Ngày đăng: 01/11/2021
Sức sống mạnh mẽ của Ví, Giặm xứ Nghệ
Xứ Nghệ là tên chung của vùng đất Hoan Châu, (gồm hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh) có từ thời nhà hậu Lê, có chung một văn hóa – văn hóa Lam Hồng, với hai biểu tượng: núi Hồng, sông Lam. Văn hóa xứ Nghệ được hình thành bởi cộng đồng cư dân nông nghiệp sống trên một vùng rộng lớn, phía Bắc giáp Thanh Hoá, phía Nam giáp Quảng Bình, phía Tây tựa lưng vào dãy Trường Sơn, phía Đông nhìn ra biển. Từ xa xưa, dải đất này từng được xem là “địa linh, nhân kiệt”, “danh tiếng hơn cả Nam Châu” với sông dài, biển rộng, núi cao. Với xứ Nghệ, núi Hồng, sông Lam không chỉ là bức tranh thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà còn góp phần tạo nên bản sắc cho một vùng văn hóa. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người dân nơi đây đã sáng tạo và lưu giữ được một nền văn hoá dân gian đa dạng, phong phú với nhiều hình thức và thể loại. Tiêu biểu trong kho tàng văn hoá đồ sộ đó là dân ca Ví, Giặm – một loại hình văn nghệ dân gian độc đáo có giá trị nhân văn sâu sắc, là món ăn tinh thân không thể thiếu của người dân nơi đây. Dân ca Ví, Giặm khắc dấu tâm hồn, cốt cách của người Nghệ Tĩnh.
Điệu hò từ lao động sản xuất
Hát Ví, hát Giặm xưa kia đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người xứ Nghệ không thể lẫn vào đâu được. Ví Giặm kết tinh từ lao động sản xuất, ứng xử văn hóa triết lý nhân sinh, thể hiện sự tha thiết, quyến rũ về làn điệu, hàm súc về ca từ, kết tinh những trải nghiệm trong cuộc sống, yêu con người, yêu quê hương xứ sở, thể hiện cốt cách vất vả mà vẫn lạc quan, nghèo khó mà vẫn lãng mạn, gian nan mà vẫn kiêu hùng, thiếu thốn mà vẫn phóng khoáng, lo toan mà vẫn tĩnh tại.
Ví, Giặm khắc ghi đời sống sinh hoạt hằng ngày
Hát Ví là một thể hát tự do, ngâm vịnh theo thể thơ lục bát, song thất lục bát và lục bát biến thể trên cơ sở phương ngữ xứ Nghệ; âm điệu cao, thấp, ngắn dài tùy thuộc vào lời ca, vào bối cảnh và tâm tình của người hát. Đặc tính chung của hát Ví là trữ tình, tha thiết. Cấu trúc tuy đơn giản những biểu đạt được nhiều sắc thái tình cảm, diễn tả được nhiều nội dung văn học. Còn Giặm là thể hát nói có nhịp dựa theo thể thơ ngụ ngôn, vè. Đặc tính chung của hát Giặm là tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giải bày, cũng có khi dí dỏm, khôi hài, châm biếm, trào lộng hoặc trữ tình giao duyên. Ví, Giặm là hai kiểu hát khác nhau nhưng đều có không gian diễn xướng gắn liền với lao động sản xuất, trong các làng nghề truyền thống, hoặc những lúc nông nhàn, lúc chèo thuyền, thả lưới ven sông, lên rừng lấy củi, hay mỗi dịp lễ hội… vì vậy Ví, Giặm thường được gắn với những tên gọi như Ví phường Vải, Ví phường Đan, Ví phường Cấy, Ví phường Củi...
Chất chứa bên trong câu hò, điệu Ví, lời Giặm là tình cảm sâu nặng, trách nhiệm, thủy chung như trong Hò Nghệ có câu: “Em nghe tin anh đau đầu chưa khá/ Em băng ngàn bẻ lá anh xông/ Làm sao cho đáng đạo vợ chồng”. Hay như lời ca trong lời cổ của Ví đò đưa:
Muối ba năm muối đương còn mặn
Gừng chín tháng say hỡi còn cay
Đôi ta tình nặng nghĩa dày
Dù có xa nhau đi chăng nữa
Thì ba vạn sáu ngàn ngày cũng nỏ xa
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dẫu giữ cương vị cao, trọng trách lớn nhưng lúc nào Người cũng đau đáu trong lòng nỗi nhớ quê hương. Câu Ví , Giặm nghe qua lời ru của bà, của mẹ từ thủa ấu thơ đã bôn ba theo Người trong suốt cuộc hành trình tìm đường cứu nước, những năm tháng cam go chèo lái con thuyền dân tộc cho đến những phút cuối của cuộc đời câu Ví, Giặm quê hương vẫn luôn là nỗi nhớ khôn nguôi.
Những giây phút cuối cuộc đời của Người câu Ví , Giặm vẫn luôn là nỗi nhớ khôn nguôi
Cũng xuất phát từ hát Ví, hát Giặm mà đại thi hào Nguyễn Du từng có bài văn tế sống Nhị nữ Trường Lưu khi ông lặn lội từ Nghi Xuân sang Can Lộc để hát đối với hai cô gái nơi đây. Khi bước vào sân không may bị ngã thì liền có câu hát đối rằng:
"Đến đây hò hát làm thân
Cúi đầu bái lạy trước sân làm gì?
Đất chi có đất lạ lùng.
Đứng thì không chịu, nằm cùng lại cho”…
Khi không gian diễn xướng của dân ca Ví, Giặm là phường nón, phường vải, phường cấy…không còn thì thay vào đó là những loại hình nghệ thuật khác mà âm hưởng của loại dân ca đặc sắc này vẫn là hồn cốt, là sự biến hóa, thăng hoa của loại hình mới. Không gian khởi xướng cho tất cả các loại hình dân ca đều xuất phát từ lao động, sản xuất và Ví, Giặm ở xứ Nghệ cũng không nằm ngoài quy luật đó. Mới đầu, dân ca ví, giặm xứ Nghệ còn thô sơ, mộc mạc, giản dị, xuất phát từ lời ca của những cô gái kéo sợi, đi cấy, dệt vải…nhưng sau đó theo thời gian thì Ví, Giặm phát triển lên một tầm cao mới với lề lối, bố cục chặt chẽ và hình thành nên những vần điệu dân ca trữ tình, hấp dẫn làm say đắm lòng người. Điều đáng tự hào là Ví, Giặm - "Chất Nghệ” ấy lúc thì âm thầm, lúc lại mãnh liệt, và cho đến hôm nay vẫn không ngừng chảy trong đời sống.
Nguồn cảm hứng cho âm nhạc đương đại
Vượt qua rào cản về thời gian, sự khốc liệt của bom đạn chiến tranh, sự biến đổi của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa…dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Những nét tinh túy trong dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ trở thành nguồn cội của các ca khúc đương thời, là nơi để những bài hát về Hà Tĩnh, Nghệ An được cất cánh.
Trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Ví, Giặm Nghệ Tĩnh đã tiếp thêm sức mạnh, nghị lực cho quân dân ta …Khi hòa bình lập lại vẫn còn những ca khúc đi cùng năm tháng mang âm hưởng của dân ca Ví, Giặm mà mỗi khi cất lên người nghe nhận ra ngay, ví như: "Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh”, "Người đi xây hồ Kẻ Gỗ” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý…
Dân ca Ví, Giặm như một lời động viên nhân dân, chiến sỹ tăng cường khối đoàn kết dân tộc, hun đúc tinh thần dũng cảm, sáng tạo trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu. Đó cũng là một trong những yếu tố làm cho Dân ca Ví, Giặm trường tồn với thời gian và cũng là một trong những lý do để UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Bảo tồn và phát triển di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh
Ngày nay, hát Ví, Giặm đã có những thay đổi để thích ứng với hình thái kinh tế - xã hội mới. Những người thực hành không chỉ là những nghệ nhân, con cháu nghệ nhân, những người nông dân trong thôn, trong xóm làng, mà có cả cán bộ, công chức, bộ đội, công an… đang còn làm việc hoặc đã nghỉ hưu. Việc thực hành hát Dân ca Ví, Giặm không chỉ ở từng cá nhân, từng nhóm người, mà chủ yếu là ở các Câu lạc bộ được thành lập tại các cơ sở, đội văn nghệ, cơ quan, đơn vị và trường học... Người ta thường hát theo bài có sẵn, với sự hỗ trợ của nhạc cụ truyền thống và hiện đại. Việc truyền dạy được tiến hành dưới nhiều hình thức: truyền miệng trực tiếp hoặc ghi hình, ghi âm rồi hát theo.
Nghệ sĩ nhân dân Hồng Lựu dạy hát cho các em học sinh
Với sự nỗ lực của tỉnh Nghệ An, nhiều câu lạc bộ mới được hình thành, nhiều cuộc thi hát dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ các cấp: địa phương, cấp tỉnh và cấp vùng đã được tổ chức. Ví, Giặm cũng được thực hành phổ biến trong các cuộc vui, liên hoan văn nghệ, giao lưu giữa các nhóm cộng đồng và trình diễn nghệ thuật trên sân khấu. Ví, Giặm ngày càng gắn liền với lối sống và tập quán của cộng đồng người Nghệ Tĩnh, có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại, tiếp tục được trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị bằng nhiều biện pháp như: nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hoá, xây dựng cơ sở dữ liệu Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ; tổ chức truyền dạy trong cộng đồng và trong trường học; quảng bá và phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng; tôn vinh các nghệ nhân ở cơ sở; tổ chức giao lưu, liên hoan giữa các cộng đồng ở trong nước, quốc tế và phát huy các giá trị của Dân ca Ví, Giặm xứ Nghệ gắn với phát triển du lịch…
Biễu diễn Ví, Giặm trên sông Lam phục vụ du lịch
Nhân dịp kỷ niệm 76 năm ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11/1945-3/1/2021), phát huy truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm bảo vệ di sản văn hóa trong toàn dân. Chúng ta hãy cùng nhau bảo vệ và phát huy những di sản văn hóa vô giá của dân tộc trong đó có dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Để nguồn mạch thanh trong ấm nồng hơi thở nguồn cội nuôi dưỡng và nâng cánh tâm hồn Việt. Để văn hóa Việt Nam hòa trong dòng chảy văn minh nhân loại, tạo nền tảng tinh thần và động lực xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN. Để nền văn hiến Việt Nam truyền lưu muôn thủa./.
Hạnh Ly
Phòng Phát huy giá trị