Ban quản lý quảng trường hồ chí minh
và tượng đài bác hồ

Ngày đăng: 12/11/2018

Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, nhà văn hoá lớn của thế giới, cũng đồng thời là nhà giáo, người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới của Việt Nam. Đúng như Nghị quyết UNESCO đánh giá: "Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

1. TỪ THẦY GIÁO NGUYỄN TẤT THÀNH ĐẾN LÃNG TỤ HỒ CHÍ MINH

Chủ tịch Hồ Chí Minh sinh ra trong một gia đình nhà nho yêu nước tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông ngoại Hoàng Xuân Đường là một nhà nho, mở lớp dạy chữ Hán ngay tại nhà cho một số con em trong làng. Thân phụ Người - ông Nguyễn Sinh Sắc đi lên từ gia đình nông dân nghèo, đã bền chí phấn đấu khổ học cả nửa đời người quyết vươn tới đỉnh cao của kiến thức. Người dân xứ Nghệ từng lưu truyền về tinh thần ham học của ông Nguyễn Sinh Sắc rằng: “vì không có điều kiện học, nên cậu phải học mót, tức nghe lỏm người ta mà học và nhờ người khác bày hộ khi chăn trâu cắt cỏ”. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, được nhà vua ban áo mũ và biển Ân tứ ninh gia (tức là gia đình vui nhận được ơn của vua ban), trong nhà thờ họ Hoàng ở Hoàng Trù, ông Nguyễn Sinh Sắc không quên để trên bàn thờ vợ - bà Hoàng Thị Loan tấm biển vua ban có 4 chữ đó, xem như vinh hoa này có công lao to lớn của bà. Đây cũng là những bằng chứng thể hiện truyền thống hiếu học, khí chất của người dân xứ Nghệ nói chung và của gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh nói riêng. Đỗ cao nhưng ông Nguyễn Sinh Sắc chỉ làm quan trong một thời gian ngắn và sau đó sống bằng nghề dạy học, bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh cho nhân dân. Từ cuộc sống của bản thân mình, ông dạy cho các con đức tính kiên trì, chịu khó học tập. Ông đặt cho hai con trai tên mới: Nguyễn Tất Đạt (Sinh Khiêm), Nguyễn Tất Thành (Sinh Cung) với “Thành Đạt” là mong muốn của người cha đặt hy vọng vào hai con. Chính khí chất “kẻ sĩ thời loạn” của người cha và một nếp nhà coi trọng sự học làm người đã ảnh hưởng to lớn đến tâm thế Nguyễn Tất Thành. Ngay khi tuổi thiếu thời mất mát như vậy (bà Hoàng Thị Loan mất khi Nguyễn Tất Thành mới 11 tuổi), nhưng cũng như cha, Nguyễn Tất Thành không khi nào xao nhãng việc học. Năm 1906, Người học ở Trường tiểu học Pháp-Việt Đông Ba rồi trường Quốc học Huế năm 1907.

Dạy học chính là nghề đầu tiên trên bước đường đi tìm chân lý của Người. Trong những tháng ngày ngắn ngủi dạy học ở mái trường Dục Thanh (Phan Thiết, Bình Thuận), thầy giáo Nguyễn Tất Thành đã chứng tỏ khả năng cũng như định hướng về giáo dục, về vai trò của người thầy. Thầy dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc học sinh. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước, chẳng hạn bài Á tế á ca, bài Ca hớt tóc,... Thầy phụ trách thể dục buổi sáng của nhà trường, chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng như động Thiềng Đức, bãi biển Thương Chánh...Có thể nói, quãng thời gian dạy học dưới mái trường Dục Thanh đã tiếp tục hun đúc tuổi 20 sôi nổi của thầy giáo Nguyễn Tất Thành, bồi đắp thêm lòng yêu nước nồng nàn, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập, tự do.

Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng sau này, Hồ Chí Minh vẫn luôn là người thầy giáo mẫu mực, truyền đạt tri thức cho thế hệ sau. Khi bôn ba tìm đường cứu nước ở Pháp, Liên Xô, Trung Quốc, Thái Lan hay khi trở về nước ở chiến khu Việt Bắc, Người cũng đều quan tâm tới việc dạy học - dạy văn hóa để dạy chính trị cho những đồng chí công tác gần gũi mình và cho cả đồng bào địa phương. Người không chỉ là người thầy giảng dạy tri thức đơn thuần mà còn là tấm gương về nhân cách, lý tưởng sống, cách xử thế, giao tiếp... Thầy đã truyền cho các học trò của mình lý tưởng cách mạng, hoài bão “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, niềm tin mạnh mẽ vào lực lượng cách mạng vĩ đại của quần chúng nhân dân... Chất lượng hiệu quả, tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục- đào tạo cán bộ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được lịch sử kiểm nghiệm. Có thể nói hầu hết những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng ta đều là những học trò ưu tú của Người, có đồng chí cũng từng là nhà giáo như Người, như Trần Phú, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp...

2. “ NGƯỜI THẦY GIÁO TỐT LÀ NGƯỜI VẺ VANG NHẤT”

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm thầy giáo nhiều năm, đã từng đào tạo nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ cách mạng cho nên Người rất hiểu công lao to lớn và thầm lặng của người thầy. Một vấn đề mà Người hết sức quan tâm đó là vai trò và phẩm chất của người thầy giáo nhân dân trong sự nghiệp giáo dục. Giáo dục là sự nghiệp chung của Đảng, Nhà nước và toàn dân nhưng trực tiếp thực hiện nhiệm vụ này chính là đội ngũ giáo viên. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục... không có giáo dục, không có cán bộ thì cũng không nói gì đến kinh tế - văn hoá". Người phân biệt rõ vị trí khác nhau của người thầy trong xã hội cũ và xã hội mới: “Giáo viên ngày nay không phải là "gõ đầu trẻ kiếm cơm", mà là người phụ trách đào tạo những công dân tiến bộ, những cán bộ tiến bộ cho dân tộc”. Cách mạng tháng Tám thành công mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc, một chân trời rộng rãi cho giáo dục. Trong hoàn cảnh mới, giáo dục trở nên hết sức quan trọng và cấp bách. Ngày 3/9/1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu ra những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một trong những nhiệm vụ cấp bách nhất, thiết thực nhất mà chính quyền cách mạng vừa mới ra đời phải giải quyết trong hoàn cảnh khó khăn và thiếu thốn đó là “nạn dốt”. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Nạn dốt là một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân dùng để cai trị chúng ta…Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Lúc này, chỉ có đưa bình dân học vụ thành một phong trào vừa mang tính cách mạng vừa mang tính quần chúng mới có thể biến đổi một đất nước có tới 95% dân số mù chữ thành biết chữ trong một thời gian ngắn. Chiến dịch chống nạn mù chữ chính thức dược phát động từ ngày 8/9/1945 khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra các sắc lệnh: Sắc lệnh số 17 đặt ra một nha bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam; Sắc lệnh số 19 lập cho nông dân và thợ thuyền những lớp học bình dân buổi tối; Sắc lệnh số 20 định rằng việc học chữ quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền. Không thể chờ đợi đội ngũ giáo viên hàng chục vạn người được đào tạo chính quy qua các trường sư phạm, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ giáo viên là chồng đối với vợ, anh đối với em, con cái đối với bố mẹ, chủ nhà đối với người ăn, người làm..., tóm lại là người biết chữ dạy người không biết chữ. Người đánh giá rất cao đội ngũ giáo viên này và thường xuyên gửi thư động viên họ. Trong thư gửi anh chị em giáo viên bình dân học vụ ngày 1/5/1946, Người viết: “Anh chị em chịu cực khổ khó nhọc, hy sinh phấn đấu, để mở mang tri thức phổ thông cho đồng bào, để xây đắp nền văn hoá sơ bộ cho dân tộc. Anh chị em làm việc mà không lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người “vô danh anh hùng”… Một phần tương lai của dân tộc nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em. Tôi mong rằng trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự nỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang; đồng bào ta ai cũng biết đọc, biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng

Đối với đội ngũ giáo viên phổ thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ họ mang trên vai một “trách nhiệm nặng nề và vẻ vang”, vì vậy họ phải “chăm lo dạy dỗ con em của nhân dân thành người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước nhà”. Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (10/1964) Người ca ngợi: "Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản? Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo- là người vẻ vang nhất". Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề và cao cả đó, người giáo viên phải có năng lực và phẩm chất cao, phải có lòng yêu nghề, yêu trẻ, phải “làm kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”. Người giáo viên còn phải hình thành cho mình những năng lực sư phạm khác như năng lực dạy học, năng lực ngôn ngữ, năng lực tổ chức, năng lực giao tiếp,…

Ngoài việc nhắc nhở người giáo viên về học tập chuyên môn, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất lưu ý một vấn đề vô cùng quan trọng đó là học tập chính trị: “Ta là cán bộ chuyên môn, có chuyên môn mà không có chính trị giỏi thì dù học giỏi mấy dạy trẻ con cũng hỏng. Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ còn cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn”(6). Hồ Chí Minh đòi hỏi trước hết người giáo viên phải cải tạo tư tưởng bản thân mình: "Trước hết phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại, như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân; học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng: dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Người chỉ rõ: “muốn cải tạo tư tưởng thì phải nắm lấy vũ khí của chủ nghĩa Mác – Lênin”.Thật vậy, giáo viên là người đi khai sáng trí tuệ, mở mang tri thức, đem đến cho học sinh một tâm hồn cao đẹp, lành mạnh, trong sáng và tiến bộ. Nếu không tích cực học tập chủ nghĩa Mác- Lênin, thì không thể khai sáng được trí tuệ, không thể thắp sáng ngọn lửa tâm hồn của học sinh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Trẻ em như cái gương trong sáng, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu, cho nên phải chú ý giáo dục chính trị tư tưởng trước, chính thầy giáo, cô giáo cũng phải tiến bộ về tư tưởng”. Một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Ngược lại một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "óc những người tuổi trẻ trong sạch như một tấm lụa trắng. Nhuộm xanh thì nó sẽ xanh. Nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ. Vì vậy sự học tập ở trong trường có ảnh hưởng rất lớn cho tương lai của thanh niên, và tương lai của thanh niên tức là tương lai của nước nhà". Vì thế, Người căn dặn độingũ giáo viên: “Phải luôn luôn đặt câu hỏi: dạy ai? Nói chung là học trò. Dạy để làm gì? Dạy cho nó yêu nước, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu chủ nghĩa xã hội, hay đào tạo thành một lũ cao bồi. Lúc đó mới tìm cách dạy. Về cách dạy thì quần chúng công nhân, nông dân, trí thức có nhiều kinh nghiệm. Giáo viên nên khêu gợi những kinh nghiệm để tìm cách dạy tốt. Không phải ngồi chờ Bộ Giáo dục nghĩ ra”. Dạy trẻ, theo Người, “cần làm cho chúng biết yêu Tổ quốc, thương đồng bào, yêu lao động, biết vệ sinh, giữ kỷ luật, học văn hoá. Đồng thời phải giữ toàn vẹn tính vui vẻ hoạt bát, tự nhiên tự động trẻ trung của chúng, chớ nên làm cho chúng hoá ra già cả. Nhiều thư của các cháu gửi cho Bác Hồ viết như người lớn viết, đó là một triệu chứng già sớm cần nên tránh”. Phải làm cho trẻ vui mà học, học mà vẫn vui, bất cứ lúc nào, ở nhà, ở trường, trong xã hội, chúng đều vui, đều học. Như vậy, người thầy phải có tài, có đức, có uy tín, biết kết hợp với Đoàn, Đội, với gia đình và xã hội để cùng tham gia giáo dục

Về quan hệ thầy - trò, Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý phải có tính hai chiều, phải tạo được tính dân chủ trong học tập nhưng không phải dân chủ quá trớn: "đối với mọi vấn đề thầy và trò cùng nhau thảo luận, ai có vấn đề gì đều thật thà phát biểu, điều gì chưa thông suốt thì hỏi, bàn cho thông suốt, dân chủ nhưng trò phải phải kính thầy, thầy phải quý trò, chứ không phải "Cá đối bằng đầu".

Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, Đảng ta đã nhận thức rõ vị trí, vai trò của giáo dục. Điều đó đã được Luật giáo dục khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (điều 9), “Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển” (điều 13). Về vai trò, phẩm chất của người giáo viên, Văn kiện Hội nghị Trung ương 2 khoá VIII của Đảng đã chỉ rõ: "Giáo viên là nhân tố quyết định chất lượng của giáo dục và được xã hội tôn vinh. Giáo viên phải có đủ đức, tài...". Điều 15, Luật Giáo dục cũng quy định về vai trò và trách nhiệm của nhà giáo: “Nhà giáo giữ vai trò quyết định trong việc bảo đảm chất lượng giáo dục. Nhà giáo phải không ngừng học tập, rèn luyện nêu gương tốt cho người học. Nhà nước tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo; có chính sách sử dụng, đãi ngộ, bảo đảm các điều kiện cần thiết về vật chất và tinh thần để nhà giáo thực hiện vai trò và trách nhiệm của mình; giữ gìn và phát huy truyền thống quý trọng nhà giáo, tôn vinh nghề dạy học".

Vấn đề xây dựng đội ngũ giáo viên là vấn đề trọng tâm của ngành giáo dục, vì vậy trong thời gian qua Đảng ta đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên như củng cố và nâng cấp trường học, đặc biệt là các trường sư phạm, có chính sách thu hút học sinh giỏi vào ngành sư phạm, thực hiện chương trình bồi dưỡng thường xuyên, bồi dưỡng chuẩn hoá nhằm nhanh chóng đảm bảo số lượng giáo viên, nâng cao tỉ lệ giáo viên đạt chuẩn, nâng cao phẩm chất và năng lực cho giáo viên. Vì vậy trong những năm qua nền giáo dục Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy vậy vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi của xã hội. Sự thay đổi lớn lao trong xã hội ta hiện nay về mọi mặt, trong đó có giá trị về đạo đức, mà đội ngũ nhà giáo cũng không ngoại lệ, cũng bị cuống vào guồng máy chung của xã hội như một điều tất yếu, và nó đã góp phần làm thay đổi hành vi, lối sống nhà giáo. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, nhiều giáo viên đã tự đánh mất mình. Và hình ảnh người thầy giáo cũng vì thế mà mờ theo, nó không còn là giấc mơ của nhiều thế hệ học trò. Thậm chí những hiện tượng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua như giáo viên mẫu giáo dán băng keo vào miệng học sinh khiến cháu bị tử vong ở thành phố Hồ Chí Minh, giáo viên đánh học sinh rạn xương mũi ở Lâm Đồng, giáo viên túm tóc khiến học sinh chấn thương sọ não ở Quảng Bình,... cái đáng nhìn đến là nền tảng chung của đạo đức người thầy thời buổi hiện nay và nên đặt câu hỏi: Lương tâm nghề nghiệp của những thầy cô giáo đó có còn hay không? Rồi những sự kiện như ở Hà Nội, học sinh lớp 8 nhắn tin tán tỉnh, khủng bố cô giáo, ở An Giang học sinh lớp 7 đánh thầy giáo ngã gục trên bục giảng, ở Hà Tĩnh, học sinh bỏ thuốc chuột vào ấm nước của thầy vì bị kiểm điểm, ở Đà Lạt học sinh lớp 12 rút dao doạ đâm cô giáo trên bục giảng… đã nói lên điều gì về đạo đức học đường? đạo đức học sinh?

Điều đó càng làm cho chúng ta thấy rằng, cần phải quán triệt hơn nữa, vận dụng triệt để hơn nữa tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay.

                                                                                    Nguồn: Khu di tích chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ chủ Tịch