Ngày đăng: 18/06/2018
Chúng tôi đến trụ sở Hội Người Việt Nam yêu nước tại Pháp, số 16, phố Pơti Muýt (Pari), một căn nhà chật hẹp trong con phố vắng. Trình bày nhiệm vụ do trong nước giao đi tìm những tư liệu, phim ảnh về Bác Hồ ở Pháp, chúng tôi đề nghị Hội giúp đỡ. Các vị lãnh đạo Hội có nhã ý cử anh Lê Văn Ba, một Việt kiều sống độc thân, có lương hưu, dùng xe ô tô riêng giúp đưa chúng tôi đi làm việc trong sáu tháng ở Pháp, không lấy tiền thù lao. Theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Hội, anh Lê Văn Ba lái xe đưa chúng tôi đến nhà ông Mai Trung Thứ.
Họa sỹ Mai Trung Thứ năm 1974
Xe chạy về ngoại ô phía nam Pari, đến nhà số 16, đưòng Công viên, thị xã Văng-vơ. Người dân Pháp vùng này ai cũng biết đấy là nhà của họa sĩ Việt Nam Mai Trung Thứ. Sống cùng người vợ, cũng là một họa sĩ trong khu nhà chung cư trên gò cao, ông Mai Trung Thứ tiếp chúng tôi ở phòng khách, rồi đưa đi xem xưởng vẽ của ông trên gác ba ngổn ngang những bức tranh và giá vẽ, đồ nghề. Người cao lớn, đôi mắt to, giọng sang sảng, ông Mai Trung Thứ hồ hởi kể chuyện ông mới về thăm Tổ Quốc mấy tháng trước, vào mùa Xuân Giáp Dần 1974, sau gần 40 năm xa quê hương. Chuyến đi ấy để lại trong ông đầy ắp những kỷ niệm đẹp và những cảm xúc thiêng liêng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các bạn người Pháp tại khách sạn Roay-an Mông-xô, Paris tháng 4/1946 (ảnh trích phim Bác Hồ ở Pháp năm 1946)
Mai Trung Thứ sinh năm Bính Ngọ 1906, ở Ro Nha, tỉnh Kiến An, cùng Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Gia Trí là những sinh viên khoá đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, do giáo sư Vichto Tacđiơ làm giám đốc. Tốt nghiệp, ông vào Huế dạy vẽ ở Trường Quốc học. Dành tiền, ông sắm được một chiếc xe ô tô cũ để đi dạy học, đi học hát, học đánh đàn bầu. Năm 1937, nhân có Triển lãm mỹ thuật quốc tế ở Pari, ông sang Pháp dự rồi ở lại. Tại đây, ông trở thành nổi tiếng về tranh lụa mang bản sắc Việt Nam, được bày ở nhiều triển lãm của Pháp và quốc tế, kể cả trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Hội Người Việt Nam tại Pháp đã cho chúng tôi biết ông Mai Trung Thứ còn là một nhà điện ảnh lâu năm. Chúng tôi hỏi về những hoạt động điện ảnh của ông tại Pháp và nhờ ông giúp chúng tôi tìm những phim về Bác Hồ quay mấy chục năm về trước. Nghe ông kể, chúng tôi biết ông đã tự học kỹ thuật điện ảnh, tự sắm máy quay phim, tự sản xuất phim. Năm 1945, ông đã lập Hãng phim Tân Việt ở Paris. Năm 1946, các rạp chiếu phim Hà Nội đã chiếu bộ phim của Mai Trung Thứ tặng trong nước, nhan đề: “Sức sống của 25.000 kiều bào ở Pháp”.
Ông Mai Trung Thứ cho biết, ông là người đã quay toàn bộ những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đi thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp năm 1946, từ ngày 12 tháng 6 năm 1946, khi Người hạ cánh xuống thành phố Biarít, miền Nam nước Pháp, đến ngày 18/9/1946 khi Người rời Pháp trở về nước.
Máy quay của ông đã ghi rất nhiều hình ảnh của Bác Hồ trên đất Pháp, những hoạt động ngoại giao chính thức và những cảnh sinh hoạt ngày thường của Người: Tiếp các chính khách nước ngoài; gặp gỡ Việt kiều và những bạn bè quốc tế quen biết Người hơn 20 năm trước; đi thăm địa phương, cơ sở kinh tế, văn hoá, di tích lịch sử; đọc sách, xem biểu diễn nghệ thuật; đi dạo trên bãi biển; ngồi chơi trên bãi cỏ trong vườn Bulônhơ; nằm nghỉ trong vườn nhà ông bà Ôbrắc, uỷ viên Cộng hoà Pháp, ở ngoại ô Paris…
Ông Mai Trung Thứ kể chuyện một số sự kiện mà ông đã quay phim được, không bao giờ quên. Ngày 22/6/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp máy bay cắm cờ đỏ sao vàng rời thành phố Biarít, hạ cánh sân bay Lơ Buốcgiê của Thủ đô Paris. Lúc đó, chính phủ mới của Pháp đã được thành lập do ông G.Biđôn làm Thủ tướng. Sân bay rợp cờ Việt Nam và Pháp. Các quan chức cao cấp Pháp, các tướng lĩnh thuộc các quân chủng Pháp, kiều bào ta, các bạn quốc tế, các phóng viên báo chí ra đón Chủ tịch rất đông. Quân nhạc cử quốc ca Pháp và ViệtNam. Đội quân danh dự Pháp đội mũ đồng, bồng súng chào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bước đi trên thảm nhung đỏ, bên cạnh Người là những Bộ trưởng Pháp, trong đó có Bộ trưởng Bộ Pháp quốc Hải ngoại, là Bộ 23 năm về trước, đã tung mật thám đi lùng bắt Nguyễn Ái Quốc ở Paris mà không được. Mọi người Việt Nam có mặt tại sân bay được thấy cảnh tượng đó rất đỗi tự hào.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các cán bộ đi theo ở tại Khách sạn Roayan Môngxô, một trong những khách sạn to và đẹp còn lại ở Pari sau chiến tranh. Tại đây, hàng ngày có rất nhiều bạn bè cũ của Chủ tịch đến thăm và chào Chủ tịch như ông Mắc Blôngcua, người Máctinich,từng làm báo Lơ Paria, ông Lêô Pônđe, từng làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lơ Phôbua… Rất nhiều kiều bào khắp nước Pháp đến chào Chủ tịch với những tình cảm dạt dào.
Đáng nhớ nhất là những buổi Chủ tịch gặp gỡ, nói chuyện với Việt kiều tại Hội trường Muychuy-a-litê. Đây là một Hội trường lớn trong khu phố Môbe, rất thân thiết với người Việt Nam định cư ở Pari, là nơi diễn ra những buổi liên hoan Tết, những cuộc gặp mặt, hội họp, mít tinh, biểu diễn nghệ thuật của Việt kiều. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với Việt kiều, thông báo tình hình trong nước và căn dặn bà con đoàn kết, hướng về Tổ quốc và mỗi người cố học lấy một nghề.
Ông Mai Trung Thứ đã quay phim các buổi mít tinh đó và đã ghi được tiếng nói của Chủ tịch vào 11 chiếc đĩa nhựa. Ông còn quay phim chuyến Chủ tịch đến tỉnh Noócmăng đi thăm chiến trường cũ, nơi quân Đồng Minh năm 1944 đổ bộ để đánh quân phát xít Đức. Trời mưa, đường trơn, đoàn 4 xe ô tô của Chủ tịch chạy khỏi thành phố Êvrơ khoảng hơn 10 kilômét thì gặp nạn. Một xe bị lật đổ, đầu xe bẹp rúm, người lái nằm dưới gầm xe. Ông Đỗ Đình Thiện đi trong đoàn bị thương nhẹ. Một người Pháp bị gãy xương vai phải đưa ngay đi cấp cứu ở bệnh viện Êvrơ. Chủ tịch Hồ Chí Minh được an toàn. Ông Mai Trung Thứ phủi bụi đất bám vào quần áo, đứng dậy cầm máy quay cảnh nơi xảy ra tai nạn./.