Ngày đăng: 17/02/2017
Ngày 30/10/2016, thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Đây là Nghị quyết đầu tiên của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về xây dựng Đảng và cũng là nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên của nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã ý thức sâu sắc về vai trò đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của đảng viên cũng như của toàn xã hội đối với sự phát triển của cách mạng Việt Nam. Vì vậy, Đảng luôn quan tâm đến công tác giáo dục, xây dựng tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng, lối sống nhân văn cho cán bộ, đảng viên và toàn xã hội. Trong các văn kiện, Đảng ta đã nhiều lần cảnh báo sự suy thoái về tư tưởng chính trị. Từ Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (tháng 01/1994), Đảng đã chỉ ra những biểu hiện của tình trạng này và coi đó là một trong bốn nguy cơ cần quan tâm đấu tranh phòng, chống. Các Đại hội Đảng tiếp theo và nhiều hội nghị Trung ương Đảng các khóa đã tiếp tục đánh giá thực trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên; xác định việc ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng này là nhiệm vụ vừa cơ bản lâu dài, vừa có ý nghĩa cấp bách trước mắt. Đến Đại hội lần thứ XII, Đảng ta nhận định: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn” (1). Do vậy, trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của công cuộc đổi mới và phát triển đất nước nhiệm kỳ Đại hội XII (2016 - 2020), nhiệm vụ trọng tâm số 1 là: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” (2). Đặc biệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã đặt ra mục tiêu, yêu cầu là nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để cương quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa". Với chủ đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII có một số điểm mới đột phá sau đây:
Một là, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã nhận diện rõ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; mối quan hệ giữa suy thoái về tư tưởng chính trị với suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hậu quả của nó.
Lần đầu tiên Ban Chấp hành Trung ương đã thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" của cán bộ, đảng viên. Nghị quyết đã chỉ ra cụ thể 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị. Có thể nêu một số biểu hiện như: Phai nhạt lý tưởng cách mạng; nhận thức sai lệch về ý nghĩa, tầm quan trọng của lý luận và học tập lý luận chính trị; không chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức của Đảng; sa sút ý chí phấn đấu, không gương mẫu trong công tác; khi có khuyết điểm thì giấu giếm, thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Trong phê bình thì nể nang, né tránh, ngại va chạm, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh...
Cùng với việc chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, 9 biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Cái mới của lần này là Trung ương thẳng thắn chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị và đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Trong đó nguy hiểm nhất là sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, không kiên định con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng...
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII cũng chỉ rõ mối quan hệ giữa suy thoái về tư tưởng chính trị với suy thoái về đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” và hậu quả của nó. Nghị quyết cho thấy, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực thù địch, phản bội lại lý tưởng cao đẹp của Đảng và sự nghiệp cách mạng của toàn dân tộc.
Việc đưa ra hệ thống những biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa" là để làm tấm gương giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi mình; làm cơ sở để góp ý cho người khác và làm căn cứ để xử lý đối với những tập thể, cá nhân vi phạm. Hệ thống những biểu hiện này cũng là căn cứ để góp phần xây dựng tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ về phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống khi xem xét, đánh giá cán bộ.
Hai là, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã xác định rõ mục tiêu, quan điểm nhằm ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Xác định rõ mục tiêu là nhận thức sâu sắc về nguy cơ, nhận diện đúng những biểu hiện và đề ra các giải pháp phù hợp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, Nghị quyết chỉ ra các quan điểm: (1) Nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật. Kết hợp giữa "xây" và "chống"; "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài; "chống" là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. (2) Kiên quyết, kiên trì thực hiện với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn; phát huy sự chủ động, sáng tạo và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, trong đó cán bộ lãnh đạo, quản lý, trước hết là cán bộ cấp cao, cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cấp là nòng cốt; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" có hiệu quả, nhất là những vụ việc gây bức xúc trong dư luận để củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng. (3) Tăng cường sự lãnh đạo và đoàn kết, thống nhất trong Đảng, trước hết là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy và ban thường vụ cấp ủy các cấp. Giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng; đề cao pháp luật của Nhà nước. (4) Chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị.
Ba là, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII đã xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” với những điểm nhấn quan trọng.
Nhóm nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Trung ương 4 nêu lên gồm 4 vấn đề: Về công tác chính trị tư tưởng, tự phê bình và phê bình; về cơ chế, chính sách; về kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; về phát huy vai trò của nhân dân và Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Mỗi nhóm nhiệm vụ giải pháp này đều có những điểm nhấn quan trọng, trong đó có những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, không thể trì hoãn mà đòi hỏi phải làm ngay như: Rà soát ngay đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc quyền và xử lý nghiêm những trường hợp suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, không bảo đảm về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình bổ nhiệm, năng lực và hiệu quả công tác thấp, nhất là những trường hợp người nhà, người thân của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp có nhiều dư luận; kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ...Nghị quyết cũng chỉ rõ một số giải pháp mới, mạnh mẽ, quyết liệt như đổi mới và bắt buộc học tập lý luận chính trị; cam kết rèn luyện giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, không suy thoái, "tự diễn biến," "tự chuyển hóa;" cơ chế kiểm soát quyền lực; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, đề cao pháp luật của Nhà nước, công khai kết quả xử lý vi phạm; sự thống nhất về chính sách và kỷ luật giữa Đảng và Nhà nước...
Việc học tập, quán triệt và triển khai Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII là nhiệm vụ quan trọng của từng tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên. Hiện nay, các tổ chức đảng, cấp ủy các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương cần nhanh chóng triển khai thực hiện Kế hoạch số 04-KH/TW ngày 16/11/2016 của Bộ Chính trị về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao nhận thức trong các tổ chức đảng và đảng viên về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng và sự cần thiết của việc học tập, nghiên cứu, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Tích cực đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là những mô hình mới, kinh nghiệm hay; khuyến khích phát triển tư duy lý luận phù hợp với đường lối đổi mới của Đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Xây dựng quy định tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại va chạm và bảo vệ người thẳng thắn, dám đấu tranh; cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp dự, chỉ đạo ở những nơi có vấn đề phức tạp, nơi có biểu hiện suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Chủ động chuẩn bị các phương án, biện pháp cụ thể, sát với tình hình; xây dựng lý luận sắc bén để đấu tranh, phản bác có hiệu quả đối với các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội và bất mãn chính trị chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Hoàn thiện quy định về tổ chức, bộ máy và công tác bảo vệ chính trị nội bộ; bảo đảm sự trong sạch về chính trị trong nội bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược. Xây dựng quy định xử lý những tập thể, cá nhân suy thoái nghiêm trọng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có lời nói và việc làm biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" nghiêm trọng...
Tác giả bài viết: Tạ Thanh Hương
(Tạp chí CSND - T32)