết của đ/c Trần Thị Mỹ Hạnh - GĐ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nghệ An về việc Phát huy Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương xứ Nghệ
Song song với đó, trên các nền tảng báo chí truyền thống và hiện đại, nhiều cơ quan báo chí như Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nghệ An, Tạp chí Cộng sản, Tạp chí Sông Lam… đều có những chuyên mục thường kỳ như Học Bác mỗi ngày, Làm theo gương Bác, Hồ Chí Minh – Hình ảnh của dân tộc, v.v… Những chuyên đề sâu sắc như: Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người đi tìm hình của nước; Truyền thống quê hương, gia đình – nhân tố hình thành tư tưởng yêu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh… được lan tỏa mạnh mẽ trên nền tảng số, thu hút sự quan tâm và đánh giá cao của bạn đọc khắp nơi.
Đây không chỉ là những nguồn tư liệu quý báu góp phần giáo dục lý tưởng cách mạng, mà còn là không gian tinh thần để mỗi người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ tiếp bước học tập, lao động theo tấm gương vĩ đại của Người.
***************************
Di sản văn hóa Hồ Chí Minh là ngọn lửa thiêng liêng, và những người làm báo hôm nay chính là những người đang tiếp lửa – giữ cho ngọn lửa ấy cháy mãi trong lòng dân tộc. Đó là ngọn lửa của chân lý, của công bằng, của tình yêu đất nước và con người. Ngọn lửa ấy sẽ mãi cháy trong từng ngòi bút trung thực, nhân ái, bản lĩnh và trách nhiệm – những ngòi bút mang hồn cốt của dân tộc, soi đường cho dân, cho Đảng, cho Tổ quốc Việt Nam vững bước đi lên trên con đường xây dựng đất nước hùng cường, văn minh, hạnh phúc.