Ngày đăng: 11/10/2017
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm
(19-5-1955) - Ảnh tư liệu
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn, nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải thực hiện tốt các đức tính, phẩm chất: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; đồng thời phải nêu cao trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ, trước nhân dân và trước nhiệm vụ, công việc được giao, dù là việc to hay việc nhỏ. Những lời căn dặn đó của Người càng có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong giai đoạn hiện nay.
1- Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích về tinh thần trách nhiệm và không có tinh thần trách nhiệm như sau: “Tinh thần trách nhiệm là gì? Là khi Đảng, Chính phủ, hoặc cấp trên giao cho ta việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, ta cũng đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt mọi khó khăn, làm cho thành công. Làm một cách cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ, đánh trống bỏ dùi, gặp sao làm vậy,v.v. là không có tinh thần trách nhiệm”(1).
Như vậy, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể hiểu, nêu cao tinh thần trách nhiệm là cán bộ, đảng viên, công chức phải bảo đảm làm tròn nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao, với sự ràng buộc đối với lời hứa của mình, nếu kết quả thực hiện không tốt, hoặc nếu thực hiện sai, thất hứa thì phải gánh chịu hậu quả.
Nêu cao tinh thần trách nhiệm theo tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trên một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, cán bộ, đảng viên, công chức phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; có phương pháp làm việc khoa học.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để phụng sự Tổ quốc, đoàn thể, giai cấp, nhân dân ngày càng tốt hơn thì mọi người đều phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư: “Anh em viên chức bây giờ phải có 4 đức tính là: Cần, kiệm, liêm, chính”(2). Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng, đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy, chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Muốn làm như vậy, chúng ta phải cố gắng thực hiện cần, kiệm, liêm, chính”(3). Người cán bộ, đảng viên, công chức làm việc công, tiêu tiền công, lại có ít nhiều quyền hành nếu không có ý thức, tinh thần trách nhiệm cao, không có tính tiên phong gương mẫu, không vượt lên được chính bản thân mình, không biết tiết kiệm, lại còn tiêu xài phung phí của công thì rất dễ hủ bại, tha hóa. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một dân tộc biết Cần, Kiệm, Liêm, Chính “là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh tiến bộ”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, công chức phải chịu khó, chăm chỉ trong công việc được giao, làm việc phải có tổ chức thì mới đạt kết quả cao nhất; thực hiện công việc phải có chương trình, kế hoạch cụ thể; làm việc phải bảo đảm thời gian theo quy định, không được lấy thời gian làm việc công để làm việc tư: “Cán bộ chăm chỉ làm việc chưa đủ, cần phải biết làm việc cho có phương pháp. Phải cần mà phải cẩn nữa”(4). Người cũng yêu cầu, các ủy ban nhân dân, các cán bộ, công chức phải khắc phục thói làm việc một cách tùy tiện, không có nền nếp, không khoa học, không có tổ chức, không thấy việc chính để tập trung thực hiện: “Chính quyền nhân dân thành lập đã được hơn một tháng. Nhưng nhiều nơi cách làm việc vẫn chưa đâu vào đâu cả. Ta có thể nói: Một khuyết điểm lớn, chung cho phần đông các ủy ban nhân dân là bệnh lộn xộn, thiếu tổ chức... Chia công việc không khéo thành ra bao biện: Nhiều việc quá thì sao làm được đến nơi đến chốn, vì thì giờ và sức lực người ta chỉ có chừng”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán tình trạng làm việc tuy có kế hoạch nhưng sắp xếp, phân công công việc không hợp lý, ảnh hưởng đến việc thực hiện chức trách nhiệm vụ, công việc được giao của cán bộ, đảng viên, công chức, thì có cần cù, siêng năng đến mấy cũng không hoàn thành, có khi còn hỏng việc. Đó là: “Có kế hoạch làm việc nhưng sắp đặt công việc không khéo, phân công không sáng suốt thì việc cũng đến hỏng. Người nói giỏi lại cho vào việc chỉ cần khéo chân tay, người viết giỏi lại cho làm việc về lao động thì nhất định không thể nào thành công được...”(6).
Thứ hai, cán bộ, đảng viên, công chức phải chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao.
Để nêu cao ý thức, trách nhiệm, thực hiện được các đức tính của cán bộ, đảng viên, công chức trong thực tế, đòi hỏi phải có tinh thần chủ động, tự động trong thực thi công vụ, thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, kể cả khi gặp khó khăn, trở ngại, thử thách cam go nhất. Người phân tích một cách cặn kẽ về tự động là: “Không phải tựa vào ai, là tự mình biết biến báo xoay xở, tự mình biết thực hành công tác theo nhiều hình thức mới mẻ, phong phú”, đồng thời phê phán tình trạng: “Nhiều Ủy ban nhân dân, một khi nhận được mệnh lệnh gì của cấp trên là chỉ biết cắm đầu cắm cổ thi hành đúng như vậy, thi hành một cách máy móc. Họ không biết tùy hoàn cảnh địa phương, tùy tình thế từng lúc mà châm chước đi, không biết biến báo, làm khác đi ít nhiều cho được thích hợp... Khi có công tác thì đem thi hành một cách máy móc. Khi làm xong việc lại chỉ ngồi không, không chịu bới việc ra mà làm nữa, cứ ỳ ra như xe bò lên dốc, không có người đẩy là y như đứng lại. Nhiều ủy viên trong các Ủy ban, đã được phân công rõ ràng, đã nhận phụ trách một việc nhất định, không biết xoay xỏa nghĩ cách thực hành công tác mình cho có hiệu quả, lại nhất nhất điều gì cũng chỉ đòi hỏi chủ tịch hay thượng cấp, không biết tự quyết, tự định cái gì, như vậy làm sao công tác phát triển được”(7).
Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc nhở, phải hiểu và thực hiện đúng về tự động, không được tự tiện trong công việc để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ, của bản thân cán bộ, đảng viên, công chức: “Tự động không phải là tự tiện. Nhiều bạn lại hiểu nghĩa tự động sai lạc hẳn đi, không coi kỷ luật chính trị vào đâu, muốn làm gì là cứ tự ý làm bừa đi, chẳng bàn hỏi thảo luận với ai, không theo pháp luật Chính phủ ban hành, không dựa vào ý nguyện dân chúng... Hành động như vậy, các Ủy ban đó đã vô tình gây nên nhiều chuyện có hại đến uy tín của Chính phủ, làm cho dân chúng oán thán kêu ca”(8). Từ đó, Người yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức phải năng động, sáng tạo, tự động thực hiện công việc phù hợp với tình hình, hoàn cảnh cụ thể, nhưng không tự tiện: “Có mắt ta phải trông, có óc ta phải nghĩ, có tay ta phải làm chứ”(9) và “... các nhân viên trong các Ủy ban nhân dân phải rèn cho có một tinh thần tự động mạnh mẽ, nhưng phải bỏ tính cái gì cũng tự tiện...”(10).
Để nêu cao tinh thần trách nhiệm với công việc, nhiệm vụ được giao thì phải hăng hái, làm việc phải khoa học, có chương trình, kế hoạch cụ thể từ phương hướng hành động, kết quả và hậu quả ra sao để có biện pháp phòng tránh; không làm việc một cách thụ động, thiếu trách nhiệm, không khoa học, không có nền nếp. Người chỉ rõ: “... có hăng hái. Nhưng hăng hái không chưa đủ, phải có kế hoạch, có phương hướng”(11).
Thứ ba, nêu cao tinh thần trách nhiệm gắn với tự phê bình và phê bình; phát huy ưu điểm, sửa chữa, khắc phục hạn chế, khuyết điểm.
Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Bất kỳ ai, ở địa vị nào, làm công tác gì, gặp hoàn cảnh nào, đều phải có tinh thần trách nhiệm”(12). Cán bộ, công chức, khi được Đảng, Nhà nước phân công công việc gì, dù to hay nhỏ, dù quan trọng hay ít quan trọng, dù phức tạp hay ít phức tạp đều phải thấy được công việc đó là rất vinh quang, đáng tự hào, phải nêu cao ý thức, trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, thực hiện hết sức mình để hoàn thành một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, đem lại kết quả cao nhất, nhưng với chi phí thấp nhất. Muốn vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi cán bộ, công chức phải luôn luôn ghi lòng, tạc dạ, trau dồi và thực hiện đúng và tốt những đức tính mà cán bộ, công chức cần phải có là:
“1) Không tự kiêu, không có cái bệnh “làm quan cách mạng”.
2) Phải siêng năng: Siêng nghe, siêng thấy, siêng đi, siêng nghĩ, siêng nói, siêng làm.
3) Cầu tiến bộ luôn luôn, không lúc nào ngừng nghiên cứu, tự luyện, sửa chữa những khuyết điểm.
4) Trung thành với mục đích cách mạng: Giữ cho nước nhà được độc lập, nòi giống được tự do”(13).
Mặt khác, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức không nên suy bì xem công việc của mình có quan trọng hay không, có đem lại lợi lộc gì cho bản thân và gia đình hay không; phải thấy được rằng, công việc nào cũng cần thiết, quan trọng đối với cách mạng. Khi đã được giao và làm bất kỳ việc gì, dù gặp khó khăn, trở ngại, kể cả phải thiệt hại đến lợi ích vật chất của cá nhân, gia đình mình, thậm chí phải hy sinh đến tính mạng của mình cũng phải quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ, không được thoái thác, không được chùn bước. Người luôn nhắc nhở: Đã phụ trách việc gì, thì quyết làm cho kỳ được, cho đến nơi đến chốn, không sợ khó nhọc, không sợ nguy hiểm.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên, công chức phải có tinh thần tự chỉ trích, tự phê bình. Người chỉ rõ: “Có nhiều đồng chí hoặc tự cho mình có trình độ nhận thức cao, có kinh nghiệm đầy đủ về công tác - hoặc vì không có tinh thần tiến thủ, chỉ biết tới đâu hay đó, nên không chịu học tập, không biết tự chỉ trích để sửa đổi những lỗi lầm và bồi bổ những thiếu sót”(14), nguyên nhân là: “Tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không hợp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp tình thế, ta sẽ bị bỏ rơi, bị các bạn tỉnh táo nhanh nhẹn hơn vượt đi trước”(15). Từ đó, Người chỉ rõ, muốn tiến bộ, muốn không bị thụt lùi thì cán bộ, công chức phải không ngừng tiến lên, phải biết rút kinh nghiệm để khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, hạn chế, phải biết tự chỉ trích để không ngừng tiến bộ, phát triển và mạnh lên: “Muốn được thích hợp với tình thế, muốn cùng tiến hay vượt các bạn khác ta cần phải nhận thức và tự giáo dục không ngừng, cần phải có sự thành thực tự vạch ra những khuyết điểm sai lầm để bồi bổ và sửa đổi đi. Sau khi làm xong một công tác gì, hay sau mỗi ngày làm việc, cần phải tự mình kiểm điểm xem có chỗ nào nhầm lẫn, chỗ nào chưa đầy đủ, có được ưu điểm gì nên nhớ, được kinh nghiệm gì quý đáng ghi. Phải bỏ hẳn thái độ “xong việc thì thôi”(16).
Thứ tư, trung thực trong nhiệm vụ, không tranh công, không đổ lỗi; cầu thị, có chí tiến thủ, khiêm tốn, không kiêu ngạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ, cán bộ, đảng viên, công chức và bất kỳ ai: “Trước khi làm một việc gì phải cẩn thận suy xét xem việc đó thành công thì ảnh hưởng thế nào, thất bại thì ảnh hưởng thế nào; có khi việc thì thất bại mà ảnh hưởng lại tốt, và trái lại”(17).
Trong bài nói chuyện tại buổi lễ tốt nghiệp khóa V Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam, Người nhấn mạnh: “... anh em phải siêng năng, tiết kiệm, phải có thái độ khiêm nhường, chớ kiêu ngạo. Nếu anh em nhớ được tất cả những điều đó thì không lo gì không tiến bộ được dễ dàng và các công việc của Chính phủ và Đoàn thể giao cho anh em sẽ làm thành công được rực rỡ”(18). Đồng thời, mỗi cán bộ, đảng viên cũng phải thấy được những hạn chế còn tồn tại để sửa chữa, khắc phục, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phải thực sự cầu thị, luôn có chí tiến thủ, tinh thần cầu tiến bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Xã hội ngày càng tiến, công tác của ta cũng phải ngày càng tiến... Vì vậy, năng lực của ta, sáng kiến của ta, tiến bộ của ta cũng phải luôn luôn phát triển, tiến lên không ngừng. Không tiến, tức là thoái”(19), “Mỗi một đồng chí ta phải có thái độ khiêm tốn, càng cựu, càng giỏi, càng phải khiêm tốn, phải có lòng cầu tiến bộ... Tự mãn, tự túc là co mình lại, không cho mình tiến bộ thêm”(20).
2- Trên cơ sở tư tưởng Hồ Chí Minh về nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác của cán bộ, đảng viên, công chức nêu trên và vận dụng tư tưởng của Người trong tình hình hiện nay một cách sát hợp, có hiệu quả, tránh hình thức, giáo điều, chạy theo thành tích, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Quy định số 47-QĐ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về những điều đảng viên không được làm, Quy định số 101-QĐ/TƯ của Ban Bí thư khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Quy định số 55-QĐ/TƯ của Bộ Chính trị khóa XII về một số việc cần làm ngay; để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, cần thực hiện một số nội dung chính sau:
Một là, nêu cao tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên, công chức phải chịu khó, tích cực, hăng hái trong công việc, nhiệm vụ được giao. Tiết kiệm thời gian và các phương tiện phục vụ công tác để làm việc có hiệu quả cao nhất. Phải liêm khiết, gương mẫu trong công tác, ứng xử, hoạt động. Có thái độ chính trực, có chính kiến, chính khí, bản lĩnh trong công việc.
Hai là, nêu cao tính chủ động, sáng tạo, hết lòng, hết sức hoàn thành công việc, nhiệm vụ được giao. Từng cán bộ, đảng viên, công chức phải chủ động và thường xuyên thực hiện tốt “5 tự”:
Thứ nhất, tự mình phải chủ động, tích cực, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, công việc có chương trình, kế hoạch, khoa học, ngăn nắp, nền nếp, sao cho công việc chạy đều, có kết quả cao nhất. Kể cả trong việc phối hợp thực hiện với các đồng chí, đồng nghiệp hoặc cơ quan, đơn vị có liên quan, không để chậm trễ, tồn đọng, ách tắc. Không để cấp trên phải nhắc nhở, không để đồng chí, đồng nghiệp phải chờ đợi sự phối hợp, cộng tác, không để tổ chức, cá nhân, nhân dân phải chờ đợi, kêu ca, phàn nàn, oán thán, chê trách, góp ý phê bình đối với việc thực hiện công việc của mình. Trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, dù đơn giản, hay phức tạp, dù nhiều hay ít, dù bình thường hay khẩn cấp, cũng phải tuân thủ nghiêm ngặt quy chế, chế độ, quy trình, thủ tục, không làm tắt, làm trái quy định, trái với lương tâm của người cán bộ, công chức, không có động cơ cá nhân hay thiên tư, thiên kiến trong công việc. Tuy nhiên, cũng không được cứng nhắc, máy móc, phải linh hoạt, sáng tạo, không ngừng cải tiến, đổi mới để hoàn thành công việc nhanh nhất với chi phí thấp nhất và thời gian ngắn nhất.
Thứ hai, phải có tính tự trọng cao. Vì có tự trọng thì mới nêu cao ý thức trách nhiệm, làm việc với tinh thần, thái độ công tâm, khách quan, vì lợi ích chung của cơ quan, đơn vị, tập thể và nhân dân, vì uy tín, danh dự của Đảng, Chính phủ, của cơ quan đơn vị, của bản thân mình. Có tự trọng thì làm công việc một cách trong sáng, cao thượng, không lồng động cơ cá nhân hoặc vì lợi ích của bản thân, của gia đình, hay lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, từ đó không gây thiệt hại hoặc làm phương hại đến quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cơ quan, đơn vị. Có tự trọng thì khi thực hiện công việc không để người khác, cấp trên phải đôn đốc, nhắc nhở, phê bình, góp ý, được tổ chức, đồng chí, đồng nghiệp tin yêu, tín nhiệm, giúp đỡ để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, phải biết tự xử với chính bản thân mình trong mọi việc. Khi mắc phải thiếu sót, khuyết điểm phải tự giác nhận trách nhiệm cá nhân, xác định rõ nguyên nhân do đâu mà mắc phải để có biện pháp sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên; không tranh công, đổ lỗi cho khách quan, cho người khác. Từ đó chủ động nhận khuyết điểm, hình thức, mức độ xử lý đối với mình, không phải để tập thể, cơ quan, đơn vị, đồng chí, đồng nghiệp phê bình, nhắc nhở, yêu cầu mới nhận khuyết điểm, mới sửa chữa, khắc phục, kể cả khắc phục hậu quả do mình gây ra. Khi cần thiết, cán bộ, công chức thấy mình không còn đủ uy tín với cơ quan, tổ chức, đơn vị, trước đồng chí, đồng nghiệp, thì phải chủ động xin từ chức, thôi chức, miễm nhiệm, đề nghị tổ chức bố trí công tác khác cho phù hợp; hoặc thấy không còn đủ năng lực, trình độ, khả năng, điều kiện (sức khỏe không bảo đảm, không còn đủ khả năng đảm đương nhiệm vụ được giao) thì chủ động xin rút, đề nghị tổ chức bố trí công việc khác cho phù hợp hoặc thay thế người đủ điều kiện, khả năng đảm nhiệm. Khi đủ điều kiện được Đảng, Nhà nước cho nghỉ chế độ theo quy định thì vui vẻ nghỉ, không tìm cách chạy chọt, xin xỏ để kéo dài, gia hạn thời gian công tác, ảnh hưởng đến việc bố trí cán bộ của tổ chức... Tuyệt đối không hám danh, hám lợi, không tham quyền, cố vị.
Thứ tư, phải tự giác, tự phê bình và phê bình và không được tự ái. Khi không tự giác thì sẽ không chủ động báo cáo về hạn chế, thiếu sót, khuyết điểm của mình với tổ chức, với cấp trên; trong sinh hoạt sẽ không tự giác kiểm điểm, tự phê bình với chính bản thân mình về thiếu sót, khuyết điểm, lỗi lầm, về thực chất thực tế thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, không chủ động xác định và nhận trách nhiệm liên quan đến bản thân mình, thậm chí có khi còn đổ lỗi cho khách quan, cho người khác với thái độ không thành khẩn, thiếu trung thực, có khi còn giấu giếm, che giấu những gì không tốt liên quan đến mình. Vì vậy, đòi hỏi phải tự giác tự phê bình và phê bình, với thái độ thẳng thắn, trung thực, phê bình đồng chí mình phải trên tinh thần đồng chí, chân thành, xây dựng, thái độ vô tư, khách quan, không chen động cơ cá nhân, không mỉa mai, chua cay, đâm thọc. Đồng thời phải không được tự ái. Vì khi có thái độ tự ái thì không những không phê bình được đúng đắn, đúng mực, thậm chí không thể tiếp thu được ý kiến góp ý, phê bình, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp, của tổ chức đối với mình thì không thể sửa chữa, khắc phục, phấn đấu vươn lên, thậm chí từ đó sinh ra tự ti. Vì vậy, phải nêu cao ý thức tự giác, tự phê bình và phê bình trong công tác, sinh hoạt đúng quy định của Đảng, Nhà nước.
Thứ năm, phải có sự tự tin trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, công việc được giao. Vì khi có tự tin thì mới chủ động, tự giác, năng động, sáng tạo thực hiện nhiệm vụ được giao với ý thức trách nhiệm cao, đem lại kết quả tốt. Khi không tự tin thì làm việc gì cũng sợ mắc sai lầm, khuyết điểm, dẫn đến thiếu chủ động, sáng tạo, trông chờ vào sự hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, hoặc có thái độ thoái thác, trốn tránh, không nhận những công việc khó khăn, phức tạp, hoặc đùn đẩy cho người khác, đơn vị khác hoặc cấp trên giải quyết, dẫn đến ách tắc, ngưng trệ trong công việc của đơn vị, cơ quan, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan, tổ chức.
Ba là, gắn việc nêu cao tinh thần trách nhiệm với tự phê bình, phê bình và tiếp thu phê bình đối với công việc, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải chủ động nêu cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Phải tự soát xét, kiểm tra, kiểm soát lại công việc đã thực hiện đến đâu, với mức độ, kết quả như thế nào, có kết quả, sáng kiến gì để phát huy; những gì chưa làm được hay làm với kết quả chưa như mong muốn cần điều chỉnh; đề ra biện pháp khắc phục sửa chữa thiếu sót, hạn chế, khuyết điểm; đề xuất những vấn đề với lãnh đạo cơ quan, đơn vị, chi bộ để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, tháo gỡ hoặc tạo điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Tiếp thu ý kiến của đồng chí, đồng nghiệp, của lãnh đạo cơ quan, đơn vị, tổ chức đảng, chi ủy... để phát huy mặt mạnh; khắc phục, sửa chữa, điều chỉnh mặt yếu còn tồn tại.
Bốn là, phải thấy được tính khó khăn, phức tạp của công việc, chức trách, nhiệm vụ được giao để chủ động phòng ngừa những hậu quả có thể gây ra. Khi được giao thực hiện nhiệm vụ, công việc gì, cán bộ, đảng viên, công chức cũng phải có sự chuẩn bị, tính toán kỹ, đề ra chương trình, kế hoạch, biện pháp và các phương án thực hiện cụ thể để bảo đảm đạt kết quả cao nhất; đồng thời phải tính toán, dự liệu, lường trước những khó khăn, phức tạp để chủ động phòng ngừa, có phương án khắc phục kịp thời. Khi để xảy ra hậu quả trong thực hiện công việc, nhiệm vụ, phần việc được giao, dù là nhỏ nhất phải dũng cảm nhận trách nhiệm và có biện pháp khắc phục, sửa chữa, không đổ lỗi cho tập thể, cho khách quan, cho người khác. Chủ động phòng tránh hoặc khắc phục những sai lầm trong công tác.
Năm là, khiêm tốn, thực sự cầu thị, không kiêu ngạo, thỏa mãn với kết quả công việc, nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải thể hiện thái độ khiêm tốn trong thực hiện nhiệm vụ, công việc, phần việc được giao. Thực sự cầu thị khi thấy đồng chí, đồng nghiệp, lãnh đạo cơ quan, đơn vị góp ý giúp đỡ với ý tưởng sáng tạo, giải pháp mới, có tính khả thi để giúp việc thực hiện công việc, nhiệm vụ, phần việc được giao đạt kết quả cao hơn. Phải thể hiện thái độ không kiêu ngạo, không tự cao, tự đại, tự phụ, tự mãn với kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ, phần việc được giao./.
Trích nguồn: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh