Ngày đăng: 20/08/2019
Năm nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta kỷ niệm 50 thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bản Di chúc của Người mang tầm tư tưởng của thời đại, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, là những chỉ dẫn quý báu cho Đảng và nhân dân ta trước đây, hiện nay và mai sau. Qua 50 năm thực hiện bản Di chúc bất hủ của Bác; đọc lại và chiêm nghiệm sâu sắc Di chúc của Người, có thể rút ra nhiều bài học quý báu.
Bài học thứ nhất, về tinh thần lạc quan và bản lĩnh khoa học cách mạng của Đảng. Di chúc của Người được viết trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đang trong giai đoạn hết sức ác liệt. Niềm tin sâu sắc về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước "nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn" trong Di chúc của Bác, đã truyền ngọn lửa niềm tin đến mỗi người dân Việt Nam và tạo nên sức mạnh to lớn - sức mạnh của niềm tin, của ý chí cách mạng của toàn dân tộc, làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 có tầm vóc vĩ đại nhất trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và trong lịch sử giải phóng dân tộc.
Sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong những năm đầu thập kỷ 1980, đất nước ta phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, khi phải khôi phục đất nước bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh và cả những yếu kém, bất cập của cơ chế hành chính quan liêu bao cấp, trong bối cảnh nền kinh tế rơi vào khủng hoảng trầm trọng. Chính trong hoàn cảnh đó, Đảng ta lại chứng tỏ bản lĩnh khoa học và cách mạng, bằng việc khởi xướng và lãnh đạo thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước mà trước hết là đổi mới tư duy kinh tế. Tại Đại hội VI, Đảng ta đã dũng cảm "nhìn thẳng vào sự thật", thực hiện tự phê bình và phê bình, nghiêm túc rút ra những bài học lịch sử của cách mạng Việt Nam: "Lấy dân làm gốc", "Tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan", "Đoàn kết toàn dân" phát huy sức mạnh tổng hợp để bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội (CNXH). Cuối những năm 80 và đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi chế độ xã hội chủ nghĩa (XHCN) ở Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, hệ thống các nước XHCN lâm vào thoái trào, vượt qua cơn "động đất chính trị" trên thế giới, một lần nữa Đảng ta đã tỏ rõ bản lĩnh khoa học cách mạng của mình để đưa đất nước đứng vững, tiếp tục tiến hành sự nghiệp đổi mới và đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong hơn 30 năm qua.
Bài học thứ hai, về sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta". Từ khi thành lập Đảng năm 1930, việc giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng là nhân tố quyết định thành công trong mọi nhiệm vụ, "tiến từ thắng lợi này đến đến thắng lợi khác". Nhờ đoàn kết, Đảng đã lãnh đạo cách mạng nước ta giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích vang dội trong thế kỷ 20 và gần hai thập niên đầu thế kỷ 21. Đó là thắng lợi của Cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945, lật đổ ách thống trị gần 100 năm của thực dân Pháp và triều đình phong kiến, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á; thắng lợi của cuộc kháng chiến trường kỳ 9 năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, kết thúc bằng Chiến dịch Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu"; thắng lợi của cuộc kháng chiến hơn 20 năm chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên CNXH; thắng lợi của sự nghiệp đổi mới đất nước trong hơn 30 năm qua, vượt qua mọi khó khăn, bao vây cấm vận, đưa nước ta ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội… Những năm qua, Đảng tiếp tục lãnh đạo hệ thống chính trị và nhân dân thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng với mục tiêu sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng cũng là chiến lược lâu dài đối với sự nghiệp cách mạng. Là Đảng duy nhất cầm quyền, Đảng ta càng phải xây dựng, củng cố sự đoàn kết thống nhất như trong bản Di chúc Bác đã nhấn mạnh: "Giữ gìn sự đoàn kết và nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình". Đoàn kết của Đảng chính là tấm gương cho cả hệ thống chính trị và là nhân tố quyết định bảo đảm đại đoàn kết dân tộc. Đảng ta thường xuyên thực hiện lời dạy của Bác để tiến hành công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Ngay trong nhiệm kỳ Đại hội XII này, Đảng đã ban hành nghị quyết các Hội nghị Trung ương 4, 6, 7 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và ban hành Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 8 về "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương".
Bài học thứ ba về thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình. Để xây dựng sự đoàn kết, thống nhất của Đảng theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta phải thực hành dân chủ thực sự. Nhờ phát huy và mở rộng dân chủ, Đảng ta đã khơi dậy, phát huy cao nhất trí tuệ, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng. Chính việc phát huy dân chủ rộng rãi trong Đảng đã từng bước khắc phục tình trạng bè cánh, cục bộ, địa phương chủ nghĩa, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay, khắc phục tình trạng "lợi ích nhóm", "cánh hẩu…", "con ông cháu cha", "một người làm quan cả họ có vị trí"…; từng bước cũng khắc phục tình trạng quan liêu, hách dịch, cửa quyền, xa rời quần chúng của một bộ phận "quan cách mạng". Các nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ thực hành dân chủ rộng rãi, nghĩa là phải dân chủ thực sự, tránh "dân chủ hình thức", dân chủ phải tiến hành thường xuyên, dân chủ từ Trung ương đến cơ sở. Nhưng Đảng ta cũng khẳng định theo nguyên lý của Chủ nghĩa Mác-Lênin, dân chủ phải gắn với tập trung. Tập trung dân chủ là nguyên tắc sống còn và cũng là biện pháp tốt nhất để xây dựng Đảng ta. Kiên quyết đấu tranh chống lại những biểu hiện trong thực hành dân chủ hình thức, hoặc lợi dụng dân chủ để truyền bá, tán phát những quan điểm, tư tưởng cá nhân, xâm hại đến lợi ích chung, gây mất đoàn kết trong Đảng và trong xã hội. Thực hiện Di chúc của Bác, Đảng ta cũng thường xuyên và nghiêm chỉnh tiến hành tự phê bình và phê bình. Đây là nguyên tắc, là quy luật phát triển của Đảng. Trong Di chúc, Bác coi đây là biện pháp tốt nhất để củng cố, phát triển sự đoàn kết, thống nhất của Đảng. Người yêu cầu tự phê bình và phê bình phải thường xuyên, nghiêm túc, không nể nang, qua loa đại khái, hình thức. Mục đích của tự phê bình và phê bình là giúp cho bản thân và đồng đội ngày càng tiến bộ hơn; tuyệt đối không vì mâu thuẫn cá nhân, động cơ cá nhân mà tiến hành phê bình theo kiểu "vạch lá tìm sâu", "bới lông tìm vết" nhằm trù dập, đấu đá, hạ bệ lẫn nhau. Theo Bác, tự phê bình và phê bình là công việc thường xuyên, ngừng tự phê bình và phê bình tức là ngừng tiến bộ, là thoái bộ.
Bài học thứ tư là sự quan tâm đặc biệt sâu sắc với thế hệ trẻ - những chủ nhân tương lai của đất nước. Từ khi Đảng mới thành lập, trong các văn kiện, Đảng ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến lớp người trẻ tuổi; đoàn viên, thanh niên là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng, là đội hậu bị tin cậy của Đảng. Trong Di chúc, Bác căn dặn: "Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa "hồng", vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc làm rất quan trọng và rất cần thiết". Bác nói công việc này "quan trọng" vì không ai khác ngoài các thế hệ thanh niên sẽ kế tục sự nghiệp cách mạng.
Bài học thứ năm, là sự chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân. Quan tâm tới nhân dân là bổn phận, trách nhiệm của Đảng bởi lợi ích của Đảng không nằm ngoài lợi ích của dân tộc, của nhân dân. Thực hiện Di chúc của Người, sau khi thống nhất đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, kinh tế của đất nước đã từng bước khởi sắc. Từ một nước thuộc nhóm nước nghèo, thu nhập thấp, chúng ta đã gia nhập nhóm các nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Nếu năm 1990 bình quân thu nhập mới đạt 200USD/người thì đến nay đã đạt 2.600USD/người. Bộ mặt đất nước từ đô thị đến các vùng nông thôn có nhiều khởi sắc; niềm tin của nhân dân đối với Đảng ngày càng được củng cố, tăng cường.
Bài học thứ sáu, là tinh thần cống hiến cho lý tưởng cách mạng. Khi nói về việc riêng trong Di chúc, Bác bộc bạch: "Chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" cho Tổ quốc, cho cách mạng và cho nhân dân. Bác nhấn mạnh từ "phục vụ", nhằm nói rõ nhiệm vụ của người làm cách mạng là phải quên mình phục vụ Tổ quốc, nhân dân. Người cán bộ vừa là người lãnh đạo, vừa là người "đầy tớ" trung thành của nhân dân, không đòi hỏi một quyền lợi riêng cho mình, cống hiến trọn đời cho nhân dân, cho Tổ quốc. Cuộc đời của Bác là một tấm gương sáng ngời thể hiện những phẩm chất cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Chính vì vậy, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Chỉ thị số 03- CT/TW về "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; Bộ Chính trị (khoá XII) ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân học tập, noi theo.
Kỷ niệm 50 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đi xa, là dịp để chúng ta ôn lại những lời căn dặn của Người trong bản Di chúc lịch sử, mang tầm tư tưởng của thời đại, để mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi tổ chức Đảng tự soi rọi lại mình, tăng thêm nghị lực và ý chí hành động; quyết tâm xây dựng Đảng ta trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng tiên phong lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội, đáp ứng lòng mong đợi của cán bộ, đảng viên và nhân dân; "xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới", như di nguyện của Bác Hồ kính yêu.
Nguồn: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh