Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 15/05/2017

Cứ mỗi độ tháng Năm về, khi hương sen tỏa ngát, mỗi người con đất Việt lại dâng tràn trong lòng những cảm xúc thiêng liêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh - người khai sinh ra nước Việt Nam mới: Việt Nam dân chủ cộng hòa và để lại cho chúng ta những di sản tư tưởng vô giá. Điều đó càng tiếp thêm sức mạnh để khẳng định Lễ hội Làng Sen không đơn thuần là một hoạt động văn hóa góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hồ Chí Minh, mà thực sự đã trở thành hoạt động của trái tim, của tình yêu, của niềm tự hào và lòng biết ơn vô bờ bến của dân tộc Việt Nam đối với lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh.
Lễ hội Làng Sen là lễ hội được khởi xướng năm 1982, bắt nguồn từ chương trình “Liên hoan Tiếng hát Làng sen”, năm 2002 liên hoan Tiếng hát Làng Sen được nâng cấp thành Lễ hội Làng Sen và tổ chức hàng năm theo quy mô cấp tỉnh. Năm 2003 lần đầu tiên “Lễ hội Làng Sen” được tổ chức với quy mô toàn quốc. Tính đến năm nay, đã có 4 lần “Lễ hội Làng Sen” được diễn ra toàn quốc thu hút sự tham gia của các tỉnh, thành trong cả nước do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban nhân dân Tỉnh Nghệ An  tổ chức. Trải qua hơn hơn 30 năm, sức lan tỏa của Lễ hội Làng Sen ngày càng mạnh mẽ, trở thành điểm nhấn không thể thiếu trong mỗi dịp kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh 19-5 hằng năm, trở thành hoạt động tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tôn vinh văn hóa Làng Sen, đồng thời thông qua lễ hội để nhân dân bày tỏ lòng kính yêu vô hạn đối với Bác Hồ, cũng như hiểu sâu thêm về cội nguồn và tinh hoa của văn hóa dân tộc đã bồi đắp góp phần hình thành nhân cách, văn hóa và tư tưởng yêu nước vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lễ hội còn là một trong những sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước
 Lễ hội Làng Sen thực sự đã trở thành nhu cầu sinh hoạt văn hoá cộng đồng, là món ăn tinh thần không thể thiếu của quần chúng nhân dân. Bởi thông qua đó, người ta không chỉ tôn vinh, thể hiện tình cảm thành kính với Bác mà còn tìm thấy được trong đó những giá trị chân - thiện - mỹ, những bài học làm người thông qua những câu chuyện có thực hay những tác phẩm nghệ thuật của các nhà thơ, nhạc sỹ sáng tác ca ngợi về Bác. Và hơn hết, cả cuộc đời Người và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Người mãi mãi là tấm gương sáng về tư tưởng, đạo đức cách mạng cho mỗi chúng ta noi theo và là đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà làm nghệ thuật chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác. Thực tế cho thấy đã có không ít những tác phẩm sáng tác về đề tài Bác Hồ để lại những rung động, những cảm xúc sâu lắng trong lòng người nghe, người xem, người đọc, đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng, góp phần làm nên tên tuổi và sự nghiệp sáng tác của các tác giả.
Trong hàng ngàn các tác phẩm không thể kể hết ra được những tác phẩm, những sáng tác thành công về đề tài Hồ Chí Minh, bởi mỗi tác giả đều đi sâu khai thác vào mỗi khía cạnh con người và cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác, nhưng có thể tựu chung lại trong các đức tính “cần, kiệm, liêm chính - chí công vô tư” ở Người như các tác phẩm “Đôi dép Bác Hồ”, “Nhớ người tát nước gầu giai, gầu sòng”… của các tác giả Văn An, Phan Thanh Chương. Hay giữa những lúc gian khổ, ác liệt nhất của cuộc chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược, người ta vẫn thấy toát lên ở Bác một tinh thần lạc quan cách mạng qua “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” của Nguyễn Tài Tuệ… Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm rất nhiều bài thơ. Mỗi bài thơ đều chứa đựng những giá trị nội dung tư tưởng khác nhau và trong đó rất nhiều bài thơ đã được các nhạc sỹ sau này phổ nhạc bởi nó vẫn còn nguyên giá trị, đối với cuộc sống đương đại. Hay như tác phẩm “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” của nhạc sỹ Trần Hoàn đã cho chúng ta thấy ngay cả trước khi trút hơi thở cuối cùng Bác vẫn để lại cho chúng ta một bài học về tình yêu quê hương đất nước, “rằng đã yêu Tổ quốc mình, càng yêu tha thiết những khúc hát dân ca”.
Đối với các nhạc sỹ, các nhà thơ đã vậy, còn đối với các ca sỹ, nghệ sỹ biểu diễn hay các diễn viên quần chúng trong Lễ hội Làng Sen thì trước khi thể hiện các tác phẩm trước công chúng, bằng tình cảm của mình họ đã tiếp xúc với các tác phẩm một cách hết sức trân trọng, bởi đó là những tác phẩm viết về Bác kính yêu. Điều đó đã giúp cho họ có được những cảm xúc thực sự và cùng với chất giọng, kỹ thuật biểu diễn, họ đã truyền đạt tới công chúng những tình cảm thiêng liêng, cao quý, những gì tinh tuý nhất về tâm hồn và con người Bác. Qua những lần biểu diễn hay qua những lần tham gia Lễ hội làng Sen họ càng thấm nhuần những bài học và lời dạy của Bác, cố gắng vươn lên trong cuộc sống, trau dồi đạo đức nghề nghiệp và chuyên môn nghiệp vụ, trở thành những nghệ sỹ, ca sỹ thực thụ và làm những việc tốt đẹp, cống hiến hết mình cho xã hội.
Về công chúng, đến với Lễ hội Làng Sen, họ được cảm nhận và hưởng thụ các giá trị văn hoá nghệ thuật nói chung và được tuyên truyền, giáo dục đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh thông qua các tác phẩm nghệ thuật viết về Bác. Là một người đã từng trực tiếp tham gia tổ chức Lễ hội Làng Sen nhiều năm, đứng trên sân khấu, nhìn những giọt nước mắt lăn dài trên gương mặt khán giả đủ mọi thành phần, lứa tuổi khi nghe những bài hát hay, cảm động về Bác, lòng tôi cũng không khỏi bồi hồi, xúc động. Đó chính là sự giao thoa về mặt tình cảm, sự lan toả về cảm xúc, cảm nhận các giá trị đạo đức, tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo nên một sức mạnh tiềm ẩn, một niềm tin mãnh liệt với Bác, với Đảng quang vinh trong lòng công chúng khán giả. Ngoài việc được nâng cao nhận thức về mặt thẩm mỹ, cảm nhận được những cái hay, cái đẹp trong con người Bác, họ còn được giáo dục về mặt tư tưởng, đạo đức. Thông qua các tác phẩm nghệ thuật và từ những rung cảm của mình đã giúp họ xây dựng, hình thành một nền tảng đạo đức cách mạng vững chắc, một sự kiên trì, kiên định về lập trường tư tưởng cách mạng, vững tin vào cuộc sống dưới sự lãnh của Đảng và góp phần xây dựng, bồi dưỡng hệ thống nhân cách cách mạng cho các tầng lớp, thế hệ con cháu.
Với lợi thế là một loại hình hoạt động nghệ thuật, dễ truyền cảm và dễ đi vào lòng người, Lễ hội Làng Sen đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục tư tưởng đạo đức của Bác tới quần chúng nhân dân. Ngoài việc ngợi ca và thể hiện tình cảm, còn hướng người xem, người nghe tới những nội dung chính trong đạo đức tư tưởng của Người như giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần lạc quan yêu đời, chống thói xa hoa, lãng phí… cho tới những bài học nhỏ nhất về làm người, đối nhân xử thế.
Lễ hội Làng Sen xứng đáng là mảnh đất ươm mầm tài năng cho các nhạc sỹ, ca sỹ chuyên nghiệp và không chuyên sáng tác, thể hiện những tác phẩm, đề tài về Bác. Hơn nữa, có thể nói Lễ hội Làng Sen là phương tiện, môi trường và là kênh thông tin chính thống để truyền đạt và chuyển tải các giá trị đạo đức, tư tưởng của Người tới quần chúng nhân dân một cách hiệu quả nhất.
Để phát huy được những thành quả đạt được trong hơn 30 năm từ tiếng hát Làng Sen đến Lễ hội Làng Sen và khắc phục hạn chế, khó khăn trong thời gian tới, Lễ hội Làng Sen rất cần được tiếp tục cũng cố, hoàn thiện và phát triển, để thực sự trở thành  “ Hoạt động văn hóa có ý nghĩa sáng tạo lớn, có ích và thiết thực, góp phần làm cho giá trị Hồ Chí Minh tỏa sáng, thấm sâu và có sức sống trường tồn với tương lai của dân tộc”,  góp phần giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang hưởng ứng và tiếp tục đẩy mạnh thi đua thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Đưa lễ hội Làng Sen ngày càng lớn, có sức lan tỏa và tác dụng mạnh mẽ đối với các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giá không những ở trong tỉnh, trong nước mà còn vươn ra ngoài khu vực và thế giới. Muốn vậy, chúng ta phải triển khai một số nhiệm vụ cụ thể như sau:
Lễ hội Làng Sen hiện nay là do nhà nước tổ chức, kinh phí do nhà nước, kinh phí do nhà nước đầu tư, việc xã hội hóa các hoạt động lễ hội còn có nhiều hạn chế. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn xã hội, trong đó nhà nước giữ vai trò quản lý; các tổ chức và cá nhân trong xã hội có trách nhiệm tham gia bằng nhiều hình thức. Chỉ với nhà nước không thôi, thì không làm nổi sự nghiệp này. Điều đó không chỉ đúng với Việt Nam – một đất nước đang còn nghèo, mà ngay cả đối với các nước phát triển, giàu có hơn đất nước ta cũng vậy. Trong thời gian tới chúng ta cần đẩy mạnh công tác xã hội hội hóa trong hoạt động Lễ hội Làng Sen thu hút các nguồn lực đầu tư, công đức, tài trợ sức người sức của cho các hoạt động của lễ hội, làm thế nào để cho Lễ hội Làng Sen thực sự là của dân, do dân. Để làm được điều đó, một mặt, cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục cho người dân địa phương lòng tự hào về quê hương, đất nước, ý thức bảo vệ di sản văn hóa; giữ gìn cảnh quan mội trường lễ hội xanh, sạch, đẹp; Lòng hiếu khách, thái độ văn minh, lịch sự; giữ gìn và phát huy những nét đẹp của lễ hội, chống những hành vi không lành mạnh trong việc tổ chức và tham gia lễ hội … Mặt khác, cần phải mở ra cơ chế kêu gọi, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi các tổ chức cá nhân tham gia tổ chức các sự kiện văn hóa trong Lễ hội, theo định hướng của các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa.
Liên quan đến vấn đề này, chúng ta cần suy nghĩ đến việc mở rộng thành phần, đối tượng tham gia lễ hội, không chỉ đồng bào trong nước, mà còn đối với đồng bào ta ở nước ngoài, vì đây là điều kiện cần thiết để đưa bản sắc văn hóa vùng, miền và các dân tộc đến với Lễ hội Làng Sen. Và cũng nên mời một số nước tham gia, không chỉ với các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan, Campuchia …mà còn các nước ngoài khu vực, từ đó rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, tiến xa ra tất cả các nước trên thế giới. Làm được điều này cũng chính là góp phần thực hiện tư tưởng đại đoàn kết của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng của Lễ hội Làng Sen, đưa Lễ hội Làng Sen trở thành một sinh hoạt văn hóa văn nghệ thường niên nhân dịp sinh nhật Bác 19 – 5 không những chỉ trong thời gian diễn ra Lễ hội Làng sen mà trở thành một hoạt động giao lưu nghệ thuật quần chúng rộng khắp ở các huyện từ nông thôn đến thành thị, từ đồng bằng đến miền núi trong tỉnh Nghệ An và các tỉnh, thành phố trong cả nước, kể cả kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hát về Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước. Từ đó đưa Lễ hội Làng Sen thực sự thấm sâu vào đời sống tinh thần của đời sống nhân dân góp phần làm cho cuộc vận động “ Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đi vào chiều sâu, chất lượng và hiệu quả.
Về phần hội của Lễ hội Làng Sen cần phải mở rộng thêm nhiều hình thức phong phú, sinh động hơn. Đặc biệt là chúng ta cần tăng cường bảo vệ, bảo quản, giữ gìn các Khu di tích thật tốt, có đội ngũ cán bộ đủ năng lực, trình độ, phong cách văn minh, lịch sự để đón tiếp khách muôn phương về thăm quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham gia Lễ hội Làng Sen.
Nghệ An nói riêng và xứ Nghệ nói chung là vùng đất nổi tiếng địa linh, nhân kiệt trong lịch sử hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, thời nào cũng có nhiều anh hùng hào kiệt, các danh nhân văn hóa. Từ Kim Liên tỏa đi một vùng không rộng lắm có nhiều di tích nổi tiếng như: Khu lưu niệm Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Trần Phú, Hà Huy Tập, khu di tích lịch sữ Ngã Ba Đồng Lộc…, có nhiều danh lam thắng cảnh, nơi nghỉ mát nổi tiếng như bãi biễn Cửa Lò, bãi biễn Thiên Cầm và nhiều khu di tích, khu du lịch nổi tiếng khác. Đó là tiềm năng to lớn của vùng đất này, cần được nghiên cứu, gắn kết du lịch với hoạt động lễ hội đưa Lễ hội Làng Sen ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, nâng cao chất lượng, hiệu quả của Lễ hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng này.
Lễ hội Làng Sen – Lễ hội văn hóa tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với quy mô quốc gia diễn ra trên không gian quê hương xứ Nghệ. Nếu như khu di tích Kim Liên là trung tâm, là không gian thiêng, là nhân vật thiêng của Lễ hội Làng Sen vì nơi đây quê hương chủ tịch Hồ Chí Minh, là nơi lưu giữ những di sản vô giá về Người thì Quảng trường Hồ Chí Minh với không gian thoáng đãng, rộng rãi, ý nghĩa và chiều sâu văn hóa đã đáp ứng được những nhu cầu trước mắt cũng như lâu dài cho việc tổ chức các hoạt động của Lễ hội Làng Sen. Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là không gian hoạt động mà còn là địa chỉ đỏ gắn liền với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa Hồ Chí Minh.
Về với Quảng trường Hồ Chí Minh trong những ngày tháng năm lịch sử, du khách như được trải lòng vào một không gian mênh mông, cảnh sắc tươi đẹp, rực rỡ cờ, hoa và không khỏi bùi ngùi, xúc động của những người con đất Việt mang dòng máu Lạc Hồng đều như tìm về một cõi thiêng, tìm về mảnh đất cội nguồn của vị cha già dân tộc đã khai sinh ra đất nước từ trong bóng đêm lầm than. Lúc này du khách sẽ được hòa mình vào không gian hoạt động của Lễ hội Làng Sen. Chúng ta – những người đã được chứng kiến thì không thể nào quên các chương trình nghệ thuật là sự hội tụ bản sắc văn hóa các dân tộc Nghệ An diễn ra tại Quảng trường Hồ Chí Minh. Năm 2003 dịp kỷ niệm 113 năm ngày sinh của Bác, lần đầu tiên tại Quảng trường mang tên Bác diễn ra chương trình “ Liên hoan văn hóa nghệ thuật về hình tượng Bác Hồ”. Chương trình để lại ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc trong lòng hàng nghìn người dân và du khách thập phương. Từ đó, như đến hẹn lại lên, hàng năm vào dịp 19/5, dưới chân Tượng đài Bác Hồ đều diễn ra các chương trình nghệ thuật đặc sắc cả về quy mô, chất lượng nội dung và hình thức thể hiện. Năm 2005 là năm du lịch Nghệ An – kỷ niệm 975 danh xưng Nghệ An, cũng tại Quảng trương Hồ Chí Minh diễn ra chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen với chủ đề “ Hồ Chí Minh với bản sắc văn hóa dân tộc”. Mỗi người một cảm xúc nhưng tựu chung lại là niềm vui trào dâng, sự tự hào mình là người con của đấtViệt, luôn hướng về quê hương, đất Mẹ, hướng về các văn hóa vùng miền với bản sắc của dân tộc. Năm 2010 là năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, cũng là năm Nghệ An tổ chức Lễ hội Làng Sen toàn quốc nhân dịp kỷ niệm 120 ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dưới tượng đài Người diễn ra màn sử thi “ Hương Sen xứ Nghệ” – đây là chương trình nghệ thuật thể hiện lòng biết ơn, sự ngưỡng mộ, thành kính của nhân dân cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất, thỏa mãn nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của quần chúng nhân dân. Chương trình đã tái hiện lại những mốc chính trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ giành lại độc lập tự do cho đất nước, tình cảm của Bác với quê hương; tình cảm của đất và người Nghệ An với Bác. Năm 2011, dưới chân tượng đài Người, một chương trình giao lưu Tiếng hát Làng Sen toàn quốc năm 2011 chào mừng 121 năm sinh nhật Bác, 100 năm Bác ra đi tìm đường cứu nước, tổng kết 30 năm lễ hội làng Sen. Phát biểu tại đêm giao lưu, ông Trần Minh Chính nhấn mạnh: “Sau 30 lần tổ chức tiếng hát Làng Sen cấp tỉnh, 9 lần tổ chức liên hoan tiếng hát Làng Sen và 3 lần tổ chức lễ hội Làng Sen với quy mô toàn quốc, lễ hội đã thực sự đi vào lòng người - không chỉ đối với nhân dân Nghệ An, nhân dân cả nước mà cả kiều bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. 30 năm đó đủ để khẳng định sức sống của sinh hoạt văn hóa, tấm lòng kính yêu vô hạn của người dân xứ Nghệ và cả nước đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh...”. Đêm 19/5/2014 tại Quảng trường Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Nghệ An tổ chức công diễn các tiết mục văn nghệ xuất sắc trong Liên hoan Tiếng hát Làng Sen, tổng kết Lễ hội Làng Sen và cuộc thi Người đẹp Lễ hội Làng Sen 2014. Tiếng hát Làng Sen 2014 với nhiều nét mới, nổi bật, với sự đầu tư về biên đạo, diễn viên, phục trang, thời gian, các đơn vị diễn đồng đều hơn, hoành tráng; Đã xuất hiện nhiều giọng ca trẻ, diễn  viên múa xuất sắc hơn, đã biết kết hợp đồng đều giữa âm nhạc dân tộc và hiện đại; Nhiều tiết mục được đánh giá cao về chất lượng nghệ thuật, có bố cục chặt chẽ, có điểm nhấn đặc trưng văn hóa các vùng miền đã mang để lại cảm xúc sâu lắng, vang vọng trong lòng khán giả. Năm 2015, Tại Quảng trường mang tên Bác diễn ra Lễ khai mạc Lễ hội Làng Sen toàn quốc 2015 với chủ đề “Hồ Chí Minh – Sáng mãi tên Người”. Đêm Khai mạc đã thành công rực rỡ, để lại nhiều ấn tượng sâu sắc đối với quần chúng nhân dân và du khách gần xa. Chương trình thực sự đã đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa của nhân dân, qua đó đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa. Trong dịp này, du khách, bạn bè trong và ngoài nước đã được khám phá tìm hiểu vẻ đẹp của mảnh đất Lam Hồng, cái nôi văn hóa, góp phần hình thành nhân cách tư tưởng đạo đức sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều người con ưu tú của dân tộc, hiểu thêm về sự nghiệp cách mạng của vẻ vang của Đảng và nhân dân. Qua đó đã giúp mọi người nhận thức sâu sắc hơn trách nhiệm của mình, biến tình cảm và sự tự hào thành hành động cách mạng cụ thể thiết thực cùng chung sức, chung lòng, củng cố và xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc vì sự phồn vinh của đất nước. Năm 2016, cũng trong dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác, tại quảng trường Hồ Chí Minh diễn ra chương trình tổng kết Lễ hội Làng Sen 2016 - Chương trình văn hóa nghệ thuật đặc sắc được tuyển chọn từ các tiết mục tham gia cuộc thi Tiếng hát Làng Sen. Các tiết mục được dàn dựng công phu, hoàng tráng ca ngợi Đảng, ca ngợi Bác Hồ kính yêu và tình yêu quê hương đất nước. Đêm tổng kết đã thêm một lần nữa khẳng định sự lan tỏa, giá trị văn hóa, tinh thần của Lễ hội Làng Sen và sự kết nối mạch nguồn truyền thống văn hóa – văn hiến của quê hương Nghệ An với cả nước. Quả thật, không có một địa điểm nào tốt hơn, ý nghĩa hơn để tổ chức các chương trình nghệ thuật với quy mô hoành tráng về Lễ hội Làng Sen như ở Quảng trường Hồ Chí Minh.
Trong các kỳ Lễ hội Làng Sen, Quảng trường Hồ Chí Minh không chỉ là nơi tổ chức các hoạt động văn động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao mà còn thường là địa điểm tập kết các đoàn tham gia rước ảnh Bác Hồ về Khu di tích Kim Liên làm lễ báo công với Bác tại nhà tưởng niệm trước khi làm lễ khai mạc tại sân vận động Làng Sen. Ngoài ra, Quảng trường Hồ Chí Minh còn là là địa điểm thuận lợi tổ chức các hoạt động triễn lãm tấm lớn, trưng bày các chuyên đề ảnh với đề tài vầ chủ tịch Hồ Chí Minh, về quê hương, đất nước nhằm phục các tầng lớp nhân dân trong dịp lễ hội. Trong thời gian diễn ra các hoạt động, Lễ hội không chỉ thu hút mọi tầng lớp nhân trong tỉnh, các đoàn nghệ thuật về tham gia liên hoan tiếng hát Làng Sen, các hoạt động trưng bày, triễn lãm …diễn ra ở Quãng trường mà còn thu hút một số lượng lớn người tham gia. Vì đây là dịp rất thuận lợi để quảng bá, giới thiệu về Lễ hội Làng Sen, về hình ảnh của một công trình văn hóa có ý nghĩa to lớn: Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng Đài Bác Hồ. Mặt khác đây cũng là dịp để đóng góp thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh và trở thành nét đẹp văn hóa dân tộc, cũng như phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh xứ Nghệ, dặc biệt là đời sống văn hóa tinh thần độc đáo của người dân xứ Nghệ tới bạn bè trong nước và Quốc tế. Đến đây, du khách được hòa mình vào không gia văn hóa đặc sắc, thẩm nhận các giá trị văn hóa của vùng quê xứ Nghệ , thẩm nhận những giá trị văn hóa Hồ Chí Minh, hiểu hơn, thấm nhuần hơn tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh – một nội dung quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị của Lễ hội Làng Sen. Đồng thời, sự góp mặt của du khách trong Lễ hội cũng sẽ làm thây đổi một phần diện mạo của lễ hội, tăng tính thu hút, tính hấp dẫn của Lễ hội, qua đó tạo một phần dấy mạnh tiền đề kinh tế cho người dân địa phương thông qua các hoạt động dịch vụ và các hoạt động kèm theo trong du lịch.
Để xứng đáng với vị thế của mình, những năm tới Quảng trường Hồ Chí Minh cần phải tăng cường công tác bảo tồn và phát huy giá trị công trình, thực hiện tốt công tác đảm bảo an toàn tuyệt đối mục tiêu, an ninh trật trự. Cần phải chú ý và ngăn chặn những tác động tiêu cực đến cảnh quan môi trường, đến độ an toàn, bền vững, đến tình hình trật tự an ninh xã hội đối với công trình, nhất là Tượng đài. Huy động nguồn lực cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất phục vuh Lễ hội. Tiếp tục đẩy mạnh khai thác nguồn lực xã hội hóa, tập trung hoàn thiện các điều kiện, các cơ sở vật chất, nâng cấp một số hạng mục xuống cấp như hệ thống đài phun nước nhạc màu, hệ thống cơ sở phục vụ công tác tuyên truyền trực quan tại Quảng trường …Làm tốt công tác duy tu bảo dưỡng thường xuyên các hạng mục; Vệ sinh môi trường, chăm sóc cây xanh, cây cảnh và thảm hoa, thảm cỏ đảm bảo mỹ quan, cảnh quan môi trường luôn xanh, sạch, đẹp. Tổ chức tốt các loại hình văn hóa. Quan tâm hơn nữa đến việc mở rộng đầu tư khai thác phát huy tác dụng gắn với các điểm, tour, tuyến du lịch. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, tuyên truyền và quảng bá, nhất là quan tâm, đổi mới và nâng cao công tác giáo dục truyền thống gắn với việc tổ chức học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Nâng cao nhận thức, năng lực, trình độ, phẩm chất, phong cách đón tiếp khách chuyên nghiệp, văn minh, lịch sự vừa nắm vững kiến thức, nghiệp vụ, vừa hiểu biết sâu sắc về công trình, về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nâng cao nhận thức đẻ truyền tải cho du khách những nội dung tư tưởng, những giá trị của công trình. Điều đó là vô cùng quan trọng để Quảng trường Hồ Chí Minh xứng đáng là một bộ phận khăng khít, là không gian văn hóa của Lễ hội Làng Sen để Lễ hội Làng Sen được nâng cao cả về nội dung và hình thức, phát huy được giá trị và sức lan tỏa của Lễ hội Làng Sen – Lễ hội tôn vinh giá trị văn hóa Hồ Chí Minh.
Như vậy, Lễ hội Làng Sen là Lễ hội văn hóa tôn vinh các giá trị tư tưởng, đạo đức và nhân cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó Lễ hội phải đẩm bảo thể hiện được tư tưởng của Người là làm gì cũng xuất phát từ lợi ích của dân. Lễ hội Làng Sen phải thật sự trở thành một sinh hoạt văn hóa cộng đồng của dân, do dân và vì dân. Muốn vậy phải thật sự quan tâm đến khía cạnh dân gian truyền thống cùng sự tiếp thu có chọn lọc những sinh hoạt văn hóa hiện đại để đẩm bảo môi trường Lễ hội lành mạnh, gần gủi với đời sống của quảng đại quần chúng nhân dân mà vẫn hướng tới sự phát triển. Lễ hội Làng Sen sẽ là một Lễ hội mẫu mực về văn hóa để xứng đáng với nhân dân Nghệ An, nhân dân cả nước và danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Về Nghệ An, hòa mình vào các hoạt động của lễ hội Làng Sen, hòa mình vào không gian thiêng - khu di tích Kim Liên, hòa mình vào không gian hội tụ đất trời thành Vinh và hương biển Cửa Lò – Quảng trường Hồ Chí Minh, Du khách sẽ được thả hồn mình vào những câu hát ngọt ngào, những điệu dân ca, điệu ví, điệu múa, tiếng khèn ... lời Người như vang vọng đâu đây, mỗi chúng ta lại càng thêm nhớ Bác, biết ơn, kính trọng và tự hào về Bác và nguyện mãi mãi học tập, làm theo tấm gương đạo đức của Người. Khu di tích Kim Liên – Quảng trường Hồ Chí Minh sẽ là không gian tuy hai mà một, tuy một mà hai trong tâm thức của đồng bào cả nước trong việc góp phần thiết thực vào công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hồ Chí Minh cũng như phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh xứ Nghệ tới bạn bè trong nước và bầu bạn Quốc tế ./.
                                                                                                               
                                                                                                                        Vũ Thị Duy - Phòng Nghiệp vụ