Ngày đăng: 23/09/2019
Từ nhiều năm nay, tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Đã có nhiều bài tham luận, bài viết, bài báo về đề tài này. Trong phạm vi nghiên cứu của mình, chúng tôi xin tiếp cận đề tài đó ở những vấn đề sau đây:
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân.
Ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã dạy cán bộ Đảng viên bài học “Nước lấy dân làm gốc”. “Trong cuộc kháng chiến kiến quốc lực lượng chính là ở dân”. Vì vậy, Người đề ra “cách làm là dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân, để gây hạnh phúc cho dân”(1).
Tin tưởng vào lực lượng và trí tuệ của nhân dân là một trong những phẩm chất cơ bản của người cộng sản. Trong hoàn cảnh đất nước càng gian khổ thì lại càng phải tin vào khả năng cách mạng, tin vào lực lượng quần chúng nhân dân. Sau cách mạng tháng Tám 1945, nhà nước Việt Nam non trẻ đứng trước những thử thách ngàn cân treo sợi tóc. Ngân quỹ quốc gia chỉ vẻn vẹn có hơn 1 triệu đồng bạc rách, nhưng lại có rất nhiều việc phải chi tiêu, nhiều vấn đề phải giải quyết. Chỉ còn cách duy nhất là dựa vào dân, tin vào dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra phong trào thi đua yêu nước, phát động “Tuần lễ vàng” kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân với chính phủ. Đáp lại niềm tin của Cụ Hồ, chỉ trong một thời gian ngắn, với lòng yêu nước nồng nàn, nhân dân ta đã quyên góp vào nền tài chính quốc gia được hơn 20 triệu đồng và hơn 370 kg vàng.
Như người xưa từng nói: “Nguy cơ lớn nhất đối với một đất nước là trong nước có người tài mà không biết, biết mà không dùng, dùng mà không tin”. Để kêu gọi, nhắn nhủ những người hiền tài ra giúp nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài “Tìm người tài đức” đăngbáo Cứu quốc, số 411, ra ngày 20/11/1946. Người nhấn mạnh: “Nước nhà cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết”. Chính nhờ tấm lòng rộng mở, đầy khoan dung, được thừa kế từ truyền thống lâu đời của dân tộc ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm cho tầng lớp nhân sĩ, trí thức đem hết công sức của mình vào sự nghiệp cách mạng. Ngay các quan lại cao cấp trong triều đình Huế, trong chính phủ Trần Trọng Kim, Phan Kế Toại, Phạm Khắc Hòe,... cũng đã được ánh hào quang từ Người soi rọi, dẫn đường. Cụ Vũ Đình Hòe đã viết trong Hồi ký :"tôi đã từng nghe bạn bè nói đến Nguyễn Ái Quốc một cách cung kính, nhưng mãi đến Cách mạng tháng Tám thành công mới được giáp mặt với Người tức thì bị chinh phục ngay bởi đôi mắt Hồ Chí Minh". Giáo sư Tôn Thất Tùng cũng đã viết những dòng rất xúc động về Bác Hồ: "Công ơn Bác với con thật như trời, như bể. Chính Bác là người đã thay đổi đời con, quyết định cả sự nghiệp khoa học của con. Bác là người cha, người thầy đã tái sinh và dạy dỗ con"...
Trong bài phát biểu tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ 3 của Đảng Lao động Việt Nam (tổ chức tại Hà Nội từ 5 – 10 tháng 9 năm 1960), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, chứ không phải là sự nghiệp của cá nhân anh hùng nào. Thành công của Đảng ta là ở nơi Đảng đã tổ chức và phát huy lực lượng cách mạng vô tận của nhân dân”(2).
Những việc Người tiến hành, những vấn đề Người nêu ra để thực hiện là sự vận dụng sáng tạo quan điểm lý luận của Chủ nghĩa Mác Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam và phát triển nó trong từng giai đoạn của cách mạng.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân.
“Nước lấy dân làm gốc” vừa là mục tiêu, vừa là động lực, vừa là bí quyết thắng lợi của mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Chủ nghĩa xã hội là nhằm nâng cao đời sống vật chất, văn hoá và tinh thần của nhân dân và do nhân dân xây dựng. Nghĩa là phải phát huy tinh thần làm chủ và tinh thần sáng tạo của nhân dân; nhân dân phải được tham gia một cách thực tế vào công việc quản lý sản xuât và đời sống của mình; phải tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân thông qua các tổ chức đoàn thể đại diện như: Quốc hội, Mặt trận tổ quốc, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ. Những vấn đề liên quan đến đường lối chính sách, đến cơ chế tổ chức có liên quan đến sinh mệnh, cuộc sống, tương lai hy vọng của hàng chục triệu quần chúng, nếu không có ý kiến của quần chúng, không tập hợp được trí tuệ của quần chúng sẽ không tránh khỏi những hạn chế sai lầm.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn căn dặn: Phải ra sức thực hành dân chủ, thật sự tôn trọng quyền làm chủ của quần chúng, dân chủ về kinh tế, dân chủ về chính trị. Theo Người “Có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến”, “Có dân chủ thì dân mới tin, mới dám nói, mới có sự sáng tạo”, do đó mới tạo nên động lực. Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân... Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(3).Vì vậy, phải thực hiện một nền dân chủ của nhân dân, đảm bảo lợi ích chính đáng của dân, dân chủ thực sự cho dân. Đồng thời cũng phải đề ra quyền lợi và nghĩa vụ rõ ràng cho mỗi công dân làm theo đúng Hiến pháp và pháp luật. Con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của cách mạng. Đó là mối quan hệ khăng khít “Vì dân” và “Do dân”.
Suốt 24 năm làm Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm đến vấn đề Nhà nước, vấn đề chính quyền; làm thế nào để xây dựng được một nhà nước mà chính quyền thực sự thuộc về nhân dân và làm thế nào để mọi quyền hạn đều là của dân, mọi quyền hành thuộc về nhân dân. Diễn đạt thì dễ nhưng thực hiện được nguyên lý đó là cả một vấn đề khó khăn phức tạp. Dân làm chủ chỉ ở phạm vi hẹp, còn ở phạm vi rộng thì chỉ có thể làm chủ gián tiếp thông qua người đại diện của mình. Vì vậy, quan trọng là phải có một cơ chế để quyền làm chủ của nhân dân không bị vi phạm và nếu có bị vi phạm thì sẽ được ngăn chặn kịp thời. Vấn đề chính vẫn là ở những con người đại diện cho quyền lực của nhân dân, đang thực thi các công vụ trong bộ máy của chính quyền. Bộ máy chính quyền ấy chỉ đúng là của dân khi mà họ luôn là “Đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Đồng chí Vũ Kỳ-thư ký của Bác Hồ kể chuyện, có lần đồng chí hỏi Bác Hồ về kinh nghiệm chữa bệnh nóng giận. Bác Hồ hỏi: Bác đã khi nào nóng giận với chú chưa? Đồng chí Vũ Kỳ trả lời chưa ạ. Bác Hồ nói “Chúng ta tôn trọng nhau”. Một bài học đáng ghi nhớ ở đây là đồng chí Vũ Kỳ là người giúp việc của Bác Hồ, thì rất khó có thể nóng giận với Bác. Nhưng Bác Hồ là cấp trên của đồng chí Vũ Kỳ mà không khi nào nóng giận với cấp dưới, vì Người có lòng yêu thương, quý trọng con người. Tình cảm đó xuất phát từ tâm can, thể hiện thành phong cách làm việc và thái độ ứng xử hàng ngày với con người, với nhân dân của Bác.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên giáo dục cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần phục vụ, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, nghiêm khắc phê phán những biểu hiện vi phạm lợi ích của nhân dân.
Với quan điểm “Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn xem mình là người phục vụ quần chúng, chịu trách nhiệm trước quần chúng. Người nghiêm khắc phê phán những biểu hiện của tệ quan liêu, xa dân, khinh dân, đặc biệt là thói kiêu ngạo “quan cách mạng”, ra lệnh, ra oai, “không tin dân” để dẫn đến chỗ “dân không tin” làm hại đến uy tín của Đảng, của Chính phủ. Trong điện gửi các cán bộ chính quyền và đoàn thể miền Nam Trung Bộ năm 1950, Người phê bình: “...Máy móc, ép buộc đồng bào, nhiều việc quá trình độ, dân không hiểu, không thích. Đã thấy sai lầm mà không kịp thời sửa chữa, kịp thời báo cáo. Dùng thói quan liêu, chỉ biết ra lệnh, ép buộc dân chúng đóng góp”(5).
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn nhắc nhở “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng đều là công bộc của dân, nghĩa là gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải đè đầu dân...”. “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì có hại đến dân, ta phải hết sức tránh”(6). Những thói tham ô, lãng phí, quan liêu hại đến sức lực tiền của của nhân dân đã bị Người lên án mạnh mẽ. Một trong những bằng chứng cụ thể là việc Người đã phê chuẩn án tử hình đối với Trần Dụ Châu, nguyên Đại tá Giám đốc Nha quân nhu - Tổng cục Cung cấp (nay là Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng) can tội ăn cắp công quỹ và làm nhiều điều bỉ ổi. Vụ án này được xét xử vào ngày 5/9/1950 tại chiến khu Việt Bắc. Có thể coi là vụ án tham nhũng điển hình xảy ra trong bối cảnh Đảng, Nhà nước, quân và dân ta còn gặp muôn trùng khó khăn, ăn đói, mặc rét nhằm đẩy mạnh công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Kết thúc phiên tòa, hai bị cáo trong vụ án này là Trần Dụ Châu và Lê Sỹ Cửu bị tuyên phạt với mức án cao nhất - tử hình. Bản án đã nhanh chóng báo cáo lên Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sau khi cân nhắc, Người đã bác đơn xin giảm tội của Trần Dụ Châu. Quyết định xử tử hình Trần Dụ Châu của Bác thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và đã được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Nhân dân đã thấy rõ: Chính quyền và đoàn thể không bao giờ dung túng một cán bộ nào làm bậy, dù cán bộ cao cấp đến đâu đi nữa.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ chỉ lo trách nhiệm với cấp trên thôi thì chưa đủ phải lo trách nhiệm với dân trước hết. Phải lấy trách nhiệm với nhân dân làm động lực để hoàn thành tốt công việc, rồi mới đem công việc đó báo cáo với cấp trên. Người phê phán những cán bộ “miệng thì nói dân chủ nhưng làm việc thì họ theo lối quân chủ. Miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng họ làm trái ngược với phương châm chính sách của Đảng và Chính phủ”.
Phỏng theo quan điểm “Tiên thiên hạ ưu, hậu thiên hạ lạc” (nghĩa là: khó khăn thì chịu trước thiên hạ, sung sướng thì hưởng sau thiên hạ), trong các tác phẩm, bài nói, bài viết của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần đề cập đến để căn dặn cán bộ, Đảng viên. Năm 1947, trong “Thư gửi các bạn thanh niên”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đòi hỏi thanh niên, các cán bộ đoàn phải thực hiện cho được: “các sự hy sinh khó nhọc thì mình làm trước nguời ta, còn sự sung sướng thanh nhàn thì mình nhường người ta hưởng trước”(7). Năm 1955, trong bài “Đạo đức cách mạng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho cán bộ chiến sĩ “Lo, thì lo trước thiên hạ; hưởng, thì sau thiên hạ”(8). Tháng 3/1961, trong bài “Xây dựng những con người xã hội chủ nghĩa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ mỗi người phải ra sức góp công, góp sức để xây dựng chủ nghĩa xã hội, chớ nên “ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau” mà phải “chí công, vô tư” và phải có tinh thần “lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ”. Người khẳng định: “Đó mới là đạo đức của người Cộng sản” và “Ngoài lợi ích của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác”(9).
4. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chăm lo đến cuộc sống của nhân dân.
Suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm, chăm lo đến cuộc sống của nhân dân như Người từng thổ lộ: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(10). Khi nước nhà vừa giành được độc lập, Người nêu rõ quan điểm: “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét, thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đù”(11).
Năm 1955, nói chuyện tại Hội nghị sản xuất cứu đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định trách nhiệm của Đảng, Chính phủ đối với cuộc sống hàng ngày của dân. Người nhấn mạnh: “Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lõi, nếu dân đốt là Đảng và Chính phủ có lỗi, nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi...” “Nếu dân đói, rét, dốt, bệnh thì chính sách của ta dù có hay mấy cũng không thực hiện được”(12). Bước sang thời kỳ quá độ xây dựng chủ nghĩa xã hội, Người chỉ rõ: “Mục đích của Chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách giản đơn, dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(13). Người yêu cầu Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để “phát triển kinh tế và văn hoá”, “Làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động thì được nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xoá bỏ”(14).
Từ một nước công nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên Chủ nghĩa xã hội, bỏ qua giai đoạn phát triển chế độ tư bản chủ nghĩa là cuộc cách mạng to lớn, phức tạp, mới mẻ, chưa có tiền tệ trong lịch sử nên Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến cơ sở vật chất, kỹ thuật, đến sản xuất, đến hiệu quả kinh tế. Nhưng trước hết Người quan tâm đến điều kiện sinh hoạt, đến cuộc sống cụ thể của người dân như ăn, mặc, ở, đi lại. Người vừa chăm lo đến cuộc sống, vừa chăm lo đến cái chung, vừa chu đáo từng việc làm cụ thể đối với con người cụ thể thuộc các giai cấp, các tầng lớp, các lứa tuổi, từ cụ già, trẻ nhỏ, đến người tàn tật cô đơn. Mọi người dân Việt Nam đều nhận được những tình cảm chu đáo của Người đúng như lời thơ của Tố Hữu “Sữa để em thơ, lụa tặng người già”. Người căn dặn cán bộ từ trên xuống dưới “phải quan tâm đến điều kiện sinh hoạt vật chất của công nhân, phải chăm nom đến chỗ ăn, ở của người lao động”(15).
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đau đáu nỗi lòng về chăm lo cuộc sống của nhân dân, Người đã để lại những lời căn dặn tỉ mỉ những việc cần làm đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình, đối với cha mẹ, vợ con của thương binh liệt sĩ, đối với chiến sỹ trẻ tuổi trong các lực lượng vũ trang và thanh niên xung phong, đối với nông dân, với việc “xây dựng lại thành phố và làng mạc đẹp đẽ”, “phát triển công tác vệ sinh y tế”, “sửa đổi chế độ giáo dục”... nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Tư tưởng “Nước lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng vì nhân dân, vì con người. Dựa vào dân, tin vào lực lượng, trí tuệ của nhân dân, chăm lo cho cuộc sống vật chất, tinh thần của nhân dân là tạo nên sức mạnh đoàn kết và mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, nhân dân. Đó là những nền tảng của công cuộc đổi mới và phát triển mà Đảng Cộng sản Việt Nam đã và đang lãnh đạo nhân dân thực hiện.
Nguồn: Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch