Ngày đăng: 09/07/2018
“Uống nước nhớ nguồn” là truyền thống, đạo lý được hình thành và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là nguồn gốc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ - những người đã hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng. Truyền thống, tư tưởng đó mãi mãi được lưu giữ và phát huy trong phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” của dân tộc ta trong thời đại mới.
|
Bác Hồ thăm các thương binh nặng ở Trung tâm điều dưỡng Thuận Thành, Bắc Ninh.
(Ảnh tư liệu)
|
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, nhân dân ta luôn phải đương đầu với biết bao khó khăn, thử thách, thiên tai, dịch họa để tồn tại và phát triển. Trong các cuộc đấu tranh đó, biết bao người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh cho xã tắc bình yên, cho người dân được ấm no, hạnh phúc. Để ghi ơn công lao to lớn của những người sẵn sàng xả thân vì nghiệp lớn, các triều đại phong kiến đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ và động viên toàn dân chăm lo bằng những việc làm thiết thực; trở thành nét sống đẹp trong đời sống của người dân Việt Nam qua từng giai đoạn lịch sử và đúc kết thành truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Sự thể hiện tình cảm đó, được gắn kết chặt chẽ giữa tập tục tín ngưỡng với lòng biết ơn sâu sắc, sự ngưỡng mộ, tôn vinh những người con ưu tú của đất nước. Nhân dân ta lập đền, miếu thờ cúng, phong thần từ Đức thánh đến Thành hoàng làng và được thể hiện hết sức phong phú, sinh động trong đời sống cộng đồng, như: Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương (10-3 âm lịch), Hội Gióng Sóc Sơn (thờ vị Anh hùng làng Gióng), Lễ hội Đền Kiếp Bạc (thờ phụng Đức thánh Trần - Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn), Lễ hội Đống Đa (tưởng nhớ người Anh hùng “áo vải cờ đào” Quang Trung - Nguyễn Huệ)… Đó cũng là nét văn hóa đặc sắc của dân tộc ta, đã và đang được lưu truyền từ buổi đầu dựng nước, giữ nước cho đến ngày nay.
Cùng với sự phát triển của lịch sử, tư tưởng, đạo đức nhân văn của người Việt Nam đã được tôi luyện, khẳng định trong đời sống hiện thực và nâng lên tầm cao mới, trở thành đạo lý của dân tộc khi các triều đại phong kiến Việt Nam: Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê… ban hành và thực hiện nhất quán chế độ, chính sách đãi ngộ đối với những người đã quên mình vì nước, vì dân và thân nhân của họ. Sử cũ có ghi về chế độ tặng và tuất: “Thần tông, năm Thịnh Đức thứ ba (1655), định lệ tặng và tuất cho quan và binh chết trận. Phàm các chánh đội trưởng, đội trưởng ở các dinh cơ đội thuyền có dự cai quản cùng những binh lính được cử đi đánh giặc mà hết sức cố đánh, giản hoặc có người chết trận thì cai đội cai thuyền được tặng chức tả hiệu điểm và mỗi viên được cấp 20 mẫu quan điền; chánh đội trưởng và đội trưởng được gia tặng chức hữu hiệu điểm và mỗi viên được cấp 15 mẫu quan điền; binh lính thì được cấp 5 mẫu quan điền và cho con được miễn trừ việc quan, nếu chưa có con thì anh em hay cháu gọi bằng chú, bác ruột, một người được miễn việc quan”1. Đời vua Hiển Tông, năm Cảnh hưng thứ 5 (1774), chuẩn định rằng “phàm thuộc viên, tùy hiệu và tiện suất cùng là quân nhân các sắc mà chết trận đều được tặng chức một bực. Các thuộc viên tùy hiệu thì cho một người con trai được chức bát phẩm, có tài cán thì được bổ dụng, không có tài cán thì ở nhà. Quân nhân các sắc thì cho một người con trai được chức cửu phẩm. Người chết trận mà không có con trai thì thuộc viên tùy hiệu cấp cho 5 mẫu quan điền, quân nhân các sắc cấp cho 3 mẫu, giao cho cha mẹ hay vợ con, chỉ được ăn một đời. Lại như các quân nhân chết tại mặt trận thì viên quan binh tạm cấp cho mỗi người 3 quan, giao cho cơ đội và làm mộ chí để dễ nhận; còn tiền, gạo, khẩu phần của quân nhân đã chết thì cho cơ đội cứ chia như trước, cho vợ con hay thân thuộc được truy lĩnh, đợi khi tuyển suất điền khác thì thôi”2. Sắc chỉ Vua ban đã được thực hiện một cách nghiêm ngặt, bình đẳng, theo đúng sự cống hiến của từng người; huy động được sự quan tâm của toàn xã hội lúc bấy giờ đối với các đối tượng chính sách, động viên được tinh thần chiến dấu dũng cảm của người lính trên chiến trường và gia đình, hậu phương của họ.
Truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc đã được kết tinh thành nét đẹp văn hóa trong đời sống tinh thần của người Việt qua các giai đoạn lịch sử và được phát huy cao độ trong thời đại Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác Hồ được nuôi dưỡng và lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, thương nòi, đau cùng nỗi đau của dân tộc, chia sẻ cùng mất mát, đau thương của những người đã hy sinh vì dân, vì nước. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với trọng trách là Chủ tịch nước, Người luôn dành sự ưu ái đặc biệt cho các anh hùng liệt sĩ, những người đã cống hiến một phần xương máu của mình cho sự trường tồn của dân tộc. Bác nói: “Máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn liệt sĩ”3. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở mọi người dân phải luôn ghi nhớ điều đó, “ăn quả nhớ người trồng cây”, có cuộc sống như ngày hôm nay phải nhớ đến những người đã dũng cảm chiến đấu, hy sinh để bảo vệ nền độc lập, tự do của dân tộc. Tư tưởng của Người chính là phương châm hành động để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đề cao truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, thường xuyên quan tâm, chăm sóc các gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh một cách tận tình, chu đáo. Quán triệt tư tưởng đó, ở nhiều địa phương đã xuất hiện các hình thức tổ chức hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; tiêu biểu như: “Hội giúp binh sĩ tử nạn” (về sau đổi tên là Hội giúp binh sĩ bị thương) được thành lập đầu năm 1946 ở Thuận Hóa (Bình Trị Thiên), Hà Nội,… Chủ tịch Hồ Chí Minh là Hội trưởng danh dự. Hội đã quyên góp, ủng hộ quần, áo, giầy, mũ cho chiến sĩ ngoài mặt trận và khởi xướng Cuộc vận động “Mùa đông chiến sĩ”, làm dấy lên phong trào hoạt động đền ơn, đáp nghĩa rộng khắp.
Ngày 19-12-1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chiến tranh lan rộng ra nhiều vùng. Số người bị thương, hy sinh tăng lên, đời sống của quân và dân ta gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Trong tình hình đó, để góp phần ổn định đời sống vật chất và tinh thần của thương binh, gia đình liệt sĩ trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách quan trọng về công tác thương binh, liệt sĩ. Tháng 6-1947, đại biểu của Tổng bộ Việt Minh, Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc, Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc, Cựu chính trị Quân đội quốc gia Việt Nam, Nha thông tin tuyên truyền và một số địa phương đã họp tại Đại Từ (Bắc Thái) để bàn về công tác thương binh, liệt sĩ. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi xướng lấy ngày 27-7 làm “Ngày Thương binh toàn quốc” và tổ chức hằng năm trên cả nước để bày tỏ tình cảm, lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân đối với những người đã đóng góp máu, thịt của mình cho sự nghiệp cách mạng. Bác còn căn dặn toàn Đảng, toàn dân, cùng đoàn thể, chính quyền các cấp cần phải thương yêu, chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ. Bởi lẽ, “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”4.
Đến năm 1955, “Ngày Thương binh toàn quốc” được đổi thành “Ngày Thương binh, liệt sĩ”. Cứ đến ngày này hằng năm, Bác lại gửi thư nhắc nhở các bộ chủ quản, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng về công tác thương binh, liệt sĩ. Không chỉ thế, Người còn là tấm gương sáng, nói đi đôi với làm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ đó một cách thiết thực, để toàn dân tự nguyện noi theo. Bắt đầu từ ngày thương binh toàn quốc lần thứ Nhất (27-7-1947), Người đã “xin xung phong gửi 1 chiếc áo lót lụa của chị em phụ nữ đã biếu tôi, 1 tháng lương của tôi, 1 bữa ăn của tôi và của các nhân viên tại Phủ Chủ tịch, cộng là một nghìn một trăm hai mươi bảy đồng”5 ủng hộ. Những năm tiếp theo, cùng với việc gửi thư thăm hỏi ân cần, Người còn gửi tiền lương và các đồ dùng khác, như: khăn mặt, quần áo... mà đồng bào các nơi đã biếu Bác để góp vào quỹ, làm quà cho anh em thương binh, gia đình liệt sĩ. Trước lúc đi xa, Bác căn dặn toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta: Ngay sau khi cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đã hoàn toàn thắng lợi, công việc đầu tiên đối với con người là chăm lo cho thương binh và những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. “Đối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình... Đảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”. Đối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta. Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh, liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương... phải giúp đỡ cho họ có công ăn việc làm thích hợp, quyết không để họ bị đói rét”6.
Tư tưởng, hành động của Bác thực sự đã tiếp nối được truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” đậm chất nhân văn của dân tộc Việt Nam; trở thành một tấm gương sáng để mọi người học tập và noi theo. Thấm nhuần tư tưởng đó, 67 năm qua, trong điều kiện kháng chiến cũng như hòa bình, xây dựng và phát triển, dù đất nước vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, song Đảng, Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn đối với thương binh, liệt sĩ. Tiêu biểu như: Quyết định 142/TTg ngày 27-10-2008 của Thủ tướng Chính phủ “Về thực hiện chế độ đối với quân nhân tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có dưới 20 năm công tác trong quân đội đã phục viên, xuất ngũ về địa phương”; Quyết định 62/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ “Về chế độ, chính sách đối với đối tượng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Cam-pu-chia, giúp bạn Lào sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc” và nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến bảo đảm chế độ cho thương binh, liệt sĩ và thân nhân của họ. Hưởng ứng các chủ trương đó, nhân dân ta đã nhiệt tình, sôi nổi tham tham gia phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, chăm lo đối với người có công với Nước, cống hiến công lao cho Quân đội. Các cơ quan, đơn vị, địa phương luôn thực hiện tốt chủ trương đỡ đầu con liệt sĩ, bố trí việc làm cho con thương binh, bệnh binh nặng; hỗ trợ các trung tâm điều dưỡng thương binh, bệnh binh; thăm hỏi, tặng quà, tặng sổ tiết kiệm, công cụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người có công với cách mạng. Cả nước đã có hàng vạn “Nhà tình nghĩa”, “Nhà nghĩa tình đồng đội” được xây dựng để trao tặng những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình chính sách và cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các nghĩa trang liệt sĩ trên toàn quốc được cấp ủy, chính quyền và đồng bào cả nước chăm sóc, tu sửa, tôn tạo, tri ân. Nhiều thương binh đã được giúp đỡ vượt khó, vươn lên hòa mình vào cuộc sống của đất nước, xứng đáng là những người công dân kiểu mẫu, v.v. Những việc làm tình nghĩa đó đã góp phần làm giảm mất mát, đau thương, ổn định cuộc sống cho các gia đình thương binh, liệt sĩ; động viên họ tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tích cực tham gia xây dựng quê hương giàu đẹp.
Chúng ta đang sống trong điều kiện đất nước hòa bình. Điều có ý nghĩa thiết thực nhất là mỗi người cần tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện tốt mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công để truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam ngày càng tỏa sáng trong thời kỳ mới.
Nguồn tin: Tạp chí Quốc phòng toàn dân