Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 20/04/2018

Tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (1947) của Chủ tịch Hồ Chí Minh chứa đựng hệ thống những luận điểm, chỉ dẫn sâu sắc về thái độ và phương pháp làm việc, nhất là về cách thức lãnh đạo. Dựa vào việc phân tích một khuynh hướng nghiên cứu mới của khoa học lãnh đạo hiện đại - Kiến tạo tri thức như chức năng của lãnh đạo, bài viết làm sáng tỏ hơn và khẳng định giá trị khoa học mang tính thời đại trong những luận điểm về “Cách lãnh đạo”. Qua đó gợi mở hướng vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nghiên cứu, đào tạo và thực hành lãnh đạo trong bối cảnh thế giới “phẳng” ngày nay.
 
  1. Những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách lãnh đạo
Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn sâu sắc về cách lãnh đạo huy động trí tuệ quần chúng, học hỏi quần chúng nhưng không theo đuôi quần chúng, chủ động dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức của tập thể, cộng đồng để tạo nên những quyết định lãnh đạo sáng suốt.
Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Người lãnh đạo không nên kiêu ngạo, mà nên hiểu thấu. Sự hiểu thấu và kinh nghiệm của mình cũng chưa đủ cho sự lãnh đạo đúng đắn. Vì vậy, ngoài kinh nghiệm của mình, người lãnh đạo còn phải dùng kinh nghiệm của đảng viên, của dân chúng, để thêm cho kinh nghiệm của mình... Nghĩa là phải lắng tai nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của “những người không quan trọng”(1).
Người đã lập luận hết sức thuyết phục rằng: “Những người lãnh đạo chỉ trông thấy một mặt của công việc, của sự thay đổi của mọi người: Trông từ trên xuống. Vì vậy sự trông thấy có hạn. Trái lại, dân chúng trông thấy công việc, sự thay đổi của mọi người, một mặt khác: Họ trông thấy từ dưới lên. Nên sự trông thấy cũng có hạn. Vì vậy, muốn giải quyết vấn đề cho đúng, ắt phải họp kinh nghiệm cả hai bên lại. Muốn như thế, người lãnh đạo ắt phải có mối liên hệ chặt chẽ giữa mình với các tầng lớp người, với dân chúng”(2).
Là một người có trí tuệ uyên bác, nhưng trong lãnh đạo, Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin tuyệt đối vào trí tuệ của nhân dân, luôn tin rằng họ là người hiểu nhất vấn đề của chính họ, cái mấu chốt là cán bộ lãnh đạo phải làm sao để khơi dậy nguồn lực trí tuệ đó. Người chỉ rõ: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(3).
Theo Hồ Chí Minh, muốn huy động được trí tuệ quần chúng nhân dân, phải từ bỏ cách lãnh đạo quan liêu, mệnh lệnh, áp đặt từ trên xuống rồi bắt quần chúng theo; thay vào đó là cách lãnh đạo “làm theo cách quần chúng”. Khi đề cập cách thức lãnh đạo Làm theo cách quần chúng, Người chỉ rõ: “Việc gì cũng hỏi ý kiến dân chúng, cùng dân chúng bàn bạc. Giải thích cho dân chúng hiểu rõ. Được dân chúng đồng ý. Do dân chúng vui lòng ra sức làm”(4).
Để thực hiện cách thức lãnh đạo này một cách có hiệu quả, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có những chỉ dẫn rất cụ thể:
Thứ nhất, cán bộ cần phải hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trình độ của quần chúng nhân dân, xem đó như một phần tất yếu của bối cảnh lãnh đạo. Người đã chỉ ra thuộc tính tĩnh của dân chúng: Có lớp tiền tiến, có lớp lừng chừng, có lớp lạc hậu. Vì lý do đó, như một lẽ tất nhiên, ý kiến của mọi người sẽ rất khác nhau. Người nhấn mạnh ưu thế động của dân chúng, là sự cảm nhận, so sánh theo thời gian, so sánh theo bối cảnh không gian cụ thể. Cùng với đó là năng lực tổng quát của dân chúng trong việc phát hiện ra mâu thuẫn và đề ra cách giải quyết.
Thứ hai, khi đã hiểu rõ đặc điểm tâm lý, trí tuệ của quần chúng thì cán bộ nên sử dụng phương pháp gợi mở vấn đề và kích thích tư duy phản biện trong chính những người dân để cùng nhau giải quyết vấn đề. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi đem vấn đề ra bàn trước dân chúng, họ đem các ý kiến khác nhau so sánh. So đi sánh lại, sẽ lòi ra một ý kiến mà mọi người đều tán thành, hoặc số đông người tán thành. Ý kiến đó, lại bị họ so sánh tỷ mỷ từng đoạn, họ thêm điểm hay vào, bỏ điểm dở đi. Ý kiến đó trở thành ý kiến đầy đủ, thiết thực. Sau khi bàn bạc, so sánh, thêm thắt, thành một ý kiến đầy đủ, ý kiến đó tức là cái kích thước nó tỏ rõ sự phát triển trình độ của dân chúng trong nơi đó, trong lúc đó. Theo ý kiến đó mà làm, nhất định thành công. Làm không kịp ý kiến đó, là đầu cơ, nhút nhát. Làm quá ý kiến đó là mạo hiểm, hẹp hòi, “tả””(5).
Hồ Chí Minh hết sức phê phán những cán bộ có thái độ coi thường trí tuệ của nhân dân. Người viết: “Có người thường cho dân là dốt, không biết gì, mình là thông thái tài giỏi. Vì vậy, họ không thèm học hỏi dân chúng, không thèm bàn bạc với dân chúng. Đó là một sai lầm nguy hiểm lắm. Ai có sai lầm đó, phải mau sửa đổi. Nếu không sẽ luôn luôn thất bại”(6).
Thứ ba, tin vào trí tuệ của nhân dân, nhưng người lãnh đạo không được “theo đuôi quần chúng” mà phải chịu trách nhiệm trước nhân dân, phải đóng vai trò chủ động, tích cực, năng động, sáng tạo trong dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức tập thể để đưa ra các quyết định hợp lý. Vai trò của lãnh đạo trong quá trình ra quyết định thể hiện ở chỗ biết phát huy những kiến thức, phương pháp lý luận khoa học đã được học để so sánh, tổng hợp các ý kiến của nhân dân, làm sâu sắc hơn, lý giải cơ sở khoa học của nó và tiếp tục đưa sản phẩm tư duy, sáng tạo của mình cho nhân dân phản biện. Về luận điểm này, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cố nhiên, không phải dân chúng nói gì, ta cũng cứ nhắm mắt theo. Người cán bộ cũng phải dùng cách so sánh của dân chúng mà tự mình so sánh. Nghĩa là đem các ý kiến khác nhau để so sánh kỹ, phân tích kỹ các nội dung của các tầng lớp xã hội có cái ý kiến đó. Tìm ra mối mâu thuẫn trong những ý kiến khác nhau đó. Xem rõ cái nào đúng, cái nào sai. Chọn lấy ý kiến đúng, đưa ra cho dân chúng bàn bạc, lựa chọn lại, để nâng cao dần dần sự giác ngộ của dân chúng”(7). “Gom góp ý kiến và kinh nghiệm trong sự chỉ đạo từng bộ phận, đem làm ý kiến chung. Rồi lại đem ý kiến chung đó để thí nghiệm trong từng bộ phận. Rồi lại đem kinh nghiệm chung và mới, đúc thành chỉ thị mới. Cứ như thế mãi. Biết làm như vậy mới thật là biết lãnh đạo”(8).
Như vậy, trong chu trình vận động và phát triển tri thức của tập thể, của cộng đồng, Hồ Chí Minh vừa coi trọng vai trò của quần chúng nhân dân, vừa nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của người lãnh đạo trong việc tổ chức, dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức - tổ chức đối thoại, tranh luận nhằm tìm ra chân lý và tổ chức thực hành để kiểm nghiệm chân lý trong thực tiễn, rồi lại nâng kinh nghiệm thực tiễn (cũ và mới) thành lý luận mới, chính sách mới.
  1. Vận dụng trong lãnh đạo phù hợp thời đại cách mạng công nghiệp 4.0
Lãnh đạo bao gồm nhiều hoạt động, từ việc xây dựng tầm nhìn, xác định mục tiêu, ra quyết định đúng, đổi mới để tổ chức phát triển, đến việc xây dựng văn hóa tổ chức, tạo động lực và sự cam kết của các thành viên hướng tới tầm nhìn, mục tiêu chung... Trong tất cả các hoạt động đó, việc tiếp nhận, xử lý thông tin, dữ liệu (đầu vào) để đi đến các quyết định quản lý hoặc quyết định chính sách hợp lý (đầu ra) có vai trò hết sức quan trọng. Các nhà khoa học đã ước tính 70% thời gian của lãnh đạo là dành cho việc tiếp nhận, xử lý các loại hình thông tin, dữ liệu thông qua các kênh khác nhau. Sự khác biệt về “chất” giữa đầu vào - đầu ra thể hiện ở các phương án quyết định mà nhà lãnh đạo cần phải lựa chọn: Tính chất tổ hợp, khả năng phản ánh hiện thực khách quan, tính khả thi... Bên cạnh năng lực tổng hợp, phân tích và cảm nhận cá nhân của lãnh đạo thì chất lượng thông tin, dữ liệu đầu vào có tác động quan trọng đến chất lượng phương án quyết định quản lý hoặc quyết định chính sách đầu ra. Chính ở đây, có nhiều câu hỏi quan trọng được đặt ra như: Làm thế nào để thu nhận được các thông tin, dữ liệu đầu vào có chất lượng trong hoạt động lãnh đạo quản lý; đánh giá mức độ tin cậy của các nguồn thông tin; giữa các loại thông tin dữ liệu khác nhau thậm chí mâu thuẫn nhau, thì làm thế nào để lựa chọn đúng, xây dựng phương án phù hợp?...
Từ đầu thế kỷ XXI đến nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, đặc biệt công nghệ thông tin, truyền thông, dữ liệu thì khoảng cách trong tiếp nhận thông tin giữa các nhóm xã hội khác nhau ngày càng bị thu hẹp. Bên cạnh đó, như nhiều nhà khoa học đã chỉ ra, với một lượng thông tin hằng ngày rất lớn, đa dạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, thì con người có thể bị chìm ngập trong thông tin mà không đem lại kiến thức và tri thức đáng kể nào. Nhà lãnh đạo, với yêu cầu đưa ra được các quyết định đúng đắn để giải quyết các nhiệm vụ mà thực tiễn cuộc sống, công việc đặt ra, càng cảm nhận thấy tình trạng mất cân đối giữa một bên là thông tin ngày càng nhiều - và một bên là sự không theo kịp của năng lực xử lý thông tin để tạo ra tri thức có ích cho công việc. Trong hoàn cảnh đó, các nhà khoa học đã nhấn mạnh đến quá trình kiến tạo tri thức (knowledge creation) mang tính ứng dụng cao trong khi đối diện với các thách thức lãnh đạo. Nói cách khác, nếu coi việc ra quyết định là sự lựa chọn một trong các phương án hành động thì chất lượng thông tin, dữ liệu đầu vào và tính khả thi của các phương án đưa ra sẽ có tác động rất lớn đến hiệu quả của việc thực thi quyết định.
Herbert Simon đã lập luận về “Lý trí giới hạn - bounded rationality” (1972) dẫn đến các phương pháp ra quyết định dựa vào trí tuệ tập thể thông qua các phương pháp như delphi, hay lấy ý kiến bậc thang(9). Tuy nhiên, hạn chế lớn của cách tiếp cận này là tập trung vào việc lấy ý kiến các chuyên gia, trong giới hạn nhóm nhỏ của tổ chức, công ty hoặc công ty tư vấn.
Năm 2004, James Surowiecki (người Mỹ) đã công bố cuốn sách: “Trí tuệ đám đông - Vì sao đa số thông minh hơn thiểu số”, đưa ra nhiều dẫn chứng lịch sử và thực nghiệm xã hội khẳng định rằng sự đa dạng, độc lập của các ý kiến khác nhau của nhóm đông người là vô cùng cần thiết để đi đến những phán đoán sát với thực tế; một nhóm bình thường đông người có thể đưa ra quyết định hợp lý hơn cả các chuyên gia(10). Công trình nghiên cứu này gợi ý cho chúng ta rằng việc tìm kiếm phương án giải quyết các thách thức lãnh đạo không nên chỉ giới hạn bởi ý kiến của nhóm có trình độ cao mà cần huy động trí tuệ của nhiều người, kể cả người rất bình thường. Thách thức lớn nhất khi cần huy động trí tuệ tập thể - ý kiến quần chúng - là làm sao để họ tham gia vào quá trình cung cấp thông tin và gợi ý phương án hành động một cách chân thật nhất. Các ý kiến đó nên và cần xuất phát từ chính góc nhìn của chủ thể chứ không phải bị áp đặt bởi góc nhìn của nhà lãnh đạo hay một ai khác.
Trong thời gian dài, đã có định kiến về tương quan chênh lệch kiến thức, tri thức giữa người lãnh đạo và người dân bình thường. Theo đó, đa số ý kiến cho rằng người lãnh đạo luôn có nhiều thông tin, kiến thức hơn so với người dân; những cán bộ dưới quyền chỉ là người thừa hành, tiếp nhận thông tin và kiến thức từ lãnh đạo, vận dụng sáng tạo để thực hiện nhiệm vụ do lãnh đạo giao. Nói cách khác, dòng chảy thông tin, kiến thức mang tính một chiều từ lãnh đạo đến nhân viên, từ cán bộ đến người dân thường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin, truyền thông, khả năng và cơ hội khai thác thông tin, dữ liệu của người dân đã được cải thiện rất nhiều. Việc nâng cao trình độ học vấn, cơ hội giao lưu văn hóa liên quốc gia đã gia tăng khả năng tổ hợp tri thức của chính những người dân bình thường. Thông qua đó, năng lực của người dân trong nhận biết mâu thuẫn và tìm phương án giải quyết vấn đề cũng có bước phát triển vượt trội. Vậy tri thức tổ hợp của lãnh đạo sẽ phải được gây dựng như thế nào, ở trình độ nào mới thể hiện được năng lực lãnh đạo và dẫn dắt?
Trong khoa học xã hội đã đề cập đến tri thức bối cảnh hóa - contextualized knowledge như một trong những luận điểm có sức sống nhất trong các lý thuyết quản trị tri thức hiện đại. Theo đó, với tiến trình gia tăng mức độ phức tạp và phức hợp của các hiện tượng và tiến trình trong xã hội được cộng hưởng bằng sự tương tác hàm chứa nhiều điều “bất định” hơn là “tất định” thì sự hiểu biết của con người về bất kỳ một sự kiện hiện tượng nào cũng không thể “bất biến” mà phải gắn với bối cảnh cụ thể, không gian - thời gian của sự kiện, hiện tượng(11). Tri thức bối cảnh hóa (contextualized intelligence/knowledge) trở nên hết sức hữu dụng, đặc biệt đối với việc xử lý các thách thức lãnh đạo thì hiểu biết về bối cảnh cụ thể và có thể đang thay đổi từng ngày, từng giờ càng trở nên quan trọng. Thiếu thông tin, hiểu biết về bối cảnh của thách thức rất dễ đưa ra các quyết định sai lầm.
Các thách thức lãnh đạo và chính sách trong thực tiễn, luôn khác xa so với những kiến thức được học tập trong nhà trường. Trong rất nhiều trường hợp, tri thức khoa học truyền thống, những kiến thức hiện có của bản thân nhà lãnh đạo cũng như của tổ chức không đủ để giúp nhà lãnh đạo giải quyết được các thách thức đó. Trong hoàn cảnh này đòi hỏi nhà lãnh đạo và tổ chức phải kiến tạo tri thức mới, do đó, năng lực hỗ trợ và dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức trở nên hết sức quan trọng đối với nhà lãnh đạo. Trong quá trình kiến tạo tri thức này, mỗi chủ thể liên quan, cho dù là người có trình độ cao, hay những người học vấn thấp, lạc hậu, vẫn có một vị trí nhất định. Vai trò của họ không chỉ giới hạn ở việc trở thành đối tượng hưởng lợi của quá trình kiến tạo tri thức mà họ có khả năng đóng góp nhất định cho tri thức bối cảnh hóa đó.
Lý thuyết “Quản trị dựa vào tri thức” của Ikujiro Nonaka - một trong 20 nhà quản trị nổi tiếng thế giới thế kỷ XXI, nhấn mạnh kiến tạo tri thức (knowledge creation) là nền tảng cốt lõi để lãnh đạo, quản lý tổ chức/cộng đồng ngày càng phát triển thích ứng được với những thay đổi liên tục của thị trường, xã hội. Khi so sánh, đối chiếu chu trình kiến tạo tri thức SECI gồm 4 giai đoạn: Xã hội hóa - ngoại hóa - tổng hợp - nội hóa do I.Nonaka và các cộng sự phát hiện, khái quát trên cơ sở nghiên cứu thực tiễn quá trình kiến tạo tri thức trong hàng loạt doanh nghiệp thành công nổi bật ở Nhật Bản(12), chúng ta nhận thấy có sự trùng hợp với những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh như đã trình bày ở trên.
Mô hình SECI khẳng định rằng quá trình tạo ra tri thức là quá trình biến hóa liên tục giữa tri thức ẩn (tacit knowledge) và tri thức hiện (explicit knowledge). Tri thức ẩn là những hiểu biết của cá nhân, nó có tính chủ quan và là tri thức dựa trên trải nghiệm cá nhân, nhiều khi không thể thể hiện bằng lời, con số, hay công thức (nó phụ thuộc vào bối cảnh cụ thể). Tri thức hiện là những tri thức có tính khách quan, logíc có thể thể hiện bằng lời, con số hoặc các công thức (nó không phụ thuộc vào bối cảnh). Tất cả mọi tri thức đều ở dạng tri thức ẩn hoặc bắt nguồn từ tri thức ẩn. “Tri thức mới được tạo ra từ sự tương tác liên tục giữa tri thức ẩn và tri thức hiện”(13). Theo I.Nonaka, tương tác qua lại giữa tri thức ẩn và tri thức hiệnlà sự di chuyển liên tục qua lại giữa cách nhìn chủ quan và khách quan, hướng đến chân lý; trong đó đối thoại và thực hành đóng vai trò quan trọng để khách quan hóa tri thức ẩn của cá nhân và kiểm chứng nó, giúp nó tiệm cận đến chân lý.
Điều này đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: Dân chúng so sánh đúng, giải quyết đúng, là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe cũng thấy. Đây chính là nguồn tri thức ẩnvô tận mà bất cứ một nhà lãnh đạo, quản lý nào muốn thành công thì khôngthể bỏ qua, coi nhẹ. Sự kiến tạo tri thức đối với người lãnh đạo, không chỉ giới hạn ởviệc tự mình tìm ra tri thức mới, hoặcdựa vào đội ngũ chuyên gia. Họ cần phải tìm ra các phương thức, công cụ khác nhau, để đối thoại với người dân, kích hoạt quá trình làm nổi lên tri thức ẩn (ngoại hóa tri thức ẩn) và từ đó, chuyển hóa thành tri thức hiện (khách quan, khái quát hóa tri thức ẩn) mang tính hữu dụng để sẵn sàng đối diện và vượt qua các thách thức. Đó chính là vai trò lãnh đạo và dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức, trong phạm vi hẹp ở cơ quan, tổ chức, hay trên bình diện cộng đồng, xã hội rộng lớn.
Đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý khu vực công (Đảng, Nhà nước, đoàn thể chính trị xã hội,...), việc phát triển năng lực lãnh đạo dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức sẽ đi cùng với việc xây dựng các công cụ quản trị tri thức, rèn luyện các kỹ năng thông qua đào tạo, kèm cặp, trải nghiệm thực tiễn. Tuy nhiên, trước hết cần phải rèn luyện một năng lực quan trọng đầu tiên trong quan hệ với dân chúng, như Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Muốn dân chúng thành thật bày tỏ ý kiến, cán bộ phải thành tâm, phải chịu khó, phải khéo khơi cho họ nói”(14).
Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, người dân có thể tìm kiếm, trao đổi thông tin và học hỏi nhanh hơn, nhiều hơn thông qua sử dụng mạng internet; vai trò của trí tuệ nhân tạo, của sức sáng tạo ở con người ngày càng quan trọng thì năng lực dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức trong cơ quan, tổ chức, cộng đồng xã hội, để hóa giải những thách thức trong lãnh đạo, quản lý càng trở thành đòi hỏi cấp thiết đối với người lãnh đạo. Năng lực đó được coi là một trong những năng lực cốt lõi của nhà lãnh đạo hiện tại và tương lai.
Năng lực lãnh đạo, dẫn dắt quá trình kiến tạo tri thức có thể được đào tạo, bồi dưỡng, do đó, nó cần trở thành hợp phần quan trọng trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam và trong hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Nguồn: Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh