Công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ được khởi công xây dựng ngày 19/5/2000, nhân dịp kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Để hoàn thành công trình là cả một quá trình tâm huyết của Bộ Chính trị, các nhà quản lý, các nhà văn hóa, các nhà điêu khắc và các tầng lớp nhân dân mọi miền đất nước, từ việc lên ý tưởng, lựa chọn địa điểm, mẫu sáng tác phác thảo cho tới quá trình thi công.
Phát biểu đề dẫn hội thảo, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở VH&TT Nghệ An nhấn mạnh, hai mươi năm qua, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã từng bước khẳng định vai trò, tầm quan trọng trong tâm thức các tầng lớp Nhân dân Nghệ An và cả nước, xứng tầm là một công trình văn hóa - chính trị trọng điểm của tỉnh, ngày càng góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, giáo dục tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng cho mọi thế hệ, nhất là thế hệ trẻ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh trên quê hương của Người. Với vị trí thuận lợi, diện tích rộng, không gian thoáng đãng, thiết kế các hạng mục phù hợp, Quảng trường Hồ Chí Minh là công trình văn hóa - chính trị có nhiều vai trò, chức năng: vừa là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa - chính trị của tỉnh, thành phố; nơi vui chơi, giải trí, sinh hoạt cộng đồng của người dân, vừa là một địa chỉ, một điểm đến có ý nghĩa của du khách khi hành hương về thăm quê Bác. Tại đây, hàng năm đã đón tiếp hàng trăm đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành và hàng triệu lượt Nhân dân, du khách trong nước, quốc tế đến dâng hoa, tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Giám đốc Sở VH&TT Nghệ An cũng khẳng định, trải qua hai mươi năm xây dựng và phát triển, Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ đã chứng minh đây thực sự là một công trình văn hóa lớn, hợp ý Đảng lòng dân, một địa chỉ đỏ trong việc tuyên truyền các giá trị văn hóa, tuyên truyền học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; một điểm đến yêu thích của Nhân dân, du khách trong nước và bạn bè quốc tế khi về với quê hương Bác.
Với chủ đề liên quan tới Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, hội thảo đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý từ các viện, trường học, các sở, ban, ngành, đơn vị gửi bài tham luận. Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 36 bản tham luận có chất lượng của các quý vị đại biểu, các nhà nghiên cứu gửi đến Hội thảo, tập trung làm rõ các nội dung: Di sản văn hóa Hồ Chí Minh - những giá trị trường tồn cùng dân tộc và thời đại; Quá trình hình thành, vai trò và thực trạng 20 năm phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ; Định hướng, giải pháp phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ với việc lan tỏa di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Đồng chí Nguyễn Thị Lan Hương - Trưởng Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ phát biểu tại Hội thảo.
Trong khuôn khổ thời gian một buổi, hội thảo đã được nghe 11 ý kiến phát biểu tâm huyết, thể hiện những mối quan tâm, trăn trở của các nhà nghiên cứu khoa học, nhà quản lý ở trong và ngoài tỉnh đối với những giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh và đặc biệt là việc phát huy giá trị công trình Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ như thế nào để nơi đây trở thành một điểm nhấn của thành phố Vinh nói riêng, tỉnh Nghệ An nói chung.
GS.TS Hoàng Chí Bảo - chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương trình bày tham luận tại hội thảo
Đồng chí Lê Doãn Hợp - nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An phát biểu tại hội thảo
Kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long ghi nhận những nỗ lực của Sở Văn hóa và Thể thao, Ban Quản lý Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ trong việc lan tỏa giá trị của công trình tới Nhân dân, du khách và bạn bè quốc tế, góp phần vào việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long phát biểu kết luận hội thảo
Từ các ý kiến tâm huyết, có giá trị và chất lượng tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý 8 định hướng, giải pháp cơ bản để Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ phát huy hiệu quả hơn nữa giá trị trong tương lai.
Nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ cán bộ, viên chức, người lao động. Ngoài chuyên môn nghiệp vụ cần chú trọng tới các kỹ năng ngoại ngữ, công nghệ. Quan tâm khai thác tới nguồn nhân lực từ cộng đồng, xây dựng đội ngũ cộng tác viên.
Nâng cao chất lượng và sức lan tỏa của các cuộc trưng bày triển lãm, các chương trình, sự kiện chính trị, văn hóa, nghệ thuật tại Quảng trường.
Gắn kết hoạt động du lịch, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, sản phẩm du lịch tại Quảng trường.
Đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá, xây dựng thương hiệu cho Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ.
Đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tổ chức các chương trình giáo dục trải nghiệm cho công chúng, đối tượng chú trọng là học sinh, sinh viên.
Ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động và trưng bày triển lãm.
Quy hoạch nâng cấp, hoàn thiện công trình với các hạng mục phụ trợ như: Không gian trưng bày số về Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà đón tiếp khách, không gian văn hóa đọc, không gian dân ca Ví, Giặm…
Tăng cường sự phối hợp đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau giữa các đơn vị liên quan để bảo vệ và phát huy công trình, đặc biệt là ngành công an, giáo dục, du lịch./.