Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 06/02/2023

Thực hiện chỉ thị của Người, một Hội nghị trung ương họp tại Phú Minh (Thái Nguyên) đã đi đến quyết định lấy ngày 27/7/1947 làm ngày thương binh liệt sĩ đầu tiên của dân tộc. Từ đây, ngày 27/7 hằng năm trở thành “Ngày thương binh liệt sĩ” của nước ta.Sinh thời, Bác Hồ là người dành rất nhiều sự quan tâm và tình cảm đối với bộ đội nói chung, các thương binh, liệt sĩ nói riêng. Lật lại từng trang sử về quá trình hoạt động cách mạng của Bác, và sự quan tâm của Người đối với thương binh và liệt sĩ, chúng ta càng kính mến, tự hào về trí tuệ và trái tim một con người mang tầm lãnh tụ. 
Có thể khẳng định rằng: vấn đề thương binh, liệt sĩ được Bác chú trọng và có nhiều việc làm thiết thực ngay từ rất sớm. Ngay những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám, toàn quân toàn dân phải đối mặt với muôn vàn thử thách hiểm nghèo “ngàn cân treo sợi tóc” bởi thù trong giặc ngoài. Thế nhưng, Bác vừa cùng toàn Đảng chèo lái con thuyền cách mạng vững bước đi qua, vừa thực hiện nhiều hành động tri ân, đáp nghĩa với thương binh, liệt sĩ.
Tháng 9/1945, Tổ quốc mới giành được độc lập thì chưa đầy hai tháng sau, Bác có việc làm cụ thể để tri ân các liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập mới. Tại phiên họp Hội đồng Chính phủ ngày 20/11/1945, Bác đề nghị ra sắc lệnh truy tặng 5 liệt sĩ hy sinh oanh liệt tại Cái Rang ngày 12/11/1945.
Tháng 11, Pháp tăng cường gây hấn ở Nam Bộ, nguy cơ bùng nổ chiến tranh rất cao thì ở miền Bắc, Bác vẫn ký sắc lệnh đặc biệt là nhận con liệt sỹ làm con nuôi. Nội dung sắc lệnh Bác nêu rõ: “vì muốn thay mặt Tổ quốc, toàn thể đồng bào và Chính phủ cảm ơn những chiến sỹ đã hy sinh tính mệnh cho nền Tự do, Độc lập và Thống nhất của nước nhà, hoặc trong thời kỳ cách mệnh, thời kỳ kháng chiến. Tôi gửi lời chào thân ái cho gia đình các liệt sĩ đó và tôi nhận con các liệt sỹ đó làm con nuôi của tôi
Hiểu thấu và cảm thông về nỗi đau thương, tổn thất không gì bù đắp được với những thương bệnh binh, liệt sĩ và gia đình họ, tháng 6/1947 Bác ra chỉ thị: Chọn một ngày trong năm làm “ngày thương binh liệt sĩ” để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn, kính mến. Đây cũng là việc làm để ghi nhận, tri ân và động viên sự hy sinh lớn lao của các anh hùng, liệt sĩ vì Tổ quốc, vì  nhân dân.
 
 
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở trại điều dưỡng Bắc Ninh.
Ngày thương binh, liệt sỹ đầu tiên năm 1947, Bác giành những tình cảm đặc biệt đến các anh em thương binh, liệt sĩ và thân nhân gia đình họ. Bác viết thư khen ngợi và gửi những món quà như áo, vải lụa, tiền đến động viên họ. Bác ra lời kêu gọi đồng bào cả nước cùng thi đua thực hiện, cùng hướng đến thương binh, liệt sĩ để tri ân, động viên họ.
Lời hiệu triệu nhân ngày thương binh và tử sĩ 27/7 năm 1948, Bác nhấn mạnh: “Thương binh và liệt sĩ hy sinh cho Tổ quốc, hy sinh vì đồng bào”. Trên cơ sở đó, Bác khẳng định Chính phủ và đồng bào có nghĩa vụ báo đáp công ơn đó. Về Chính phủ sẽ tìm mọi cách để giúp đỡ anh em thương binh và gia đình tử sĩ. Còn đồng bào sẽ sẵn lòng giúp đỡ họ về vật chất và tinh thần.
Mỗi năm đến dịp kỷ niệm ngày thương binh, liệt sĩ Bác thường viết thư gửi Bộ trưởng Bộ thương binh và các Ban ngành liên quan. Trong thư, Bác căn dặn Đảng và nhân dân cần có những hành động cụ thể để tri ân họ như cấp ruộng đất, cày cấy giúp, tặng quà, động viên thăm hỏi… Thư gửi Ban Tổ chức Trung ương ngày thương binh tử sĩ năm 1950, Người bày tỏ: “Tôi mong rằng các đoàn thể văn hoá, công nhân, nông dân… đến an ủi thương binh và gia đình tử sĩ, hoặc viết thư hỏi thăm, ai có quà gì thì biếu quà ấy để tỏ lòng thương mến”
Thư gửi Bộ trưởng Bộ Thương binh, Cựu binh năm 1952, Người có điều căn dặn anh em thương binh, bệnh binh:
“- Phải hoà mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiều nhân dân.
- Phải tránh tâm lý công thần, coi thường lao động, coi thường kỷ luật.
- Chớ bi quan chán nản, phải luôn cố gắng”
.
“Thư gửi cụ Bộ trưởng Bộ Thương binh - Cựu binh” năm 1954, Bác nhắc nhở việc đẩy mạnh hơn nữa công tác TBLS và căn dặn: “Các thương binh, bệnh binh và gia đình liệt sĩ cần phải biết ơn sự săn sóc của đồng bào; cần phải cố gắng tăng gia sản xuất, tự lực cánh sinh, tùy theo khả năng mà tham gia các công tác trong xã, chớ nên yêu cầu quá đáng, ra vẻ “công thần”. Bác động viên các thương binh: “Tàn mà không phế”, phấn đấu trở thành những “Công dân kiểu mẫu”, động viên các gia đình TBLS phấn đấu để trở thành các “Gia đình cách mạng gương mẫu”!

Bác Hồ viếng các Anh hùng Liệt sĩ
Thư gửi cán bộ chiến sĩ nhân dịp kỷ niệm thành lập quân đội nhân dân Việt Nam năm 1956, Bác nhắn nhủ thêm: “Các quân nhân phục viên, các thương binh cần ra sức khắc phục khó khăn, phát huy tính tích cực của mình trong sản xuất và mọi công tác khác”
Đối với các anh hùng liệt sĩ đã hi sinh, Bác luôn giành những tình cảm rất đặc biệt. Suốt những năm tháng kháng chiến chống Pháp, rồi chống Mỹ Người thường đến thăm viếng nghĩa trang liệt sỹ. Những dịp đặc biệt, Người chỉ thị tổ c
hức lễ tượng niệm anh linh các liệt sĩ rất trang nghiêm.
Ngày 31/12/1954, Bác dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ đến đặt vòng hoa viếng các liệt sĩ tại Đài Liệt sĩ Hà Nội. Bài diễn từ buổi lễ do Bác soạn rất hùng hồn và thành kính. Bác khẳng định chiến công và sự hi sinh vẻ vang của các liệt sĩ vì Tổ quốc, vì nhân dân: “Các liệt sĩ đã hi sinh, nhưng công trạng to lớn của các liệt sĩ đã ghi sâu vào lòng dạ của doàn dân và non sông đất nước.
Các liệt sĩ đã hi sinh, nhưng chí khí dũng cảm của các liệt sĩ đã thấm nhuần vào toàn quân và dân ta. Máu nóng của các liệt sĩ đã nhuộm là Quốc kỳ vẻ vang càng thêm thắm đỏ. Tiếng thơm của các liệt sĩ sẽ muôn đời lưu truyền với sử xanh”
Ngày 17/10/1964, người anh hùng dân tộc Nguyễn Văn Trỗi bị địch xử bắn tại Khám Chí Hoà. Ngay hôm sau, Bác quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Huân chương Thành đồng hạng Nhất cho Anh. Ở bức ảnh chụp Anh Trỗi tại pháp trường, Bác viết lời đề từ đầy cảm động và sâu sắc: “Vì Tổ quốc, vì nhân dân, liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi đã anh dũng đấu tranh chống đế quốc Mỹ đến hơi thở cuối cùng. Chí khí lẫm liệt của anh hùng Trỗi
là tấm gương cách mạng sáng ngời cho mọi người yêu nước - nhất là cho các cháu thanh niên học tập”.
 Đối với quê hương, khi về thăm Nghệ An lần hai, Bác đến dâng hương, hoa và tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 tại Thái Lão. Trước lúc rời đi, Bác bày tỏ nguyện vọng với các đồng chí là cần xây dựng, bảo vệ và tôn tạo Đài tượng niệm các liệt sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh này thành một khu di tích lịch sử cách mạng. Làm sao để ngày càng có nhiều người đến thăm viếng, dâng hoa và học tập tinh thần cách mạng của các liệt sĩ.
 Trước lúc đi xa, Bác dành hẳn một trang viết di chúc đề cập đến vấn đề thương binh, liệt sĩ và gia đình họ. Trong di chúc, Bác nhắn nhủ đến Đảng, Nhà nước và nhân dân rất kỹ lưỡng: Đối với những người dũng cảm hi sinh một phần xương máu… Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp để họ dần tự lực cánh sinh. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu thì chính quyền phải giúp đỡ họp có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét.
Thực hiện lời căn dặn và di nguyện thiêng liêng của Người, Đảng và nhân dân khắp các địa phương luôn dành những tình cảm và việc làm đặc biệt đến thương binh, liệt sĩ và thân nhân họ. Chính quyền luôn cố gắng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần đối với các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, các Mẹ Việt Nam Anh hùng.
Hàng năm, nhiều phong trào thi đua đền ơn đáp nghĩa được thực hiện sôi nổi khắp đất nước như: Xây dựng nhà tình nghĩa, Sổ tiết kiệm tình nghĩa, Phụng dưỡng cho các bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Chăm sóc nuôi dưỡng thương binh nặng… Đối với các liệt sĩ, nhiều nghĩa trang, bia tưởng niệm, đài tượng niệm… được xây dựng, tôn tạo và nâng cấp. Hăng năm, nhiều cuộc thi, phong phong trào lễ hội… hướng đến liệt sĩ và nhằm giáo dục nhân dân được thực hiện trên phạm vi toàn quốc.
Đây là những đóng góp thiết thực của toàn Đảng, toàn dân vào việc học tập và làm theo tấm giương tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, góp phần xứng đáng vào quá trình thực hiện Di chúc của Người.
 

 
 
                                                                                          TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
2.Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002.
3. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002.
4. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002.
5. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị Quốc gia, H. 2002.

 
Bùi Ngọc Nguyên.