Ngày đăng: 21/01/2019
Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao quý nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Mỗi người dân Việt Nam đều thấm thía, xúc động khi nhắc tới câu nói tự đáy lòng của Bác khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về điều mong muốn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.Yêu nước, thương dân, tất cả vì dân vì nước là suy nghĩ thường trực, nhất quán, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong tư tưởng, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Điều đó đã trở thành lý tưởng, hoài bão, ước mơ cao quý nhất trong suốt sự nghiệp cách mạng của Người. Mỗi người dân Việt Nam đều thấm thía, xúc động khi nhắc tới câu nói tự đáy lòng của Bác khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về điều mong muốn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(1). Đó là thông điệp Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào, trở thành ngọn cờ chiến đấu và mục tiêu suốt đời hy sinh, cống hiến của Người.
Năm 1858, Thực dân Pháp nổ tiếng súng đầu tiên ở Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Từ đó, nhân dân ta bị áp bức bóc lột nặng nề “một cổ hai tròng”. Ngày 5/6/1911, Bác Hồ dưới tên Văn Ba đã rời quê hương xứ sở ra đi tìm con đường giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước. Không tiền bạc; không bạn bè người thân, anh thanh niên Văn Ba ra đi với hành trang là tấm lòng yêu nước, thương dân thiết tha và hai bàn tay lao động. Với mục đích học hỏi, xem bên ngoài người ta làm thế nào để rồi về nước giúp đồng bào mình giải phóng khỏi gông cùm nô lệ, áp bức, đứng thẳng dậy, ngẩng cao đầu mà sống.
Sau ba mươi năm bôn ba trên đất khách quê người, hòa mình vào cuộc sống của những người dân lao động nghèo khổ ở các dân tộc trên thế giới, kiếm sống bằng những nghề lao động rất bình dị như đầu bếp, chép tranh, cào tuyết … Người đã tiếp cận với chủ nghĩa Mác – Lênin và đã lựa chọn con đường cứu nước đúng đắn, đó là con đường cách mạng vô sản. Mùa xuân năm 1930 với sự kiện Hồ Chí Minh sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam thì con đường cách mạng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội đã thành ngọn cờ dẫn dắt giai cấp công nhân và toàn thể dân tộc Việt Nam giành những thắng lợi lịch sử, mở đầu bằng cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám thành công năm 1945.
Cách mạng tháng Tám thành công nhưng chính quyền non trẻ gặp khó khăn trăm bề, thù trong giặc ngoài, thiên tai, giặc đói giặc dốt. Tại cuộc họp đầu tiên của Uỷ ban nghiên cứu kế hoạch kiến quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ mục tiêu của Nhà nước: “Một là, làm cho dân có ăn. Hai là, làm cho dân có mặc. Ba là, làm cho dân có chỗ ở. Bốn là, làm cho dân được học hành”. Người khẳng định: “Nếu nước độc lập mà dân không được tự do, thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”; “Chúng ta tranh được tự do, độc lập rồi mà dân cứ chết đói, chết rét thì tự do, độc lập cũng không làm gì. Dân chỉ biết rõ giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ”(2).
Đối với giặc đói, Người đề nghị Hội đồng Chính phủ phát động một chiến dịch tăng gia sản xuất và mở cuộc lạc quyên cứu đói. Ngày 7/12/1945, trong thư Gửi nông gia Việt Nam, Người khẩn thiết kêu gọi: "Tăng gia sản xuất! Tăng gia sản xuất ngay! Tăng gia sản xuất nữa!… Đó là cách thiết thực để chúng ta giữ vững quyền tự do, độc lập”(3). Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, cả nước thi đua thực hiện "tấc đất, tấc vàng", "không một tấc đất bỏ hoang". Người cùng các bộ trưởng và nhân viên Chính phủ cùng tham gia sản xuất sau giờ làm việc. Trong khi chờ đợi thu hoạch ngô, khoai, sắn.v.v... Người kêu gọi toàn dân thực hành tiết kiệm, phát động phong trào “hũ gạo kháng chiến” để nuôi quân. Bằng những lời lẽ thiết tha, xúc động, Người viết thư động viên đồng bào cả nước nêu cao tinh thần " nhường cơm sẻ áo" để cứu dân nghèo: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Ðem gạo đó để cứu dân nghèo"(4)... Tại buổi khai mạc lạc quyên tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Người đã gương mẫu đem phần gạo nhịn ăn của mình lạc quyên trước tiên. Tấm gương của vị Chủ tịch nước đã khích lệ đồng bào cả nước. Phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách với nhiều hình thức phong phú như "hũ gạo cứu đói", "ngày đồng tâm nhịn ăn"... được tổ chức ở khắp phố xá, làng quê. Nhờ sáng kiến đó, mỗi tuần nhân dân cả nước đã quyên được hàng vạn tấn gạo cứu đói, giúp cho nhiều người nghèo vượt qua nạn đói khủng khiếp năm 1945.
Cùng với chiến dịch chống giặc đói, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động cuộc thi đua chống giặc dốt. Theo Người “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Người yêu cầu đảng cầm quyền phải chăm lo nâng cao trình độ học vấn cho nhân dân, chăm lo phát triển mọi mặt của dân tộc ta. Người thường nói chế độ thực dân đã dùng mọi thủ đoạn ngu dân để đầu độc dân tộc ta, để hủ hóa nhân dân ta. Cho nên phải làm sao để dân tộc Việt Nam trở thành một dân tộc dũng cảm, yêu nước, yêu lao động, một dân tộc xứng đáng với nước Việt Nam độc lập, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Thực hiện lời hiệu triệu của Người, phong trào: “Bình dân học vụ” phát triển khắp nơi và chỉ trong ba năm đã có hơn 8 triệu người Việt Nam biết đọc, biết viết.
Ý tưởng trung thành với Tổ quốc, tận tụy với nhân dân luôn là phương châm sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lúc hoạt động ở Pháp, khi được hỏi tại sao bỏ phiếu tán thành Quốc tế III, Người trả lời: "Rất giản đơn, Đệ tam quốc tế nói sẽ giúp đỡ dân tộc bị áp bức giành lại tự do và độc lập. Vì vậy tôi đã bỏ phiếu tán thành. Tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi, đấy là tất cả những điều tôi muốn". Cuối tháng 6/1922, viên toàn quyền Đông Dương Anbe Xarô cho gọi Nguyễn Ái Quốc lên để dọa nạt, cảnh cáo trước những hoạt động cách mạng của Người ở Pháp. Ông ta tìm mọi cách mua chuộc Nguyễn Ái Quốc. Nhưng Người đã khẳng khái đáp trả: “Cảm ơn Ngài! Cái mà tôi cần nhất trên đời là: Đồng bào tôi được tự do, Tổ quốc tôi được độc lập…”. Sau này trong cuốn hồi ký “Câu chuyện về nền hòa bình bị bỏ lỡ” J. Saiteny đã khẳng định: “Hồ Chí Minh chỉ có một mục đích duy nhất, một mục đích cuối cùng đó là: Độc lập của Việt Nam”. Sau thắng lợi bước đầu của Cách mạng tháng 8, với cương vị là Chủ tịch nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn ấp ủ và khẳng định tấm lòng yêu nước nồng nàn, trong sáng, vô hạn của mình: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn nấp nơi núi non, hoặc ra vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo – là vì mục đích đó... Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích làm cho ích quốc lợi dân”(5). Ngay thời điểm chuẩn bị kháng chiến chống Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định với quốc dân đồng bào trách nhiệm cao cả của mình: “Riêng phần tôi, xin đem hết tâm lực đi cùng các bạn, vì đồng bào mưu giành tự do độc lập, dầu phải hy sinh tính mệnh cũng không nề”(6). Và khi trả lời báo Granma (Cuba), chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn khẳng định: “Tôi hiến cả đời tôi cho dân tộc tôi”
Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tất cả tình thương yêu cho dân tộc Việt Nam. Người không màng danh lợi cá nhân, dồn hết tâm lực, trí tuệ suốt đời chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, cho nền độc lập của dân tộc và sự phát triển của đất nước. Là lãnh tụ của dân tộc, người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh nhận thức rất rõ trách nhiệm của cá nhân: Lo cho dân, cho nước từ những việc lớn đến việc nhỏ, từ việc tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, xây dựng, phát triển mọi mặt xã hội để thỏa mãn các nhu cầu thiết yếu nhất của dân, để mọi người có ăn, có mặc, có chỗ ở, được học hành, có điều kiện khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe. Vì nước, vì dân Bác sẵn sàng hy sinh đời sống riêng tư mà ở đời và làm người ai cũng cần phải có. Bác không có gia đình riêng, nhưng Người coi Việt Nam là đại gia đình của Bác. Trong bức thư gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng (tháng 1-1947), Bác cảm ơn gia đình bác sĩ “đã đem món quà quý báu nhất là con mình hiến dâng cho Tổ quốc”. Bác viết: “Tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi mất một đoạn ruột…”(7). Cả cuộc đời Bác là sự hy sinh lớn lao cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đó chính là lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Sự hy sinh tình nhà để lo việc nước cũng đã được thể hiện qua bức điện gửi về quê khi nghe tin anh trai của Bác là ông Nguyễn Sinh Khiêm qua đời: “Nghe tin anh cả mất, lòng tôi buồn rầu, vì việc nước nặng nhiều, đường sá xa cách, lúc anh ốm đau tôi không thể trông nom, lúc anh tạ thế tôi không thể lo liệu. Than ôi! Tôi chịu tội bất đệ trước linh hồn anh và xin bà con nguyện lượng cho một con người đã hy sinh tình nhà vì phải lo việc nước”(8).
Suốt đời mình, Người đã hy sinh, chiến đấu không ngừng nghỉ, không mệt mỏi quên cả tuổi già. Tháng 5-1950, ở tuổi 60, giữa đại ngàn chiến khu Việt Bắc, khi anh em cơ quan họp mặt mừng sinh nhật Người, Bác lạc quan tự nhủ mình, đồng thời cũng là để động viên anh, chị em: "Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán/ So với ông Bành vẫn thiếu niên/ Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe/ Trần mà như thế kém gì tiên"
Năm 1968, trong lời cảm ơn chung đồng chí, bạn bè và nhân dân chúc thọ mừng sinh nhật lần thứ 78 của Người, Bác có mấy vần thơ đầy lạc quan, yêu đời: "Bảy mươi tám tuổi, chưa già lắm/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà/ Kháng chiến dân ta đang thắng lớn/ Tiến bước! Ta cùng con em ta". Sự từ chối lễ nghi phiền phức của vị Chủ tịch nước, lãnh tụ tối cao của Ðảng, trong dịp kỷ niệm ngày sinh của mình thể hiện sự khiêm tốn, giản dị, đó là bản chất của người công bộc, “đầy tớ” của nhân dân. Một con người mà “dù phải từ biệt thế giới này” vẫn không có điều gì phải hối hận, “chỉ tiếc là không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa
Vượt lên trên tất cả, tình yêu thương con người của Hồ Chí Minh còn được dành cho những người nô lệ mất nước và những người cùng khổ trên khắp thế gian, cho những người da đen – nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc, cho cả những người da trắng bần cùng, cho những phụ nữ Pháp, Mỹ có chồng con bị đưa sang Việt Nam làm “bia đỡ đạn”. Và cho chính cả những người lính trong các cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa đế quốc thực dân. Người viết: “Tôi vô cùng công phẫn trước những tổn thất và tàn phá do quân Mỹ gây ra cho nhân dân và đất nước chúng tôi, tôi cũng rất xúc động thấy ngày càng có nhiều thanh niên Mỹ chết vô ích ở Việt Nam”. Trong Lời kêu gọi Chính phủ Pháp và nhân dân Pháp ngày 10/1/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng tôi muốn hòa bình ngay để máu người Pháp và Việt ngừng chảy. Những dòng máu đó chúng tôi đều quý như nhau”(9). Bác thấu hiểu được “Không có trận đánh nào “đẹp” cho dầu thắng lợi lớn”.
Người đã dành trọn cuộc đời mình để đấu tranh cho tự do, hạnh phúc, cho áo ấm, cơm no của mọi người nhưng riêng mình thì sống vô cùng giản dị và thanh đạm, bởi vì lẽ sống của Người là lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ. Trong cuộc sống hàng ngày, Người cũng luôn nghĩ về đồng bào mình, dân tộc mình. Vì vậy, Người khước từ ở tòa nhà sang trọng thuộc thời Toàn quyền Đông Dương, mà chỉ ở ngôi nhà của người công nhân thợ điện phục vụ Toàn quyền thời đó, sau đó làm nhà sàn nho nhỏ chỉ có phòng nghỉ, phòng làm việc, mỗi phòng vuông vắn hơn 10 thước. Khi kinh tế khó khăn, đời sống nhân dân còn khổ: mọi người ăn cơm độn ngô, khoai, sắn, Bác bảo cán bộ, nhân dân ăn độn bao nhiêu phần trăm, độn cho Bác từng ấy, giống như cán bộ, như dân. Khi mùa hè đến, mồ hôi thấm áo, Người nghĩ đến những chiến sỹ phòng không trên trận địa nóng bỏng. Khi đi công tác nước ngoài được biết có loại cây lá xanh quanh năm không rụng lá, Bác nghĩ tới người lao công đêm đêm vất vả quét lá nên Bác tìm cách đưa loại cây ấy về nước trồng ở bên cạnh nhà mình, để với ý định cho ngành Lâm nghiệp nhân ra trồng ở các đô thị để bớt đi nỗi nặng nhọc cho người công nhân quét đường; Đưa về những cây cọ dầu trồng ở khu vườn Phủ Chủ tịch với ý định cho ngành Nông nghiệp nhân rộng ra lấy quả ép dầu tăng thêm chất béo cho bữa ăn của mọi người, mọi nhà. Là một nhà lãnh đạo đất nước với trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn dành thời gian đến thăm các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là những người nghèo khổ. Bác dành cả tiền lương, nhuận bút, quần áo… để tặng cho các chiến sĩ, gia đình chính sách, các cụ già, em thơ và những người nghèo khổ; nhất là vào những dịp Tết đến, xuân về. Mùa xuân năm 1962, trước tết Nhâm Dần, Bác muốn thăm những gia đình thật sự còn nghèo túng ở Thủ đô trong dịp giao thừa. Bác thương cảm vô cùng trước số phận người phụ nữ Nguyễn Thị Tín tần tảo đêm 30 Tết phải đi gánh nước thuê để lấy tiền đong gạo. Câu nói của Bác “Nhà cháu mà không đến thì Bác còn đến nhà ai!” đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tâm thức của biết bao người dân Việt Nam về nhân cách của một con người Việt Nam vĩ đại nhất. Bài học sâu sắc nhất Bác để lại là tinh thần “lá lành đùm lá rách”, lớn hơn là trách nhiệm của Chính phủ với nhân dân. Bác nhắc nhở: “Một Đảng cầm quyền mà để cho người dân nghèo hết còn chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân…”, “nếu dân đói, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân rét, Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân dốt là Đảng và Chính phủ có lỗi; nếu dân ốm là Đảng và Chính phủ có lỗi”(10). Vì vậy, chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là người nghèo. Người quan niệm cái gì có lợi cho nhân dân, cho dân tộc là chân lý và Người xem phục vụ nhân dân là phục vụ chân lý, làm công bộc cho nhân dân là một việc làm cao thượng. Vì lẽ đó cuộc đời hoạt động cách mạng của Người là tấm gương mẫu mực về gần dân, kính trọng, phục vụ nhân dân.
Nước nhà chưa được thống nhất, Bắc, Nam còn bị chia cắt, đồng bào còn bị đọa đày, lầm than, nô lệ luôn là nỗi canh cánh trong lòng Bác: “Một ngày mà Tổ quốc chưa được thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon ngủ không yên”, nếu có một người Việt Nam còn đói, rét, dốt, bệnh tật thì Hồ Chí Minh cho rằng mình chưa hoàn thành trách nhiệm, còn có lỗi với đồng chí, đồng bào. Ngày 14-7-1969 khi trả lời phỏng vấn nhà báo Macta Rohat báo Granma (Cuba), Hồ Chí Minh bộc bạch hết tâm can của mình: "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi"(11). Trong suốt cuộc đời mình, Hồ Chí Minh luôn day dứt với một suy nghĩ: Người chưa làm tròn nghĩa vụ cách mạng với dân, với nước. Vì thế, Hồ Chí Minh từ chối mọi danh hiệu, phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước, nhân dân, bạn bè quốc tế dành riêng cho Người. Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa II năm 1963 khai mạc đúng vào dịp chuẩn bị kỷ niệm lần thứ 73 ngày sinh của Bác. Trong kỳ họp này, các đại biểu Quốc hội đã nhất trí đề nghị Quốc hội trao tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Việt Nam, Hồ Chí Minh đã phát biểu rất chân thành: "Tôi vừa nhận được một tin tức làm cho tôi rất cảm động và sung sướng. Đó là tin Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao vàng, Huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận Huân chương ấy. Vì sao? Vì Huân chương là để tặng thưởng người có công huân; nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội". Và Người mong muốn: "Chờ đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc hòa bình, thống nhất, Bắc - Nam sum họp một nhà, Quốc hội sẽ cho phép đồng bào miền Nam trao cho tôi Huân chương cao quý. Như vậy thì toàn dân ta sẽ sung sướng, vui mừng"(12). Đến năm 1967 Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô quyết định tặng Bác huân chương Lê Nin- huân chương cao quý nhất của nhà nước Liên Xô nhưng Người cũng đã từ chối và hẹn ngày Bắc- Nam sum họp. Hồ Chí Minh bao giờ cũng muốn niềm vui riêng của Bác hòa trong niềm vui chung của toàn dân tộc. Nhưng đến ngày đó Bác đã đi xa. Và cho đến lúc ra đi trên ngực áo của Bác vẫn không một tấm huân chương.
Suốt đời chiến đấu không ngừng nghỉ không chỉ cho dân tộc Việt Nam mà còn cho cả nhân loại cần lao, Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc ta luôn được bầu bạn khắp năm châu ngưỡng mộ và khâm phục. Giai cấp tiến bộ trên thế giới đã có những cảm nhận chân thành, sâu sắc về Hồ Chí Minh không chỉ sau khi Người đã mất mà cả lúc Người còn hoạt động, thậm chí cả thời kỳ Người chưa trở thành lãnh tụ của nhân dân ta. Trong Từ điển Danh nhân văn hóa thế giới, trong lĩnh vực chính trị - xã hội, từ điển đã dành hai trang 332-333 ghi rõ: "Chủ tịch Hồ Chí Minh là ngọn cờ đầu của giải phóng dân tộc. Người đã dẫn dắt triệu triệu người Việt Nam cùng hàng ngàn triệu người nô lệ hơn 100 nước trên thế giới vùng lên giành độc lập tự do, chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới. Người đã làm nên cuộc đảo lộn thế giới chưa từng có từ sau khi chủ nghĩa tư bản lật đổ đế chế La Mã cổ xưa. Người đã vẽ lại bản đồ thế giới. Chủ tịch Hồ Chí Minh xứng đáng là Danh nhân văn hóa thế kỷ XX".
Bác Hồ - tên gọi thân thương mà tất cả người Việt Nam và bạn bè trên thể giới dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Người là hiện thân của khát vọng đấu tranh giành độc lập dân tộc, hạnh phúc cho con người, đúng như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh cao mà không xa, mới mà không lạ, to lớn mà không làm ra vĩ đại, sáng chói mà không gây choáng ngợp, gặp lần đầu mà như thân thuộc từ lâu”.
Nguồn: Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh
tại Phủ Chủ Tịch